Bài viết được tác giả sử dụng những phương pháp nghiên cứu như Phương pháp phân tích và tổng hợp tài liệu; Phương pháp toạ đàm; Phương pháp lôgíc và Phương pháp lịch sử để chứng minh theo tư tưởng Hồ Chí Minh vai trò của giáo dục thể chất thế hệ trẻ ngày càng có tầm quan trọng. Nhà trường và xã hội có trách nhiệm chăm lo tới sự phát triển toàn diện thế hệ trẻ, trong đó thể chất, thể lực là một yếu tố cơ bản. Sự phát triển toàn diện thế hệ trẻ là tương lai tươi sáng của dân tộc, trong đó tầm vóc và sức khoẻ của con người Việt Nam được nâng cao.
1. Đặt vấn đề
Sinh thời, Bác Hồ rất coi trọng công tác giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ vì đây là thế hệ tương lai của nước nhà. Người quan niệm việc giáo dục thể chất thế hệ trẻ không chỉ thực hiện trong nhà trường mà còn cả ngoài trường học, không chỉ được sự hướng dẫn, giảng dạy của thầy, cô giáo mà còn từ tập luyện, không chỉ đối với tuổi trẻ học đường mà còn đối với tuổi trẻ đang công tác, lao động ngoài xã hội. Sớm nhận rõ vai trò tích cực của việc giáo dục thể chất thế hệ trẻ, Người không chỉ cố gắng tự rèn luyện thân thể thường xuyên mà còn trực tiếp giáo dục thể chất thế hệ tương lai của đất nước.
2. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu đề tài sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau: Phương pháp phân tích và tổng hợp tài liệu; Phương pháp toạ đàm; Phương pháp lôgíc và Phương pháp lịch sử.
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục thể chất
Khi còn là thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học tại trường Dục Thanh (Phan Thiết) cuối năm 1910 – đầu năm 1911, Thầy Nguyễn Tất Thành sớm có nhãn quan mới về giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện. Ngoài việc dạy học sinh lớp nhì (tương đương lớp 4 tiểu học ngày nay) môn Hán văn và Quốc ngữ chính khoá, vào những ngày nghỉ, thầy Nguyễn Tất Thành thường đưa học sinh đi tham quan những di tích lịch sử trong vùng và ngắm cảnh thiên nhiên kỳ thú. Nhân đó, thầy Nguyễn Tất Thành kể các câu chuyện và đọc các bài ca yêu nước trong phong trào Đông Du cũng như trong cuộc vận động Duy Tân cho học sinh nghe. Qua đó, thầy Thành đã giáo dục cho học sinh tuổi niên thiếu lòng yêu nước, thương dân, tình cảm đạo đức con người. Thầy Thành còn khuyến khích, nhắc nhở học sinh chăm chỉ đọc sách để mở mang thêm kiến thức và bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp.
Là giáo viên trẻ nhất trường Dục Thanh và hiểu biết, ham thích thể dục thể thao (TDTT), thầy Thành còn được phân công kiêm dạy môn thể dục cho học sinh toàn trường. Thầy Thành rất hiểu ý nghĩa câu khẩu hiệu ở trường Quốc học Huế: “Một tâm hồn trong sáng trong một thân thể khoẻ mạnh”. Do đó, thầy Nguyễn Tất Thành rất quan tâm đến việc rèn luyện thân thể cho học sinh để các em lớn lên có được sức khoẻ tốt. Mỗi buổi sáng, Thầy lên lớp hướng dẫn học sinh tập bài thể dục rồi kéo xà đơn, tập chạy, nhảy cao, nhảy xa. Vào sáng thứ năm hàng tuần, thầy Thành dẫn học sinh ra bãi biển Thương Chánh tập luyện, chạy nhảy, vui chơi dưới ánh nắng ban mai với khí trời trong mát.
Tuy dạy học tại trường Dục Thanh không lâu, nhưng với phương pháp dạy học sinh linh hoạt, sáng tạo, kết hợp học trong trường với ngoài trường, gắn giáo dục đạo đức, tri thức với thể dục, cách thức dạy học của thầy Nguyễn Tất Thành hồi ấy thực sự là phương pháp giáo dục có tính cách mạng.
Từ giã trường Dục Thanh, thầy Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn và bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân. Ra nước ngoài hoạt động, thầy giáo Nguyễn Tất Thành chính là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc nổi tiếng. Sau 30 năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài, đến trưa ngày 28/01/1941 (tức mùng 2 tết Tân Tỵ), từ đỉnh núi Sum Khảo (Trung Quốc), Người vượt cột mốc 108 biên giới Việt Trung, đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất của Tổ quốc thân yêu, rồi về ở, sống và làm việc tại hang Cốc Bó, bản Pác Bó (Cao Bằng). Sau khi về nước, Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh. Mặt trận Việt Minh do Người sáng lập và làm Chủ tịch đã đề ra chương trình hành động. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn đạt chương trình hành động đó thành “Mười chính sách của Việt Minh” bằng văn vần. Về giáo dục thế hệ trẻ, Người viết “Thanh niên có trường học nhiều” và “Trẻ em, bố mẹ khỏi lo, Dạy, nuôi Chính phủ giúp cho đủ đầy”. Việc giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện được Bác Hồ và mặt trận Việt Minh rất coi trọng, trong đó có mặt giáo dục thể chất.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Bác Hồ khai sinh nền giáo dục mới nhằm phát triển thế hệ trẻ về mọi mặt “Một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Người đặc biệt coi trọng việc giáo dục thể chất và khuyên bảo thiếu nhi, học sinh “Phải siêng tập thể thao cho mình mẩy được nở nang”. Người căn dặn học sinh trung học phải học giỏi cả văn hoá và thể dục.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ cũng rất quan tâm tới việc học sinh, thiếu nhi và thanh niên rèn luyện thân thể. Cuối năm 1947, người viết thư căn dặn thiếu nhi tỉnh Hải Dương phải chăm học, chăm làm, tích cực rèn luyện thân thể, giữ gìn kỷ luật và yêu nước: “…Các cháu nghe Bác dặn dò: Phải biết yêu nước, phải lo học hành; Siêng làm việc, siêng tập tành; Phải giữ kỷ luật là thành cháu ngoan”. Người đã phát động phong trào thi đua ái quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”. Nội dung thi đua ái quốc trong các trường học có cả thi đua giáo dục thể chất: “Các trường học thi đua về giáo dục trí lực, đức dục, thể dục, tăng gia sản xuất, dân vận”. Đối với các trường, lớp của quân đội, Bác Hồ càng coi trọng phong trào thi đua ái quốc, trong đó người rất quan tâm tới thi đua rèn luyện thân thể: “Luyện tập thân thể cho mạnh mẽ; Nghiên cứu kỹ thuật cho thông thạo; Trau dồi tinh thần cho vững chắc; Hun đúc đạo đức của người quân nhân cách mạng cho vững vàng”.
Từ sau năm 1954, đất nước ta chuyển sang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, miền Bắc tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN), miền Nam tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, nhằm giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất nước nhà. Để tiến hành cuộc cách mạng XHCN ở miền Bắc, Bác Hồ dạy: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có con người XHCN”. Con người XHCN phải được phát triển toàn diện các mặt đức, trí, thể, mỹ. Về mặt thể chất, con người XHCN “phải là con người khoẻ mạnh, con người luôn luôn sẵn sàng, sẵn sàng có nghĩa là lúc nào cũng sung sức, cơ thể tốt, thần kinh tốt, sức khoẻ là như vậy. Chúng ta phải hiểu sức khoẻ đây là sức khoẻ của cơ thể, sức khoẻ của tinh thần, và chỉ có thể dục thể thao mới cho con người ta sức khoẻ như vậy”. Muốn hình thành con người XHCN phải từ giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ phát triển toàn diện. Sức khoẻ có tác dụng rất tích cực đối với tính năng động của tuổi trẻ là “Luôn luôn sẵn sàng, lúc nào cũng sung sức”. Do đó, Bác Hồ dạy thanh niên: “Phải rèn luyện thân thể cho khoẻ mạnh, khoẻ mạnh thì mới có đủ sức để tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ những công việc ích nước lợi dân”. Người còn nhắc nhở: “Thanh niên cần phải chuyên tâm đi học và công tác, nhưng cũng cần có vui chơi, vui chơi lành mạnh là một bộ phận trong sinh hoạt của thanh niên… Trong vui chơi cũng có giáo dục. Cần có những thứ vui chơi văn hoá, thể dục thể thao có tính chất tập thể và quần chúng”. Mùa hè năm 1957, nhân chuyến viếng thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Đức, Bác Hồ đã dành một buổi chiều đến với các cháu nam, nữ học sinh, sinh viên Việt Nam ở thành phố Dresden. Gần 500 học sinh, sinh viên đang học tập ở nhiều nơi thuộc Cộng hòa Dân chủ Đức có mặt tại đây vô cùng sung sướng được đón Bác Hồ đến thăm. Bác Hồ nói chuyện và căn dặn học sinh, sinh viên: “Các cháu nhớ học hành chăm ngoan, lễ độ, giữ gìn kỷ luật, tiết kiệm, rèn luyện sức khoẻ cho tốt và thường xuyên vun đắp tình hữu nghị giữa hai dân tộc”. Giữa năm 1964, Bác Hồ đến xem triển lãm “Mười năm phát huy truyền thống Điện Biên Phủ” tại khu triển lãm Vân Hồ (Hà Nội). Sau khi Bác xem hết gian trưng bày thể dục thể thao, Người có vẻ băn khoăn nói với các cán bộ khu triển lãm: “Bác cảm thấy hình như các chú chưa quan tâm đến việc sản xuất dụng cụ thể dục thể thao cho các cháu và tại đây cũng không thấy hình ảnh của các cháu rèn luyện thể dục thể thao. Các chú nên nhớ rằng các cháu là mầm non, là tương lai của đất nước và của ngành TDTT, nên các cháu phải khoẻ mạnh, có thể lực tốt”. Quan tâm đến giáo dục thể chất thế hệ trẻ, Bác Hồ đã quan tâm đến cả những việc làm ra dụng cụ tập luyện cho thanh thiếu nhi. Ở đây Bác Hồ cũng đã chỉ ra rằng, tương lai của đất nước, của Tổ quốc, nhân dân, của ngành TDTT phụ thuộc một phần quan trọng vào yếu tố sức khoẻ thế hệ trẻ Việt Nam.
Bác Hồ rất quan tâm tới các hoạt động giáo dục thể chất thế hệ trẻ không chỉ trong tập luyện mà còn cả trong thi đấu thể thao của họ. Tập luyện tốt mới phát triển thể lực tốt, trình độ kỹ thuật tốt, mới tham gia thi đấu thể thao tốt, nghĩa là tập luyện tốt mới trở thành vận động viên. Ngược lại, thi đấu tốt cũng có tác dụng rèn luyện sức khoẻ, tinh thần tốt cho tuổi trẻ và thúc đẩy phong trào giáo dục thể chất thế hệ trẻ ngày càng phát triển. Ngày 02/10/1960, Bác Hồ đã đến dự Đại hội bơi lội thiếu nhi toàn miền Bắc tổ chức tại bể bơi Ba Đình, Hà Nội. Được Bác đến dự và động viên, tất cả các vận động viên thiếu nhi các tỉnh, thành phố vô cùng phấn khởi và quyết tâm thi đấu tốt, đạt thành tích cao. Bác Hồ mong muốn thế hệ trẻ Việt Nam phải khoẻ và đẹp, khoẻ về thể chất, tinh thần, đẹp về hình thể.
3.2. Kết quả công tác giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ hiện nay
Ngày 17/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1076/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển Giáo dục thể chất (GDTC) và thể thao trường học giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025. Quyết định với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và thể thao trường học, nhằm tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực toàn diện, trang bị kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản và hình thành thói quen tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên của trẻ em, học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao tầm vóc người Việt Nam. Sau 5 năm triển khai Quyết định số 1076 của Thủ tướng, GDTC và thể thao trường học đạt được những bước tiến đáng kể. Công tác chỉ đạo, quản lý GDTC và thể thao trường học đã được đổi mới. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên GDTC và thể thao trường học đã được tăng cường về số lượng, chất lượng chuyên môn cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ quản lý, giảng dạy. Cơ sở vật chất, trang thiết bị (sân tập, nhà tập…) phục vụ GDTC và thể thao trường học được quan tâm và tăng cường trang bị, tu sửa, xây dựng và mua sắm mới.
Số trường thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả GDTC hiện tại tăng từ 87,4% so với năm 2015. Số lượng học sinh tham gia hoạt động TDTT năm học 2019 – 2020 tăng từ 15,8% – 31% so với năm 2015.
Tổng số học sinh đạt tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại thể lực năm học 2019 – 2020 theo tuổi tăng từ 11,3% – 23,5% so với năm 2015. Tổng số các hoạt động TDTT ngoại khóa do các đơn vị tổ chức và tham gia hoạt động TDTT quy mô toàn quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trong năm học 2019 – 2020 tăng từ 11% – 26,1% so với năm 2015.
Tổng số cán bộ, giáo viên GDTC được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ tính đến nay tăng từ 39,7% – 45,5%. Về cơ sở vật chất, năm 2020, khối các trường Mầm non có 3.093 nhà tập thể chất, tăng 10% so với 2015; Khối các trường phổ thông có 3.234 nhà tập thể chất, tăng 15% so với 2015; 100% số trường có sân tập thể chất và nhiều trường có bể bơi; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình Giáo dục Thể chất mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.
Giai đoạn 2021 – 2025, GDTC và thể thao trường học phát triển theo định hướng, mục tiêu tạo chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và thể thao trường học nhằm nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện về Đức, Trí, Thể, Mỹ cho trẻ em, học sinh, sinh viên và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, bảo vệ Tổ quốc.
Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục thể chất chính khóa đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học và yêu cầu phát triển toàn diện cho trẻ em. Phát triển hoạt động thể thao ngoại khóa với mục tiêu: có ít nhất 90% trẻ em mầm non tham gia luyện tập và trình diễn thể thao. Có ít nhất 85% số học sinh, sinh viên thường xuyên tham gia tập luyện thể thao ngoại khóa; có ít nhất 80% số học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn đánh giá xếp loại thể lực theo tuổi; 100% số trường tiểu học, THCS, THPT duy trì thường xuyên tập thể dục giữa giờ, thành lập và tổ chức hoạt động thường xuyên câu lạc bộ các môn thể thao của học sinh.
Đảm bảo đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ GDTC và thể thao trường học trên toàn quốc với mục tiêu: Đảm bảo 80% trường mầm non có phòng giáo dục thể chất, có sân vườn và đảm bảo có đủ thiết bị, đồ chơi vận động tối thiểu cho trẻ theo quy định và có ít nhất 100% điểm trường có sân chơi chung. Có ít nhất 85% trường Tiểu học, trường THCS và ít nhất 95% trường THPT có sân tập và có ít nhất 60% trường Tiểu học, 70% trường THCS và 80% trường THPT có nhà tập thể dục, thể thao.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên GDTC đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ giáo dục toàn diện. Thu hút sự đầu tư từ các nguồn tài chính hợp pháp khác cho công tác GDTC và thể thao trường học.
4. Kết luận
Tóm lại, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò của giáo dục thể chất thế hệ trẻ ngày càng có tầm quan trọng. Nhà trường và xã hội có trách nhiệm chăm lo tới sự phát triển toàn diện thế hệ trẻ, trong đó thể chất, thể lực là một yếu tố cơ bản. Sự phát triển toàn diện thế hệ trẻ là tương lai tươi sáng của dân tộc, trong đó tầm vóc và sức khoẻ của con người Việt Nam được nâng cao.
Hoàng Văn Chỉnh – Bộ môn Giáo dục thể chất. Trường đại học Công đoàn
Tài liệu tham khảo
- Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Quyet-dinh-1076-QD-TTg-de-an-tong-the-phat-trien-giao-duc-the-chat-the-thao-truong-hoc-2016-2020-315195.aspx
- Uỷ ban TDTT (2006), 60 năm Thể dục thể thao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước , Nxb TDTT, Hà Nội.
- Trương Quốc Uyên (2011), 65 năm nền thể dục thể thao cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb TDTT, Hà Nội.