Từ năm 1306, toàn bộ đất Thuận Hóa trở về với người Việt sau đám cưới của công chúa Huyền Trân với vua Chàm Chế Mân. Về danh nghĩa, biên giới phía nam của Đại Việt đã đưa vào đến bờ bắc sông Thu Bồn nhưng trên thực tế, núi Hải Vân mới là bức tường thành khổng lồ che chắn cho vùng đất phương Nam của nước ta. Trên ý nghĩa này, trong Dư Địa Chí, Nguyễn Trãi mới gọi Thuận Hóa là đất phên dậu của tổ quốc. Tuy chưa đủ tài liệu minh xác nhưng chắc chắn hồi ấy nhà Trần đã cho xây dựng quan ải phòng thủ trên đỉnh đèo Hải Vân.
“Đi bộ thì sợ Hải Vân
Đi thủy thì sợ sóng thần Hang Dơi”
Có lẽ đã từ xưa, xưa lắm câu ca dao trên đã xuất hiện để diễn tả nổi lòng những kẻ buộc phải băng qua cửa ải hùng vỹ này trên con đường Thiên lý. Dù đường bộ hay đường thủy người ta đều phải chạm trán Hải Vân Sơn, trên núi thì đèo dốc, dưới bể thì sóng thần. Hải Vân Sơn- Hải Vân Quan trở thành biểu tượng cho sự thử thách mà bất cứ kẻ nào muốn “làm trai cho đáng nên trai” cũng phải chinh phục để khẳng định chính mình. Từ xưa đến nay cũng đã không ít người tốn giấy hao mực để ca tụng danh thắng kỳ vỹ được mệnh danh là Thiên hạ đệ nhất hùng quan này. Khảo cứu về lịch sử, giá trị của Hải Vân Sơn cũng đã có không ít bài viết có giá trị, bài viết dưới đây chỉ là một sự bổ sung nhỏ vào các nghiên cứu trên.
Hải Vân Quan và tuyến đường Thiên Lý thời Nguyễn. Ảnh tư liệu.
Vài nét về địa -sinh thái của Hải Vân Sơn
Hải Vân Sơn là ngọn núi cuối cùng của một mạch núi đâm ngang ra biển lớn nhất của dãy Trường Sơn hùng vỹ. Theo giáo sư Trần Quốc Vượng, đây cũng là đường phân giới cả về địa chất và địa lý trong thiên nhiên nước ta, giữa Bắc và Nam. Bắc, là cảnh quan đá vôi karstic với các hang động kỳ thú, rừng gió mùa chí tuyến, cân bằng bức xạ quá 75kcal/cm2/năm hay tổng nhiệt độ 75000C của vùng chí tuyến.
Nam Ải Vân, là những đới rừng á xích đạo, cân bằng xích đạo, cân bằng bức xạ 95kcal/cm2/năm hay tổng nhiệt độ 95000C và càng vô Nam, núi non càng trơ trụi, để lộ các khối đá hoa cương (gramit) hùng vĩ..(1)
Với vị trí là đường phân giới Bắc – Nam cả về địa chất và địa lý như vậy, bản thân Hải Vân sơn đã là một kỳ quan của nước ta, xét trên nhiều ý nghĩa. Nói riêng về khí hậu Hải Vân, giữa hai bên sườn núi cái cảnh “bên nắng đốt, bên mưa rây” vẫn rất thường xảy ra. Thi sĩ Tản Đà, một lần qua núi đã phải thốt lên: “Hải Vân đèo lớn vừa qua, Mưa xuân ai bỗng đổi ra nắng hè”.
Nhưng có lẽ, cái làm cho Hải Vân Sơn được chú ý hơn và nổi tiếng hơn trong lịch sử là cụm quan ải nằm chính giữa đỉnh núi: Hải Vân Quan. Chính cửa ải nằm cheo leo trên độ cao gần 500m này đã làm cho tên núi Hải Vân được liên tục xuất hiện trong các trang sử vàng son của dân tộc.
Di tích Hải Vân Quan hiện nay nằm cách thành phố Huế 85km về phía nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 28km về phía bắc, ở tọa độ 16011′ độ vỹ bắc, 1080 7′ độ kinh đông (trên bản đồ nhà nước UTM).
Hải Vân Sơn- Hải Vân Quan trong lịch sử
Từ năm 1306, toàn bộ đất Thuận Hóa trở về với người Việt sau đám cưới của công chúa Huyền Trân với vua Chàm Chế Mân. Về danh nghĩa, biên giới phía nam của Đại Việt đã đưa vào đến bờ bắc sông Thu Bồn nhưng trên thực tế, núi Hải Vân mới là bức tường thành khổng lồ che chắn cho vùng đất phương Nam của nước ta. Trên ý nghĩa này, trong Dư Địa Chí, Nguyễn Trãi mới gọi Thuận Hóa là đất phên dậu của tổ quốc. Tuy chưa đủ tài liệu minh xác nhưng chắc chắn hồi ấy nhà Trần đã cho xây dựng quan ải phòng thủ trên đỉnh đèo Hải Vân.
Hàng thế kỷ sau các cuộc giao chiến ác liệt giữa đôi bên Việt-Chàm vẫn thường xảy ra ở hai bên ranh giới này dù nhà Hồ đã từng lấy được các vùng Chiêm Động, Cổ Lũy để lập ra đất Thăng-Hoa-Tư-Nghĩa. Mãi sau lần Nam chinh đại thắng của vua Lê Thánh Tông, đầu năm 1471, đẩy biên giới Đại Việt vào tới chân đèo Cù Mông, Hải Vân Sơn mới hết là vùng đất tranh chấp. Tuy nhiên, bản đồ Hồng Đức vẽ năm 1490 vẫn tính toàn bộ khu vực từ Hải Vân Sơn cho đến bờ bắc sông Thu Bồn (đất huyện Điện Bàn, châu Thuận Bình và châu Sa Bôi) thuộc về đất Thuận Hóa, tức là dãy núi này chưa phải là ranh giới giữa hai trấn Thuận-Quảng.
Khu vực thủ phủ Phú Xuân kéo dài đến Hải Vân Sơn trên bản đồ Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá (1686), có ghi rõ Ải Vân Sơn.
Nhưng khoảng 80 năm sau, khi nhuận sắc sách Ô châu cận lục (1555), Tiến sĩ Dương Văn An đã xác nhận: “Núi ở cửa ải Hải Vân thuộc huyện Tư Vinh… Đây là ranh giới giữa hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam…có cửa ải phòng thủ” (2)
Như vậy là từ trước năm 1555, núi Hải Vân đã trở thành ranh giới của hai xứ Thuận – Quảng. Điều này lại mâu thuẫn với Lê Quý Đôn khi ông cho rằng: ” Họ Nguyễn lấy huyện Điện Bàn – phủ Triệu Phong dựng làm phủ, quản 5 huyện, lệ vào xứ Quảng Nam.” (3) (Vì mãi đến năm 1558, Nguyễn Hoàng, vị chúa Nguyễn đầu tiên mới vào Thuận Hóa nên việc đổi Điện Bàn từ huyện thành phủ và cho thuộc vào đất Quảng Nam phải xảy ra sau thời điểm này). Không lẽ Lê Qúy Đôn đã có sự nhầm lẫn?
Tuy đã hoàn toàn nằm trong vùng đất do người Việt kiểm soát nhưng Hải Vân Sơn vẫn luôn được những người đứng đầu chính quyền Việt Nam đánh giá là một vị trí chiến lược xung yếu trên con đường Nam-Bắc, đặc biệt là từ khi họ Nguyễn vào Nam. Không những chỉ có chúa Nguyễn Hoàng xem dãy núi này “là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”; hơn trăm năm sau, hậu duệ của ông, chúa Nguyễn Phúc Chu khi đi qua đây còn cảm tác viết cả một bài thơ :
“Việt Nam hiểm ải thử sơn điên,
Hình thế hỗn như Thục đạo thiên
Đản kiến vân hoành tam tuấn lãnh,
Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên..” (4)
Tạm dịch :
Việt Nam ải hiểm là đây,
Tựa đường vào Thục non xây chập chùng.
Ngước lên đỉnh núi mây lồng,
Hay đâu người ở tận cùng trời xanh.
Bài thơ này cùng hình ảnh Ải Vân Quan đã được chúa cho thể hiện bằng bản vẽ rất sinh động trên đồ sứ ngự dụng hồi bấy giờ.
Nói chung, dưới thời các chúa Nguyễn trị vì tại Đàng Trong (1558-1775), Hải Vân Sơn và Hải Vân Quan (lúc ấy gọi là Ải Vân Sơn) đã rất được quan tâm. Hồi bấy giờ, để vượt qua đèo Hải Vân, người ta có thể đi bằng ba con đường : Thượng đạo, Trung đạo và Hạ đạo, đường nào cũng có các đồn canh phòng của quân đội chúa Nguyễn. Trong ba tuyến đường trên, trừ Hạ Đạo là con đường biển, Trung Đạo và Thượng Đạo đều là đường núi. Xem các bản đồ Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư (TNTCLĐT) của Đỗ Bá, vẽ năm 1686 và Gíap Ngọ Niên Bình Nam Đồ (GNNBNĐ) của Đoan quận công Bùi Thế Đạt, vẽ năm 1774, chúng ta đều thấy rất rõ các con đường này (xem bản đồ 2). Đáng chú ý là hai con đường Thượng Đạo và Trung Đạo cách rất xa nhau. Trong TNTCLĐT, Trung Đạo đi khá gần bờ biển và được hướng dẫn: “Trọ thì ở quán Cao Đôi, ăn thì ở Tứ Chính. Trọ.., ăn thì ở núi Ải Vân” (5). Còn Thượng Đạo chính là “…một con đường ở phía trên vốn bị cấm không cho đi”, nhưng nếu đi thì nên: “Trọ thì ở Cao Đôi, ăn thì ở Cây Mít. Trọ thì ở quán Chân Đẳng” (6). Đi trên con đường này, Đỗ Bá tiên sinh còn mô tả: “Trên núi Ải Vân, có một cái đầm, gọi là Rổ Đó, rộng mà sâu, có thể lén ẩn thuyền ở đấy, mà bắn lên người trên núi Ải Vân, cho nên có câu nói rằng: ” Một người chiếm cứ chỗ hiểm, thì ngàn người không thể đi qua”, là thế ấy vậy”. Còn ở bản đồ GNNBNĐ, hai đường Thượng Đạo và Trung Đạo sau khi vượt qua Ải Vân Sơn thì gặp nhau và hòa lại thành một con đường tại ngã ba có chú tên Mộc Giới Cấm Thành. Đây có lẽ là ranh giới giữa hai xứ Thuận Hóa – Qủang Nam tại đỉnh đèo trong thời kỳ này vì nó phù hợp với lời mô tả của sách Đại Nam Nhất Thống Chí : “..ở xứ Thạch Bàn về phía bắc đèo, có khắc chữ vào mốc gỗ..”. (7)
Ngoài ra, nếu so sánh giữa hai bản đồ này chúng ta còn thấy, khi Bùi Thế Đạt vẽ GNNBNĐ thì tại khu vực núi Hải Vân, các công trình nhân tạo đã xuất hiện nhiều hơn rất nhiều so với non thế kỷ trước, thời điểm Đỗ Bá vẽ TNTCLĐT. Đó là những quán, tự, miếu, quán Sướng, kiều(cầu), Sơn trung đa viên, Ải Vân Sơn, Ải Thiên.vv..
Khu vực giáp ranh Thuận Hóa và Quảng Nam trên bản đồ Giáp ngọ niên bình nam đồ (1774) của Đoan quận công Bùi Thế Đạt.
Những bản đồ này xem ra rất phù hợp với lời mô tả của nhà Lê Quý Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục, viết năm 1776 : “Ải Vân Quan ở huyện Tư Vang, trên lên tận trời xanh, dưới xuống tận biển cả, là đất cổ họng của Thuận Quảng, có đồn canh và tuần ty, trên từ Yên Nguyên, dưới đến Ô Rô đều khám xét” (8).
Năm 1775, quân Trịnh nhân cơ hội chính quyền chúa Nguyễn Đàng Trong lâm vào thế khủng hoảng đã tràn vào chiếm đất Thuận Hóa. Để tăng cường sức phòng thủ cho cụm quan ải trên đỉnh Hải Vân, chúng đã cho xây dựng thêm Đỉnh Lũy nhưng công trình này về sau bị nghĩa quân Tây Sơn san phẳng trong lần tấn công chiếm Thuận Hóa, năm 1786.
Đầu thế kỷ XIX, sau khi thống nhất đất nước, triều Nguyễn đã chọn Huế làm kinh đô, Hải Vân Quan trở thành cửa ngõ phía Nam của Kinh sư. Các vua Nguyễn kế thừa đường lối của tổ tiên (các chúa Nguyễn), đều hết sức quan tâm củng cố cho Hải Vân Quan.
Có thể cho rằng, Hải Vân Quan là một cụm công trình với nhiều yếu tố cấu thành làm nên một pháo đài quân sự khá kiên cố. Cụm quan ải này gồm tọa lạc giữa đỉnh đèo Hải Vân, gồm 5 công trình chính là: hai chiếc cửa vòm, nhà Trú Sở (nơi ăn ở, làm việc của quan Trấn thủ), Võ Khố (kho chứa thuốc súng) và hệ thống thành lũy bao bọc quanh cụm đồn phòng thủ. Ngoài ra còn có các khẩu thần công, hệ thống bậc cấp.vv…
Năm 1921, Cosserat trong bài viết “Lũy phòng thủy trên đèo Hải Vân” đăng trên tập san BAVH đã khảo tả lại các dấu tích của cụm đồn phòng thủ gắn liền với quan ải Hải Vân và các khu vực lân cận. Ông cũng cho rằng, trong thời kỳ thịnh trị của vương triều Nguyễn, đây là đồn phòng thủ vô cùng kiên cố tại mặt nam kinh đô Huế. Và cho đến thời điểm đó, những vách tường, một số khẩu thần công vẫn còn tồn tại. Các khẩu thần công ấy vẫn hướng về phía Đà Nẵng…
Sơ đồ minh họa của H.Cosserat (BAVH, 1921) về cụm đồn phòng thủ trên Hải Vân, các khẩu thần công đều hướng về phía Đà Nẵng.
Gắn liền với cụm quan ải- đồn phòng thủ ở đỉnh đèo, phía dưới biển, triều Nguyễn còn có cụm đồn phòng thủ ở tấn Hải Vân và trên đảo Sơn Chà. Riêng đảo Sơn Chà được vua Minh Mạng đặt tên là Ngự Hải Đài, đóng vai trò như đồn tiên tiêu bảo vệ mặt biển của kinh đô về phía nam.
Về thời điểm xây dựng, đúng như sách Đại Nam Nhất Thống Chí và sách Đại Nam Thực Lục chép, việc xây dựng cụm công trình này diễn ra vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Hai tấm hoành phi bằng đá thanh gắn trên hai cửa vòm mang tên Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan đều xác nhận điều này, lạc khoản đều ghi : Minh Mạng thất niên cát nhật tạo (xây vào ngày tốt năm Minh Mạng thứ 7-1826).
Thành lũy của Hải Vân Quan chia làm hai phần. Phần thứ nhất bao quanh Trú Sở và Võ Khố, tạo nên một vòng thành với chu vi gần 100m, có cửa nhìn về phía đông (phía Huế) mang tên Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan và cửa nhìn về hướng nam (phía Đà Nẵng) mang tên Hải Vân Quan. Phần thứ hai dài gần 60m, nối từ cửa Hải Vân Quan sang ngọn đồi phía tây (băng ngang qua đường quốc lộ 1A hiện nay). Tường lũy đều xây bằng đá núi tại chỗ, cao thấp tùy theo địa hình nhưng đều khoảng trên dưới 2m. Về kích thước của hai chiếc cửa vòm Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan, chúng tôi đã khảo sát khá kỹ. Kích thước thực tế của các cửa như sau: cửa vòm mang tên Hải Vân Quan, cao 6,15m, rộng 7,7m, dày 6,37m; cửa vòm mang tên Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan, cao 5,2m, rộng 7,9m, dày 4,75m (cả hai cửa đều không tính phần xây thêm về sau). Còn các di tích Trú Sở, Võ Khố nay đều đã bị phá hủy, dấu vết còn lại chỉ là phần nền móng các đoạn tường xây bằng đá núi nối liền giữa hai tòa cổng này.
Dưới triều Nguyễn, không chỉ xem trọng Hải Vân Quan với tư cách là một pháo đài quân sự , các vua Nguyễn còn luôn xem đây là một thắng cảnh hàng đầu của đất nước. Vua Minh Mạng gọi đây là Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan và lấy tên này đặt cho cửa ải xây mặt về phía kinh đô. Năm 1835, khi đúc Cửu Đỉnh, hình ảnh Hải Vân Sơn-Hải Vân Quan đã được khắc nổi vào Dụ Đỉnh.
Trong giai đoạn đầu thời Nguyễn, lực lượng bố trí ở đồn Hải Vân thường khoảng 50 người cắt phiên từng tháng thay nhau canh giữ, từ năm 1848 trở đi, bổ sung thêm thành 80 người, trong đó có khoảng 20 là lính pháo binh vì có đặt thêm đại bác. Khi thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng, lực lượng ở đây tăng cường lên 350 người. Nhiệm vụ của họ không chỉ là phòng thủ trên đỉnh đèo mà còn phải quan sát và báo về kinh đô các tàu lạ của nước ngoài xâm nhập.
Khi vào xâm lược nước ta, thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ đều rất chú trọng đến Hải Vân Quan. Di tích này bị chúng biến thành một pháo đài kiên cố khống chế toàn bộ khu vực đèo Hải Vân và vùng biển lân cận. Hai cửa vòm Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan đều trở thành các lô cốt và được xây cao thêm gần 4m; hệ thống thành lũy phần bị phá hủy, phần bị xây cất chắp vá thêm để hòa nhập với hơn chục chiếc lô cốt bê tông cốt thép đặt rải rác quanh đó… Hải Vân Quan bị biến tướng hoàn toàn, rồi sau chiến tranh di tích này dần dần bị rơi vào quên lãng.
Hải Vân quan trước và sau khi tu bổ (ảnh internet)
Hải Vân Sơn -Hải Vân Quan ngày nay
Ngày nay núi Hải Vân vẫn là ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên – Huế và thành phố Đà Nẵng. Thắng cảnh tuyệt đẹp này sau khi bị tàn phá đến trơ trụi trong chiến tranh nay đang dần hồi phục nhờ nỗ lực lớn lao của chính quyền và nhân dân hai tỉnh ở hai bên sườn núi. Nhưng riêng cụm di tích Hải Vân Quan, dù sừng sững giữa đỉnh đèo, sát bên đường quốc lộ 1A vẫn không được quan tâm, tu bổ trong suốt mấy chục năm qua! Đó là nguyên nhân khiến Hải Vân Quan ngày càng trở nên hoang phế, xuống cấp. Cũng do chưa được công nhận là di tích lịch sử nên tại khu vực này, người ta đã xây dựng một công trình kiến trúc mới -trạm thu sóng Vi ba -có thừa sự bề thế nhưng lại quá thiếu vẻ mỹ thuật và sự hòa nhập với cảnh quan ở đây; và hơn thế, tuyến đường điện cao thế với các cây cột thép cao vút cũng được dựng gần di tích Hải Vân Quan!
Nhận thức được vị thế và vai trò đặc biệt quan trọng của di tích Hải Vân Quan, từ năm 1997, Trung tâm Bảo Tồn Di Tích Cố Đô Huế đã lập hồ sơ đề nghị công nhận cụm di tích Hải Vân Quan là di tích quốc gia, nhưng đáng tiếc là do tranh chấp về địa giới hành chính, nên hồ sơ này đã không được xem xét, thông qua.
Mãi đến đầu năm 2017, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng thông qua sự kết nối của Cục Di sản Văn hóa đã cùng nhau hợp tác xây dựng hồ sơ di tích Hải Vân Quan. Ngày 14/4/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định số 1531/QĐ-BVHTTDL công nhận Hải Vân Quan trở thành di tích cấp quốc gia, đây cũng là di tích quốc gia đầu tiên đưiọc giao cho hai địa phương cùng quản lý, phát huy giá trị.
Sau khi di tích Hải Vân Quan được công nhận, một dự án trùng tu tổng thể công trình này đã được hai địa phương phối hợp xây dựng. Cùng với quá trình này, di tích đã được tiến hành khai quật khảo cổ học để bổ sung các nguồn tư liệu cần thiết. Ngày 19/12/2021, dự án trùng tu di tích Hải Vân quan được khởi công và đến giữa năm 2024, công tác trùng tu phục hồi di tích đã hoàn thành. Dự kiến đầu tháng 8/2024, di tích Hải Vân Quan se mở cửa để phục vụ du khách.
Có thể nói, Hải Vân Quan vẫn là một bộ phận cấu thành trong quần thể di tích cố đô Huế (là cửa ngõ mặt nam của kinh đô) nên việc đưa di tích này vào trong quần thể chung để bảo tồn là hết sức cần thiết. Theo khuyến nghị của các chuyên gia UNESCO, Thừa Thiên cần bổ sung các di tích thuộc quần thể di tích cố đô nhưng chưa được ghi vào Danh mục của UNESCO năm 1993 (trong đó có chùa Thánh Duyên, Hải Vân Quan) vào hồ sơ tái đề cử cho quần thể di tích cố đô Huế sắp tới. Chính vì vậy, việc trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan với sự phối hợp chặt chẽ của hai địa phương: tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Đà Nẵng là rất kịp thời và phù hợp. Hơn thế, Hải Vân Quan còn đóng vai trò là cầu nối, là điểm nhấn quan trọng trên con đường Di Sản Miền Trung, từ Quảng Bình vào Quảng Nam, kết nối các di sản thế giới: Phong Nha Kẻ Bàng- Cố đô Huế- Đô thị cổ Hội An- Thánh địa Mỹ Sơn.
Nếu được bảo tồn và phát huy đúng cách, cụm di tích vốn được mệnh danh là Thiên hạ đệ nhất hùng quan này còn là một nguồn lực rất lớn để phát triển du lịch, dịch vụ.
TS. Phan Thanh Hải
1.Trần Quốc Vượng (1998), Bản sắc văn hóa dân tộc qua sắc thái văn hóa Huế, in trong Việt Nam Cái Nhìn Địa Văn Hóa, Nxb Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội.
2.Dương Văn An (1997), Ô Châu Cận Lục, bản dịch của Trịnh Khắc Mạnh và Nguyễn Văn Nguyên. Nxb KHXH, Hà Nội, trang 19.
3.Lê Qúy Đôn Toàn Tập (1969), tập I: Phủ biên tạp lục, bản dịch của Viện Sử Học, Nxb KHXH, Hà Nội, trang 150.
4.Trên đồ sứ ngự dụng thời chúa Nguyễn, bài thơ này có tên là ẢI LĨNH XUÂN VÂN, có đủ tám câu làm theo thể Đường Luật. Nhà nghiên cứu đồ sứ Trần Đình Sơn đã có lần công bố bài thơ này trên tạp chí Sông Hương, số
5, 6, 7. Hồng Đức Bản đồ (1962), Tủ sách Viện Khảo cổ, Bộ quốc gia giáo dục Sài Gòn, tr 92. Các bản đồ đã dẫn ở trang 92-93.
8.Về tấn Hải Vân, sử liệu của triều Nguyễn ghi: “Tấn Hải Vân ở phía đông nam huyện Phú Lộc, cửa biển rộng 27 trượng, thủy triều lên sâu 6 thước 5 tấc, thủy triều xuống sâu 4 thước 5 tấc, phía nam là chân núi Hải Vân, phía bắc là bãi cát An Cư, có đặt thủ sở, xét hỏi hành khách và tuần phòng ngoài biển”. (Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, Huế, tập 2, tr 177).