Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hezbollah – nhóm vũ trang có thể khiến Israel phải dè chừng

ĐNA -

(REUTERS), Chiều 15/10/2023, còi báo động vang khắp miền bắc Israel, khiến người dân phải chạy đi tìm nơi trú ẩn. Quân đội Israel cho biết đã đánh chặn 5 trong 9 rocket phóng từ Lebanon và đáp trả bằng hỏa lực pháo binh. Phó thủ lĩnh Hezbollah Naim Qassem hôm 13/10 tuyên bố, nhóm này đã chuẩn bị đầy đủ để sát cánh cùng lực lượng Hamas trong cuộc chiến chống lại Israel “khi thời cơ đến”.

Xe tăng Israel án ngữ lối vào khu định cư Misgav Am gần biên giới Lebanon vào ngày 10/10. Ảnh: AFP

Quân đội Israel đang dồn lực trả đũa Hamas ở Dải Gaza, nhưng vẫn phải dè chừng Hezbollah, đối thủ đáng gờm sẵn sàng mở “mặt trận thứ hai” ở phía bắc. Hezbollah là lực lượng kiểm soát một phần thủ đô Beirut, miền nam Lebanon và phần lớn thung lũng Beqaa. Tổ chức này còn có đại diện chính trị, giữ ghế trong nghị viện Lebanon và vài năm qua còn cùng đồng minh kiểm soát một số bộ, ngành chính phủ.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đang tập trung 360.000 quân dọc biên giới Dải Gaza, sẵn sàng mở chiến dịch trên bộ nhắm vào vùng đất này để đối phó nhóm Hamas. Nhưng đồng thời, họ cũng phải đề phòng mối đe dọa thường trực từ lực lượng Hezbollah ở Lebanon, phía bắc nước này.

“Hezbollah đang góp phần trong cuộc đối đầu của Hamas với Israel và sẽ tiếp tục tham gia theo tầm nhìn và kế hoạch của chúng tôi”, phó thủ lĩnh Hezbollah Naim Qassem phát biểu trong cuộc tuần hành ủng hộ người Palestine ở vùng ngoại ô phía nam thủ đô Beirut của Lebanon ngày 13/10. “Chúng tôi theo dõi động thái của kẻ thù, chuẩn bị đầy đủ và khi thời cơ đến, chúng tôi sẽ hành động”.

Những lời đe dọa của Hezbollah đã buộc IDF phải triển khai hàng chục nghìn quân tới biên giới phía bắc, nhằm để đối phó tổ chức vũ trang đồng minh của Hamas tại Lebanon và cũng là lực lượng đã hai lần đánh bại IDF.

Căng thẳng dọc biên giới Israel – Lebanon đã leo thang trong vài ngày qua, với những cuộc đấu pháo của hai bên nhắm vào nhau. Hôm 13/10, hai bên bắn phá tiền đồn của nhau, sau khi Israel phát hiện một nhóm vũ trang tìm cách xâm nhập biên giới nước này từ phía Lebanon.

Các diễn biến vừa qua khiến giới quan sát lo ngại Hezbollah đang sẵn sàng mở “mặt trận thứ hai” để hưởng ứng lời kêu gọi của Hamas trong cuộc chiến với Israel, đẩy Tel Aviv vào tình cảnh lưỡng bề thọ địch và cuộc chiến leo thang từ song phương thành xung đột khu vực.

Theo Daniel Byman, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), Hazbollah là đối thủ đáng gờm nhất của Israel kể từ khi tổ chức này hình thành vào đầu thập niên 1980. Sứ mệnh ban đầu của Hazbollah là chấm dứt hiện diện quân sự Israel ở phía nam Lebanon, vốn là hệ quả từ hai lần Israel đưa quân vào Lebanon để tấn công các thành viên Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).

Hezbollah đã thành công không chỉ một lần. Những vụ tấn công vũ trang và đánh bom tự sát buộc Israel rút quân khỏi lãnh thổ Lebanon vào năm 2000. Cuộc chiến thứ hai giữa Hezbollah và Israel nổ ra vào năm 2006, sau khi các tay súng Lebanon vượt qua biên giới sát hại 8 quân nhân Israel và bắt hai người làm con tin. Israel kết thúc chiến dịch sau 34 ngày với 157 người chết, nhưng không thể làm suy yếu được đối thủ hay tái lập hiện diện vững chắc ở Lebanon.

Theo chuyên gia Byman, lực lượng Hezbollah “thiện chiến hơn nhiều nhóm vũ trang khác” ở Trung Đông, cũng là nhóm vũ trang được trang bị khá hiện đại.

Họ có gần hai thập kỷ không trải qua xung đột quy mô lớn để tăng cường kho vũ khí, trong đó có tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa phòng không. Với kho vũ khí này, nếu xung đột nổ ra, Hezbollah hoàn toàn có khả năng tập kích sâu vào lãnh thổ Israel và đe dọa không quân lẫn hải quân IDF cùng đồng minh, khiến xung đột thêm khốc liệt.

Khi nội chiến Syria nổ ra vào năm 2011, nhóm đã cử nhiều đơn vị hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad, vốn cũng là đồng minh của Tehran. Các tay súng Hezbollah có nhiệm vụ tuần tra biên giới Syria – Lebanon, giao chiến với các nhóm nổi dậy ở một số thành phố Syria gần biên giới và tập kích các cứ điểm của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Ít nhất ba nhóm vũ trang Palestine đang nương náu ở Lebanon, dưới sự bảo trợ của Hezbollah, gồm chi nhánh của Hamas, chi nhánh của phong trào Fatah và tổ chức Mặt trận Chung Giải phóng Palestine (PFLP). Họ không sở hữu nguồn lực lớn như Hezbollah, song sẵn sàng tham chiến nếu đồng minh tuyên bố mở mặt trận thứ hai chống Israel.

“Nếu Israel tấn công Dải Gaza, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu”, Ahmed Habet, thành viên đảng Fatah tại trại tị nạn Burj al-Barajneh ở thủ đô Beirut của Lebanon, cho biết.

Nicholas Blanford, chuyên gia thuộc tổ chức tư vấn chính sách Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết Tel Aviv luôn coi Hezbollah là lực lượng đáng gờm, có khả năng mở những chiến dịch đòi hỏi năng lực tổ chức cao. Tổ chức này từ năm 2007 đã bắt đầu huấn luyện thành viên chiến thuật tấn công qua biên giới.

“Chiến dịch vừa qua của Hamas lớn hơn mọi chiến dịch mà Hezbollah từng tổ chức nhắm vào Israel. Tuy nhiên, những gì Hamas áp dụng chỉ là một phần trong giáo trình huấn luyện của Hezbollah”, Blanford bình luận, đồng thời cảnh báo tổ chức vũ trang này “rất khó lường”.

IDF hồi đầu tháng 6 tổ chức cuộc tập trận “Firm Hand” kéo dài hai tuần với kịch bản đối phó cùng lúc nhiều lực lượng thù địch. Không quân, bộ binh và hải quân Israel diễn tập tác chiến ở vùng giáp biên giới Lebanon, với các kịch bản phòng thủ mặt đất và tập kích “sâu trong lãnh thổ thù địch”.

Giới quan sát cho rằng cuộc tập trận này chủ yếu để răn đe Hezbollah cùng các tổ chức vũ trang thân Iran lân cận, song đó là kịch bản mà giới lãnh đạo Israel muốn tránh hơn là chờ đợi.

Theo chuyên gia Mohanad Hage Ali, thành viên cấp cao Trung tâm Trung Đông Carnegie có trụ sở tại Beirrut, việc Thủ tướng Benjamin Neytanyahu thành lập chính phủ thời chiến là nỗ lực gác lại đối đầu đảng phái, để có thể toàn tâm toàn ý cho chiến dịch quân sự quy mô lớn, bao gồm viễn cảnh Israel cùng lúc đối đầu nhiều lực lượng ở khu vực, trong đó có Hezbollah.

“Ông Netanyahu phải cảm thấy an toàn về mặt chính trị ở trong nước mới có thể lãnh đạo giải quyết nhiều mặt trận cùng lúc để đối phó mối đe dọa từ bên ngoài”, Mohanad Hage Ali nói.

Elias Farhat, tướng Lebanon về hưu, đánh giá Israel nhìn chung vẫn phản ứng kiềm chế trước các hoạt động mang tính khiêu khích từ Hezbollah, trong đó có những đợt bắn đạn cối hay phóng rocket vào lãnh thổ. Ông lưu ý “quy tắc phản ứng” của IDF không thay đổi, chỉ đáp trả sau khi đối phương khiêu khích trước và chỉ nhắm vào khu vực đối phương khai hỏa.

Tuy nhiên, mở mặt trận mới với Israel sẽ gây ra không ít rủi ro cho Hezbollah. Họ đã mất hơn 2.000 thành viên trong các chiến dịch tại Syria, trong đó có nhiều chỉ huy cấp cao, mức thiệt hại đáng kể đối với quân số 25.000-50.000 người của tổ chức này.

Bên cạnh đó, giao chiến với Israel có thể kéo theo thiệt hại về hạ tầng và ảnh hưởng đến người dân Lebanon, trực tiếp làm suy giảm vị thế chính trị mà tổ chức này đã xây dựng gần hai thập kỷ. Lebanon vốn đang chìm trong khủng hoảng kinh tế lẫn chính trị, khi các phe phái chia rẽ sâu sắc về chia sẻ quyền lực và chính phủ ổn định chưa được thành lập.

Giới quan sát kỳ vọng những vấn đề nội tại của Lebanon và Israel sẽ là rào cản mong manh ngăn một cuộc chiến mới giữa IDF và Hezbollah nổ ra. Dù vậy, nguy cơ xung đột vẫn hiện hữu khi tình hình Trung Đông ngày càng phức tạp và Israel có thể đưa quân vào Dải Gaza bất kỳ lúc nào.

Chuyên gia Mohanad Hage Ali của Trung tâm Trung Đông Carnegie cảnh báo Israel đã thay đổi tư duy phòng vệ sau cuộc tấn công phủ đầu của Hamas. Họ từng xem các vụ tấn công từ Dải Gaza và Hezbollah là những động thái riêng lẻ, không mang tính liên minh chống lại Israel, song điều này có thể đã thay đổi.

“Israel từng lo ngại rủi ro và chủ trương dùng các đòn tập kích có độ chính xác cao để trả đũa, thay vì dùng biện pháp chiến tranh toàn diện, vì lo ngại ảnh hưởng về kinh tế lẫn an ninh. Tuy nhiên, với thực tế rằng các thành phố Israel đã bị đe dọa nghiêm trọng, Thủ tướng Netanyahu và đồng minh không còn chịu ràng buộc chính trị nào nữa. Israel có thể đáp trả mọi đòn tấn công từ Lebanon với một mức độ rất khác”, Hage Ali lo ngại.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tại Berlin, Đức hôm 28/9. Ảnh: Reuters

Israel nói không muốn xung đột với Hezbollah
Ngày 15/10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel tuyên bố không muốn xung đột với Hezbollah và nếu nhóm này kiềm chế, Israel sẽ giữ nguyên tình hình dọc biên giới phía bắc.

“Chúng tôi không quan tâm tới cuộc chiến ở phía bắc. Chúng tôi không muốn tình hình leo thang”, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đề cập tới xung đột với nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon.

Ông Gallant nhấn mạnh nếu Hezbollah chọn con đường chiến tranh, họ sẽ phải trả giá rất đắt. “Nhưng nếu họ kiềm chế, chúng tôi sẽ tôn trọng điều đó và giữ nguyên tình hình”, Bộ trưởng Quốc phòng Israel nói.

Các cuộc xung đột dọc biên giới Israel – Lebanon trong tuần qua làm dấy lên lo ngại rằng lực lượng Hồi giáo vũ trang Hezbollah sẽ mở rộng tấn công Israel, trong lúc nước này đang đối phó lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Chy Lê