Theo hãng tin AP cho biết, trong ngày 26/7/2025, giao tranh giữa lực lượng Thái Lan và Campuchia tại khu vực biên giới đã bước sang ngày thứ ba liên tiếp, buộc hàng chục ngàn người dân phải tìm nơi ẩn náu. Diễn biến leo thang này làm dấy lên quan ngại về một cuộc xung đột kéo dài, khi số người thiệt mạng đã lên tới 32, trong đó có cả dân thường và binh sĩ hai bên.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn kín vào cuối ngày thứ Sáu tại New York, trong bối cảnh xung đột biên giới giữa Thái Lan và Campuchia tiếp tục leo thang. Malaysia, quốc gia hiện giữ chức Chủ tịch ASEAN, khối khu vực gồm 10 thành viên bao gồm cả Thái Lan và Campuchia đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch và đề nghị đóng vai trò trung gian hòa giải.
Dù không đưa ra tuyên bố chính thức sau cuộc họp, một nhà ngoại giao của Hội đồng tiết lộ rằng toàn bộ 15 thành viên đều đồng thuận kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, thực hiện kiềm chế và thúc đẩy giải pháp hòa bình cho tranh chấp. Vị này cũng cho biết Hội đồng khuyến khích vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc hỗ trợ giải quyết xung đột, song từ chối nêu tên do tính chất riêng tư của phiên họp.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp, Đại sứ Campuchia tại Liên Hợp Quốc Chhea Keo, người đã đề nghị triệu tập cuộc họp khẩn khẳng định Phnom Penh đang yêu cầu một “lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện”, đồng thời kêu gọi các bên lựa chọn giải pháp hòa bình.
Trước các cáo buộc rằng Campuchia phát động tấn công, ông Chhea Keo phản bác bằng cách đặt nghi vấn: “Làm sao một quốc gia nhỏ, không có không quân, có thể mở cuộc tấn công vào một nước lớn hơn nhiều với lực lượng quân đội gấp ba lần? Chúng tôi không làm điều đó.”
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi kiềm chế, thúc đẩy giải pháp ngoại giao
Đại sứ Campuchia tại Liên Hợp Quốc, ông Chhea Keo, cho biết Hội đồng Bảo an đã kêu gọi cả hai bên “kiềm chế tối đa và sử dụng giải pháp ngoại giao”, một thông điệp phù hợp với lập trường mà Phnom Penh đang theo đuổi.
Khi được hỏi về kỳ vọng sau cuộc họp, ông Keo chia sẻ một cách thận trọng: “Hãy chờ xem liệu lời kêu gọi này có được tất cả các bên lắng nghe hay không.”
Trong khi đó, Đại sứ Thái Lan tại Liên Hợp Quốc đã rời khỏi cuộc họp mà không đưa ra bất kỳ bình luận nào với báo giới.
Cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình, đồng thời phản ánh sự lo ngại ngày càng gia tăng trong cộng đồng quốc tế về nguy cơ xung đột lan rộng tại khu vực Đông Nam Á. Dù chưa có bước đột phá cụ thể, lời kêu gọi kiềm chế và đối thoại từ Liên Hợp Quốc cùng vai trò trung gian tiềm năng của ASEAN đang được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội hạ nhiệt căng thẳng, mở đường cho một giải pháp hòa bình lâu dài giữa Thái Lan và Campuchia.
Thế Nguyễn