Chủ Nhật, Tháng 2 23, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử



ĐNA -

Trên một số sàn thương mại điện tử hiện nay vẫn có những mặt trái ẩn mình và lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng để thực hiện thủ đoạn xấu như: hàng giả, hàng kém chất lượng, không thực hiện kê khai đầy đủ thông tin và xuất xứ hàng hoá, không đủ các tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh; khi đa số những giao dịch này đều được tiến hành dựa trên các thông tin chi tiết được điền trên các nền tảng thương mại điện tử mà bên bán cung cấp cho bên mua. Vì những hành động trên, nhiều người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến quyền lợi, sức khoẻ cũng như là tính mạng của mình. Nhận thấy rõ về việc nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà tiêu dùng không chỉ giúp đưa ra những vấn đề liên quan đến thực tiễn mà còn là động lực để góp phần thay đổi, bổ sung những điều luật để xây dựng một hành lang pháp lý vững chắc.

Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Những năm gần đây, với sự thay đổi đáng kinh ngạc về hệ thống thông tin toàn cầu mà con người có thể kết nối, liên lạc với nhau một cách dễ dàng hơn nhờ nhiều cách thức như các loại dịch vụ, phần mềm và ứng dụng tiện ích được lập trình khác nhau. Và đó chính là điều kiện thích hợp để lĩnh vực Thương mại điện tử phát triển thuận lợi. Thương mại điện tử đã và đang trở thành một trong số những phương thức giao dịch phổ biến và có thể dễ dàng thực hiện cho mọi lứa tuổi và tầng lớp khác nhau. Việt Nam đang dần vượt lên với nhiều lời khen ngợi về sự phát triển về kinh tế – khoa học và công nghệ của kỷ nguyên số 4.0, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội, đem lại nhiều lợi ích và cơ hội mới dành cho tất cả mọi người khi mà hàng hoá ngày một đa dạng hơn, giá cả và chất lượng luôn được thay đổi để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Bảo vệ người tiêu dùng đã và đang trở thành một vấn đề ngày càng được cả cộng đồng xã hội quan tâm, là một tác nhân kinh tế ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh̉ phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Đảng, nhà nước ta luôn coi trọng công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện và triển khai tích cực. Chính phủ ban hành NQ số 82/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện chỉ thị 30-CT/TW của Ban bí thư. Các địa phương trong cả nước cũng đã xây dựng chương trình hành động và kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc. Gần đây nhất, Quốc hội đã ban hành Luật số: 19/2023/QH15 về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm hoàn thiện một số chế định về bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa,…

Tuy nhiên, vẫn có những mặt trái ẩn mình và lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng để thực hiện thủ đoạn xấu như: hàng giả, hàng kém chất lượng, không thực hiện kê khai đầy đủ thông tin và xuất xứ hàng hoá, không đủ các tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh; khi đa số những giao dịch này đều được tiến hành dựa trên các thông tin chi tiết được điền trên các nền tảng thương mại điện tử mà bên bán cung cấp cho bên mua. Vì những hành động trên, nhiều người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến quyền lợi, sức khoẻ cũng như là tính mạng của mình. Nhận thấy rõ về việc nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà tiêu dùng không chỉ giúp đưa ra những vấn đề liên quan đến thực tiễn mà còn là động lực để góp phần thay đổi, bổ sung những điều luật để xây dựng một hành lang pháp lý vững chắc.

Đánh cắp thông tin người tiêu dùng.

Các vấn đề về bảo mật thông tin người tiêu dùng
Sự phổ biến ngày càng rộng rãi của mạng Internet và sự thay đổi của các công nghệ mới, thương mại điện tử đã phát triển nhanh không chỉ tại Việt Nam mà còn các quốc gia khác trên thế giới nhờ vào tính ứng dụng của nó. Trên thực tế, khi giao dịch thương mại điện tử được người tiêu dùng thực hiện càng nhiều thì các hành vi xâm phạm thông tin cá nhân cũng diễn ra một cách phức tạp hơn. Vì vậy nên việc nghiên cứu các cơ sở chứng minh sự cần thiết của việc bảo vệ thông tin cá nhân cho người tiêu dùng trong thương mại điện tử có ý nghĩa quan trọng cho hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật điều chỉnh.

Căn cứ theo Điều 15. Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng:
Tổ chức, cá nhân kinh doanh tự mình hoặc ủy quyền, thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng phải bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng thi phải được sự đồng ý của người tiêu dùng. Việc ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba phải được thực hiện bằng văn bản, trong đó quy định rõ phạm vi, trách nhiệm của mỗi bên trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trường hợp người tiêu dùng thực hiện giao dịch thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba có trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Hay theo Điều 38 Bộ luật Dân sự 2016 quy định: “Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ” hay “Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật”. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số: 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Đây là một bước tiến rõ rệt trong việc tạo ra hành lang pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước có thể rà soát, đánh giá, thanh tra, kiểm tra về việc tuân thủ các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân với các cơ quan, tổ chức. Cùng với đó kết hợp chặt chẽ với các quy định khác của pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử, đưa ra và nâng cao các chế tài nhằm đảm bảo tính răn đe phòng tránh trường hợp về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới dữ liệu cá nhân đang diễn ra hiện nay.

Tuy nhiên, trường hợp xảy ra khả năng đánh cắp, mất dữ liệu là rất cao dù hiện tại công nghệ điện tử luôn được cài đặt tường lửa nhằm hạn chế khả năng tin tặc tấn công vì các thông tin sẽ được lưu trữ dưới dạng thông điệp dữ liệu và được truyền tải bằng thiết bị điện tử. Từ những dữ liệu bị mất cắp, những kẻ xấu có khả năng cao sẽ sử dụng thông tin của chúng ta để trục lợi bằng cách tấn công giao dịch thông qua thẻ tín dụng, tham gia vào các giao dịch bất hợp pháp hoặc thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản,…

Ngày 27/9/2024 Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Hà Nội phối hợp Công an huyện Thanh Trì phát hiện, bắt giữ một nam thanh niên 26 tuổi ngụ tại Hà Nội với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo đó, đối tượng sử dụng thủ đoạn giả làm shipper của các công ty vận chuyển uy tín để gọi điện thoại cho nạn nhân, thông báo có đơn hàng cần giao và yêu cầu chuyển khoản để thanh toán khi nhận hàng. Với nhiều kịch bản khác nhau để đối phó với các tình huống từ người tiêu dùng, nam thanh niên này đã lừa đảo hàng trăm người, chiếm đoạt khoảng 130 triệu đồng. Hắn sử dụng phương thức tìm kiếm thông tin khách hàng, thông tin hàng hoá và mã vận đơn trên mạng, rồi gọi điện giả danh shipper giao hàng nhằm mục đích bất hợp pháp. Phải chăng việc mua bán thông tin của người tiêu dùng trên thị trường có trở nên quá dễ dàng đối với những cá nhân, tổ chức lừa đảo? Hay liệu việc quản lý thông tin khách hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử hiện nay còn thiếu cơ chế bảo vệ dữ liệu an toàn, khiến việc rò rỉ thông tin trở thành một điều bình thường dù cho pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã dần hoàn thiện hơn.

Cho đến thời gian gần đây, khái niệm bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường điện tử vẫn còn là một vấn đề nan giải ở Việt Nam. Do đặc thù của giao dịch điện tử là được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, các đối tác thực hiện giao dịch mua bán, thanh toán, nhận hàng mà không phải gặp mặt trực tiếp, nên nhu cầu về thông tin cá nhân là rất lớn, bao gồm cả những thông tin riêng tư, nhạy cảm nhất. Cùng với đó là sự ra đời của nhiều công nghệ mới với nhiệm vụ thu thập và xử lý thông tin cá nhân phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Thông tin cá nhân đã và đang dần trở thành thứ hàng hóa có giá trị kinh doanh trên thị trường. Cá nhân, người tiêu dùng khó có thể hình dung hết được những nguy cơ thông tin cá nhân của mình bị khai thác bất hợp pháp khi tham gia giao dịch, mua bán trên môi trường mạng. Người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn nhiều bỡ ngỡ với khái niệm này.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, đặc biệt là sự xâm nhập sâu rộng của Internet vào mọi mặt đời sống xã hội, những tác động tiêu cực của việc sử dụng thông tin cá nhân bất hợp pháp đã ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Thực tế này đã khiến cho vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trở thành một chủ đề lớn, thu hút sự quan tâm rộng rãi của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cả xã hội.

Nổi bật nhất là vụ việc Mỹ kiện Tik Tok vì nghi ngờ công ty này đã thu thập một lượng lớn thông tin cá nhân của trẻ em trong khi sử dụng ứng dụng – bao gồm số điện thoại, hình ảnh, video, vị trí chính xác của chúng và dữ liệu sinh trắc học – và chuyển thông tin này sang các bên thứ ba vì lợi nhuận. Đơn kiện chỉ ra từ tháng 5/2018, mọi trẻ em sử dụng Tik Tok, bất kể có tài khoản hay cài đặt quyền riêng tư có thể, đã bị ByteDance thông qua TikTok thu thập bất hợp pháp thông tin cá nhân vì lợi ích của các bên thứ ba chưa xác định. Cả Cục Điều tra Liên bang Mỹ và Ủy ban Truyền thông Liên bang đều cảnh báo về nguy cơ ByteDance có thể chia sẻ dữ liệu người dùng Tik Tok với chính quyền Trung Quốc, dù công ty này luôn phủ nhận. Đơn kiện cũng đề cập đến các khoản tiền phạt khổng lồ gần đây đối với TikTok tại Mỹ và Hàn Quốc sau các trường hợp rò rỉ dữ liệu trẻ em. Được biết, đây không phải là lần đầu tiên chính sách thu thập dữ liệu của TikTok bị kiện. Vào năm 2019, ứng dụng do công ty ByteDance của Trung Quốc sở hữu, đã bị Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ phạt mức kỷ lục 5,7 triệu USD vì cáo buộc thu thập bất hợp pháp thông tin cá nhân của trẻ em.

Tuy nhiên, tại Điều 35 Luật Bảo vệ dữ liệu mạng Trung Quốc quy định “Trong trường hợp cơ quan công an hoặc cơ quan an ninh quốc gia cần lấy dữ liệu vì mục đích an ninh quốc gia hoặc để điều tra tội phạm theo quy định của pháp luật, các thủ tục phê duyệt nghiêm ngặt phải được hoàn thành theo các quy định liên quan của nhà nước và dữ liệu được thu thập. Theo quy định của pháp luật và các tổ chức, cá nhân có liên quan cùng hợp tác”. Điều luật này yêu cầu các tổ chức và cá nhân “hợp tác” với cơ quan an ninh công cộng và các cơ quan nhà nước thu thập dữ liệu “khi cần thiết để bảo vệ hợp pháp an ninh quốc gia hoặc điều tra tội phạm”. Đây là luật mới nhất trong một loạt luật gần đây của Trung Quốc yêu cầu sự “hợp tác” từ các công dân và tổ chức Trung Quốc cũng như các công dân và tổ chức nước ngoài ở Trung Quốc

Tóm lại, vụ kiện của Mỹ đối với TikTok là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của mối quan ngại toàn cầu về bảo mật dữ liệu cá nhân, đặc biệt là khi liên quan đến trẻ em và các quy định bảo vệ quyền riêng tư. Mặc dù TikTok và ByteDance luôn phủ nhận việc chia sẻ dữ liệu với chính quyền Trung Quốc, nhưng các quy định tại Trung Quốc, cùng với những mối lo ngại về sự can thiệp của các cơ quan an ninh quốc gia, khiến người dùng và các quốc gia phải đối mặt với những câu hỏi chưa có lời giải về độ an toàn và tính minh bạch của nền tảng này. Sự cảnh giác gia tăng về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ tiếp tục là chủ đề nóng trong tương lai, đặc biệt là khi các ứng dụng toàn cầu như TikTok vẫn duy trì sức ảnh hưởng lớn đối với hàng tỷ người dùng trên thế giới. Tuy nhiên, việc các nước liên tục lên tiếng tẩy chay ứng dụng này khiến nhiều người không khỏi đề phòng và cẩn thận hơn trong việc bảo vệ thông tin cá nhân nhằm đề phòng khả năng bị lộ thông tin bất ngờ.

Với những vấn đề trên, người tiêu dùng rất e ngại mỗi khi tham gia giao dịch thương mại điện tử vì bản chất của thương mại điện tử là gián tiếp và được thực hiện khi các chủ thể không tiếp xúc trực tiếp với nhau. Vì thế nên chúng ta cần phải chủ động và cảnh giác cao trong việc bảo vệ, bảo mật thông tin của mình. Người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo và cẩn trọng trước những chiêu trò lừa đảo của những kẻ gian nếu chẳng may bị lộ thông tin cá nhân.

Nhiều dịch vụ trên không gian mạng có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích thông tin, dữ liệu cá nhân như mạng xã hội, thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến,… nhưng không có cơ chế quản lý dữ liệu người dùng an toàn. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa có các biện pháp bảo mật thông tin đồng bộ, hiệu quả; hệ thống lưu trữ và xử lý thông tin cá nhân còn tồn tại những lỗ hổng bảo mật dễ bị hacker khai thác, tấn công, gây thiệt hại lớn. Cần tăng cường hoạt động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm liên quan đến dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật, khả năng bảo vệ thông tin của người tiêu dùng và nêu rõ các biện pháp, điều kiện bảo đảm bảo về dữ liệu cá nhân.

Đối tượng Phan Văn Tùng. Ảnh: CACC

Cung cấp thông tin hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng
Theo quy định tại Mục c Khoản 1 Điều 9 Luật bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng Luật số: 19/2023/QH15 ngày 20 tháng 6 năm 2023 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng như sau: “Cung cấp chính xác, đầy đủ thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà mình bán, cung cấp cho người tiêu dùng”. Ý nghĩa của việc người tiêu dùng được cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ là cần thiết để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng các mặt hàng mà họ cần.

Hay tại Điều 4. Vị trí nhãn hàng hoá của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP Nghị định về nhãn hàng hoá ngày 14 tháng 04 năm 2017 quy định: “Nhãn hàng hóa phải được thể hiện trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa”.
Ý nghĩa của việc ghi nhãn hàng hóa là để người tiêu dùng Việt Nam đọc và hiểu được nội dung nhãn, giúp họ hiểu hơn về sản phẩm; hỏi và được giải đáp thắc mắc về hàng hoá, dịch vụ mà họ đang có nhu cầu sử dụng. Nhãn dán phải sử dụng tiếng Việt (trừ một số ngoại lệ) để ghi nhãn hàng hóa.

Cùng với đó theo quy định tại Khoản 1 Điều 14. Nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng của Luật Thương mại 2005 Luật số 36/2005/QH11 ngày 14 tháng 06 năm 2005 nêu rõ: “1. Thương nhân thực hiện hoạt động thương mại có nghĩa vụ thông tin đầy đủ, trung thực cho người tiêu dùng về hàng hoá và dịch vụ mà mình kinh doanh và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đó.”

Đối với người tiêu dùng trong thương mại điện tử, đa số họ chưa thực sự hiểu biết trong việc tiếp cận, cập nhật thông tin, các phương thức sử dụng hàng hoá, dịch vụ. Sự đồng bộ giữa Luật Thương mại 2005, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Luật Bảo vệ người tiêu dùng nhằm bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng 2010 với mục đích buộc bên bán phải cung cấp thông tin, nhãn dán, hướng dẫn đầy đủ và chi tiết của hàng hoá giúp cho người tiêu dùng có thể dựa theo đó để lựa chọn hàng hoá, dịch vụ một cách khách quan và sáng suốt nhất. Điều này giúp cho người tiêu dùng tránh tình trạng bên cung cấp hàng hoá không thực hiện đầy đủ các yêu cầu, không cung cấp thông tin trung thực, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng.

Mặc dù đã có rất nhiều văn bản đưa ra nhằm phòng tránh mặt hàng không rõ nguồn gốc, không có tem và nhãn dán trên thị trường giao dịch thương mại điện tử. Tuy nhiên, các bên bán hàng vẫn đăng bán các sản phẩm này trên các sàn thương mại với ghi chú là “hàng xách tay”, “hàng công ty” với giá rẻ gần như một nửa so với hàng hoá đầy đủ thông tin nhằm đánh vào tâm lý của khách hàng. Chính vì vậy mà không ít khách hàng sau khi nhận được món hàng rồi mới ngỡ ngàng nhận ra rằng đây không phải là hàng thật. Không ít người đã báo cáo lên tổng đài chăm sóc khách hàng nhưng lại nhận được câu trả lời không mấy thuyết phục, người bán thì không chịu hoàn tiền, sàn giao dịch thì làm ngơ trước ý kiến của khách hàng. Hầu hết các sàn giao dịch thương mại chưa có biện pháp kiểm soát tốt để loại bỏ những mặt hàng giả, hàng kém chất lượng khỏi các sàn thương mại điện tử mà chỉ đích danh thì mới có động thái dừng tài khoản của chủ gian hàng. Có thể thấy rằng các sàn thương mại điện tử không hề chủ động trong việc kiểm soát những mặt hàng được đăng bán trên website của mình mà chỉ rà soát, giải quyết khi đã có hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra. Chưa kể đến việc các sàn thương mại này còn có thái độ thờ ơ, chống đối, kém thiện chí khi vi phạm pháp luật thì công cuộc chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên môi trường internet sẽ rất khó để có thể đạt được kết quả mong muốn.

Các cuộc gọi gỉa danh.

Một vài giải pháp nhằm tăng cường khả năng bảo vệ người tiêu trên các sàn giao dịch thương mại điện tử
Đẩy mạnh hoạt động theo dõi nhằm phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Áp dụng các mức phạt hành chính cho các cá nhân, tổ chức, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không tem – nhãn dán gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về vấn đề phòng, chống các hành vi gian lận thương mại.

Đẩy mạnh triển khai hệ thống tiếp nhận, tư vấn, giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng.

Các sàn giao dịch thương mại điện tử cần xây dựng công nghệ vững chắc hơn và có biện pháp đảm bảo an toàn thông tin cá nhân của người tiêu dùng nhằm hạn chế các rủi ro có thể xảy ra.

Tăng cường hợp tác Quốc tế nhằm nâng cao nghiệp vụ cho các cơ quan bảo vệ và đem đến hiệu quả cho việc giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng đối với các mặt hàng quốc tế.

Huỳnh Yến Nhung

Tài liệu tham khảo
Các văn bản pháp luật liên quan:
1.Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023
2.Bộ luật Dân sự 2015
3.Nghị định 13/2023/NĐ-CP, Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân
4.Nghị định 43/2017/NĐ-CP, Nghị định về nhãn hàng hoá
5.Luật An ninh của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa 2021

Các nguồn, tài liệu tham khảo:
1.Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Lạng Sơn (2020), “Tài liệu đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” (Truy cập: 1/1/2025)
2.Ths. Cao Xuân Quảng (2020), “Bàn về khái niệm người tiêu dùng trong Luật bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam”. Tạp chí Công thương điện tử – Cơ quan lý luận của Bộ Công thương (Truy cập: 1/1/2025)
3.Petrotimes Tạp chí của Hội dầu khí Việt Nam (2021), “Tik tok bị kiện vì thu thập dữ liệu trẻ em bất hợp pháp”. Năng lượng & Công nghệ, 2021. (Truy cập: 1/1/2025)
4.Nguyễn Ngọc Quyên, “Luận án Tiến sĩ Luật học về pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử tại Việt Nam” 2022. (Truy cập: 10/1/2025)
5.Ths. Vũ Thị Hải Lý, Ths. Lê Hồ Vĩ (2024), “Bảo vệ người tiêu dùng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam”.Tạp chí Quản lý nhà nước – Cơ quan nghiên cứu và ngôn luận của học viện hành chính và quản trị công. (Truy cập: 10/1/2025)
6.VnExpress (2024), “Giả nhân viên giao hàng lừa nhiều người chuyển khoản”. (Truy cập: 10/1/2025)