Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam: Công bố “Bộ ẩm thực tiêu biểu cụm Miền Trung – Tây Nguyên”



ĐNA -

Chiều ngày 14/12/2022, tại Đà Nẵng đã diễn ra lễ công bố “Bộ ẩm thực tiêu biểu cụm Miền Trung”. Theo đề cử từ các địa phương, có 127 món mặn, 8 món chay, 4 món ẩm, 12 món tráng miệng và 1 món gia vị được đề cử, cho thấy sự đa dạng của nền văn hóa ẩm thực miền Trung. Sự kiện do Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Đà Nẵng – DCCA, tổ chức; đơn vị trực tiếp thực hiện là Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp Sông Hàn – SongHan Incubator (SHi).

Ông Lý Đình Quân – Chủ tịch DCCA, Cụm trưởng Cụm Miền Trung, Trưởng BTC, chia sẻ về quá trình kết nối, thu thập các món ẩm thực tiêu biểu. Ảnh trong bài: T.N.

Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) cho biết, sắp đến (vào dịp 22/12/2022) “Hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam”, sẽ chính thức công bố Bộ ẩm thực tiêu biểu Việt Nam (trong đó cụm Miền Trung có 40 món). Đây cũng là lần đầu tiên, các món ăn, thức uống vốn quen thuộc với người dân ở các vùng miền đất nước, du khách được tuyển chọn, đánh giá và đưa vào “Bộ ẩm thực tiêu biểu”.

“Kỳ vọng của chúng tôi là từ hiểu biết, đến nhận diện các món ẩm thực, chúng ta lan tỏa rộng khắp tình yêu về những giá trị ẩm thực rất đặc sắc của mỗi vùng, mỗi miền, tạo thêm động lực, niềm tin cho công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước”, ông Lê Tân, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Trưởng ban Nghệ nhân VCCA chia sẻ.

Được biết, đề án “Hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam” được VCCA tiên phong thực hiện, nhằm tìm kiếm và tôn vinh văn hóa ẩm thực của các vùng miền trên khắp đất nước Việt Nam.

Chụp ảnh lưu niệm cùng Bún chả cá Đà Nẵng.

“Đề án hướng đến việc nâng cao kiến thức cho người dân về những món ẩm thực đặc sắc của các vùng miền; tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế ẩm thực theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm; tuyên truyền, quảng bá văn hóa ẩm thực đến với du khách trong và ngoài nước”, ông Lã Quốc Khánh – Phó Chủ tịch thường trực VCCA, cho biết.

Tại khu vực miền Trung, trong 6 tháng triển khai đề án, Hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam nhận được sự hưởng ứng của các địa phương với hơn 152 món ẩm thực được đề cử bởi các Sở Du lịch, Sở Văn hóa thể thao, Các Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực hay Trung tâm xúc tiến du lịch của 19 tỉnh, thành phố.

“Các món được đề cử bám sát 4 tiêu chí: Lịch sử, xuất xứ của món ẩm thực: món ẩm thực phải được làm với nguyên liệu đặc trưng của địa phương và có cách chế biến phù hợp với vùng miền. Cơ sở đề xuất món ẩm thực, đó là, được đề xuất từ giới chuyên môn, nhà khoa học dinh dưỡng, nghệ nhân, hoặc những vùng dân cư nơi sản sinh ra món ẩm thực đó, có thể là cá nhân, tập thể, cộng đồng.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú ý chuỗi giá trị của món ẩm thực. Món phải có chuỗi giá trị gắn với tiêu chí ở từng giai đoạn, từ nuôi trồng, thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản, nấu nướng, bàn ăn và phục vụ. Và đồng thời, phải đáp ứng những yêu cầu về khoa học, dinh dưỡng, an toàn, phương diện kinh tế, phương diện chất lượng. Cuối cùng là khả năng công nghiệp hóa, thương mại hóa, tính lan tỏa của món” – ông Lê Tân, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Trưởng ban Nghệ nhân VCCA chia sẻ.

Các Bếp trưởng là những người đã góp phần giữ gìn tinh hoa ẩm thực Miền Trung – Tây Nguyên, tinh hoa ẩm thực Việt.

Theo ông Lý Đình Quân – Chủ tịch DCCA, Cụm trưởng Cụm Miền Trung, Trưởng BTC, trong lần đầu tiên triển khai đề án tại địa bàn Miền Trung – Tây Nguyên, BTC đã gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Đúng là câu chuyện vạn sự khởi đầu nan…Tuy nhiên, cuối cùng, với sự hưởng ứng nhiệt thành, bỏ qua những ngỡ ngàng ban đầu về tiêu chí cho bộ ẩm thực tiêu biểu của cụm, Miền Trung – Tây Nguyên, đã có một thu hoạch với 152 món đề cử, góp mặt cho chặng cuối của “Hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam”.

Cũng theo ông Lý Đình Quân, qua làm việc một số nơi có những món ăn địa phương đã quen thuộc, thậm chí đã có thương hiệu; điều cần quan tâm, là nhận thức về giá trị ẩm thực đặc sản còn rời rạc. Chủ nhân của các đặc sản chưa thấy hết mối tương quan giữa ẩm thực và văn hóa, ẩm thực và thói quen tiêu dùng, cũng như ẩm thực với tư cách là một sản phẩm của thị trường tiêu dùng, sản phẩm độc đáo cho thị trường du lịch. Đề án “Hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam”, sẽ nỗ lực chia sẻ cùng các địa phương, hỗ trợ để nâng cao giá trị ẩm thực đặc sản.

Đặc sản xứ Nghệ.

“Văn hóa ẩm thực Việt Nam là nét đặc trưng hình thành từ lịch sử, đời sống thói quen ăn uống vùng miền trải dài từ Bắc chí Nam. Và đặc biệt, trải rộng trên diện tích hơn 150.000 km², ẩm thực miền Trung, bao hàm sự mộc mạc tự nhiên của ẩm thực vùng Bắc Trung Bộ, hương vị biển đậm đà trong ẩm thực các tỉnh duyên hải miền Trung hay sự hòa quyện của văn hóa các dân tộc anh em ở khu vực Tây Nguyên. Ngoài ra, không thể không nhắc đến văn hóa ẩm thực của vùng đất Cố đô Huế, với những nét độc đáo riêng có do sự ảnh hưởng của văn hoá cung đình và kiểu cách của con người xứ Huế.

Với mong muốn giữ gìn, tôn vinh và phát triển nền văn hóa ẩm thực Việt Nam, Masan Consumer rất tự hào khi được đồng hành cùng sự kiện này, cùng “Hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam”.

Đại biểu trải nghiệm đặc sản Xứ Huế.

Kỳ vọng của chúng tôi là góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa ẩm thực Việt, một nền văn hóa ẩm thức đặc sắc, mà cả thế giới đều khen ngợi và trân trọng; đồng thời, cũng là dịp đẩy mạnh đều khắp việc tuyên truyền, quảng bá giới thiệu các món ăn đặc sản của mỗi vùng miền đất nước đến mỗi người dân và bạn bè quốc tế. Đây cũng là đóng góp nhỏ của Masan Consumer cho phát triển bền vững, đồng thời cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp hàng tiêu dùng thực phẩm với cộng đồng”, bà Đinh Hồng Vân – Giám đốc tiếp thị cấp cao ngành Gia vị, CTCP hàng tiêu dùng Masan Consumer, đại diện cho nhãn hàng đồng hành cùng chương trình (CHINSU), bày tỏ./.

T.Ngọc