Sáng 19/7/2023, tại Hà Nội, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập đơn vị (16/7/2003 – 16/7/2023). Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự và trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Cục Báo chí. Huân chương Lao động hạng Ba cho Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc.
Diễn văn khai mạc, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cho biết, tiền thân của Cục Báo chí ngày nay là Bộ Thông tin và Tuyên truyền, được thành lập ngày 28/8/1945, do đồng chí Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng. Trải qua 62 năm lịch sử hình thành và phát triển của Cục Báo chí dưới các thời kỳ với nhiều tên gọi khác nhau, từ năm 1945, thời điểm thành lập Bộ Thông tin và Tuyên truyền, cho đến năm 2007, thời điểm thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông, đã có 16 lần cơ quan tiền thân của Cục Báo chí được nhập, tách, đổi tên Bộ. Trong đó thời gian cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoạt động ổn định, không bị tách, nhập, đổi tên, dài nhất là 12 năm.
Trong đó, mốc son quan trọng là, ngày 16/7/2003, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Phạm Quang Nghị ký quyết định số 22/2003/QĐ-VHTT thành lập Cục Báo chí. Ngày 27/7/2007, thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông trên cơ sở Bộ Bưu Chính, Viễn thông và Cục Báo chí, Cục Xuất bản thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin. Cục Báo chí lúc này chính thức thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trong suốt 20 năm xây dựng và trưởng thành, Cục Báo chí đã có những đóng góp quan trọng trọng công tác xây dựng thể chế, tạo đột phá cho sự phát triển và quản lý báo chí. Đồng thời, công tác quản lý nhà nước về báo chí đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Quá trình phát triển, nhất là từ năm 2019 đến nay, công tác quản lý nhà nước về nội dung thông tin đã góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận xã hội, niềm tin xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội đất nước.
Cục trưởng Lưu Đình Phúc chia sẻ: 78 năm qua, các thế hệ làm công tác quản lý báo chí đã liên tục kế thừa quá khứ và mở ra tương lai để tạo thành một dòng chảy liên tục. Truyền thống, văn hoá của Cục Báo chí được bồi đắp, kết tinh từ xương máu và sự cống hiến của lớp lớp cha anh đi trước, để từ đó mỗi thế hệ đều để lại những dấu ấn quan trọng, đều giữ gìn sự đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, hỗ trợ nhau trong công tác và trong cuộc sống, đều có được sức mạnh, nghị lực, đi qua mọi thác ghềnh, khó khăn, hoàn thành sứ mệnh của “người gác cổng thông tin”, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp quản lý nhà nước về báo chí.
“Tự hào về chặng đường 20 năm của một đơn vị non trẻ, nhưng có một quá khứ hào hùng, thế hệ cán bộ Cục Báo chí hôm nay tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tin tưởng của Nhân dân, với sức mạnh được kết tinh từ truyền thống quý báu của lớp lớp cha anh đi trước, Cục Báo chí đã vượt qua và sẽ vượt qua mọi thách thức, khó khăn, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đổi mới sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân” – Cục trưởng Lưu Đình Phúc bày tỏ niềm tin.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ những vấn đề cơ bản, quan trọng, cốt lõi của ngành Thông tin và Truyền thông nói chung và lĩnh vực báo chí nói riêng từ khi ra đời Báo chí Cách mạng Việt Nam với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra báo Thanh Niên (21/6/1925). Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử trong gần 100 năm qua, Báo chí Cách mạng đã khẳng định vai trò và vị thế trong đấu tranh cách mạng, trong phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội.
Đề cập đến mục tiêu, ước mơ xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường và khát vọng trở thành một nước xã hội chủ nghĩa có thu nhập cao vào năm 2045, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ của báo chí trong công tác tuyên truyền. Tuyên truyền để phát huy sức mạnh tinh thần, chuyển hóa sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất, khơi gợi và thổi bùng lên khát vọng trong mỗi người dân về một Việt Nam phồn vinh hạnh phúc.
Đối với mục tiêu phát triển báo chí bền vững, đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chú trọng đến vấn đề quản lý nhà nước về báo chí. Trong xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi số báo chí, Cục Báo chí phải đi đầu, tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi cách thức làm việc để đạt được hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy báo chí phát triển. Quản lý nhà nước về báo chí là tạo ra môi trường thuận lợi để Báo chí Cách mạng phát triển, vừa ngang tầm nhiệm vụ, thời đại vừa chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn.
Cùng với đó, Cục Báo chí quản lý thông tin, xử lý, xử phạt vi phạm báo chí nghiêm minh và phải có công cụ hữu hiệu. Trong tình hình thực tế, báo chí vận hành sẽ nảy sinh ra vấn đề mới, quản lý nhà nước về báo chí phải nắm vững vấn đề báo chí.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Báo chí trước đây là cây bút, trang giấy thì nay thêm công nghệ số, nền tảng số, nhưng cái bất biến vẫn là những giá trị cốt lõi của Báo chí Cách mạng, cái tâm của người làm báo. Quản lý nhà nước về báo chí là tạo ra môi trường thuận lợi để Báo chí Cách mạng phát triển, vừa ngang tầm nhiệm vụ, thời đại vừa chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn.
Nhân dịp này, với những thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2016 đến năm 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước do Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao tặng; Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cũng vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2017 đến năm 2021, góp phần vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Tổ quốc; Phó Cục trưởng Cục Báo chí Đặng Khắc Lợi vinh dự tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2017 đến năm 2021, góp phần vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Tổ quốc.
Ban Biên tập