Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hệ giá trị gia đình Huế – nét riêng giữa dòng chung

ĐNA -

Huế – nơi từng là kinh đô của hai triều đại cuối cùng chế độ quân chủ Việt Nam (triều Tây Sơn và triều Nguyễn), gia đình truyền thống cũng đang có những biến đổi mạnh mẽ trong cấu trúc, hình thái, quy mô và đặc biệt là các giá trị gia đình trong tình hình mới. Tuy nhiên, với đặc trưng là vùng đất mà những giá trị truyền thống đang được giữ gìn, bảo lưu, trao truyền tương đối tốt, vừa biến đổi, dung hòa để phát triển phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, hệ giá trị gia đình Huế vẫn đang giữ được nét riêng trong dòng chảy phát triển chung của xã hội, góp phần làm nên đặc trưng của một xứ sở rất đặc biệt của Việt Nam- Xứ Huế.

Gia đình Huế là nơi gìn giữ lưu truyền các giá trị truyền thống tốt đẹp

Những nét riêng có của gia đình xứ Huế
Gia đình ở Thừa Thiên Huế, trên hết vẫn mang đậm những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam nói chung, đó là hệ giá trị no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025 xác định rõ: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi gia đình trong giáo dục, hình thành nhân cách thế hệ trẻ” nhằm tạo ra bước phát triển mới trong giữ gìn và phát huy truyền thống đạo đức, ứng xử tốt đẹp của gia đình trong thời kỳ mới, đặc biệt chú trọng vấn đề giáo dục gia đình. Chỉ thị số 18 ngày 29/9/2021 của Tỉnh ủy khẳng định: “Đảng viên, cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực nêu gương, vận động nhân dân tham gia xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình gắn với gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục mang tính đặc thù của Thừa Thiên Huế.”

Văn hóa Huế chính là nền tảng vững chắc để hình thành, bảo lưu và phát triển hệ giá trị con người Huế, gia đình Huế. Người Huế xem trọng các giá trị truyền thống của tiền nhân. Văn hóa cung đình và văn hóa dân gian có sự giao thoa lẫn nhau làm cho tính cách Huế có sự dung hòa kỳ lạ: tinh tế mà tao nhã, nghiêm cẩn mà khiêm cung, quật khởi mà trầm mặc. Con người sống hướng thiện, đạo đức xã hội có tôn ti, trật tự, tương thân tương ái, chan hòa với thiên nhiên. Người Huế nói chung thường coi trọng tâm linh, các yếu tố phong thủy, hài hòa âm dương, thể hiện rõ nét trong việc quy hoạch không gian sống ở cả hai thế giới âm và dương, bao gồm xây dựng nhà cửa vườn tược, chôn cất và lăng mộ, cúng kỵ tổ tiên và thần linh. Sự quan trọng của dòng tộc được đề cao, truyền thống gia tộc, con cháu hiếu kính tổ tiên, ông bà luôn được giữ gìn từ đời này sang đời khác. Con cháu có nghĩa vụ phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, chu toàn việc mồ mả, kỵ giỗ, anh thuận em hòa, con hiền cháu thảo, giúp nhau làm rạng danh gia tộc. Gia đình Huế đề cao lễ nghĩa, huyết thống gia tộc, tôn ti trật tự, nề nếp gia phong. Trong các đền, chùa, nhà thờ, nhà rường… vẫn thường bài trí các hoành phi, liễn, câu đối chữ Hán, chữ Việt về truyền thống văn hóa, gia phong được con cháu trân trọng giữ gìn và lưu truyền: “Ẩm hà tư nguyên” (Uống nước nhớ nguồn), “Quang tiền dụ hậu” (Rạng đời trước, sáng đời sau), “Đức lưu quang” (Đức độ tỏa sáng), “Phúc mãn đường” (Phúc đầy nhà), “Bách thế bất thiên” (Không bao giờ thiên lệch)… Đó chính là những biểu hiện sinh động về một vùng đất cố đô vốn nhiều kiến trúc cầu kỳ của dinh, phủ xưa đang lưu giữ được những tư tưởng, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ. Đề cao học thức, coi trọng hiền tài là một đặc điểm của dân tộc Việt Nam, với xứ Huế, nơi hội tụ hiền tài của cả nước trong hàng trăm năm dưới thời Tây Sơn và thời Nguyễn thì đây lại càng là một đặc trưng khó nơi nào bì kịp. Điều này lý giải thị hiếu thẩm mỹ và trình độ văn hóa cao của người Huế so với các vùng lân cận. Chính những điều đặc sắc đó đã hình thành và củng cố nền tảng vững chắc cho gia đình Huế, tạo nên những nét riêng có của vùng đất từng là kinh đô xưa với tinh hoa hội tụ và những giá trị văn hóa đặc sắc chẳng nơi nào có được.

Giáo dục truyền thống, kính trên nhường dưới, đồng tâm đoàn kết là truyền thống tốt đẹp của gia đình xứ Huế

Trong xu thế vận hành chung của xã hội, gia đình truyền thống Huế hiện đang có những biến đổi mạnh mẽ trong cấu trúc, hình thái, quy mô và mối quan hệ giữa các thành viên, thế hệ. Hiện nay, toàn tỉnh có 313.017 hộ gia đình (thống kê tháng 12 năm 2023). Về cấu trúc gia đình, số hộ gia đình chỉ có cha hoặc mẹ sống chung với con là 61.571 hộ, chiếm 19.7%; số hộ gia đình 1 thế hệ (vợ, chồng) là 40.225 hộ, chiếm 12.9%; số hộ gia đình 2 thế hệ là 135.636 hộ, chiếm 43.3%; số hộ gia đình 3 thế hệ trở lên là 62.053 hộ, chiếm 19.8%. Về cơ bản, số lượng gia đình hạt nhân đang dần trở nên chiếm ưu thế hơn, phổ biến hơn so với các gia đình tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường như thời kỳ trước đây. Sự xuất hiện của một bộ phận không nhỏ loại hình gia đình đơn thân (chỉ có cha hoặc mẹ sống chung với con) là một xu thế tất yếu trong xã hội hiện đại. Quy mô gia đình ngày càng thu hẹp lại khi số lượng gia đình từ 3 thế hệ sống chung ngày càng giảm. Điều này cho thấy sự suy giảm về tính cộng đồng trong cơ cấu gia đình hiện đại ngày nay.

Gia đình truyền thống dung hòa với gia đình hiện đại
Những biến đổi về cấu trúc của gia đình trong thời đại mới dẫn đến những thay đổi trong quan niệm về các giá trị, chuẩn mực của gia đình truyền thống với gia đình hiện đại. Việc các thế hệ trong gia đình ít có sự gần gũi nhau đem lại mặt tích cực là ít dẫn đến xung đột giữa các thế hệ, mâu thuẫn gia đình ít xảy ra hơn. Thống kê cho thấy các vụ việc bạo lực gia đình Thừa Thiên Huế có xu thế giảm dần trong thời gian qua, năm 2023, số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh là 37 vụ bạo lực gia đình xảy ra ở 34 hộ được phát hiện (giảm 12 vụ so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên khi quy mô gia đình thu hẹp lại thì chính điều đó lại tạo nên khoảng cách giữa các thành viên, việc duy trì tình cảm thân thiết giữa các thế hệ ông bà, con cháu trở nên có khó khăn hơn, cũng như những giá trị truyền thống từ đời trước bày, đời nay làm cũng sẽ dần trở nên hạn chế. Mối quan hệ gia đình trở lên lỏng lẻo hơn khi các thành viên ít có thời gian, không gian để bày tỏ sự quan tâm đến nhau.

Các đại gia đình kiểu Tứ đại đồng đường, Tam đại đồng đường vẫn còn khá phổ biến ở Huế

Trong gia đình, hiện tượng trọng nam khinh nữ đang được nhận thức lại và thay thế dần bằng các quan niệm đúng đắn về bình đẳng giới, về sự đóng góp và cùng nhau thụ hưởng các thành quả trong gia đình. Họ vừa tham gia vào lao động xã hội và nuôi dạy con cái, duy trì nền nếp trong nhà có khuôn có phép. Vợ chồng cùng nhau xây dựng kinh tế gia đình, vừa dân chủ bàn bạc, tôn trọng ý kiến mỗi bên trong các vấn đề chung. Có thể nhìn nhận mối quan hệ bình đẳng giữa vợ và chồng trong gia đình hiện nay đang trở thành một nét tiến bộ của văn hóa gia đình mới: bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, yêu thương đùm bọc nhau, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm với gia đình. Việc đưa những tư tưởng bình đẳng giới về kinh tế, giáo dục vào trong gia đình xứ Huế vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo là bước tiến bộ lớn để nâng cao giá trị của người phụ nữ trong xã hội. Ngày nay, phụ nữ được học hành, nâng cao hiểu biết, phát huy năng lực xã hội nhiều hơn. Thừa Thiên Huế là trung tâm giáo dục đào tạo của khu vực và cả nước nên công tác giáo dục đào tạo cho cán bộ nữ cũng luôn được quan tâm tạo điều kiện. Nữ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học đạt trên 31,4% trong tổng số người được đào tạo sau đại học.Tỷ lệ nữ thạc sỹ, tiến sỹ ở Huế hiện là 48,02% thạc sỹ, trong đó có 30,73% tiến sỹ, cao hơn trung bình chung cả nước đang là 44,27% thạc sỹ và 25,50% tiến sỹ (Nguồn Tổng điều tra dân số năm 2019). Tuy vậy, thống kê cho thấy phụ nữ Huế vẫn đang đảm trách việc nhà nhiều hơn nam giới. Thời gian chăm sóc gia đình không được trả công bình quân trong một ngày của phụ nữ là 2,25 giờ (nhiều gấp 2.27 lần so với nam giới chỉ 1,11 giờ/ngày).

Với lối sống trọng truyền thống, tính cách chừng mực, “sống chậm” và có phần bảo thủ, có thể nói rằng gia đình Huế đang là một thành trì tương đối vững chắc trước những xâm nhập của tệ nạn xã hội trên bình diện chung so với cả nước. Điều này đôi khi là một hạn chế, thiệt thòi, tuy nhiên nó cũng là yếu tố quan trọng trong việc giữ gìn bền vững hơn những giá trị truyền thống. Hiện nay có 70/145 xã, phường thị trấn không có người nghiện ma túy, chiếm 48,28%; có 135/145 xã, phường thị trấn không có tệ nạn mại dâm, chiếm 93,10%. Tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiềm chế, không hình thành điểm nóng, điểm nổi cộm gây mất an ninh trật tự, không xảy ra vụ việc mua bán người. Toàn tỉnh có 96.6% gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa.

Nói chung, những biến đổi về cấu trúc, chức năng của gia đình trong thời đại mới dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột trong quan niệm về các giá trị, chuẩn mực của gia đình truyền thống với gia đình hiện đại. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, nhiều giá trị gia đình đã có sự chuyển biến phù hợp hơn với tiến bộ xã hội, nhưng những đạo lý tốt đẹp trong giáo dục gia đình về đạo hiếu của người làm con cháu, đạo vợ chồng, anh em đoàn kết, sống trọng tình nghĩa… vẫn luôn được lưu giữ, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng luôn là vấn đề bảo tồn và phát triển.

Những thách thức trong dòng chảy hiện đại hóa và hội nhập quốc tế
Thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng luôn là vấn đề bảo tồn và phát triển. Làm sao để vừa tiếp thu được những giá trị tiên tiến của gia đình hiện đại, vừa bảo tồn những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống luôn được toàn xã hội quan tâm. Gia đình không chỉ tác động lên đời sống của mỗi cá nhân mà còn là đóng vai trò lưu giữ, trao truyền các giá trị truyền các giá trị của dân tộc, giá trị văn hóa, giá trị con người qua mỗi thời kỳ lịch sử. Không phải giá trị gia đình hiện đại nào cũng đều tốt đẹp, tích cực, phù hợp và không phải gia đình truyền thống nào cũng cổ hủ, lạc hậu, bảo thủ. Việc kết hợp hài hòa các giá trị truyền thống với các giá trị hiện đại trên nền tảng hệ giá trị gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là điều hết sức cấp thiết để giữ gìn bản sắc dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” diễn ra vào ngày 29/11/2022 do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội tổ chức, đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định:

“Trước sự tác động rất mạnh mẽ của mặt trái nền kinh tế thị trường, rất nhiều giá trị bị đảo lộn, trong đó có gia đình, thì ở Thừa Thiên Huế, thuần phong mỹ tục tốt đẹp vẫn được gìn giữ, phát huy và gia đình Huế ít chịu ảnh hưởng tiêu cực từ mặt trái ấy. Đó chính là sức mạnh của truyền thống văn hóa gia đình Huế được lưu truyền từ đời này sang đời khác, khá khắt khe, mang trọng trách như một “sức mạnh nội sinh” để gia đình Huế chống lại những tiêu cực, những ảnh hưởng từ bên ngoài. Xây dựng các giá trị, đức tính tốt đẹp của lối sống Huế, phong cách ứng xử của gia đình Huế: cần cù, lao động sáng tạo, tôn trọng nghĩa tình, kính trên nhường dưới, lấy đức làm trọng, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa từ bên ngoài… Đó cũng là nền móng, là bước đầu tiên trong xây dựng hệ giá trị gia đình văn hóa Việt Nam, với những chuẩn mực mới phù hợp với thời kỳ hội nhập và phát triển”.

Gia đình Huế không chỉ là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các thành viên mà còn là nhân tố góp phần xây dựng nên một “tính cách Huế” rất đặc trưng.

Với nhận định này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đã tích cực tham gia, hưởng ứng các hoạt động, phong trào thi đua trong công tác gia đình, chủ động triển khai nhiều hoạt động từ cấp tỉnh đến cơ sở để góp phần thực hiện thành công công tác gia đình nói chung và chiến lược gia đình của Trung ương triển khai. Đó là sự cụ thể hóa bằng Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 29/9/2021 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 11 tháng 3 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chiến lược phát triển gia đình tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 với nhiều mục tiêu và giải pháp cụ thể. Trong đó, Đảng viên, cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực nêu gương, vận động nhân dân tham gia xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình gắn với gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục mang tính đặc thù   của Thừa Thiên Huế. Làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, bình đẳng giới và chăm sóc người cao tuổi. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác xây dựng gia đình.

Riêng ngành Văn hóa và Thể thao cần phối hợp chặt chẽ hơn với các ban, ngành, địa phương nâng cao năng lực, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng gia đình trên địa bàn. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực làm công tác gia đình. Nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ gia đình tiếp nhận các nguồn lực xã hội. Tăng cường công tác nghiên cứu, điều tra, dự báo; các hoạt động sáng tác văn học – nghệ thuật về gia đình. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống;  đấu tranh chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình. Gắn việc thực hiện công tác xây dựng gia đình với Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Một số hình ảnh về nét văn hóa gia đình ở Huế

Trong bối cảnh hiện nay, sự tiếp biến các giá trị gia đình truyền thống với gia đình hiện đại đã đem lại những thay đổi nhất định đối với hệ giá trị gia đình, quyết định văn hóa gia đình Việt Nam qua mỗi thời kỳ lịch sử trong tương quan với khu vực và thế giới. Những vấn đề mới nảy sinh trong đời sống gia đình hiện đại cần được quan tâm kịp thời và đúng mức bởi các quyết sách của Đảng và nhà nước, sự tham gia của các đoàn thể chính trị – xã hội và toàn thể nhân dân. Do đó công tác gia đình thời kỳ mới cần có sự tham gia đầy trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc triển khai thực hiện, nâng cao hiệu quả công tác gia đình, góp phần xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người. Từ đó phát huy giá trị văn hóa, con người xứ Huế – nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị./.

TS. Phan Thanh Hải -ThS. Hứa Thu Mỹ