Thứ hai, Tháng mười 14, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hồ Chí Minh với Văn hóa dân tộc: Sáng mãi câu nói của Người “Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”

ĐNA -

(Đà Nẵng). Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19 tháng 5 năm 1890 – 2024), sáng nay (14/5/2024) tại Công viên APEC – Đà Nẵng; Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quận Hải Châu đã tổ chức phiên sinh hoạt chuyên đề “Hồ Chí Minh với Văn hóa dân tộc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường phố Indonesia, tháng 2/1959. Đây cũng là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á, Người  có chuyến thăm chính thức. Ảnh tư liệu.

Các bạn cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên 13 phường, các trường Cao đẳng trên địa bàn Quận; cùng đại diện Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo, Phòng văn hóa-Thông tin Quận, Ban Tuyên huấn Thành Đoàn Đà Nẵng đã tham dự.

Diễn giả phiên sinh hoạt chuyên đề là Thạc sỹ Trịnh Quang Dũng – Giảng viên khoa Lý luận Chính trị, trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.

“Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ. Đây chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của ngành văn hóa và thông tin. Nền văn hoá mới phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hoá xưa và nay để xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng. Văn hoá và nghệ thuật có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ” – đây là những phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 78 năm tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946).

Người còn nhấn mạnh rằng: Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có 4 vấn đề phải chú ý đến và cũng phải coi trọng ngang nhau: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá. Tổng hoà toàn bộ những thành tố đó mà hình thành hệ thống giá trị, thang bậc giá trị xã hội mới và tổ chức trong thực tiễn. Nghĩa là phải kiến lập và hiện thực hóa cho được theo một hệ giá trị mới, bao hàm những thuộc tính mang tính chuẩn mực không chỉ về kinh tế, chính trị, đối ngoại mà còn phong phú, sâu sắc về xã hội, về đạo đức, về tinh thần, về phong tục, tập quán, v.v… trong công cuộc kiến thiết và bảo vệ đất nước.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa dân tộc luôn đề cao các giá trị tinh thần, phong tục, tập quán, … là những yếu tố truyền thống, nền tảng, được bồi đắp hàng ngàn năm; phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hoá xưa và nay và xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam [khi nước nhà đã giành được dộc lập, tự chủ].

TS. Nhị Lê – Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, trong bài viết “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, đã tiếp tục làm rõ tư tưởng của Bác Hồ: Nói văn hoá trước hết là nói tới truyền thống. Văn hoá của bất kỳ dân tộc nào cũng đều như thế, đều bắt đầu từ văn hoá truyền thống. Nó là sự tích tụ, hình thành nên các giá trị lâu đời trong lịch sử xã hội, dân tộc. Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội Việt Nam, là mục tiêu, là động lực phát triển của lịch sử Việt Nam.

Ngày nay, sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc không chỉ được đánh giá bằng tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm trong nước mà còn bằng cách chỉ số: thu nhập cao, giáo dục tốt, sức khoẻ và dinh dưỡng ở mức cao, nghèo khổ thấp, môi trường trong sạch, có cuộc sống văn hoá cao… Đi trên con đường xã hội chủ nghĩa, càng rõ ràng, đối với chúng ta, văn hoá là một thành tố không thể bị xem nhẹ, mà nó là một bộ phận trong chỉnh thể hữu cơ: chính trị – kinh tế – văn hoá – xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nông dân ở Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (1954).Ảnh tư liệu.

“Ðồng bào có nghe tôi nói rõ không?”
Trong nội dung nói chuyện, Thạc sỹ Trịnh Quang Dũng – Giảng viên khoa Lý luận Chính trị, trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, đã chia sẻ với các bạn trẻ, nhiều nội dung thú vị về Bác Hồ kính yêu, gợi nhắc nhiều cột mốc và sự kiện liên quan đến cuộc đời hoạt động của Người.

Thạc sỹ Trịnh Quang Dũng cũng lưu ý thêm, câu nói đúng mà Người đã từng nói tại quảng trường Ba Đình (ngày 2/9/1945, giữa lúc đọc Tuyên ngôn độc lập), đó là “Ðồng bào có nghe tôi nói rõ không?”, chứ không phải là “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”.

Đưa 2 chữ “Đồng bào” lên trước, mới chính là “phong cách Hồ Chí Minh”, một lối nói mộc mạc nhưng lột tả trọn vẹn tấm lòng trân trọng, dành muôn vàn yêu thương cho đồng bào mình, những người đã phải chịu đựng biết bao lầm than, bị tước đoạt nhiều mưu cầu hạnh phúc và quyền được sống, kể từ khi nước nhà bị xâm lược, bị đô hộ, trở thành một lãnh thổ thuộc địa (1858 đến trước 1945).

Thạc sỹ Trịnh Quang Dũng – Giảng viên khoa Lý luận Chính trị, trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: T.Ngọc.

Để hiểu tấm lòng của Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Việt Nam nói riêng, nhân dân các dân tộc thuộc địa nói chung, đọc Bản án chế độ thực dân Pháp (do Nhà báo Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp, trong khoảng những năm 1921-1925, Le Procès de la colonisation Française được xuất bản đầu tiên năm 1925 tại Paris), sẽ thấy ngòi bút của Người, bằng những sự kiện rất thật, đã tố cáo thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn khốc liệt bắt “dân bản xứ” phải đóng “thuế máu” cho chính quốc… để “phơi thây trên chính trường Châu  u”, đày đọa phụ nữ, trẻ em “thuộc địa”; các thống sứ, quan lại thực dân độc ác như một bầy thú dữ. Người lên án chính sách ngu dân đối với các dân tộc thuộc địa, vạch trần bản chất của tinh thần “khai hóa văn minh” của chủ nghĩa thực dân …

“Người đọc Tuyên ngôn… Rồi chợt hỏi: Ðồng bào nghe tôi nói rõ không?”- trường ca Theo chân Bác, của Nhà thơ Tố Hữu cũng đã ghi lại rất rõ và chính xác, câu nói của Bác.

“Tư tưởng của Bác Hồ kính yêu về văn hóa dân tộc luôn nhấn mạnh, nhắc nhở mọi người dân Việt Nam phải coi trọng những giá trị truyền thống văn hoá tốt đẹp của cha ông; phải biết giữ gìn những vốn quý văn hoá của dân tộc, biết phát huy những yếu tố tích cực trong kho tàng văn hoá dân tộc. Đó chính là vấn đề bản sắc riêng của mỗi dân tộc.

Bạn Trần Nguyễn Phương Thảo – Bí thư Đoàn Phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, Đà Nẵng (đầu tiên, từ trái sang). Ảnh: T.Ngọc.

Ngày nay, trong xu thế hội nhập, Việt Nam chúng ta mở cửa và đón nhận nhiều trào lưu, phong cách văn hóa từ bên ngoài. Nếu chúng ta không giữ gìn, không phát huy được bản sắc, chúng ta sẽ đánh mất nhiều giá trị mà biết bao thế hệ đã tạo dựng nên, và càng không thể hiện một bản lĩnh riêng có của Việt Nam, không nâng được vị trí của Việt Nam chúng ta lên một tầm cao mới. Bác cũng từng nói tại một hội nghị về văn hóa rằng, chính văn hóa phải dẫn dắt quốc dân bảo vệ nền độc lập, dân tộc ta phải tự cường và tự chủ. Em rất thấm thía câu nói của Bác “Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”.

Là một thủ lĩnh trẻ, em tích cực tham gia và truyền cảm hứng để các bạn trẻ dấn thân vào nhiều hoạt động, trong đó có nhiều hoạt động hướng về cội nguồn, lịch sử, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa. Chúng em cũng đã hoàn thành nội dung và gắn Qrcode tại các điểm là “Địa chỉ đỏ” trên địa bàn phường Hòa Thuận Tây, một hoạt động được Quận Đoàn phát động.

Em rất vui khi một bộ phận khá đông trong cộng đồng trẻ ngày nay đã có nhận thức sâu sắc về bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều bạn còn sáng tạo nội dung rất tích cực, giàu ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, trách nhiệm của người trẻ trên một số nền tảng mạng xã hội. Những nội dung này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của đông đảo đoàn viên thanh niên và cộng đồng trẻ”, bạn Trần Nguyễn Phương Thảo – Bí thư Đoàn Phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, Đà Nẵng, chia sẻ./.

Các bạn trẻ tham gia phiên sinh hoạt chuyên đề “Hồ Chí Minh với Văn hóa dân tộc”.Ảnh: T.Ngọc.

T.Ngọc