(Huế). Chiều ngày 30/6/2024, với sự chủ trì của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, hai sự kiện cuối cùng của “Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2024” đã được tổ chức, đó là chương trình “Áo dài những cung bậc yêu thương” tại tòa nhà số 15 Lê Lợi và chương trình “Áo dài xuống phố” tại quảng trường Bia Quốc Học. “Tuần lễ Áo dài Cộng đồng Huế 2024” diễn ra từ ngày 24/6-30/6/2024 với rất nhiều hoạt động sôi nổi dành cho cộng đồng người dân Thừa Thiên Huế và du khách đã chính thức khép lại. Thành công rực rỡ của “Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2024” càng chứng tỏ hướng đi đúng đắn và những thành quả chắc chắn của đề án “Huế kinh đô áo dài Việt Nam” do Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì triển khai.
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban tổ chức Tuần lễ “Áo dài Cộng đồng Huế 2024” và khách tham dự
Áo dài những cung bậc yêu thương là chương trình trình diễn áo dài truyền thống Huế với 9 bộ sưu tập đặc sắc của các nhà thiết kế, nghệ nhân nổi tiếng của Huế trong lĩnh vực áo dài như Quang Hòa, Đoan Trang, Trần Thiên Khánh, Hồ Thị Nhớ, Nguyên Trang, Nguyễn Thị Hạnh (Hạnh SH)…thuộc Hiệp hội May mặc Thừa Thiên Huế. Các bộ sưu tập áo ngũ thân truyền thống, áo Nhật bình, áo dài cách tân, áo dài pha trộn phong cách mỹ thuật Dèng của đồng bào Tà Ôi huyện A Lưới mang đến sự phong phú, đa dạng mà lại rất độc đáo, riêng có của xứ Huế. Các bộ sưu tập áo dài cũng thể hiện rõ tình cảm đặc biệt của các nhà thiết kế nói riêng và người dân xứ Huế nói chung dành cho áo dài, loại trang phục được sản sinh ra từ Huế và tròn 280 trước đã được chúa Nguyễn phúc Khoát định chế thành trang phục chung của người Đàng Trong.
Bộ sưu tập Bóng Dáng Kinh Kỳ của nhà thiết kế Quang Hòa: Bộ sưu tập xuất phát từ những hoa văn họa tiết thọ, hoa lá, bát bửu dười triều Nguyễn kết hợp phối màu sắc tương phản tạo nên những bố cục đăng đối, hài hòa nhưng không kém phần mạnh mẻ và nam tính được thiết kế trên phom dáng áo dài ngũ thân truyền thống được in trên chất liệu taffta, kate silk.
Bộ sưu tập Họa Sắc Nhật Bình của nhà thiết kế Hạnh Mai (Cổ Trang Hoàng Cung): Bộ sưu tập lấy cảm hứng từ hoạ tiết hoa văn Tứ Thời, Bát Bửu và phượng hoàng trên trang phục Triều Nguyễn. Bộ Sưu tập thể hiện nét đẹp cổ phong tinh tế và mong muốn được gìn giữ nét đẹp văn hoá vào cuộc sống đương đại.
Bộ sưu tập Hòa Duyên của thương hiệu Hoa Nghiêm Việt Phục: Bộ sưu tập Hòa Duyên với điểm nhấn là các hoa văn, hoạ tiết Á Đông và Huế được thể hiện lại theo phong cách hoà nhập với cuộc sống đương đại qua các kỹ thuật dệt hay thêu trên các trang phục lấy cảm hứng từ cổ phục. Dấu ấn xưa thấp thoáng qua màu vàng cung đình, chiếc khăn xanh đội đầu, nút phụng đã khiến cho phục trang dù đã có cách tân nhưng vẫn mang hồn cổ và không kém phần trang trọng cho những dịp lễ của các cặp đôi nam thanh nữ tú hay cho những người yêu thích nét hiện đại chấm phá trên trang phục mang dấu xưa. Hoà duyên là sự giao hoà giữa những vốn cổ xưa cũ và cuộc sống đương đại. Hoà duyên là sự hoà nhập nhưng vẫn giữ được nét duyên xưa cũ.
Bộ sưu tập Dáng Xưa của Hạnh SH: Bộ sưu tập được thiết kế trên phom áo dài ngũ thân truyền thống với sắc màu trang nhã kết hợp vẽ trang trí hoa lá tạo điểm nhấn cho tà áo xinh động và duyên dáng với chất liệu linnen tạo cảm giác mát mẻ và sang trọng.
Bộ sưu tập Nhớ Linh Ly của nhà thiết kế Hồ Thị Nhớ: Huyện A lưới là một huyện miền núi nằm phía tây của tỉnh thừa Thiên-Huế giáp với nước bạn Lào, nơi đây chủ yếu là có 3 dân tộc thiểu số sinh sống đó là các dân tộc Tà ôi, Pa cô, Cơ tu trên dãy đường trường sơn hùng vĩ…..Dân tộc Tà ôi là dân tộc có nghề vải dèng nổi tiếng, người Pa cô và Cơ tu thì tuy không dệt được dèng nhưng lại rất thích sử dung vải dèng của người Tà ôi. Nghề dệt zèng là nghề đặc thù nhất của huyện A lưới và được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được rất nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Nhớ Linh Ly là bộ sưu tập được Nhà thiết kế Hồ Thị Nhớ sáng tạo dựa trên mẫu áo dài của Huế kết hợp với vải zèng truyền thống của huyện A lưới, từ đó tạo nên 1 mẫu áo dài truyền thống Huế tô thêm vẻ đẹp dịu dàng của con gái Tà ôi, Pa cô, Cơ tu khi họ khoác lên chiếc áo này. Nhà thiết kế Hồ Thị Nhớ không chỉ là nhà thiết kế mà cũng là nghệ nhân dệt ra các tấm vải zèng truyền thống của dân tộc Tà ôi, chị đã dung hợp, chuyển tải những nét đẹp độc đáo của kỹ thuật dèng lên tấm áo dài Huế.
Bộ sưu tập Sắc màu của nhà thiết kế Nguyên Trang: Bộ sưu tập được thiết kế trên phom áo dài ngũ thân truyền thống với sắc màu sinh động, hài hòa kết hợp vẽ trang trí hoa lá tạo điểm nhấn cho tà áo duyên dáng với chất liệu linnen tạo nên sự năng động trẻ trung.
Bộ sư tập Hồn lụa Việt của thương hiệu lụa tơ tằm Thiti: Với ý tưởng từ hình ảnh Nam Phương Hoàng Hậu, và những bậc vương giả xưa, bộ sưu tập Hồn lụa Việt mang đến hơi thở của dòng thời gian, những hoài niệm về một quá khứ vàng son đã qua. Sử dụng chất liệu lụa tơ tằm sản xuất tại Việt Nam, kết hợp những hoa văn hoạ tiết dệt trên vải mang đậm bản sắc dân tộc Việt, càng thôi thúc những người Việt Nam yêu mến tà áo dài dành sự ưu ái đặc biệt cho dòng chất liệu truyền thống này. Những fom dáng của tà áo dài truyền thống nhưng luôn mang một nét duyên dáng sang trọng từ sự nền nã và trân quý từ chất liệu tạo nên sản phẩm mang tính đặc trưng riêng biệt. Bộ sưu tập Hồn lụa Việt sẽ mang đến cho người xem một cái nhìn tổng thể hơn với những giá trị văn hoá truyền thống, thông qua tà áo dài của người Việt xưa cùng sợi dây nối kết kéo dài đến hôm nay và mãi mai sau.
Bộ sưu tập Huyền thoại cố đô của nhà thiết kế Đoan Trang: Màu ánh kim bạc, màu ánh kim vàng… cùng những gam màu phảng phất vẻ đẹp hoài cổ gợi lên tinh thần hoàng tộc như kể về Huyền thoại cố đô qua những thiết kế độc đáo của nghệ nhân, nhà thiết kế Đoan Trang. Mỗi bước đi một bóng hồng để lại phía sau một Huyền thoại cố đô nên thơ, nên nhạc. Những vườn hoa ngự uyển lắng nghe thời gian, nở trong thành xưa nay là Huyền thoại cố đô. Những áng mây, ánh nắng, cành cây, chiếc lá đều trở thành dòng sông lấp lánh câu chuyện huyền thoại của mảnh đất Huế nơi từng ghi dấu tinh hoa và tài hoa hội tụ. Bằng sự tỉ mỉ trong trang trí, những chiếc áo dài được thổi vào từng đường nét như nụ hoa trên cổ áo, như những cánh hoa lay nhẹ trong gió thu trên cánh tay điệu đà, những tà áo điểm xuyết bởi họa tiết cung đình như cánh hạc bay lên, mây xanh hạ xuống… khiến mỗi trang phục một cá tính, lộng lẫy và quý phái. Áo dài qua bàn tay thiết kế tài hoa, tinh tế của nghệ nhân, nhà thiết kế Đoan Trang – người từng được tôn vinh hạng mục giải cao tại Liên hoan Quốc tế thêu và Trang sức lần II ở Uzbekistan trở thành tác phẩm nghệ thuật. – Bộ sưu tập “Thủy phụng tề phi” của nhà thiết kế Trần Thiện Khánh: Bộ sưu tập được lấy cảm hứng từ hoạ tiết phượng hoàng triều Nguyễn và thuỷ ba thời Lý – Trần để tôn vinh nét đặc sắc trong văn hoá Việt Nam.Phượng hoàng – họa tiết trang phục triều Nguyễn – thể hiện sự vương giả, uy nghi. Còn họa tiết thủy ba – những làn sóng nước mềm mại thời Lý Trần lại mang đến cảm giác thanh thoát, yên bình..
Chương trình ngày hội Áo dài xuống phố do Công ty truyền thông và sự kiện Huế Show- Unity Dance Studio phối hợp với câu lạc bộ Cố đô Model Club, câu lạc bộ Chim Quyên, Nhà thiết kế Đoan Trang thực hiện. Đây là một chương trình nhảy flasmob với áo dài mang tính cộng đồng độc đáo với sự tham gia của hơn 300 em thiếu niên nhi đồng, thành viên của các câu lạc bộ thiếu nhi trên địa bàn thành phố Huế, tạo nên một không khí vui tươi, sôi động và cực kỳ cuốn hút ở khu vực quảng trường Bia Quốc Học, thành phố Huế. Các bài hát làm nền cho các điệu nhảy flasmob như Việt Nam ơi, Nối vòng tay lớn, Mùa hè tuyệt vời, Một thoáng quê hương… đều do các ca sỹ nhí thực hiện và đều rất thành công.
“Tuần lễ Áo dài Cộng đồng Huế 2024” với rất nhiều hoạt động sôi nổi dành cho cộng đồng người dân Thừa Thiên Huế và du khách đã chính thức khép lại. Thành công rực rỡ của “Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2024” càng chứng tỏ hướng đi đúng đắn và những thành quả chắc chắn của đề án “Huế kinh đô áo dài Việt Nam” do Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì triển khai.
Thế Cương