Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hậu Covid – các triệu chứng, những điều cần biết và biện pháp cải thiện sức khỏe

ĐNA -

Hậu Covid-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, thường là 3 tháng kể từ khi bắt đầu mắc Covid-19 với các triệu chứng và kéo dài mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.

Về mặt lâm sàng, các triệu chứng sau Covid-19 chia thành 2 giai đoạn.

Triệu chứng hậu covid

Những triệu chứng kéo dài 4-12 tuần sau khi mắc bệnh gọi là tình trạng Covid-19 kéo dài còn các triệu chứng kể từ khi mắc Covid-19 kéo dài sau 3 tháng thì gọi là hậu Covid-19. Theo WHO, hậu Covid-19 có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bị mắc Covid-19. Họ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. WHO ước tính 10 – 20% bệnh nhân Covid-19 trải qua các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh.
Hội chứng hậu Covid có biểu hiện rất đa dạng và có tới khoảng 200 triệu chứng xuất hiện sau khi bệnh nhân khỏi Covid-19, làm ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm: Mệt mỏi hay cảm giác yếu sức (gặp ở 2/3 bệnh nhân), khó thở nhất là khó thở khi gắng sức, ho kéo dài, đau ngực hay khó chịu vùng ngực. Các triệu chứng ít gặp hơn: nhức đầu, suy giảm trí nhớ, mất tập trung, chóng mặt, choáng váng, tim đập nhanh, đau khớp, đau cơ, mất mùi vị, rối loạn tiêu hóa, ăn kém, mất ngủ, rụng tóc. Các triệu chứng có thể mới khởi phát sau khi đã hồi phục sau đợt Covid-19 cấp tính hoặc kéo dài từ đợt bệnh ban đầu. Các triệu chứng cũng có thể dao động hoặc tái phát theo thời gian.
Theo nghiên cứu, khoảng 40-60% bệnh nhân Covid-19 không thể trở lại các hoạt động sống bình thường sau khi xuất viện. Đối với bệnh nhân Covid-19 nhẹ (điều trị tại nhà) cũng có khoảng 10-35% bệnh nhân không thể trở lại tình trạng sức khỏe ban đầu và bị suy giảm chất lượng cuộc sống. Những triệu chứng của hội chứng hậu Covid tuy không có nguy cơ gây tử vong nhưng sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu trong một khoảng thời gian (thường là 3-6 tháng, có thể kéo dài đến 12 tháng) sau khi bệnh Covid-19, gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của bệnh nhân, làm sụt giảm nghiêm trọng chất lượng sống của bệnh nhân hậu Covid.

Cần làm gì khi bị hậu Covid-19
Bộ Y tế đã khuyến cáo khi thấy có những biểu hiện, triệu chứng hậu Covid-19 trên đây nên tìm đến các cơ sở y tế để bác sĩ xác định tình trạng bệnh, hướng dẫn điều trị triệu chứng và những chăm sóc sức khỏe cần thiết. Hiện nay, việc điều trị hậu Covid-19 là điều trị không đặc hiệu, bệnh nhân sẽ được điều trị triệu chứng, chăm sóc toàn diện, phục hồi chức năng.
Tuy nhiên thì người mắc triệu chứng hậu Covid-19 không nên quá lo lắn, vì theo ghi nhận thực tế của các bác sĩ, hầu hết những biến chứng không gây nguy hiểm tử vong, mà chủ yếu ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Các triệu chứng phổ biến như trầm cảm, mất ngủ, lo âu kéo dài… Để khắc phục tình trạng này, các bác sĩ sẽ tư vấn kết hợp vật lý trị liệu để điều chỉnh cải thiện tình trạng.
Với trẻ nhỏ ít có các triệu chứng hậu Covid-19 hơn người trưởng thành nên không cần chụp chiếu, lấy máu xét nghiệm vì trẻ chỉ mắc ở mức độ rất nhẹ, thời gian mắc ngắn, ít có dấu hiệu khó thở, ho và năng lượng hoạt động của vẫn rất tốt. Tuy nhiên vẫn cần bố mẹ theo dõi sát, nếu trẻ có triệu chứng sẽ tái khám và làm xét nghiệm liên quan triệu chứng. Nếu trẻ được chẩn đoán sớm, phát hiện hội chứng MIS-C sớm và điều trị đúng, kịp thời thì diễn tiến thường thuận lợi, trẻ phục hồi tốt hơn.

Chế độ dinh dưỡng cho những người mắc chứng Covid

Chế độ ăn uống hậu covid

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ rất quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là vào thời điểm hệ thống miễn dịch hoạt động kém hiệu quả và ở trạng thái yếu hơn trước. Vì vậy, giai đoạn hậu Covid cần đặc biệt chú ý tăng cường dinh dưỡng để thúc đẩy quá trình phục hồi sau nhiễm Covid-19. Trong giai đoạn hậu Covid ăn gì để phục hồi sức khỏe là quan tâm của rất nhiều người. Người bệnh nên lựa chọn các loại thực phẩm giàu calo, protein, rau quả tươi, gia vị thảo mộc để tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch.

Lựa chọn thực phẩm giàu Calo
Khi mắc Covid-19, cơ thể của người bệnh dễ bị cạn kiệt năng lượng, vì vậy những thực phẩm giàu calo là thứ người bệnh cần để lấy lại mức năng lượng của mình. Lượng calo có trong thức ăn có thể đến từ carbs (tinh bột), chất béo và protein. Cơ thể có thể sử dụng calo để làm nhiên liệu cho các hoạt động hoặc lưu trữ để sử dụng sau này dưới dạng mỡ trong cơ thể. Người bệnh nên lựa chọn thực phẩm giàu calo bao gồm: ngũ cốc, gạo, khoai tây, bánh mì, mì ống…
Tuy nhiên lưu ý không nên ăn quá nhiều calo dễ gây tăng cân, béo phì và dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe khác. Tránh thực phẩm chứa calo rỗng như tất cả các loại đồ ăn vặt.

Lựa chọn thực phẩm giàu protein
Người bệnh không thể cảm thấy khỏe hơn nếu thiếu protein. Protein là thành phần chính cấu tạo nên các tế bào và mô mới cho cơ thể. Để duy trì một cơ thể khỏe mạnh, tái tạo và phục hồi các tế bào và mô là vô cùng quan trọng. Protein cũng cho phép cơ thể sản xuất các kháng thể mà nó cần để chống lại sự xâm nhập của virus và vi khuẩn.
Bổ sung thực phẩm giàu protein có thể giúp người bệnh COVID-19 bổ sung các chất dinh dưỡng bị mất trong cơ thể. Người bệnh nên ăn thực phẩm giàu protein như: thịt, cá, trứng, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các sản phẩm từ sữa ít béo, các sản phẩm từ đậu nành, các loại hạt…

Ăn đa dạng các loại rau, củ, quả
Trái cây, rau và một số loại gia vị thảo mộc là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa tuyệt vời giúp cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu, chống viêm, kháng khuẩn để tăng cường miễn dịch cho cơ thể, giúp người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe. Người bệnh có thể ăn đa dạng các loại trái cây, rau quả nhiều màu sắc và bổ sung thêm một số gia vị thảo mộc như: củ sả, gừng, tỏi, nghệ, hành, mùi, quế…
Có thể tham khảo một số nhóm thực phẩm sau: Thứ nhất, nhóm hoa quả tươi gồm: lê, táo, bưởi,… Đó là những loại trái cây chứa nhiều vitamin, giàu chất chống oxy hóa, rất tốt cho hệ thống hô hấp, tăng cường chức năng miễn dịch. Thứ hai là các loại rau xanh như: cải ngọt, rau bina, cải xoăn, bắp cải, cà chua,… Những loại rau trên chứa rất nhiều vitamin cần thiết cũng như khoáng chất,… giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt tỏi và gừng là hai loại gia vị rất tốt cho quá trình thải độc tố của cơ thể cũng như có tác dụng diệt virus. Thứ ba, về đồ uống thì nên uống trà xanh, bởi nó có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, tăng cường sức khỏe tim mạch, chống ung thư… Các món ăn giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch chống Covid-19: súp gà, khoai tây, nước dừa, yến mạch, sữa chua…
Ngoài việc tăng cường các loại thực phẩm trên vào chế độ ăn uống trong giai đoạn phục hồi, người mắc COVID-19 cần lưu ý những điều sau để thực hiện chế độ ăn uống hiệu quả hơn. Ưu tiên các sản phẩm như: thịt, cá, trái cây, rau… tươi sống, mới thu hoạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hạn chế các sản phẩm đóng gói, thực phẩm chế biến sẵn.

Tập thể dục

Tập thể dục hậu covid

Người đã khỏi Covid-19 nên cố gắng quay trở lại các hoạt động bình thường của mình bằng cách tăng dần số lượng, tần suất, cường độ vận động mỗi ngày. Cần cố gắng cân bằng giữa vận động và nghỉ ngơi, đồng thời để ý đến các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi. Các khớp và cơ được thiết kế để di chuyển nhưng cũng cần được nghỉ ngơi khi cần thiết. Nên bắt đầu bằng những hoạt động thể chất chung, bao gồm tất cả các hoạt động thường ngày như giặt giũ, nấu nướng, làm vườn… Sau đó, từ từ tiến tới những hoạt động thể chất đòi hỏi nhiều thể lực hơn.
Các bài tập tăng cường sự linh hoạt rất có ích với người gặp vấn đề về cơ xương khớp, giúp cải thiện chuyển động của khớp hoặc cơ, ví dụ các động tác kéo giãn cơ thể, yoga, thái cực quyền… Có một số bằng chứng cho thấy tập yoga và thiền định có thể giúp cải thiện sức khỏe của phổi, giảm tính nhạy cảm của virus và tăng tốc độ phục hồi sau nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nhờ tác dụng thư giãn của những bộ môn này. Nên thay đổi tư thế thường xuyên. Hạn chế thời gian duy trì ở một tư thế, chẳng hạn ngồi hoặc nhìn vào máy tính và điện thoại di động quá lâu. Nếu cảm thấy các triệu chứng trở nên nặng hơn, hãy tìm một tư thế thoải mái hoặc đi lại xung quanh một lúc.
Các bài tập co duỗi chân, gập gối, đứng nhón chân, dang gập khuỷu tay, squat… giúp giảm các triệu chứng hậu Covid, hồi phục sức khỏe. Duy trì tập luyện thường xuyên 20-30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần. Nên khởi động và giãn cơ trước và sau tập. Cần dừng lại và nghỉ ngơi khi mệt mỏi vượt qua ngưỡng chịu đựng, chóng mặt hoặc SpO2 giảm 5-10%. Nếu bạn có vấn đề về tim mạch nên tham khảo ý kiến nhân viên y tế trước khi tập luyện.
Bài tập dành cho chân như đi bộ, bước lên bục, gập hông và gập gối ở tư thế ngồi, ngồi duỗi thẳng gối, gập duỗi cổ chân, xoay cổ chân, gập duỗi gối, nâng hạ chân, tạo vòm bàn chân, gập duỗi ngón chân, bắc cầu, dang chân ở tư thế nằm nghiêng…
Bài tập dành cho tay gồm xoay vai, giơ cao hai tay, gập khuỷu với vật nặng; ấn vai xuống giường hoặc nền, dang ngang vai 90 độ với vật nặng, giơ hai tay lên cao với vật nặng; gập khuỷu khi hai tay dang ngang.
Bài tập kết hợp chân và thân mình có các động tác như đứng nhón gót chân hai tay vịn vào ghế, đứng nhón mũi chân hai tay vịn vào ghế, squat, squat tay có cầm vật nặng vừa sức, chuyển từ tư thế đứng sang ngồi và ngược lại.

Trên đây là một số kiến thức cơ bản về các triệu chứng hậu Covid-19 và những biện pháp để phục hồi sức khỏe. Bài viết mong đem đến những thông tin hữu ích để giúp mọi người cải thiện tình trạng sức khỏe sau khi nhiễm bệnh để nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, trở lại cuộc sống bình thường.
Bảo Anh