Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hải Dương thảo luận và quyết định nhiều nội dung hiện thực hoá khát vọng phát triển

ĐNA -

Sáng 5/7/2022, tại Trung tâm Văn hoá xứ Đông, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII tổ chức khai mạc Hội nghị lần thứ 11. Tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh: Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 thảo luận và quyết định 08 nội dung quan trọng. Đáng chú ý, dự thảo báo cáo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 là nội dung rất quan trọng, là cơ sở pháp lý, khoa học để lãnh đạo, chỉ đạo hiện thực hoá khát vọng phát triển của Hải Dương trong 30 năm tới…

Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII

Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương và đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chủ trì Hội nghị.
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng tỉnh Hải Dương lần thứ 11 diễn ra trong 2 ngày 5 – 6/7. Hội nghị tiến hành thảo luận, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng gồm: Dự thảo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022; báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.

Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội nghị cũng thảo luận, cho ý kiến về: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; báo cáo kết quả cuộc kiểm tra thứ nhất năm 2022 kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân và Chỉ thị số 48-CT/TU ngày 20/10/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên; báo cáo kết quả cuộc kiểm tra thứ hai năm 2022 kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và một số nội dung quan trọng khác.

Thảo luận những biện pháp đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp; giá xăng dầu, một số vật tư, nguyên liệu đầu vào và nhiều nhu yếu phẩm tăng cao… Nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Hải Dương đạt được nhiều kết quả tích cực và toàn diện.

Đáng chú ý, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước tăng 3,3%, giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng tăng 16,9%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 225 triệu USD, bằng 87% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm ước đạt 10.334 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Quả vải thiều và một số sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ tốt, được đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn giao dịch điện tử và xuất khẩu.

Đặc biệt, Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, công tác quốc phòng, an ninh được bảo đảm, quyết liệt đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội có hiệu quả đã góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở; công tác cải cách hành chính tiếp tục được cải thiện, công tác xúc tiến đầu tư, thương mại được đẩy mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho rằng, tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 còn có hạn chế, trong đó, tiến độ thực hiện các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị còn chậm; giải phóng mặt bằng vẫn là một điểm nghẽn ở một số địa phương; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; việc tháo gỡ vướng mắc trong việc giao đất cho doanh nghiệp thuê sản xuất, kinh doanh chậm được tháo gỡ; việc tính giá các dự án khu dân cư, khu đô thị còn chậm. Việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị giáo dục, vật tư, sinh phẩm y tế rất chậm, gây khó khăn cho công tác khám chữa bệnh và đời sống của nhân viên y tế…

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh: Hội nghị Ban Chấp hành Đảng tỉnh lần thứ 11 thảo luận và quyết định 08 nội dung quan trọng, nhất là thảo luận cho ý kiến về: Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, xác định những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; kết quả công tác xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022; kết quả các cuộc kiểm tra năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Đáng chú ý, về dự thảo báo cáo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, đồng chí Phạm Xuân Thăng khẳng định, đây là nội dung rất quan trọng, là cơ sở pháp lý, khoa học để lãnh đạo, chỉ đạo hiện thực hoá khát vọng phát triển của Hải Dương trong 30 năm tới…

Vì vậy, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Đảng tỉnh lần thứ 11 tập trung thảo luận, cho ý kiến đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, đề ra những biện pháp có tính đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng cuối năm 2022 để hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra, mà mục tiêu tăng trưởng bứt phá với 2 con số là mục tiêu quan trọng nhất.
Khẳng định những nội dung xem xét tại hội nghị lần này rất quan trọng, đồng chí Phạm Xuân Thăng đề nghị các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tập trung trí tuệ, tích cực tham gia nhiều ý kiến bổ ích, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề; thể hiện sự đổi mới, dân chủ trong sinh hoạt cũng như trách nhiệm và vai trò đóng góp của mỗi đồng chí trên cương vị công tác của mình.

Xác định tầm nhìn chiến lược tới năm 2050 trở thành tỉnh công nghiệp, hiện đại

Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đọc tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dự thảo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tại Hội nghị, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đọc tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dự thảo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Hải Dương xác định tầm nhìn chiến lược tới năm 2050 là phát triển tỉnh Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp, hiện đại, văn minh, phát triển bền vững và giàu bản sắc văn hóa xứ Đông. Phấn đấu đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trung tâm công nghiệp, đô thị hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng; là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của vùng đồng bằng sông Hồng.
Mục tiêu phát triển đến năm 2025, tỉnh Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, có hạ tầng kinh tế – xã hội khá đồng bộ; tiếp tục chuyển dịch kinh tế sang công nghiệp – dịch vụ, chủ trương ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến. Tăng GRDP thực tế bình quân đầu người ở mức cao hơn cả nước, đạt khoảng 114 triệu đồng. Đến năm 2030, phấn đấu xây dựng Hải Dương là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước, đứng thứ 4 trong vùng đồng bằng sông Hồng; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại; là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng. Tăng GRDP thực tế bình quân đầu người ở mức cao hơn cả nước, đạt khoảng 183 triệu đồng…

Theo dự thảo, phương án kịch bản tăng trưởng của tỉnh là tăng trưởng cao với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 12,5%; năm 2030, tỷ trọng cơ cấu kinh tế nông nghiệp – công nghiệp, xây dựng – dịch vụ sẽ đạt tương ứng là 4,8% – 63,9% – 31,3%. Kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm đứng thứ 6 cả nước, đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đọc tờ trình về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nêu rõ: 6 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 6 cả nước, đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng.

Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đọc tờ trình về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022

Đáng chú ý, kinh tế có sự phục hồi rõ nét, sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp – xây dựng có mức tăng trưởng cao, hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh trở lại hoạt động bình thường. Trong đó, hoạt động thương mại, dịch vụ khá khởi sắc, nhiều ngành lĩnh vực có mức tăng trưởng cao; công tác thông tin, xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh thành lập mới 861 doanh nghiệp, tăng 15,4% cùng kỳ năm trước. Tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Du lịch đã đón và phục vụ khoảng 377 nghìn lượt khách du lịch, trong đó có 14 nghìn lượt khách lưu trú và 363 nghìn lượt khách không lưu trú, doanh thu du lịch ước đạt 53,8 tỷ đồng… Bên cạnh đó, các lĩnh vực giáo dục, y tế, công tác quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội được thực hiện hiệu quả.

Cùng với những kết quả trên, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong 6 tháng đầu năm cũng còn nhiều hạn chế. Trên cơ sở chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng 10% trở lên. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung, quyết liệt, khẩn trương hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các chương trình hành động, kế hoạch, đề án… do Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành. Bảo đảm an toàn dịch bệnh, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục, ổn định. Nâng cao chất lượng, tạo sự chuyển biến trong cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc về thủ tục hành chính làm cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh…

Theo chương trình, Hội nghị sau khi nghe các báo cáo, tờ trình tại phiên khai mạc, các đại biểu sẽ chia tổ thảo luận, cho ý kiến vào các tờ trình. Dự kiến hội nghị sẽ bế mạc vào chiều 6/7/2022.

Minh Hòa – Hoàng Hạnh (nguồn Hải Dương)