Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hiệp hội Nghiên cứu và Kỹ thuật Thủy văn Môi trường quốc tế chính thức ký kết MoU với trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng



ĐNA -

(Đà Nẵng). Trường Đại học Bách khoa (DUT), Đại học Đà Nẵng và Hiệp hội Nghiên cứu và Kỹ thuật Thủy văn Môi trường quốc tế (IAHR) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác (MoU). Đây là lần đầu tiên một Hiệp hội nghề nghiệp danh tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn toàn cầu, ký kết hợp tác nhà trường. Trong đó, giữ vai trò chủ công triển khai các nội dung MoU là khoa Xây dựng Công trình thủy.

Do vậy, MoU này là nền tảng quan trọng để Khoa Xây dựng Công trình thủy mở rộng và nâng cao hợp tác với các tổ chức quốc tế có uy tín; là cơ hội giúp giảng viên, sinh viên đang theo học tại Khoa, tham gia vào nhiều chương trình nghiên cứu chung, cơ hội nhận các suất học bổng để học tập, trở thành Thạc sĩ, Tiến sĩ. Và lần đầu tiên, với MoU vừa được ký, Khoa có hợp tác chính thức với một tổ chức uy tín hàng đầu thế giới.

PGS.TS Lê Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng và GS.TS Philippe Gourbesville – Chủ tịch IAHR, chính thức ký kết MOU (chiều ngày 2/2/2024, tại DUT). Ảnh trong bài: Việt Long.

Trở thành tổ chức tại Việt Nam có hợp tác với IAHR, khoa Xây dựng Công trình thủy nói riêng, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng nói chung, cũng nằm trong danh sách ưu tiên, trong tham gia một số dự án nghiên cứu của IAHR được triển khai tại Việt Nam.

Nâng cao năng lực nghiên cứu tài nguyên nước, biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai
Chiều ngày 2/2/2024, thay mặt trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, PGS.TS Lê Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng và GS.TS Philippe Gourbesville – Chủ tịch IAHR, đã chính thức ký kết MOU.

Đây là MoU thứ hai ra đời, sau MoU giữa IAHR và trường Đại học Thủy lợi (TLU), được ký tại Hà Nội hôm 1/2/2024. Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong tăng cường hợp tác nghiên cứu, đào tạo và trao đổi chuyên môn lĩnh vực tài nguyên nước và môi trường giữa các bên.

 Được biết, tại Việt Nam, IAHR cũng mới ký kết MOU với trường Đại học Thủy lợi Hà Nội và trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. Trong đó, Đại học Thủy lợi Hà Nội đã và đang xúc tiến để đưa đại hội thế giới IAHR lần thứ 42 về tổ chức tại Việt Nam (lần đầu) vào năm 2027. DUT sẽ tham gia sự kiện toàn cầu này với tư cách là thành viên chủ nhà.

IAHR có mạng lưới toàn cầu và mong muốn được kết nối với các nhà khoa học Việt Nam để cùng giải quyết những vấn đề môi trường của toàn cầu. IAHR đã có hoạt động hợp tác với nhiều quốc gia, và mong muốn được hợp tác cùng giới chuyên gia, các nhà khoa học, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu của các đại học Việt Nam.

 Hiệp hội Nghiên cứu và Kỹ thuật Thủy văn Môi trường quốc tế đã có gần một thế kỷ ra đời và hoạt động (IAHR được thành lập năm 1935), là tổ chức xã hội nghề nghiệp độc lập, quy tụ đội ngũ kỹ sư và chuyên gia hàng đầu, làm việc trong các lĩnh vực khoa học Thủy văn môi trường trên toàn thế giới (https://www.iahr.org/).

Nội dung MoU cùng trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng xác định hai bên sẽ cùng hợp tác triển khai trong đào tạo và nghiên cứu khoa học về trên nhiều lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm,  thông qua trao đổi học thuật, tổ chức các hội thảo, hội nghị, các hoạt động đào tạo, trao đổi sinh viên, …

PGS.TS Lê Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng DUT (thứ hai, từ trái sang) trao đổi các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là các dự án nghiên cứu chung.

Từ khuôn khổ hợp tác này, 2 đơn vị cũng lưu ý sẽ cùng chú trọng hơn trong xây dựng các dự án nghiên cứu chung (do IAHR và các tố chức phi chính phủ khác tài trợ). Điều này mang lại một hệ quả rất ý nghĩa là nâng cao năng lực nghiên cứu của Khoa Xây dựng Công trình thủy và Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng trong góp phần giải quyết các vấn đề chung liên quan đến tài nguyên nước, môi trường, biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và phát triển bền vững.

Vươn tầm và nâng cao vị thế học hiệu qua trao đổi học thuật
IAHR hiện đã xây dựng mạng  lưới liên kết với 120 viện và trường đại học ở 195 nước trên thế giới. Qua MoU cùng IAHR, sinh viên DUT có cơ hội đến giao lưu học thuật ở các nước thành viên, thông qua chương trình trao đổi ngắn hạn (trại hè quốc tế), tham dự hội thảo, hội nghị, …

 Cũng từ hợp tác lần này, sau khi tốt nghiệp khoa Xây dựng Công trình thủy, sinh viên DUT, giờ đây, có cơ hội lớn trong xin cấp học bổng du học thạc sĩ, tiến sĩ tại các viện hoặc trường đại học thành viên của IAHR. Bởi, sẽ được ưu tiên hơn khi xét duyệt hồ sơ học bổng. Cũng ngay trong đợt này, Chủ tịch IAHR, GS.TS Philippe Gourbesville cũng đã có phỏng vấn một số giảng viên muốn nâng cao hơn trình độ chuyên môn, có nguyện vọng được hỗ trợ học bổng (để trở thành Nghiên cứu sinh học vị Tiến sĩ) của khoa Xây dựng Công trình thủy.

GS.TS Philippe Gourbesville – Chủ tịch IAHR khẳng định rằng, IAHR mong muốn được kết nối với các nhà khoa học Việt Nam và cùng nhau góp phần giải quyết những vấn đề môi trường toàn cầu.

MoU giữa DUT và IAHR cũng nâng tầm học hiệu của nhà trường nói chung, khoa Xây dựng Công trình thủy nói riêng. Hợp tác cùng một tổ chức quốc tế có uy tín về chuyên môn sâu rộng, Khoa Xây dựng Công trình thủy, chính thức trở thành địa chỉ đến làm việc, nghiên cứu, học tập trao đổi học thuật của sinh viên, nghiên cứu sinh từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Một cơ hội lớn để khoa khẳng định vai trò, năng lực, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế.

Liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành (Kỹ thuật thủy văn và môi trường), Khoa Xây dựng Công trình thủy (trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng) cũng đã nỗ lực kết nối trong giao lưu học thuật, tham gia xây dựng dự án, với Viện Thuỷ lực Đan Mạch DHI; tổ chức JICA (nhật Bản), Quỹ Rockefeller (Hoa Kỳ)./.

Trung Đức