Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hát đúng lời không chỉ tôn trọng pháp luật, tôn trọng nhạc sĩ sáng tác mà còn thể hiện đúng hồn ca khúc



ĐNA -

Mỗi ca khúc sáng tác ra đều qua quá trình “thai nghén” của người nhạc sỹ, người sáng tác từ nhạc đến lời. Trong một ca khúc, ngoài phần nhạc thì lời bài hát (ca từ) cũng có một vị trí hết sức quan trọng thể hiện giá trị của bài hát. Người sáng tác, ai cũng muốn “đứa con tinh thần” của mình được phổ biến rộng rãi ra công chúng một cách trọn vẹn, không bị “chế biến” cắt xén từ nhạc đến lời. Mong muốn là như vậy và Luật Tác quyền cũng đã có nhưng quy định khá cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, tình trạng ca sỹ hát sai lời bài hát ngày càng trở nên phổ biến, đến nỗi có một số ca sỹ tên tuổi đã phải lên tiếng xin lỗi khán giả khi hát sai lời bài hát do mình trình bày…

Khánh Thy – ca sĩ gây xôn xao khi quên lời trên sóng trực tiếp ngày 2/9/2022

Người viết thường hay nghe hát cả trên truyền hình lẫn đài phát thanh và thấy rằng, hiện nay tình trạng này không hiếm. Lấy một ví dụ, ca khúc “ Về đây nghe em” của Trần Quang Lộc, trong buổi giới thiệu bài hát này trên chương trình “Một thời hào hùng và lãng mạn” của Đài tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh (VOH), tôi đã nghe các ca sỹ trình bày bài hát này mỗi người đều có những đoạn lời không giống nhau, đôi khi chỉ là một từ. Còn trên trên karaoke thì khỏi phải nói, chẳng biết đâu là lời chuẩn, đâu là lời “chế”. Ở một trường hợp khác là bài “Những ánh sao đêm” của cố nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu. Đây là một bài hát rất hay, đi mãi cùng năm tháng, được sáng tác năm 1962, bắt nguồn từ những cảm xúc của nhạc sĩ khi vào một đêm hè, từ căn phòng nhỏ của mình trên tầng cao một khu chung cư ở Thủ đô Hà Nội, khi ông nhìn về phía khu tập thể Kim Liên đang xây dựng và thấy dưới ánh đèn công trường là sự tấp nập, hối hả làm việc của bao công nhân…Bài hát thể hiện tình cảm của người công nhân xây dựng quê ở miền Nam nhưng tập kết ra Bắc, dành cho người yêu phương xa trong hoàn cảnh đất nước còn bị chia cắt. Bài hát này do nam ca sỹ thể hiện bài này là phù hợp nhất vì lời bài hát là lời tâm sự, tự sự của một người con trai dành cho người yêu ở phương Nam. Vậy mà, trong chương trình “Những giai điệu vượt thời gian” trên Đài PTTH Quảng Nam (QRT), sau khi người dẫn chương trình giới thiệu xuất xứ về bài hát này, đến phần trình bày là một nữ ca sỹ thì ca từ của bài hát đã đổi khác so với ca từ gốc, cụ thể là cô ca sỹ này đã đổi hết danh xưng trong bài hát và gần như chuyển bài hát qua một chủ đề khác không giống với chủ đề của bài hát gốc. Mở đầu bài hát gốc là “làn gió thơm hương đêm về quanh khu nhà  TÔI mới cất xong chiều qua, TÔI đứng trên tầng gác thật cao nhìn ra chân trời xa xa…”. Vậy mà khi hát, cô ca sỹ này đã đổi lại thành: “làn gió thơm hương đêm về quanh khu nhà  ANH mới cất xong chiều qua, EM đứng trên tầng gác thật cao nhìn ra chân trời xa xa…”. Và cứ như vậy, bài hát trở thành lời tâm sự của cô gái gửi gắm đến một anh thợ xây cũng chỉ ở đâu đó trên đất Bắc. Tóm lại là, bài hát chỉ đúng về nhạc, giai điệu, còn về nội dung, tuy đa số các ca từ được giữ nguyên nhưng chỉ vì đổi hết các danh xưng mà bài hát hầu như đã xa dời cái “hồn cốt” mà người nhạc sỹ tài hoa đã truyền cảm hứng làm say đắm biết bao thế hệ. Thật đáng tiếc và đáng buồn. Đó là chưa nói đến việc sửa lời bài hát một cách tùy tiện còn là vi phạm về tác quyền trong Luật Sở hữu trí tuệ nữa.

Trong thực tế, có thể một số ca sỹ khi hát đã quên lời hoặc nhầm lời và cũng có khi là tự chế ra lời để hát  mà không nghĩ đến ý nghĩa của ca từ mà nhiều khi người nhạc sỹ đã phải “vắt óc” chắt chiu từng câu chữ, ngữ nghĩa để viết ra. Cũng vì sai lời nên đôi khi đã làm thay đổi ý nghĩa của bài hát mà tác giả muốn truyền đạt đến người nghe. Đó là chưa kể chỉ một vài ca từ mà làm giảm giá trị của bài hát mà người ca sỹ vô tình không biết. Đối với những ca sỹ nghiệp dư thì việc hát sai lời có thể “bỏ qua” nhưng đối với những ca sỹ chuyên nghiệp, nhất là những ca sỹ có tên tuổi thì là điều không nên có, nhất là trên các chương trình nghệ thuật lớn, được truyền hình trực tiếp. Đó là chưa kể đó là hành vi thiếu tôn trọng tác giả, vi phạm tác quyền…

Bên cạnh tình trạng hát quên lời, sai lời, còn một tình trạng nữa cũng khá phổ biết là tình trạng chế lời. Đôi khi trong cuộc vui, họp mặt, tiệc tùng…, có thể ai đó hát những bản nhạc chế, mà có người gọi là “hát xuyên tạc” để thêm phần “vui vẻ”, có thể chấp nhận được, nhưng bây giờ người ta đã  hát nhạc chế một cách “chính thống” . Điển hình nhất là trong các đoạn nhạc quảng cáo phát trên tivi mỗi ngày. Nhạc đã có sẵn, chỉ việc chế lời để  phục vụ cho việc quảng cáo cho một sản phẩm nào đó. Theo Quyền nhân thân của tác giả, quy định tại Khoản 4, Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và sửa đổi, bổ sung năm 2009 có nêu: “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”. Căn cứ Quyền tài sản của tác giả quy định tại Điểm a Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, việc sữa chữa, cắt xén, công bố tác phẩm, làm tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc (bao gồm các tác phẩm nổi tiếng hay không nổi tiếng) khi chưa được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cho phép là hành vi xâm phạm quyền tác giả, những tác phẩm này được gọi là tác phẩm phái sinh bất hợp pháp. Rõ ràng, cách làm như vậy có thể gọi là “đạo nhạc”, là vi phạm tác quyền. Ngoài ra nó còn “méo mó nghệ thuật” khi có không ít bài hát, đoạn nhạc chế nghe rất phản cảm, chối tai. Đơn cử như có một thời gian, mỗi khi mở tivi sẽ “được nghe” một ca sỹ nổi tiếng, người được mệnh danh là một trong những Diva của làng âm nhạc Việt, lăng xê cho một thương hiệu phở ăn liền khi tham gia một đoạn quảng cáo chế lời của bài hát Nhớ về Hà Nội, một sáng tác nổi tiếng của cố nhạc sỹ Hoàng Hiệp. Đoạn nhạc “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ…phở Hà Nội / Sợi gạo mềm dai/ Ngọt thanh nước cốt/ Trọn vẹn vị ngon của người Hà thành…” nghe thật sống sượng, chưa nói là khá vô duyên. Phải chăng cô ca sỹ tên tuổi này đã đi hơi quá đà, gây phản cảm khi tham gia hát cho đoạn quảng cáo này!? Tiền thu từ đoạn quảng cáo này chắc chắn là không ít nhưng uy tín của ca sỹ cũng giảm đi cũng rất nhiều, vì nó xúc phạm đến cố nhạc sỹ Hoàng Hiệp, thậm chí nó còn làm xấu cả thương hiệu “Phở Hà Nội” thứ thiệt, vốn nổi tiếng đến cả ngoài lãnh thổ Việt Nam, chứ không phải loại “phở ăn liền” kia. Được biết, sau khi đoạn clip này được phát sóng trên VTV và kênh Youtube đã vấp phải sự phản ứng của nhiều khán giả yêu nhạc, cùng người thân của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Phần đông khán giả cho rằng cách chế lời ca khúc nổi tiếng này để quảng cáo là ý tưởng tồi, xúc phạm đến tác giả ca khúc.

Sửa lời bài hát khi biểu diễn hoặc lấy nhạc của người khác rồi chế lời lại để phục vụ mục đích quảng cáo theo người viết là không nên. Điều đó thể hiện sự không tôn trọng tác giả hoặc của thân nhân tác giả của bài hát gốc.  Vấn đề tác quyền trong Luật Sở hữu trí tuệ không cho phép ai được làm điều này. Và  việc tùy tiện trong sửa lời bài hát hay “vay mượn”nhạc như vậy, dù có được phép của tác giả đi nữa cũng không nên khuyến khích.

Dân Hùng