Chủ Nhật, Tháng mười một 3, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hình mẫu “nhà lãnh đạo, quản lý số”  và những gợi mở đối với thực tiễn Việt Nam

ĐNA -

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4) đánh dấu đỉnh cao của văn minh nhân loại, được kỳ vọng sẽ tạo ra những điều kỳ diệu cho cuộc sống con người. Điều chắc chắn rằng, sự phát triển của CMCN4 đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi sâu sắc và toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội.  Với tư cách là chủ thể quản lý vĩ mô, định hướng và kiến tạo quản lý phát triển đời sống xã hội và nền quản trị các quốc gia thì đội ngũ các nhà lãnh đạo, quản lý khu vực công có vai trò then chốt.

Hình mẫu “nhà lãnh đạo, quản lý số”  và những gợi mở đối với thực tiễn Việt Nam.

Như một lẽ tất nhiên, sự phát triển CMCN4, chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi sâu sắc diễn biến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, đặt ra nhiều thách thức xen lẫn thời cơ cho các nhà lãnh đạo, quản lý khu vực công cần giải quyết. Do đó, việc xây dựng hệ giá trị, yêu cầu mới đối với đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý sáng tạo với tầm nhìn 4.0 nhằm đủ sức đảm đương để giải quyết các thách thức quản lý công dưới tác động của Cách mạng 4.0 là điều hết sức mới mẻ nhưng cần phải nghiêm túc nhìn nhận, nghiên cứu và có sự thích ứng hiệu quả.

Có thể khẳng định, thời đại số hoá đòi hỏi người lãnh đạo, quản lý ngoài việc dựa trên và kế thừa yêu cầu, chuẩn mực của nhà lãnh đạo, quản lý truyền thống một cách thích hợp thì tất yếu họ phải thực sự chuyển mình, mang dấu ấn là những chuyên gia, vững về kiến thức chuyên môn, có năng lực tư duy và sáng tạo, đổi mới, có kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin, có khả năng làm việc độc lập và ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích các chứng cứ và dữ liệu. Đồng thời, họ vẫn sẽ phải giải quyết bài toán như tăng trưởng kinh tế quốc gia, an sinh xã hội, xây dựng nền văn hóa đất nước, chấn hưng nền giáo dục quốc dân hay đổi mới hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng và tăng cường kết nối quốc tế,… nhưng không thể giải quyết bài toán ấy bằng cách đã làm trước đây, với năng lực kỹ năng đơn thuần chỉ là truyền thống, nếp cũ.

Trước làn sóng của cuộc CMCN4 cũng như làn sóng của cách mạng công nghiệp 5.0 gần đây, người lãnh đạo, quản lý khu vực công đang trở thành một trong những yếu tố “then chốt”, “trụ cột” của tiến trình đổi mới kinh tế, văn hóa và xã hội nhằm đáp ứng những thay đổi lớn lao của thời cuộc; thoả mãn yêu cầu của người dân và doanh nghiệp trong một xã hội “mở”. Đội ngũ nhà lãnh đạo, quản lý công cần có năng lực, phương thức, kỹ năng, nghệ thuật lãnh đạo, điều hàn làm việc trong môi trường “số hóa” và giải quyết, điều hành công việc công dựa trên nền tảng, thành tựu của số hóa. Vì vậy, đối với đội ngũ nhà khoa học về quản lý, lãnh đạo, nhân sự và tham vấn chính sách, việc nghiên cứu về nội hàm và biểu hiện của nhà lãnh đạo, quản lý số trong thời đại số là điều mới mẻ, cần thiết.

Nội hàm của “nhà lãnh đạo, quản lý số” ở khu vực công trong kỷ nguyên số hoá
Một là, san sẻ trách nhiệm, gia tăng phân quyền, phân công và phân cấp cho nhân sự thừa hành để đủ sức nhằm chủ động và thích ứng với thế giới đa chiều phát sinh trong thực tiễn lãnh đạo, quản trị đất nước
Các nhà quản lý truyền thống xác định rõ ràng trách nhiệm và vai trò theo nhóm hoặc theo chức năng, coi trọng tập quyền và ngại phân cấp quyền lực tổ chức và vì thế, họ buộc phải dồn hết tâm sức, phương cách khác nhau để tăng tính “tập quyền” khi thực hiện hoạt động lãnh đạo, quản lý. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo 4.0 học cách phân phối các nhiệm vụ theo tình hình và năng lực của đội nhóm, nơi mà khả năng của nhà quản lý cùng với nhân viên liên tục được liên kết. Thành công có nghĩa là tất cả những người tham gia đã đóng góp thông tin và công sức trong mạng lưới của họ. Nhà lãnh đạo, quản lý dù tài giỏi đến mấy cũng không thể một mình giải quyết trọn vẹn, tất cả các công việc của hệ thống một cách tốt nhất, nhanh nhất. Đăc biệt, trong bối cảnh số hoá ngày càng cao, các vấn đề của lãnh đạo công, của quản lý công không chỉ xuất hiện đơn thuần ở không gian vật lý mà còn ở môi trường số hóa và lai thực – số phức tạp hơn rất nhiều. Thực tiễn tạo ra áp lực giải quyết công việc khổng lồ, đầy thách thức và luôn luôn mới mẻ, khó khăn từ dữ liệu được phản ánh về một cách rất “đồ sộ”. Do vậy, chính đặc trưng chính này của 4.0 vừa là nền tảng song lại là yêu cầu bắt buộc có tính nguyên tắc buộc các nhà lãnh đạo, quản lý phải thực hiện chia sẻ trách nhiệm, hay thẩm quyền dựa trên quyền hạn được giao và sự san sẻ mở rộng cả khía cạnh chức trách và đảm bảo đủ quyền năng giải quyết vấn đề công cho đội ngũ nhân sự các cấp, giữa trung ương và địa phương.

Hai là, trách nhiệm chia sẻ thông tin nhằm hạn chế bất đối xứng thông tin, gia tăng công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan công quyền với nhân dân
Các nhà lãnh đạo, quản lý truyền thống thường phân phát thông tin theo nghĩa vụ và cung cấp dữ liệu theo “chiến lược” và từng phần (“thông tin là quyền lực”). Ngược lại, các nhà lãnh đạo 4.0 tạo ra một khuôn khổ thông tin minh bạch, dựa vào nền tảng trách nhiệm và chủ động trong hành vi. Một học giả từng chia sẻ, thông tin là tài sản của Chính phủ. Tuy nhiên, tài sản ấy trong chừng mực và tình huống nhất định cần phải được sử dụng đúng, là cơ sở gia tăng niềm tin của xã hội và doanh nghiệp vào mức độ liêm chính và minh bạch của bộ máy công quyền. Làm sao người dân có thể truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung để tra cứu, trích xuất thông tin cá nhân mà không cần giấy tờ rườm rà, làm sao người dân, doanh nghiệp có theo dõi tình trạng và mức độ giải quyết hồ sơ của bản thân mình, và làm sao để Chính phủ, chính quyền các cấp là “Chính phủ không ngủ”, “chính phủ số”, chính phủ “gần dân” theo nền tảng tương tác thông qua không gian số là câu hỏi lớn đặt ra trong quá trình sẻ chia thông tin mà nền tảng từ CMCN4 mà nhà lãnh đao, quản lý công phải nhìn nhận và quan tâm.

Ba là, thay đổi phương thức đánh giá theo mức độ tăng về năng suất, rút ngắn thời gian và đảm bảo tính liên tục là yêu cầu mới cho các nhà lãnh đạo, quản lí khu vực công hiện nay.
Việc đánh giá hiệu suất của nhân viên theo các chu kỳ cố định (tháng, quý, năm) là công việc của nhà quản lý truyền thống. Với lãnh đạo, quản lý 4.0 việc đánh giá hiệu suất với sự trao đổi và phản hồi được thực hiện liên tục. Thực tế cho thấy, với sự chuyển biến và thực hành giải quyết các hoạt động công vụ trong bối cảnh 4.0 diễn ra rất nhanh chóng và mau lẹ, có thể được tính bằng giây, phút,… thì đánh giá của nhà lãnh đạo, quản lý đối với đội ngũ nhân sự hành chính nhà nước cần: (i) Kịp thời đưa ra phản ứng (chỉ đạo, điều hành) trong tình huống khẩn cấp, khủng hoàng mang tính trấn an và định hướng giải quyết; (ii) Rút ngắn thời gian đánh giá, sơ kết, tổng kết xuống tối đa có thể vì thực tiễn của 4.0 diễn ra rất mau lẹ, nếu duy trì sự trì trệ, định kỳ đánh giá như hiện nay thì không thể giải quyết các vấn đề mới, nóng bỏng và phức tạp diễn ra hằng ngày, và cũng khó có thể tránh được các lỗi sai tương tự cho những tình huống tương tự khi chúng ta chưa kịp đánh giá vì chưa đến hạn (thực tế Việt Nam đang lúng túng vấn đề này, phân biệt họp hành nhiều và đánh giá thường xuyên dựa trên nền tảng công nghệ số 4.0). (iii) Trong đánh giá kiểu 4.0, nhà lãnh đạo công cũng cần thích ứng, phản ứng liên tục, phản hồi thường xuyên, kịp thời. Điều này thể hiện năng lực vượt trội nhạy bén cần có về phẩm chất của nhà lãnh đạo, quản lý số trong khu vực công hiện nay. Tuy nhiên, điều này không đồng nhất với các quyết định vội vàng và độc đoán, phi thực tế, chủ quan, áp đặt.

Bốn là, nhìn nhận thách thức, sai lầm, chủ quan bằng tư duy tích cực, với tinh thần cầu thị, lắng nghe và nhiệt tâm khắc phục là điều rất cần thiết của nhà lãnh đạo, quản lý số hiện nay.
Có điều rất khác biệt, việc “né tránh sai lầm”, mâu thuẫn là tư duy hiện hữu, thống trị của người lãnh đạo, quản lý truyền thống. Trong khi đó, một bầu không khí cởi mở với tư duy học hỏi, cầu thị, sẻ chia và hành động tích cực từ các sai lầm được xác lập bởi các nhà lãnh đạo, quản lý số trong khu vực công hiện nay. Theo tác giả, điều này là cần thiết và tất yếu mà bản thân mỗi nhà lãnh đạo, quản lý số trong khu vực công cần quan tâm và học hỏi. Bởi lẽ: (i) Bối cảnh 4.0 luôn đặt ra nhiều thách thức vô cùng mới mẻ, khó lường trong quản trị công và do vậy việc đưa ra quyết định sai lầm, chưa phù hợp là điều rất dễ xảy ra. Quan trọng nhất là tâm lí và thái độ của nhà lãnh đạo trước tình huống sai lầm này của bản thân và cả đội ngũ nhân sự hành chính nhà nước là như thế nào. Đoàn kết giải quyết khủng hoảng, sai lầm hay coi sai lầm, khủng hoảng ấy là dấu “chấm hết” cho sự phát triển chức nghiệp của công chức? (ii) Nhà lãnh đạo, quản lý số theo biểu hiện này sẽ khắc phục tính tự ti, e dè, ngại đổi mới, không chịu sáng tạo và tiêu cực trong xử lí các tình huống khủng hoảng và cả sai lầm từ cách thách thức của Cách mạng 4.0.

Năm là, nhìn thấy sự thay đổi, ủng hộ sự thay đổi, đổi mới và sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi là phẩm chất cần có của nhà lãnh đạo, quản lý số trong khu vực công hiện nay.
Duy trì xã hội ở sự trật tự, nền nếp, bình thường, thậm chí khép kín, dè dặt cái mới, cái hay, hay tâm lí “tự thỏa mãn” với thành tựu hiện có, tạm “hài lòng” với hiện trạng xã hội, giảm thiểu rủi ro là ưu tiên của các nhà lãnh đạo, quản lý truyền thống. Cách làm này để lại ít chỗ cho sự sáng tạo, đột phá, đổi mới và giải phóng. Trong khi đó, nhà lãnh đạo, quản lý số thời kỳ Cách mạng 4.0 luôn ở mức sẵn sàng cho khả năng thay đổi trong hệ thống tổ chức công quyền, cũng như khuyến khích sự nhanh nhẹn thích ứng giữa thị trường, doanh nghiệp và công dân với tư cách khách hàng và đội ngũ công chức, viên chức nhà nước. Điều hành biểu hiện ở tinh thần tận tụy, liêm chính, chuyên nghiệp và sự phản ứng chuẩn xác, linh hoạt và phải có hiệu quả với biến chuyển của đời sống xã hội, yêu cầu doanh nghiệp dưới tác động của hiệu ứng Cách mạng 4.0 tương quan và tỉ lệ thuận với chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Sáu là, đổi mới và linh hoạt trong đánh giá, nhìn nhận hiệu quả công vụ là yêu cầu bắt buộc đối với nhà lãnh đạo, quản lý số khu vực công hiện nay
Đánh giá là một khâu rất quan trọng của công tác nhân sự nói chung và của cơ quan công quyền nói riêng. Các nhà lãnh đạo, quản lý truyền thống lập kế hoạch các nguồn lực và đánh giá kết quả đạt được dựa theo nguyên tắc cố định, căn cứ trên các khu vực xác định ranh giới của một dự án, kế hoạch, chương trình, chính sách công xác định. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo, quản lý 4.0 kiểm soát quá trình thảo luận và lựa chọn phương án, đánh giá các nhiệm vụ và kết quả cùng các thành viên trong đội và sử dụng các nguồn lực theo tiềm năng và thẩm quyền. Các kết quả công việc được thực hiện bằng cách tích hợp các phản hồi liên tục giữa các bên liên quan trong và ngoài tổ chức. Biểu hiện này khắc phục vấn đề cố hữu sau: (i) Việc đánh giá kết quả công vụ dựa trên nguyên tắc quá cố định, xơ cứng đôi khi lạc hậu và có tính bảo thủ; từ đó, có thể làm giảm động lực cống hiến và trì trệ trong thực thi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, kiểu đánh giá này đặc trưng ở chỗ khung đánh giá, các tiêu chí đánh giá là do nhà lãnh đạo, quản lý (được pháp lý hóa có thể là luật, nghị định hoặc quy chế nội bộ,…) do nhà lãnh đạo chủ trì, quyết định ban hành và vì vậy nó chưa có tính phù họp và sâu sát thực tế. (ii) Tuy nhiên, đánh giá của nhà lãnh đạo, quản lý số cởi mở hơn. Đó là dựa trên sự thảo luận, thống nhất, phân công và sau đó là “tự nguyện” đăng ký tham gia của các thành viên trong tổ chức, lãnh đạo đánh giá kết quả, hiệu quả dựa trên sự cam kết hành động mang tính tự nguyện của bản thân người công chức, viên chức ấy với tổ chức. Điều này là hợp lí, bởi lẽ, việc xác định nguyên tắc đánh giá cố định hay các đầu việc được giao từ lãnh đạo, quản lý đối với đội ngũ nhân sự luôn thay đổi và bản thân giới lãnh đạo có thể chưa lường hết được khó khăn hoặc nhận thức được đến đâu về năng lực của từng nhân sự để giải quyết cho từng vấn đề, nên có thể chủ quan. Tuy nhiên, phương pháp này cần tích hợp hợp lý với quy chế, quy định có tính ràng buộc.

Như vậy, có thể thấy, dưới tác động của Cuộc cách mạng 4.0, sự chuyển mình của nền hành chính công mỗi quốc gia buộc các nhà lãnh đạo, quản lý phải điều chỉnh, thay đổi để thích ứng và phát triển. Dựa trên nền tảng là thách thức, thuận lợi có tính đặc thù của Cách mạng 4.0, tác giả khái quát thành các biểu hiện/ nội hàm cơ bản mà “nhà lãnh đạo, quản lý số” trong khu vực công hiện nay phải nhận diện và quan tâm. Đây là luận cứ quan trọng để tác giả củng cố cho các kiến nghị, gởi mở trong việc xây dựng, phát triển đội ngũ lãnh đạo, quản lý công Việt Nam thời kỳ Cách mạng 4.0 hiên nay.

Một số gợi mở nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ lãnh đạo, quản lý khu vực công trong kỷ nguyên số ở Việt Nam
CMCN4 đã tạo ra sự thay đổi vô cùng lớn trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và cả phương thức lãnh đạo, quản lý vốn trì trệ của khu vực công phải đối diện. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã khẳng định và nêu bật tinh thần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, phát huy những thành tựu của sự nghiệp 30 năm Đổi mới (1986 – 2016) nhằm “sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đây chính là thách thức lớn của những người lãnh đạo, cán bộ quản lý trước làn sóng của cuộc cuộc Cách mạng này. Từ những nền tảng tiếp cận, nhận diện về nhà lãnh đạo, quản lý số trong khu vực công nói chung và thực trạng của nền hành chính, của đội ngũ nhân lực hành chính công nước ta, tác giả gợi mở một số nội dung góp phần phát triển đội ngũ lãnh đạo, quản lý số trong khu vực công. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, vận dụng những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển trong việc đổi mới cơ chế, chính sách, ứng dụng linh hoạt mô hình doanh nghiệp 4.0 gắn với người lãnh đạo xuất sắc, doanh nghiệp tự chủ, nhân viên sáng tạo vào hoạt động của cơ quan công quyền nước ta hiện nay. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trở thành xu thế chung của nhân loại ở thế kỷ XXI và Việt Nam cũng đang tham gia sâu rộng vào quá trình ấy. Sự hội nhập tích cực tất yếu đem đến cho chúng ta nhiều nhận thức mới mẻ về các mô hình quản trị quốc gia hiệu quả như của Isaren, Singgapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng như việc tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ – CPTPP) hay với các tổ chức, sự kiện quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Cộng đồng ASEAN (AEC), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AC) làm gia tăng kinh nghiệm, sự trải nghiệm về việc vận xây dựng, thực thi chính sách hiệu quả, hiệu lực, xây dựng “quốc gia khởi nghiệp”, “tinh thần sáng tạo quốc gia” nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới để từ đó có thể tạo “cú hích” lớn cho động lực phát triển đất nước.

Thứ hai, đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành theo tinh thần Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược quốc gia xây dựng chính phủ điện tử hướng đến chính phủ số. Sự thay đổi về hạ tầng kiến trúc kéo theo sự chuyển đổi tương thích của thượng tầng kiến trúc. Trong bối cảnh CMCN4, việc áp dụng phương thức lãnh đạo, quản lý một cách máy móc, cơ học, kiểu “nông nghiệp hóa” hay “cơ khí hóa”, xem nhẹ vai trò là công cụ chuyển tải phương thức quản trị của nhà lãnh đạo, quản lý mà khoa học – công nghệ đem lại là không phù hợp. Do vậy, cần phải đổi mới phương thức quản trị theo hướng lấy kết quả đầu ra và hài lòng của công dân, doanh nghiệp là thước đo hàng đầu cho công việc thay vì chỉ chú trọng đầu vào, quản lý quá trình thực thi công vụ của công chức. Đồng thời, phương thức lãnh đạo, quản trị kiểu mới cần tránh loay hoay đi giải quyết “việc vụn vặt”, “tản mạn” mà các phương thức này phải tạo động lực cho đổi mới, sáng tạo, phát huy tính tích cực, tận tụy và đặc biệt là kiến tạo phát triển xã hội ở tầm nhìn vĩ mô. Tuy nhiên, cần cẩn trọng để tránh tư duy sai lầm khi quá chú trọng hoặc đề cao quá mức “ứng dụng công nghệ số” mà quên đi vấn đề then chốt chính là yếu tố con người và cải cách cơ chế vận hành hệ thống và xã hội.

Thứ ba, đối với khoa học – công nghệ, người lãnh đạo, cán bộ quản lý nên: (i) Đầu tư, tạo điều kiện cho những nhà khoa học, kỹ sư sáng chế biến ý tưởng triển vọng thành sản phẩm 4.0 thực tế; đầu tư đặc biệt cho những ý tưởng đột phá. (ii) Lấy tính sáng tạo của sản phẩm khoa học, công nghệ làm tiêu chí cao nhất để đánh giá chất lượng sản phẩm, cũng như đánh giá hiệu quả công việc và định mức thu nhập của các nhà khoa học, kĩ sư sáng chế. Hiện nay, đây là vấn đề rất đáng “quan ngại” ở Việt Nam khi từ lâu cùng với giáo dục và đào tạo thì khoa học và công nghệ đã được Đảng ta xác định là “quốc sách hàng đầu” nhưng thực tế, chính sách, mức đầu tư và sự quan tâm cho nó thực sự chưa xứng tầm “quốc sách”. Đó là tình trạng đầu tư ngân sách khoa học – công nghệ trên thực tế còn quá ít, dàn trải, bao cấp, xin – cho vẫn còn phổ biến, hay khả năng ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến của nhân lực hiện tại còn yếu. Ở góc độ quốc gia, nhà lãnh đạo, quản lý công trong bối cảnh số hoá ngày càng cao cần đổi mới tư duy để khắc phục tồn tại hiện nay về vấn đề này.

Thứ tư, nghiên cứu chuyển từ quản lý theo phương thức bằng cách từ bỏ kiểm soát, tin tưởng vào khả năng giải quyết vấn đề của nhân viên và hỗ trợ trí tuệ tập thể của nhóm. Xu hướng trong thế giới số đang chuyển từ “IQ” sang “EQ” – tức là, khả năng cộng tác trong các tổ chức có mạng lưới rộng, nhất là trong hệ thống chính trị, cơ quan công quyền (điều này Việt Nam đang rất yếu).

Thứ năm, với tư cách là chủ thể năng động và phải tiên phong, các nhà lãnh đạo, quản lý khu vực công cần khởi xướng có lộ trình, đầu tư bài bản về xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, thành phố thông minh theo Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Trước mắt, cần có phương thức đồng bộ xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia, đầu tư nhân sự công nghệ thông tin, cải thiện trình độ tin học, năng lực số, quản trị sự thay đổi trong kỷ nguyên số, v.v. của đội ngũ nhân sự hành chính và từng bước hiện đại hóa hệ thống tin học, công nghệ số trong toàn hệ thống.

Thứ sáu, dựa trên thành tựu của CMCN4, nhà lãnh đạo, quản lý cần tăng cường công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình với tinh thần “cung cấp thông tin về những việc làm được và kể cả khuyết điểm, yếu kém cũng không giấu diếm. Đồng thời chú ý đế trách nhiệm giải trình, giải đáp của cơ quan nhà nước đối với những vấn đề nổi cộm, những việc chưa thông suốt, những chủ trương, chính sách mới… trách nhiệm của chúng ta là “giải trình, giải đáp cho người dân với tinh thần chính phủ phục vụ”.

Thứ bảy, xác định để bổ sung một số yêu cầu mới của nhà lãnh đạo, quản lý số trong khu vực công hiện nay ở Việt Nam. Đó là:
Tư duy và hành động kiến tạo và thích ứng cao với sự thay đổi
Sau gần 38 năm Đổi mới, đất nước ta thực sự đổi đời. Tuy nhiên còn đó nhiều mục tiêu chiến lược còn dang dở. Do vậy, nhà lãnh đạo công ngày nay phải là nhà lãnh đạo của tư duy và hành động mới mẻ, đột phá, quyết liệt và sáng tạo giống như tinh thần của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 “kiến tạo, liêm chính và phát triển”. Nhà nước cần “thoát thai” dần kiểu “quan liêu” mà phải thực sự là “nhà nước một nửa” theo kiểu vạch tầm nhìn và khơi dậy sức phát triển của toàn xã hội. Ở đó, vai trò của giới tinh hoa với năng lực xây dựng, ban hành hệ thống chính sách, pháp luật đủ mạnh, chuẩn xác, có tính “tiên lượng”, là “bệ đỡ” cho sự phát triển của xã hội thực sự; đồng thời, có khả năng dự báo rủi ro, dẫn dắt hệ thống, xã hội thích ứng tốt với sự biến chuyển của thời đại có vai trò rất then chốt.

Năng lực cao ngang tầm yêu cầu thời đại
Ngày nay, các quốc gia đang chuyển mình cách mạnh mẽ mà khởi phát là chuyển đổi mô hình công vụ, công chức từ cầm chèo sang cầm lái, từ nhà nước chức nghiệp sang vị trí việc làm, từ nhà nước “béo” sang nhà nước “gầy”, từ chính quyền đi sau xã hội sang kiểu nhà nước kiến tạo, phúc lợi. Tất cả đều này phụ thuộc phần nhiều vào đội ngũ nhà lãnh đạo, vào quyết tâm chính trị của họ. Ở Việt Nam, tất cả điều đó đang diễn ra và không có ngoại lệ nào. Do vậy, một trong những yêu cầu đặt ra hết sức nặng nề cho nhà lãnh  đạo Việt Nam hiện nay là năng lực ngang tầm yêu cầu thời đại. Đó là:

Có tri thức khoa học mới mẻ, cập nhật và sâu sắc (khoa học lãnh đạo, khoa học quản trị,… là căn cốt nhất), nắm vững lý luận, quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy làm nền cho phương thức lãnh đạo, quyết định lãnh đạo đúng đắn trong bối cảnh số hoá.

Có khả năng tiếp cận, lĩnh hội và vận dụng, kế thừa có hiệu quả tri thức nhân loại vào công cuộc đổi mới Việt Nam hiện nay, nhất là đặt trong bối cảnh của CMCN4 trong bối cảnh thế giới “phẳng”, đan xen các mối quan hệ phức tạp.

Nhà lãnh đạo, quản lý số trong khu vực công là cách tiếp cận mới được nảy sinh và phát triển trong thời đại của CMCN4. Bài viết đã phân tích và làm rõ những dấu hiệu cơ bản nhất của nhà lãnh đạo, quản lý số nói chung và soi rọi vào thực tiễn nền hành chính công Việt Nam để đề xuất, phát thảo một số nội dung có tính gợi mở nhằm từng bước hình thành và xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong khu vực công thích ứng, tận dụng thành công thành tựu của quá trình chuyển đổi số vào sự nghiệp phát triển đất nước theo định hướng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

NB. Thế Cương – TS. Bùi Nghĩa/Học viện Chính trị khu vực II

Danh mục tài liệu tham khảo:
Christina, Lãnh đạo 4.0 trong “Thời đại số”, http://phamthongnhat.com, http://phamthongnhat.com/lanh-dao-4-0-trong-thoi-dai/, ngày đăng tải: 20/06/2017
Nguyễn Thị Mai Anh, Yêu cầu và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ hội nhập quốc tế, tapchicongsan.org.vn, http://tapchicongsan.org.vn/Home/huong-toi-Dai-hoi-XII-cua-Dang-Cong-san-Viet-Nam/2015/32722/Yeu-cau-va-giai-phap-xay-dung-doi-ngu-can-bo-thoi.aspx, ngày đăng tải: 22g26 phút, ngày 01/4/2015
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2009, tr. 202
Đảng Cộng sản Việt Nam (2012), Nghị quyết số 12-NQ/TW – Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội
Đảng Cộng sản Việt Nam (2016): Những điểm mới trong Văn kiện đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội
Đảng Cộng sản Việt Nam (2015): Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm Đổi mới (1986 – 2016), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội
Đặng Hùng Võ, Bàn về chuyện công khai minh bạch ở Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 3/2015
Daron Acemoglu & James A. Robinson (2012), Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói – Tại sao các quốc gia thất bại, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh
Ha-Joon Chang (2003), Globalisation, economic development and the role of the state, Zed Books, London
Đoàn Trọng Tuyến (2006), Cải cách hành chính và công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội
Nguyễn Đăng Dung (2009), Nhà nước là những con số cộng đơn giản, Nxb. Lao động, Hà Nội
Ngô Đức Huy & TS. Nguyễn Thị Thanh Dung, Nhà nước kiến tạo phát triển – Khái niệm và những yếu tố thành công, Thông tin Khoa học xã hội, số 11.2015.
S.Chiavo-Chamo & P.S.A.Sundaram (2003): Phục vụ và duy trì: Cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.