Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM-58) cùng các Hội nghị Bộ trưởng liên quan vừa diễn ra tại Malaysia trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang có nhiều biến động phức tạp. Diễn ra vào thời điểm ASEAN đang thúc đẩy những bước phát triển mới, hội nghị cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, trong đó có cả những âm mưu chia rẽ nội khối. Một số thế lực bên ngoài đang lợi dụng tình hình để lôi kéo, gây sức ép, kích động mâu thuẫn giữa các quốc gia, nhằm làm suy giảm vai trò trung tâm và ảnh hưởng ngày càng lớn của ASEAN trong khu vực.

Từ một số vấn đề nảy sinh gần đây, một số ý kiến đã suy diễn rằng sự thống nhất và đoàn kết nội bộ của ASEAN đang “suy yếu”, cho rằng các quốc gia thành viên chỉ tận dụng khối này để phục vụ lợi ích quốc gia riêng thay vì vì mục tiêu chung của toàn Hiệp hội. Trước những nhận định sai lệch đó, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM-58) đã khẳng định mạnh mẽ giá trị bền vững và không thể thay thế của tinh thần đoàn kết ASEAN – yếu tố cốt lõi làm nên vai trò, vị thế của tổ chức trong khu vực và trên trường quốc tế.
Đoàn kết là nguyên tắc nền tảng trong cấu trúc và vận hành của ASEAN. Tinh thần này thể hiện rõ qua việc các quốc gia thành viên luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, đồng thời cùng nhau hợp tác để xử lý những vấn đề chung, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trong khu vực.
Trải qua hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, ASEAN đã xây dựng được hình ảnh là một tổ chức khu vực thành công, với uy tín ngày càng được khẳng định. Sự thành công này dựa trên các nguyên tắc nền tảng như tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, đồng thuận và không áp đặt.
Biểu hiện rõ nét của tinh thần đoàn kết chính là việc các nước thành viên không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tạo điều kiện duy trì ổn định và tránh các xung đột không cần thiết. ASEAN khuyến khích các nước cùng hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, thách thức nhưng luôn dựa trên cơ sở tôn trọng và tự nguyện. Khối cũng đã thiết lập được một nền tảng vững chắc để các quốc gia thành viên cũng như các đối tác bên ngoài khu vực đối thoại, tham vấn và cùng nhau xây dựng lòng tin chiến lược.
Vai trò trung tâm của ASEAN ngày càng được khẳng định rõ nét trong việc định hình cấu trúc khu vực, xử lý các vấn đề chiến lược và điều phối quan hệ với các nước lớn. ASEAN không chỉ là diễn đàn đối thoại, mà còn là lực lượng trung gian tạo đồng thuận trong các vấn đề khu vực, thông qua cơ chế hoạt động dựa trên sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên. Mỗi quyết định được đưa ra đều phản ánh tinh thần đoàn kết và thống nhất nội khối – nền tảng làm nên bản sắc ASEAN.
Thực tế cho thấy ASEAN đã gặt hái nhiều thành tựu quan trọng nhờ sự đoàn kết và thống nhất này. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng tinh thần đoàn kết ấy đang đứng trước nhiều thách thức. Một số thế lực bên ngoài đang cố tình lợi dụng tình hình để chia rẽ, lôi kéo, kích động các quốc gia thành viên, gây tổn hại đến sự đồng thuận và ảnh hưởng tới vị thế của toàn khối.
Để vượt qua những khó khăn hiện nay, ASEAN cần củng cố lại sự thống nhất nội bộ bằng việc tìm ra những điểm đồng thuận chiến lược, đồng thời vẫn tôn trọng sự đa dạng và chủ quyền của từng quốc gia. Trọng tâm then chốt là duy trì nguyên tắc đồng thuận – nguyên lý vận hành cốt lõi của ASEAN. Đây chính là cơ sở để giữ vững hòa bình và tránh xung đột, dù trong một số trường hợp, cơ chế này cũng khiến quá trình ra quyết định trở nên chậm chạp, đặc biệt khi tồn tại khác biệt về lợi ích giữa các thành viên.
Ngoài đồng thuận về cơ chế, ASEAN cần thúc đẩy đồng thuận về lợi ích chiến lược. Các quốc gia thành viên có những khác biệt rõ rệt về vị trí địa lý, lịch sử và định hướng đối ngoại: có nước gần gũi với Trung Quốc, có nước lại ngả về phương Tây. Do đó, để gắn kết, ASEAN cần xác định các lợi ích chung như: bảo vệ vai trò trung tâm của khối trong cấu trúc khu vực; đảm bảo ổn định và hòa bình ở Biển Đông; giữ vững an ninh khu vực; thúc đẩy phát triển Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); và xử lý khéo léo các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ quốc tế.
Đây là bài toán lớn mà ASEAN cần giải quyết để tiếp tục khẳng định giá trị trường tồn của tinh thần đoàn kết, nền móng của một ASEAN tự cường, thống nhất trong đa dạng và có vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực cũng như trên thế giới.
Đối với vấn đề Biển Đông, sự khác biệt về lợi ích và quan điểm giữa các quốc gia thành viên ASEAN đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với tinh thần đoàn kết nội khối. Một số nước như Việt Nam, Philippines có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc, trong khi các nước khác như Campuchia lại giữ quan điểm mềm mỏng hơn. Nếu ASEAN không tìm được tiếng nói chung trong cách tiếp cận vấn đề này, nguy cơ bị các cường quốc bên ngoài lợi dụng, chia rẽ là hoàn toàn có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên cũng là một trở ngại lớn đối với sự gắn kết thực chất của khối. Sự chênh lệch rõ rệt về trình độ kinh tế và xã hội – như giữa Singapore và Lào, hay giữa Việt Nam và Myanmar – khiến việc xây dựng một ASEAN đồng đều, thống nhất gặp không ít khó khăn. Thu hẹp khoảng cách phát triển là yếu tố then chốt để củng cố sức mạnh tập thể của ASEAN.
Trước thực tế đó, ASEAN cần tăng cường hơn nữa hợp tác và hỗ trợ nội khối, nhằm hướng tới một mô hình phát triển bền vững và công bằng. Việc chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm và thúc đẩy kết nối khu vực sẽ giúp các nước thành viên cùng nhau tiến bộ, giảm thiểu khoảng cách và tăng cường sự gắn kết.
Cuối cùng, việc xây dựng “bản sắc chung ASEAN” là yếu tố mang tính nền tảng. Một cộng đồng chỉ thực sự bền vững khi người dân của các quốc gia thành viên cảm thấy mình là một phần không thể tách rời của khối. Từ đó, tinh thần đoàn kết được khơi dậy từ chính xã hội, chứ không chỉ là cam kết ở cấp chính phủ. Bản sắc ASEAN sẽ là chất keo gắn kết, giúp khối vững vàng trước mọi thách thức, phát triển hài hòa trong sự đa dạng.
Như vậy, mấu chốt để ASEAN duy trì sự đoàn kết chính là việc hài hòa lợi ích, tăng cường lòng tin chiến lược giữa các quốc gia thành viên, đồng thời cùng cam kết xây dựng một cộng đồng chung trên nền tảng các nguyên tắc: đồng thuận, tôn trọng lẫn nhau và phát triển bền vững.
Trên cơ sở đó, ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần đoàn kết, xây dựng các cơ chế hợp tác hiệu quả và chủ động ứng phó với các thách thức từ bên ngoài. Mục tiêu hướng tới là một cộng đồng ASEAN gắn kết, bao trùm và phát triển bền vững – nơi mọi quốc gia thành viên đều có tiếng nói và vai trò riêng, nhưng cùng chia sẻ một tầm nhìn và định hướng chung.
Có thể khẳng định, đoàn kết là yếu tố then chốt giúp ASEAN không chỉ duy trì vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, mà còn đạt được các mục tiêu phát triển dài hạn. Dù đối mặt với không ít thách thức, song với quyết tâm và nỗ lực chung của các quốc gia thành viên, ASEAN hoàn toàn có thể tiếp tục củng cố sự đoàn kết, từ đó đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Tăng cường sự thống nhất và đoàn kết cũng là biện pháp hữu hiệu để ASEAN đối phó với những âm mưu từ bên ngoài, ngăn chặn việc lợi dụng các điểm yếu trong nội bộ nhằm phục vụ những lợi ích riêng biệt. Chỉ khi nội khối vững mạnh, ASEAN mới đủ sức vượt qua biến động, giữ vững vai trò và tiếng nói trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Kim Ngọc