Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – hy vọng một khối kinh tế đa dạng nhất châu Á



ĐNA -

ASEAN News – Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, kể từ sau khi 6 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong đó có Singapore, Thái Lan, Việt Nam và 4 nước đối tác bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Australia đã phê chuẩn hiệp định.

RCEP sẽ mở ra “kỷ nguyên châu Á” mới. Ảnh minh họa

Bao phủ 1/3 dân số thế giới và chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, khối thương mại tự do mới sẽ lớn hơn cả Hiệp định Thương mại Mỹ – Mexico – Canada và Liên minh châu Âu cộng lại, khả năng cao sẽ trở thành khu vực thương mại tự do có ảnh hưởng nhất trên toàn thế giới.Quan trọng hơn, khu vực thương mại tự do này sẽ trở thành một khối kinh tế đa dạng nhất với các thành viên vốn đang trong các giai đoạn phát triển khác nhau, tuân theo những hệ thống chính trị khác nhau và đa dạng về cơ cấu xã hội.

RCEP được kỳ vọng sẽ dẫn dắt và thúc đẩy thương mại tự do, đồng thời thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế vào thời điểm toàn cầu hóa đang gặp phải những khó khăn và thế giới cũng đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19, cũng như suy thoái kinh tế. Hiệp định thương mại tự do khu vực cũng có khả năng chuyển dịch công nghệ công nghiệp và nguồn nhân lực của toàn cầu sang phương Đông. Theo hiệp định, khoảng cách giữa các nền kinh tế càng lớn thì chúng sẽ càng bổ sung cho nhau. Bởi các quốc gia đang ở các giai đoạn kinh tế khác nhau đều là một phần của hiệp định, thị trường khổng lồ Trung Quốc có thể giúp các nước thúc đẩy sự phát triển của mình.

Nếu như các FTA thông thường trong khu vực là về thương mại hàng hóa và không bao gồm thương mại trong dịch vụ, hoặc đầu tư và điều phối trong nước liên quan đến thương mại, thì RCEP bao gồm và dự kiến sẽ mở ra các xu hướng và nhu cầu mới cho hội nhập kinh tế khu vực. RCEP vượt ra khỏi khái niệm hội nhập kinh tế khu vực vốn đã được đề xuất trước đây. Với Quy tắc xuất xứ tích lũy, RCEP dự kiến sẽ mở rộng hơn nữa chuỗi cung ứng và công nghiệp trong khu vực, đồng thời giúp các quốc gia thành viên xây dựng quan hệ đối tác về chuỗi cung ứng và công nghiệp cùng có lợi, ổn định.Hơn 90% thương mại hàng hóa trong khu vực sẽ được miễn thuế khi RCEP có hiệu lực. Ngoài ra, RCEP và các hiệp định thương mại tự do hiện có khác sẽ bổ sung và củng cố lẫn nhau.

Được biết, các quốc gia thành viên RCEP dự kiến sẽ đặt ra các quy tắc hải quan cao cấp, cũng như các chỉ tiêu kiểm tra, kiểm dịch và các tiêu chuẩn kỹ thuật. Thông qua các quy tắc này, RCEP có thể hạ thấp đáng kể chi phí thương mại trong khu vực, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho doanh nghiệp, bên cạnh đó cũng cung cấp thêm nhiều lựa chọn và lợi ích hơn cho người tiêu dùng.

RCEP cũng có thể báo hiệu về tương lai của “kỷ nguyên châu Á”, hoặc “kỷ nguyên châu Á – Thái Bình Dương” mới. Nếu RCEP và Khu vực tự do mậu dịch Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc hoạt động hiệu quả, châu Á – Thái Bình Dương sẽ trở thành cường quốc của nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, châu Á vẫn sẽ là khu vực lớn nhất thế giới với chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và chuỗi tiêu thụ chồng chéo. Mạng lưới chuỗi công nghiệp trong lĩnh vực sản xuất của Đông Á là mạng lưới mạnh nhất trên thế giới và chiếm 50% – 60% sản lượng toàn cầu. RCEP kỳ vọng sẽ làm cho nó trở nên nổi bật hơn và thu hút các doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới đầu tư vào đây.

QUỲNH ANH