Thứ Năm, Tháng 4 17, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hoa Anh đào và nước Nhật trong tôi



ĐNA -

Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Nhật Bản là vào mùa xuân năm 1999, trong một chuyến đi công tác kết hợp tham dự hội thảo khoa học quốc tế. Thời điểm ấy, tôi không ngờ rằng mình lại may mắn đến vậy – vừa đặt chân xuống sân bay quốc tế Narita, tôi đã cảm nhận được không khí mát lạnh đặc trưng của những ngày xuân muộn cuối tháng 3, và rồi, như một món quà bất ngờ, tôi được đón bởi một nước Nhật đang rực rỡ trong mùa hoa anh đào – Sakura, suốt từ Tokyo, qua Nagano đến Kyoto, Nara cho đến điểm cuối dừng chân là Osaka, trước khi bay về nước.

Tác giả tham dự hội thảo quốc tế tại Tokyo, tháng 3/1999.

Tôi vẫn nhớ rất rõ cảm giác lần đầu nhìn thấy hoa anh đào nở. Không phải là một loài hoa lớn hay rực rỡ, nhưng hoa anh đào có sức lay động rất lạ. Những cánh hoa sắc hồng nhạt dày đặc nhưng mong manh ấy như nhuộm cả bầu trời, phủ lên mọi con đường, công viên, mái nhà một màu thơ mộng đến khó tin. Người Nhật, dường như ai cũng trở nên nhẹ nhàng và trân trọng khoảnh khắc ấy. Họ ngồi bên gốc anh đào, cùng bạn bè, người thân ăn uống, trò chuyện và ngắm hoa, gọi là “hanami” – một tập quán đã có từ ngàn xưa. Chính trong không gian ấy, tôi cảm nhận được một phần tinh thần Nhật Bản – sự kết hợp giữa giản dị và sâu sắc, giữa thiên nhiên và con người.

Và dường như từ mùa hoa anh đào đầu tiên ấy, mối nhân duyên giữa tôi và Nhật Bản cũng bắt đầu!
Tôi trở lại Nhật Bản nhiều lần sau đó, trong các chuyến đi công tác, hội thảo khoa học và các cuộc làm việc hợp tác chuyên sâu về bảo tồn di sản, phát triển văn hóa – du lịch. Tôi đã đi qua hầu hết các thành phố lớn như Tokyo, Kyoto, Osaka, Nara, Nagoya, Hiroshima… cho đến những miền quê yên bình của vùng Tohoku, Hokkaido hay miền Nam nắng ấm, rực rỡ của đảo Okinawa. Mỗi nơi, mỗi lần đặt chân đến đều để lại trong tôi những ấn tượng khó quên, không chỉ bởi vẻ đẹp cảnh quan, kiến trúc hay ẩm thực mà còn bởi chiều sâu văn hóa và cách mà người Nhật bảo tồn giá trị truyền thống.

Tác giả khảo sát một di tích nổi tiếng tại cố đô Nara, tháng 3/1999.

Có những chuyến đi đưa tôi vào tận các làng nghề truyền thống ở Kyoto, nơi những nghệ nhân vẫn cần mẫn gìn giữ từng công đoạn làm kimono, nhuộm vải, sơn mài hay làm giấy washi theo phương pháp cổ truyền hàng trăm năm qua vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Có nhiều lần tôi may mắn được dự các lễ hội dân gian địa phương ở Kyoto, Nara, càng thấy rõ tinh thần cộng đồng, tính kỷ luật và lòng tôn kính đối với tổ tiên, với đất trời của người Nhật. Và không ít lần, tôi được tham gia vào các tọa đàm, đối thoại chính sách, nơi mà các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã truyền cảm hứng cho tôi bằng một thái độ làm việc đầy đam mê, khoa học và kiên định.

Tôi học được từ người Nhật rất nhiều điều. Đó là tinh thần kỷ luật và sự tận tụy đến từng chi tiết nhỏ trong mọi công việc. Đó là cách họ trân trọng quá khứ, bảo tồn các giá trị cổ truyền không phải để đóng khung mà để sống động cùng hiện tại. Đó còn là khả năng chuyển hóa truyền thống thành động lực phát triển, đặc biệt trong du lịch, văn hóa sáng tạo và giáo dục cộng đồng.

Trong các dự án hợp tác quốc tế, tôi có cơ hội gặp gỡ và gắn bó với nhiều người bạn Nhật, những đồng nghiệp đáng quý trong lĩnh vực nghiên cứu và bảo tồn di sản. Họ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn rất tử tế, tinh tế trong giao tiếp, luôn giữ chữ tín và sẵn sàng hỗ trợ hết lòng vì mục tiêu chung. Nhiều người trong số họ đã từng đến Huế, đồng hành cùng chúng tôi trong các dự án phục hồi di tích, nghiên cứu văn hóa cung đình, hay cùng nhau thảo luận những mô hình phát triển du lịch bền vững từ di sản.

Vinh dự được đón Nhật hoàng và Hoàng hậu thăm cố đô Huế, tháng 2.2017.

Chính những bài học và kinh nghiệm quý giá ấy đã giúp tôi vận dụng tốt hơn trong công việc của mình ở Huế, vùng đất cố đô với mật độ di sản văn hóa đậm đặc và đặc trưng bậc nhất Việt Nam. Một trong những lĩnh vực mà tôi đặc biệt tâm huyết là việc phục hưng và phát huy giá trị áo dài truyền thống Huế. Câu chuyện áo dài không chỉ là câu chuyện về một trang phục, mà là câu chuyện của bản sắc, của ký ức văn hóa và bản lĩnh dân tộc. Trong hành trình bảo tồn và sáng tạo với áo dài Huế, tôi vẫn luôn nhớ đến những bài học từ Nhật Bản, về cách họ tôn vinh kimono, bảo vệ lễ hội, giữ gìn các không gian văn hóa truyền thống giữa lòng đô thị hiện đại.

Từng là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và hiện là Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế, tôi luôn xem Nhật Bản như một hình mẫu quý giá để học hỏi và so sánh. Không phải để rập khuôn, mà là để soi chiếu, để điều chỉnh các chính sách, chiến lược phát triển văn hóa, du lịch di sản một cách hài hòa, bền vững. Tôi tin rằng, cũng như Huế, Nhật Bản hiểu rất rõ rằng di sản không phải là thứ để trưng bày trong tủ kính, mà chính là một phần sống động của hiện tại và tương lai bởi đó là những tài sản vô giá do bao thế hệ đi trước đã để lại.

Tác giả bên gốc hoa anh đào và cùng đoàn Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Huế tham gia Expo Osaka 2025

Nhật Bản với tôi không chỉ là một đất nước xinh đẹp. Đó là nơi tôi đã học được những bài học thấm thía nhất về sự kiên cường của một dân tộc sau những thảm họa, chiến tranh; về lòng tự trọng trong văn hóa; về sức mạnh của sự tĩnh lặng và bền bỉ. Và hơn hết, đó là nơi tôi tìm thấy sự đồng điệu trong những nỗ lực không ngừng nghỉ để giữ gìn hồn cốt văn hóa trong thế giới hiện đại.

Tôi tin rằng, với mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa Việt Nam và Nhật Bản, với những hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển văn hóa, du lịch, chúng ta sẽ còn nhiều cơ hội để học hỏi, sẻ chia và cùng nhau làm nên những điều có ý nghĩa cho cộng đồng và nhân loại.

Cùng những người bạn tại triển lãm Expo Osaka 2025 trước gian hàng Việt Nam.

Và tôi vẫn không ngừng mong muốn mình vẫn có duyên để được trở về Nhật Bản vào nhiều mùa hoa anh đào nữa, để ngồi dưới gốc cây xưa, nhâm nhi những ly trà xanh nóng hổi, và lặng lẽ ngắm hoa bay, như một lời hẹn ước vĩnh cửu giữa những người yêu văn hóa và yêu cái đẹp.

Phan Thanh Hải/Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế.