Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hoàng mai Huế- nhìn từ góc độ văn hóa

ĐNA -

Hoàng mai là hoa tượng trưng cho Tết cổ truyền, cho mùa xuân của cư dân phương Nam nói chung, nhưng riêng với Huế, lại có ý nghĩa đặc biệt. Vả lại, hoàng mai Huế cũng là một giống mai đặc biệt, khác với các loại hoàng mai khác sau hàng trăm năm được nuôi dưỡng, chăm sóc, tuyển chọn bởi cả thiên nhiên và con người xứ Huế.

Có thể nói, từ rất lâu rồi, có thể là ngay từ khi người Việt vào chiếm lĩnh, khai phá vùng đất Đàng Trong/phương Nam thì hoa mai đã được chọn làm loài hoa tượng trưng cho mùa xuân, cho giai đoạn chuyến giao đất trời sau một chu trình 4 mùa 12 tháng trong năm. Hoa mai cũng làm nên sự khác biệt thú vị của phong tục Bắc- Nam đối với mùa xuân và cái tết cổ truyền dân tộc: “Đào Bắc, Mai Nam”.

“Hoàng mai – Hoa xuân của miền Nam
Xán lán kim ba xuyết mãn chi,
Đàn tâm tiên hỉ báo xuân hi.
Thanh hương ký thắng ngọc anh diễm,
Hồng đế hoàn trình xước ước ti.
Xán lạn bông vàng điểm khắp cây
Nhụy hoa thắm đỏ báo xuân hay
Sắc hương diễm lệ như châu ngọc
Thướt tha duyên dáng nhất xuân này”
Đó là những câu thơ tuyệt hay của Thi nhân- Hoàng đế Minh Mạng trong bài Vịnh hoàng mai (Ngự chế thi, Sơ tập, Quyển 2, Tờ 50a, 50b, 51a).

Có thể nói, từ rất lâu rồi, có thể là ngay từ khi người Việt vào chiếm lĩnh, khai phá vùng đất Đàng Trong/phương Nam thì hoa mai đã được chọn làm loài hoa tượng trưng cho mùa xuân, cho giai đoạn chuyến giao đất trời sau một chu trình 4 mùa 12 tháng trong năm. Hoa mai cũng làm nên sự khác biệt thú vị của phong tục Bắc- Nam đối với mùa xuân và cái tết cổ truyền dân tộc: “Đào Bắc, Mai Nam”.

Điều thú vị là hoàng mai (mai vàng) tuy là giống hoàn toàn khác các loại mai của xứ Bắc vốn nổi danh trong thơ văn từ rất lâu như bạch mai, lạp mai…nhưng lại rất phù hợp với cư dân Đàng Trong bởi màu vàng vốn tượng trưng cho ánh sáng, cho phương Nam. Thân cây hoàng mai lại xù xì, thô ráp, mạnh mẽ phù hợp với quan niệm về vóc dáng, chí khí người quân tử ở vùng đất mới: “Làm trai cho đáng nên trai/Phú Xuân đã trải Đồng Nai cũng từng”. Hoàng mai nở đúng dịp xuân về tết đến, phù hợp nhất để chọn làm loài hoa biểu tượng cho mùa xuân…

Đối với người miền Nam (từ Quảng Trị trở vào), hoàng mai là hoa xuân và  đến nay vẫn có nhiều vùng trồng mai nổi tiếng như Huế, Bình Định, Bình Thuận, Thủ Đức (TP HCM), Biên Hòa, Vĩnh Long… Tuy nhiên, hoàng mai Huế luôn được nhắc đến như một giống đặc hữu, rất quý và có vị thế riêng.

Hoàng mai với Huế
Hoàng mai là hoa tượng trưng cho tết, cho mùa xuân của cư dân phương Nam nói chung, nhưng riêng với Huế, lại có ý nghĩa đặc biệt. Vả lại, hoàng mai Huế cũng là một giống mai đặc biệt, khác với các loại hoàng mai khác sau hàng trăm năm được nuôi dưỡng, chăm sóc, tuyển chọn bởi cả thiên nhiên và con người xứ Huế.

Về đặc điểm cụ thể của hoàng mai Huế thì ắt phải nhường lời cho các nhà khoa học chuyên ngành, các nghệ nhân trồng mai… Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh một vài điểm quan trọng:

– Tính chất quý tộc của hoàng mai Huế: Do là loài hoa được vua chúa, giới quý tộc yêu thích nên thường được nâng niu chăm chút công phu để tạo dáng, thế chuẩn từ bộ rễ, gốc (bệ) thân, cành, lá đến hoa. Hoàng mai Huế khó tính, khó chăm nhưng nếu được chăm sóc tốt, đúng cách thì tạo nên giá trị rất lớn.

Hoàng mai cũng tạo nên tập quán chơi và nuôi dưỡng hoa kiểng của người Huế.
Hoàng mai Huế dung chứa những ý nghĩa sâu sắc gắn liền với vũ trụ quan, nhân sinh quan của người Huế: Màu sắc vàng quý phái tượng trưng cho màu của hoàng đế, cũng là màu của ánh sáng. 5 Cánh tượng trưng cho ngũ phúc, luôn đều đặn, tròn đầy…

– Những giá trị về văn hóa, lịch sử, xã hội của hoàng mai Huế.

Đây là những giá trị của hoàng mai đã được nhiều thế hệ người Huế nhìn nhận, tôn vinh (tiêu biểu là thể hiện qua thơ văn, khắc họa, trang trí trên các công trình kiến trúc cung đình, trang trí trên trang phục, đồ ngự dụng cung đình, vật phẩm quý tộc…)

– Sự khẳng định một cách chính danh của Hoàng đế Minh Mạng với hoàng mai Huế: Khắc hình tượng hoàng mai trên bộ Cửu đỉnh (đúc năm 1835): Hoàng mai được chọn là 1/153 hình ảnh mang tính biểu tượng được khắc trên thân Cửu Đỉnh- Bộ Đại Nam nhất thống chí bằng đồng của nước ta đầu thế kỷ XIX.

Hoa Mai được khắc trên Nghị Đỉnh, và là 1 trong 9 loài hoa được khắc trên Cửu Đỉnh (Tử vi, Liên hoa-hoa sen, Mạt lị- hoa nhài, Mai khôi- hoa hồng, Mai, Hải đường, Qùy hoa- hướng dương, Trân châu- hoa sói trắng, Thuấn hoa- dâm bụt, và Ngũ diệp lan- hoa ngọc lan).

Phát huy giá trị của hoàng mai Huế nhìn từ góc độ văn hóa

Để phát huy giá trị của hoàng mai Huế UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam” với nhiều mục tiêu và nội dung cụ thể. Trên góc độ văn hóa, tôi chỉ xin đề xuất thêm một số vấn đề:

– Cần đầu tư nghiên cứu để làm rõ và bổ sung các giá trị phong phú về văn hóa, lịch sử và di sản của hoàng mai đối với Huế, nên xem đây là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu về hoàng mai Huế nói riêng và các loài hoa, kiểng của cố đô Huế nói chung.

– Gắn liền hình ảnh, thương hiệu của hoàng mai Huế với các lễ hội văn hóa, nhất là các lễ hội đầu xuân (các lễ hội cung đình: Lễ dựng nêu, Hạ nêu, Lễ tiến xuân…), Lễ hội Đền Huyền Trân Công chúa (8-9 tháng Giêng), Lễ Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng)…

– Gắn liền hình ảnh hoàng mai Huế với các sản phẩm văn hóa, du lịch của Huế như áo dài truyền thống, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm, nghệ thuật ẩm thực…

Và quan trọng nhất là làm sao để hoàng mai Huế trở thành một biểu tượng của văn hóa Huế. Đó cũng là một cách thiết thực để phát huy giá trị hoàng mai Huế một cách hữu hiệu và bền vững./.

TS.Phan Thanh Hải