Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hai ngày nhục nhã của Gorbachev là bài học không chỉ dành cho mỗi ông ta.



ĐNA -
Một bức ảnh hiếm hoi, chắc rất ít người được biết. Ảnh được chụp vào ngày 21/6/1994. Trong ảnh, M.Gorbachev, cựu Tổng thống Liên Xô bị triệu tập đến Tòa án Tối cao, với tư cách là nhân chứng. Tại đây, ông ta đã trải qua 2 ngày trả lời các câu hỏi của Tòa án và của nhân chứng.
Đấy có lẽ lần duy nhất trong đời mình, Gorbachev phải đứng trước Tòa, bị các tướng lĩnh cao cấp Liên Xô chỉ tay vạch mặt là kẻ phản bội Tổ quốc. Đó là tại phiên thẩm vấn trong quá trình xét xử Đại tướng Valentin Ivanovich Varennikov Anh hùng Liên Xô, nguyên Thứ trưởng Bộ quốc phòng Liên Xô. 
Đại tướng Valentin Ivanovich Varennikov Anh hùng Liên Xô, nguyên Thứ trưởng Bộ quốc phòng Liên Xô.

Đại tướng Valentin Varenikov bị bắt tháng 8/1991 sau vụ chính biến, dù không thuộc thành phần của Ủỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp. Varennikov không chính thức là thành viên của Ủy ban này, nhưng  vào ngày 18 tháng 8, ông đã cùng với Baklanov, Shenin và Boldin , đến gặp Gorbachev ở Foros để thuyết phục ông ta ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc. Ông bị buộc tội phản quốc và bị giam giữ tại Moskva.

Tháng 2/1994, Varenikov là bị cáo duy nhất trong vụ án Ủy ban Khẩn cấp Nhà nước từ chối ân xá, yêu cầu phải mở một Phiên tòa để xét xử ông. Ông cũng yêu cầu Tòa phải gọi Gorbachev đến với tư cách là nhân chứng.
Valentin Varenikov(15/12/1923 – 05/06/2009) là Anh hùng Liên Xô, cựu chiến binh cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và Afghanistan, tham gia vào các cuộc chiến ở Angola, Syria, Ethiopia, trưởng ban khắc phục hậu quả của vụ Chernobyl. Năm1991, Tổng tư lệnh Lực lượng Mặt đất, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô .
Ông đã được tặng thưởng Huân chương Quân công, hai Huân chương Lenin, bốn Huân chương Cờ Đỏ và nhiều huân huy chương khác.
….Trở lại phiên thẩm vấn. Theo hồi ký của đại tướng Varenikov, Gorbachev đến Tòa phải đi qua một đám đông giận dữ, giương biểu ngữ “Gorbachev- tên Giuda”, “Gorbachev-tên phản bội”, “Gorbachev phải bị xét xử”. Dù cảnh sát đông nghịt, có hành lang bảo vệ, người ta vẫn kịp ném cà chua, trứng thối, đồ hộp…vào Gorbachev và các tùy tùng.
Gorbachev có 2 ngày ở Tòa với tư cách nhân chứng. Ngày đầu tiên, ông ta bị công tố viên A. Danilov và thẩm phán nhân dân, tướng V. Podustov thẩm vấn. Mới bắt đầu, Gorbachev đã nói:
-Thưa Quý Tòa! Tôi đã suy nghĩ rất lâu không biết có nên đến phiên tòa này hay không?
-Thế cuối cùng là đến hay không đến? Chủ tọa ngắt lời và nhìn Gorbachev.
Gorbachev bối rối chuyển chân liên tục, thực sự là ông ta không thể giải thích bất cứ điều gì. Sau đó, Chủ tọa Thiếu tướng Tư pháp V.A. Yaskin nói:
– Nếu ông không xuất hiện trước tòa, người ta sẽ buộc ông phải đến. Ông là một nhân chứng.
Tiếp theo, với những câu hỏi của công tố viên A. Danilov và thẩm phán nhân dân, tướng V. Podustov ,đặc biệt là về sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, họ đã dồn Gorbachev vào chân tường theo đúng nghĩa đen. Bị “nóng gáy”, Gorbachev phải hét lên: “Tôi hiểu mình đang ở đâu!”, “Tôi hiểu đây là loại tòa án nào!” v.v … Nhưng Chủ tọa đã nhắc nhở ông ta, cảnh báo rằng cuộc điều tra tư pháp được tiến hành trong khuôn khổ của pháp luật và không có vi phạm nào cả.
Ngày thứ hai, là ngày mà bị cáo, đại tướng Varenikov được phép hỏi, Gorbachev chỉ trả lời. Varenikov chọn cách xưng hô duy nhất, chỉ gọi Gorbachev là “nhân chứng”.
Sau khi truy vấn Gorbachev, với tư cách tổng thống Liên Xô, ông ta có nghĩa vụ phải tuân thủ các các sắc lệnh và các quyết định khác của Xô Viết Tối cao của Liên Xô hay không và nhận được câu trả lời miễn cưỡng là có, Varenikov tiếp tục:
– Vậy thì hãy nói cho tôi biết, nhân chứng, tại sao ông lại không tuân thủ Nghị quyết  của Xô Viết tối cao Liên Xô ngày 23 tháng 11 năm 1990? Nó có tên gọi là “Về tình hình trong nước.” Phần nội dung của nghị quyết này nói rằng một tình huống khẩn cấp đã nảy sinh ở nước ta. Và trong đó một khuyến nghị đã được đưa ra: Tổng thống Liên Xô thực hiện đầy đủ, tức là, các biện pháp khẩn cấp để lập lại trật tự. Tại sao ông không làm điều đó?
Gorbachev lúng túng trả lời vòng vo không đúng câu hỏi. “Bị cáo” lại hỏi tiếp:
 -Chúng tôi đến chỗ ông ở Crimea vào tháng 8 năm 1991 (thời gian chính biến-ND). Đó là thời điểm 9 tháng sau Nghị quyết đó. Và chúng tôi đã đưa ra các đề xuất tương tự, như trong nghị quyết, đó là đưa ra tình trạng khẩn cấp khi tình hình yêu cầu. Và nếu các biện pháp được thực hiện vào cuối năm 1990, như đã được ghi trong Nghị quyết của Xô viết Tối cao, thì có lẽ, sẽ không có sự kiện nào xảy ra vào tháng 8 năm 1991. Tại sao ông lại không tuân thủ Nghị quyết?
Gorbachev lại tiếp tục vòng vo, tướng Varenikov nói với Tòa là nhân chứng Gorbachev tiếp tục cố tình kéo dài thời gian….Sau khi tiếp tục truy vấn Gorbachev thêm một số câu nữa, “bị cáo” Varenikov nói:
-Nhân chứng, bây giờ tôi sẽ đặt cho ông một câu hỏi, mà có thể không được thoải mái cho lắm. Nhưng tôi cần phải đặt ra câu hỏi đó.
Gorbachev khi đó đã ngồi trên ghế. Varenikov nhìn thẳng vào mắt Gorbachev hỏi:
-Hãy nói, nhân chứng, tại sao ông trong hoạt động của mình lại trở thành một kẻ phản bội Đảng và phản bội nhân dân của mình?
Tất nhiên, chưa ai từng nói điều đó với Gorbachev. Ông ta ngay lập tức bật dậy và bắt đầu hét lên: “Đây là sự tùy tiện, điều này là không thể chấp nhận được! Chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy? Tại sao các ông không chấn chỉnh ông ấy? ” Trong cùng một mạch, Gorbachev tiếp tục “nói” trong vài phút nữa. Chủ tọa cũng đứng dậy, nói rằng mọi thứ đang diễn ra trong khuôn khổ của thủ tục tư pháp … Đại tướng Varenikov nhìn thấy cảnh đó và nghĩ : “Điều này lẽ ra phải được nói với Gorbachev sớm hơn, ít nhất là vào năm 1987-1988. Có lẽ khi đó sẽ không xảy ra thảm kịch như vậy”.
Cuộc đọ sức đã kết thúc. Gorabachev tuyên bố:
-Tôi sẽ kiện ông ta!
– Đây là quyền của ông … Ông có thể khởi kiện tại nơi cư trú, – Chủ tọa V. Yaskin trả lời.
Varenikov nghĩ: “Sẽ tốt nếu ông ấy kiện. Tôi có hàng triệu nhân chứng”.
Những chi tiết về cuộc “đọ sức” này tại Phiên thẩm vấn xét xử đại tướng Varenikov mình dịch từ hồi ký của chính ông “Về Uỷ ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp”.
Varenikov viết tiếp:
“Có lẽ, trong cả cuộc đời của mình, Gorbachev chưa bao giờ trải qua sự sỉ nhục công khai như tại phiên tòa này. Đã từng có một sự sỉ nhục tại một cuộc họp của Xô Viết Tối cao CHXHCN Xô viết Liên bang Nga, khi Gorbachev đứng trên bục, và Yeltsin tiến lại gần và chỉ tay vào mặt Gorbachev, đưa ra tờ giấy và yêu cầu”Hãy đọc đi”.  Và ông ta đã phải đọc. Nhưng đó chỉ là một thời điểm. Nhưng đây là hai ngày thẩm vấn ông  ta với tư cách là nhân chứng. Hai ngày nhục nhã”.
Ảnh chụp vào ngày 21/6/1994. Trong ảnh, M.Gorbachev, cựu Tổng thống Liên Xô bị triệu tập đến Tòa án Tối cao

Cũng tại Phiên tòa này, Nguyên soái Pháo binh Vladimir Mikhailovich Mikhalkin khi được gọi lên với tư cách nhân chứng, ông đã tuyên bố: “Tội ác của Gorbachev là ông ta đã phá hủy hệ thống tên lửa Oka, hệ thống không có tương tự trên thế giới. Một người đàn ông ăn cắp một túi khoai tây, anh ta sẽ bị bỏ tù. Và khi làm thiệt hại hàng tỷ đô la cho đất nước và thiệt hại cho quốc phòng thì ông ta lại không phải chịu trách nhiệm gì”

 Sau nhiều ngày xét xử, một sự kiện hy hữu nhất trong thực tiễn tư pháp Liên Xô và Nga đã xảy ra – công tố viên yêu cầu tòa án tuyên bố bị cáo trắng án. Ngày 11/8/1994, Hội đồng quân sự của Tòa án tối cao, dưới sự chủ trì của Thiếu tướng Tư pháp V.A. Yaskin đã tuyên bố Valentin Varenikov trắng án.
….Sau khi chiến thắng tại Phiên tòa, đại tướng Varenikov tiếp tục con đường chính trị, Năm 1995, ông được bầu vào Duma Quốc gia của Liên bang Nga . Từ tháng 1 năm 1996 đến năm 1999, ông làm chủ tịch Ủy ban Đuma Quốc gia về các vấn đề cựu chiến binh. Ông mất ngày 6/5/2009.
Sau này, dù rằng không phải ra hầu tòa với tư cách bị cáo (tháng 4/2014 một số đại biểu Duma Quốc gia Nga (Yevgeny Fedorov, Anton Romanov (Đảng nước Nga Thống nhất), Ivan Nikitchuk, Oleg Denisenko (Đảng Cộng sản Liên bang Nga), Mikhail Degtyarev (Đảng dân chủ tự do )đã yêu cầu đem Gorbachev ra xét xử về tội đã lam tan rã Liên Xô), nhưng ít ra trong đời có một lần Gorbachev đã phải ra đứng trước Tòa, cúi đầu trước những lời cáo buộc hào sảng của một vị đại tướng Liên Xô về tội phản bội Đảng, phản bội nhân dân.
Từ chối ân xá, yêu cầu mở phiên toà xét xử chính mình, vạch tội kẻ phản bội tại đó và chiến thắng. Valentin Varenikov, ông đúng là một người Anh hùng !
Thế Cương/nguồn hồi ký của đại tướng Varenikov, Anh hùng Liên Xô.