Chủ Nhật, Tháng Sáu 30, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hoàn thiện hệ thống pháp luật mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm theo xu thế hội nhập phát triển

ĐNA -

(Đà Nẵng). Ngày 27/6/2024 tại Đà Nẵng, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng, đã khai mạc ngày làm việc thứ nhất hội nghị tập huấn công tác quản lý nhà nước về mỹ thuật và nhiếp ảnh và triển lãm tại miền Trung.

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, ông Mã Thế Anh. Ảnh: T.Ngọc

Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, ông Mã Thế Anh nhìn nhận:
Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, hoạt động nghệ thuật nói chung và lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm nói riêng đã có những bước phát triển mạnh mẽ và là một trong những lĩnh vực quan trọng của văn hóa nghệ thuật.

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm được các cơ quan chức năng từ Trung ương đến cơ sở thực hiện một cách bài bản, có hiệu quả, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân.

Nhiều hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm được tổ chức trong và ngoài nước góp phần nâng cao thị hiếu thẩm mỹ, giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc, nhiều cơ quan, đơn vị còn lúng túng trong quản lý, hội nghị tập huấn này nhằm trang bị cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm những quy định pháp luật có liên quan.

Quản lý nhà nước chặt chẽ và phù hợp, chủ động thích ứng với hội nhập quốc tế
Theo Vụ Pháp chế – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, với sự gia nhập của nhiều trường phái, phong cách văn hóa khác nhau vào Việt Nam, cũng như hoạt động đưa các tác phẩm Việt Nam ra nước ngoài triển lãm, trưng bày, giới thiệu nét đẹp văn hóa, con người Việt Nam ngày càng diễn ra sôi nổi. Việt Nam là thành viên tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), tham gia ký kết Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC),  Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các thỏa thuận quốc tế khác về nhiều lĩnh vực khác nhau, …. Quy định pháp luật trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm phù hợp, tương thích và chủ động thích ứng với hội nhập quốc tế.

Lấy một đơn cử là lĩnh vực mỹ thuật, một trong những lĩnh vực văn hóa có ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân, có ảnh hưởng đến chính trị, xã hội và cần được quan tâm hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước; thì Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động mỹ thuật, qua 10 năm thực hiện, nhiều quy định đã không còn phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, Vụ mong muốn nghe nhiều tiếng nói đề nghị, phản ứng với chính sách, mạnh dạn có đề xuất hoàn thiện pháp luật về mỹ thuật, nhiếp ảnh. Ảnh: T.Ngọc.

Bởi hệ thống pháp luật hiện hành đã có nhiều thay đổi (Luật Xây dựng, Luật Đầu tư…), đồng thời, có nhiều phát sinh từ thực tiễn yêu cầu phải có sự quản lý của cơ quan nhà nước nhưng lại chưa có quy định cụ thể, dẫn tới các cơ quan nhà nước ở địa phương gặp khó khăn trong công tác quản lý (công trình mỹ thuật ngoài trời, công trình mỹ thuật có nội dung tôn giáo,…).

Hoạt động tổ chức thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật, cấp phép triển lãm mỹ thuật, cấp phép tượng đài tranh hoành tráng, cấp phép trại sáng tác điêu khắc, các quy định về thủ tục hành chính hiện hành chưa phù hợp. Ngoài ra, quy định về hồ sơ cấp phép tượng đài, tranh hoành tráng lại chưa phù hợp với quy định của Luật Xây dựng năm 2014.

“Nội dung tập huấn sẽ tập trung cung cấp, trang bị những kiến thức chuyên sâu về các quy định cũng như những điểm mới của các văn bản pháp quy; những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ lý do thể chế hoặc phát sinh từ thực tiễn và các giải pháp tháo gỡ.

Hội nghị cũng là diễn đàn, để đại biểu tham dự trao đổi, thảo luận những thông tin liên quan, những khó khăn, bất cập và những đặc thù của các địa phương gặp phải trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước, qua đó cùng nhau giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn trong thời gian qua.

Các đại biểu hãy chủ động đưa ra những đề xuất, kiến nghị, giải pháp để giải quyết những vướng mắc trong thực tế thời gian qua, góp phần thiết thực triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm ngày càng hiệu quả”, Cục trưởng Mã Thế Anh nhấn mạnh.

Nghệ thuật trong môi trường số – trên môi trường mạng càng chưa phù hợp
Cũng theo đại diện Vụ Vụ Pháp chế – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch các bất cập cũng không phù hợp với nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia. Phương thức thực hiện gửi hồ sơ, nội dung tại một số mẫu cấp phép chưa bảo đảm thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, khai thác thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

 Hiện tại, các quy định cũng chưa có quy định điều chỉnh về hoạt động triển lãm trên môi trường mạng. Đây là hoạt động phát sinh trên thực tiễn đòi hỏi yêu cầu quản lý nhà nước, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid vừa qua, đồng thời cũng là xu thế chuyển đổi số hiện nay.

Tiêu biểu như: Sáng ngày 3/10/2023, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến (Virtual Art Exhibition Space – VAES), nhân kỷ niệm Ngày chuyển đổi số quốc gia 10-10. Đây là một không gian triển lãm mỹ thuật trên nền tảng số, vừa có thể giúp các nghệ sĩ giới thiệu, quảng bá, lưu giữ tác phẩm của mình, vừa có thể giao lưu, kết nối, tăng cơ hội gặp gỡ công chúng yêu nghệ thuật và các nhà sưu tầm trong nước và quốc tế;…

Triển lãm trên không gian mạng đã là một xu thế tất yếu, đòi hỏi yêu cầu quản lý phải tránh các lỗ hổng, gây ảnh hưởng đến chính trị, xã hội, văn hóa dân tộc.

“Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và công nghệ kỹ thuật số, việc tổ chức sáng tác và triển lãm tác phẩm trên các môi trường mạng ngày càng phổ biến, trong khi đó chế tài quản lý đối với nội dung này chưa được kịp thời; do đó gây lúng túng trong công tác quản lý”, ông Hà Vỹ – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – thể thao Đà Nẵng đóng góp thêm.

Tượng 12 con giáp khỏa thân ở khu du lịch Hòn Dáu (Đồ Sơn, Hải Phòng) từng bị dư luận lên án gay gắt vì phản cảm.

Từ khái niệm đến quy định chưa theo kịp thực tế
Hiện nay, khái niệm về tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, công trình mỹ thuật ngoài trời, tác phẩm mỹ thuật có nội dung tôn giáo,… còn chưa đầy đủ, rõ ràng, dẫn tới việc xác định một số loại hình còn nhiều khó khăn, dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý.

Trong khi đó cũng chưa có quy định điều chỉnh về “công trình mỹ thuật ngoài trời”, “sao chép tác phẩm mỹ thuật có nội dung tôn giáo”: đây là nội dung cần được quản lý phát sinh từ thực tiễn. Tại nhiều địa phương, từ không gian công cộng đến các điểm du lịch, một bức tượng bị đặt tùy tiện, với hình dáng hay tạo hình phản cảm, một bức tranh cho nét vẽ, sắc màu gây trãnh cãi, thậm chí là đi ngược với văn hóa bản địa…

Có thể người nghệ sĩ cho rằng đó là sáng tạo nghệ thuật, làm đẹp cho không gian công cộng nhưng lại gây phản ứng ngược, không tôn vinh được điểm đến mà còn gây phiền thị giác, vấp phải sự phản ứng của cộng đồng (như những bức tranh bích họa của ngôi làng bích họa Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam, tượng Elsa ở Sapa, Lào Cai, tượng bàn tay tại điểm du lịch Hải Tiến, Thanh Hóa,…). Tuy nhiên, việc quản lý công trình mỹ thuật ngoài trời (đặt để, thẩm mỹ tác phẩm mỹ thuật sao cho hài hòa với cảnh quan và phù hợp với địa phương, văn hóa vùng miền) vẫn còn khoảng trống, cần có quy định, hướng dẫn cụ thể liên quan đến loại hình nghệ thuật này.

Được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2013/NĐ-CP, hiện đang gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Đây là một trong nhiều nỗ lực của Bộ, nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật của Ngành, trong bối cảnh “nhìn chung tương đối đầy đủ, tuy nhiên phần lớn là các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật”.

 Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ông Nguyễn Thanh Sơn đề cao vai trò của các hội nghề nghiệp, các nghệ sỹ, các cán bộ, chuyên viên làm công tác quản lý nhà nước ở cơ sở, kể cả cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có liên quan.

Nếu là cơ quan quản lý nhà nước, thì chúng ta cần tăng cường kiểm tra trước, trong hoạt động hay tiếp nhận hồ sơ. Khi thẩm định kỹ hồ sơ, trước hết phải bảo đảm thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Đặc biệt tham khảo kinh nghiệm một sô vụ việc phức tạp, nhạy cảm, có tác động đến xã hội

Còn với cộng đồng “làm nghề” nói chung, Vụ mong có tiếng nói đề nghị, phản ứng với chính sách, mạnh dạn có đề xuất hoàn thiện pháp luật về mỹ thuật, nhiếp ảnh. Năng lực phản biện này cần được nâng cao ví luôn sát với thực tiễn ở địa phương, ở khu vực”.

Các đại biểu nhất trí rằng, trong thực tế hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm đã phát sinh một số vấn đề mới, bất cập, đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành.Ảnh: T.Ngọc.

Dẫn chứng bất cập từ hoạt quản lý nhà nước ở địa phương
Đại diện Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng trong tham luận tại hội nghị nhấn mạnh rằng, dù đã có các hệ thống văn bản pháp quy về mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, nhưng do chưa cập nhật kịp thời với xu hướng phát triển, tình hình, các loại hình mới của xã hội, nên thực tế vẫn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp dẫn đến việc lúng túng trong việc xử lý các vụ việc phát sinh từ thực tế.

Cụ thể, nhiều loại hình mỹ thuật ứng dụng phát sinh trong thực tế nhưng chưa có chế tài quản lý, hướng dẫn như: vẽ tranh tường (bích họa) tại địa điểm công cộng; quy định cụ thể thực hiện quản lý đối với các hoạt động sao chép, mô phỏng các công trình tượng đài văn hóa nổi tiếng trong và ngoài nước; liên quan đến xây dựng hệ thống tượng đài tại các đình, chùa tại các khu tâm linh, khu tôn giáo, trường học…

Trong khi đó, đội ngũ cán bộ chuyên môn từ cấp Sở đến quận, huyện xã phường còn thiếu, chủ yếu kiêm nhiệm; đặc biệt cán bộ cấp quận, huyện lại thường xuyên thay đổi dẫn đến tình trạng một số trường hợp thẩm định, cấp phép triển lãm mỹ thuật, triển lãm nhiếp ảnh cho các tổ chức, cá nhân, công tác quản lý ở cơ sở còn gặp nhiều lúng túng, khó khăn.

Nhiều vấn đề được đặt ra tại hội nghị, trong đó có tạo điều kiện để người dân tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng và du khách. Ảnh: T.Ngọc.

Đặc biệt đối với những tình huống phát sinh, nằm ngoài quy định quản lý. Năng lực dự báo đối với lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm của cán bộ quản lý còn hạn chế…  Tương tự, công tác thanh kiểm tra mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa sâu sát thực tế bởi lực lượng thanh tra mỏng, thiếu thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, … Nhận thức của các ngành, các cấp chưa sát với đặc thù và tính chất của ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, chưa thấy hết lợi ích lâu dài, vai trò của mỹ thuật, nhiếp ảnh trong việc tạo ra đời sống tinh thần, đời sống văn hóa, thẩm mỹ cho xã hội.

Ngành Văn hóa thành phố biển khẳng định một yêu cầu cần phải tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện sớm, đó là hệ văn bản quản lý nhà nước, hành lang pháp lý quan trọng cho ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và hoạt động triển lãm, để đạt được sự phát triển toàn diện, phát triển đúng theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Một vấn đề khác cũng phải được triển khai đồng thời là xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, khuyến khích đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm tại các tỉnh, thành phố, tạo điều kiện để người dân tham gia nhiều các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Kinh phí dành cho các hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; đầu tư, ứng dụng công nghệ đáp ứng được xu hướng phát triển trong tình hình mới hiện rất eo hẹp.

Thế Cương – Trần Ngọc