Thứ Năm, Tháng Năm 9, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển văn hóa doanh nghiệp giai đoạn 2023 – 2025 của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam

ĐNA -

Việt Nam là đất nước có nền văn hóa lâu đời với lịch sử hàng nghìn năm văn hiến, dân tộc Việt Nam đã sản sinh ra nhiều danh nhân lịch sử – những bậc hiền tài đã làm vẻ vang và thắp sáng lên các giá trị văn hóa của dân tộc ta. Trong các danh nhân ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng, nhà văn hóa vĩ đại nhất.

Bác Hồ là danh nhân văn hóa thế giới, có tầm ảnh hưởng sâu sắc không chỉ đối với sự phát triển của văn hóa dân tộc, mà còn đối với sự phát triển của nền văn hóa thế giới, văn hóa tương lai của nhân loại. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với từng cá nhân, đơn vị trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay. Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Paris (từ ngày 20/10 đến 20/11/1987) đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 ghi nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam”.

Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Paris (từ ngày 20/10 đến 20/11/1987) đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 ghi nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam”.

Một số quan điểm của Hồ Chí Minh về văn hóa
Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa UNESCO đã vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất bởi những đóng góp to lớn của Người cho sự phát triển dân tộc và nhân loại. Người đã để lại cho hậu thế một di sản vô cùng đồ sộ và quý giá. Trong đó, hệ thống quan điểm về văn hóa được coi là viên ngọc sáng lấp lánh, có vị trí quan trọng, hàm chứa những giá trị to lớn đối với sự phát triển và nâng cao tầm vóc của nền văn hóa Việt Nam [1].

Năm 1942, khi còn ở trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lần đầu tiên nêu lên định nghĩa về văn hóa trên quan điểm toàn diện. Người cho rằng: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” [2].

Các tác phẩm sau đó Người đã làm rõ vị trí và vai trò của văn hóa, theo đó văn hóa đứng ngang hàng với các lĩnh vực hoạt động khác của xã hội: Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau, đó là: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Người đã chỉ ra mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ giữa văn hóa với các lĩnh vực khác. Văn hóa không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị và ngược lại kinh tế, chính trị cũng nằm trong văn hóa. Đời sống xã hội được xây dựng, kết cấu đan cài từ bốn lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; trong đó văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội, là lĩnh vực thuộc về kiến trúc thượng tầng của xã hội. Từ đó, một trong những vấn đề cơ bản, hệ trọng đặt ra là phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lĩnh vực văn hóa với chính trị, kinh tế, xã hội. Như vậy, theo Người, văn hóa bao hàm cả các yếu tố vật chất và tinh thần; văn hóa có vai trò to lớn trong mọi hoạt động của xã hội, nhất là hoạt động kinh tế. Khi con người hoạt động kinh tế thì cũng đồng thời sáng tạo ra văn hóa. Vậy nên, trước hết đối với cán bộ hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phải có văn hóa.

Không chỉ là nhà lý luận, Hồ Chí Minh còn là nhà thực hành văn hóa mẫu mực. Chẳng thế mà từ năm 1923, nhà thơ Xô viết Osip Mandelstam đã viết về Nguyễn Ái Quốc – tên của Người lúc đó, trên số 39 tạp chí Ogoniok (Ngọn lửa nhỏ) như sau: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải là văn hóa châu  Âu mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai”. Người được thế giới tôn vinh là Nhà văn hóa kiệt xuất, tiêu biểu cho những giá trị đỉnh cao về nhiều mặt:

Về trí tuệ, Hồ Chí Minh là nhà văn hóa uyên bác cả Đông, Tây, kim, cổ, thể hiện tài năng trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, văn hoá… Người vừa là nhà cách mạng đồng thời là nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo dục lớn, với một sự nghiệp văn hóa vô cùng trong sáng và đẹp đẽ, cách mạng hóa và hiện đại hóa nền văn học, nghệ thuật Việt Nam.

Về tình cảm, Người mang một “trái tim mênh mông”, “ôm cả non sông vạn kiếp người”. Người thương yêu nhân dân mình và thương yêu cả nhân dân thế giới, lo lắng đến vận mệnh cả nhân loại và quan tâm đến số phận của từng con người.

Về hành động, Người là anh hùng kết hợp cả Nhân, Trí, Dũng, nổi lên ở một nghị lực phi thường và một đầu óc vô cùng nhạy bén và sáng tạo.

Về tư tưởng triết học, ở phương Tây, Hồ Chí Minh tiếp thu truyền thống nhân văn từ cổ Hy – La đến Mác – Lênin, đem lại cho truyền thống nhân văn tính hiện thực và tính chiến đấu. Ở phương Đông, Người gạn đục khơi trong, tiếp thu mọi nhân tố tích cực của cả Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo.

Có thể khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra một thời đại mới, một nền văn hóa mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, cũng là những giá trị đóng góp vào sự phát triển của văn hóa thế giới. Nhiều chủ trương văn hóa được Người khởi xướng rất sớm, từ những năm 40 và 50 của thế kỷ XX như: Xoá mù chữ, trồng cây phủ xanh đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái… mà sau này đã trở thành những cuộc vận động lớn trên toàn thế giới. Người trở thành biểu tượng văn hóa của dân tộc và nhân loại.

VietinBank trong nghi thức khởi động tại Lễ công bố Bộ Nhận diện Văn hoa doanh nghiệp VietinBank.

Xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển văn hóa doanh nghiệp giai đoạn 2023 – 2025 của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, Đảng bộ Ngân hàng Công Thương Việt Nam và Hội đồng quản trị luôn luôn xác định xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại VietinBank là nhiệm vụ quan trọng có mối quan hệ mật thiết, tương tác nhiều chiều với các nhiệm vụ Chính trị, kinh tế và xã hội. Theo sự phát triển của xã hội, tại các thời kỳ, Đảng bộ và Hội đồng quản trị VietinBank đều cụ thể hóa việc xây dựng các quy định, các tiêu chuẩn Văn hóa của VietinBank phù hợp với tình hình thực tiễn. Ngày nay, trong thời đại công nghệ 4.0 và chuyển đổi số dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ về môi trường, không gian và cách thức tương tác giữa người với người trong xã hội (như tương tác trên không gian số, tương tác với đối tượng số …) đã đặt ra nhiều vấn đề mới, thách thức mới mà chỉ có thể giải quyết được thông qua các giá trị Văn hóa của dân tộc, văn hóa của mỗi doanh nghiệp. Trước thực tiễn này, ngày 01 tháng 06 năm 2023 Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đã ban hành “Chiến lược phát triển Văn hóa doanh nghiệp giai đoạn 2023-2025 và kế hoạch triển khai năm 2023”[5].

Chiến lược phát triển Văn hóa doanh nghiệp giai đoạn 2023-2025 và kế hoạch triển khai năm 2023” là sản phẩm kết tinh trí tuệ tập thể của Đảng ủy, Hội đồng quản trị và Ban lãnh đạo VietinBank với sự đầu tư công phu, có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và xuyên suốt toàn hệ thống VietinBank về xây dựng và phát triển Văn hóa doanh nghiệp. Tác phẩm đã vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Văn hóa, kế thừa tinh hoa Văn hóa dân tộc để tạo lập nên hệ giá trị cốt lõi của con người VietinBank. Chiến lược đã tiêu chuẩn hóa các giá trị văn hóa thông qua Bộ nhận diện Văn hóa doanh nghiệp VietinBank tập trung vào bốn nội dung thể hiện được vai trò, vị trí và mối quan hệ với các nhiệm vụ về kinh tế, chính trị, xã hội với bốn nội dung gồm: Sứ mệnh, Tầm nhìn, Triết lý hoạt động, Hệ giá trị cốt lõi.

Như vậy về mặt lý luận, Chiến lược đã vận dụng một cách khoa học tư tưởng Hồ Chí Minh về Văn hóa vào đặc thù hoạt động của VietinBank cũng như yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới. Hơn thế nữa, tác giả thiết nghĩ để Chiến lược thực sự triển khai sâu rộng trên toàn hệ thống từ đó xây dựng nên hệ giá trị Văn hóa của người VietinBank cần tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cụ thể:

Thứ nhất, học và làm theo tư tưởng, phong cách “nêu gương” đối với các cán bộ là lãnh đạo từ cấp Trung trở lên.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc “nêu gương” của cán bộ, đảng viên. Theo Người, sở dĩ cần phải “nêu gương” là do đặc thù của nền văn hóa, đạo đức phương Đông luôn coi trọng tình cảm, luôn lấy cái tốt đẹp của người khác để làm tấm gương soi mình. Người viết: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” [3]. Các cán bộ cấp trung trở lên là những người thông qua từng vị trí chức danh đảm nhiệm đều có mức độ tương tác, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đối với rất nhiều cán bộ trong phạm vi phụ trách. Trong tiêu chuẩn và yêu cầu đối với năng lực đối với lãnh đạo cấp trung của VietinBank, lãnh đạo cấp trung có vai trò dẫn dắt, truyền cảm hứng tới toàn thể người lao động trong đơn vị, vì vậy việc thực hiện tinh thần nêu gương trong triển khai Chiến lược Văn hóa chính là quá trình tạo dựng hình ảnh tiêu biểu, là hình mẫu trong thực hành hệ giá trị văn hóa của người VietinBank từ đó lan tỏa và thúc đẩy Văn hóa doanh nghiệp trong mảng, đơn vị, phạm vi mình phụ trách. Thông qua hình mẫu từ người đứng đầu, mỗi đơn vị trở thành một mảnh ghép hoàn hảo về văn hóa doanh nghiệp, và nhiều đơn vị văn hóa gộp lại sẽ dệt nên bức tranh về văn hóa doanh nghiệp ngày càng lấp lánh với sự phong phú về các màu sắc tô điểm trên ánh vàng long lanh hệ giá trị văn hóa của toàn hệ thống VietinBank.

Thứ hai, học và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng con người.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, con người là vốn quý nhất, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. “Trong bầu trời, không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” [4]. Theo Người, “vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”. Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Con người là mục tiêu của cách mạng, nên mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ đều vì lợi ích chính đáng của con người, có thể là lợi ích lâu dài, lợi ích trước mắt; lợi ích cả dân tộc và lợi ích của bộ phận, giai cấp, tầng lớp và cá nhân. Vận dụng tư tưởng trên vào Không gian văn hóa VietinBank có thể hiểu: Không phải toàn thể cán bộ VietinBank tự nhiên đều hội tụ đầy đủ hệ giá trị văn hóa VietinBank mà phải trải qua quá trình tu dưỡng thường xuyên và lâu dài. Trong quá trình đó cần được tổ chức định hướng, giác ngộ thông qua “Chiến lược phát triển Văn hóa doanh nghiệp giai đoạn 2023-2025 và kế hoạch triển khai năm 2023[5]” mà Đảng ủy, Hội đồng quản trị đã ban hành. Từ đó đặt ra yêu cầu về cán bộ trong thời kỳ mới ngoài trí tuệ và trình độ chuyên môn đáp ứng và làm chủ sự phát triển của khoa học công nghệ cần có tâm hồn như cố thi sĩ Tố Hữu viết: “Hồn tôi là một vườn hoa lá, rất đậm Hương và rộn tiếng chim…”. Tâm hồn đó sẽ giúp mỗi người có sự lạc quan yêu đời, lòng nhiệt huyết và bản lĩnh đối mặt vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc sống, công việc với tâm thế tích cực. Con người chỉ có thể có được tâm hồn như trên khi được ươm mầm, nuôi dưỡng trên nền tảng truyền thống lịch sử và các giá trị đạo đức, văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam đồng thời cần tiếp tục vươn lên tiếp thu những giá trị mới phù hợp với xu thế thời đại và tinh hoa của nhân loại. Sự vận dụng tư tưởng này được thể hiện rõ nét thông qua việc xác định hệ giá trị cốt lõi của người VietinBank gồm Chính trực; Trí tuệ, Tận tâm, Thấu cảm và Thích ứng. Và đặc biệt là một trong ba triết lý hoạt động của VietinBank được nêu tại Chiến lược văn hóa đã khẳng định công tác phát triển con người là then chốt. Phát triển con người là then chốt tại VietinBank thể hiện trách nhiệm của các cấp Ủy, và ban lãnh đạo trong việc tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để mọi cán bộ, người lao động cống hiến, phát triển phát huy hết khả năng đóng góp vào thành công của VietinBank. Triển khai thực hiện tư tưởng này, VietinBank đã đang và sẽ luôn tuân thủ các nguyên tắc: Công khai, Minh bạch, Khách quan, Toàn diện, Công bằng và Bình đẳng trong phát triển con người, đảm bảo lộ trình công danh, cơ hội thăng tiến rõ ràng cho đội ngũ[5].

Thứ ba, học và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa con người VietinBank.
Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh,văn hóa, tinh thần là động lực cơ bản trong động lực con người. Con người là động lực chỉ có thể thực hiện được khi họ hoạt động có tổ chức, có lãnh đạo. Vì vậy, việc xây dựng con người chính là quá trình định hướng con người hướng tới những giá trị tốt đẹp theo thuần phong, mỹ tục đậm đà bản sắc dân tộc. Theo tư tưởng đó trước khi tạo dựng văn hóa của người VietinBank cần phải xây dựng Chiến lược văn hóa doanh nghiệp VietinBank với các tiêu chuẩn, hệ giá trị cụ thể theo bộ nhận diện văn hóa VietinBank (các đặc trưng văn hóa hướng tới, sứ mệnh, tầm nhìn, triết lý hoạt động, hệ giá trị cốt lõi [5]) như những khuôn vàng thước ngọc cho toàn thể người lao động tại VietinBank tu chỉnh bản thân. Đảng bộ và Hội đồng quản trị VietinBank đã xác định việc xây dựng văn hóa của người VietinBank chính là quá trình lâu dài và kiên trì hàng giờ, hàng ngày, hàng năm triển khai đưa Chiến lược Văn hóa doanh nghiệp của VietinBank vào thực tế tại từng đơn vị. Quá trình này cần sự nêu gương, thúc đẩy, dìu dắt của ban lãnh đạo tới toàn thể người lao động trong đơn vị, qua đó hệ giá trị văn hóa VietinBank được gieo mầm, lan tỏa và thấm đượm vào hơi thở cuộc sống vào tâm hồn của từng cán bộ và những điều tốt đẹp này từ trong tâm hồn từng người VietinBank hiển lộ ra bằng các hành vi, thái độ đối nhân xử thế mang đầy tính nhân văn. Chính điều này sẽ giúp VietinBank có sự nổi trội khác biệt để khẳng định vị thế tiên phong trong xây dựng và phát triển đất nước và phát triển bền vững trước những thách thức của thời đại.

“Đảng bộ VietinBank Chi nhánh Ngô Quyền nghiên cứu triển khai Chiến lược Văn hóa doanh nghiệp”.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng con người còn xác định “lợi ích trồng người là lợi ích trăm năm” cho thấy việc triển khai xây dựng con người là quá trình thường xuyên và lâu dài. Học tập tư tưởng này của Người, Đảng bộ và Hội đồng quản trị VietinBank đã xác định Văn hóa là Chiến lược phát triển bền vững của tổ chức, việc triển khai được thực hiện theo lộ trình dài hạn qua đó từng bước hun đúc và tạo lập nên tập thể cán bộ VietinBank có hệ giá trị văn hóa chuẩn mực, đồng bộ, nhất quán hình thành nên giá trị Văn hóa con người VietinBank. Quá trình phát triển văn hóa VietinBank lâu dài dần dần hình thành dòng chảy văn hóa lung linh ánh vàng kết nối qua nhiều thế hệ và tiếp tục được kế thừa, phát triển chảy dài và mang theo phù sa nuôi dưỡng giúp khu vườn tâm hồn mỗi người VietinBank ngày càng đượm hương và rộn tiếng ca.

Như vậy có thể thấy Đảng bộ, Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo VietinBank đã học tập và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển văn hóa doanh nghiệp giai đoạn 2023-2025 của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam. Và với định hướng đúng đắn này chắc chắn việc tổ chức triển khai Chiến lược Văn hóa doanh nghiệp của VietinBank sẽ thành công từ đó tạo nền tảng vững chắc để VietinBank hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ Chính trị, Kinh tế và xã hội đóng góp vào sự phát triển của đất nước ta.

TS. Trương Quý Hào/Đảng bộ VietinBank, Chi nhánh Ngô Quyền, Hải Phòng

Tài liệu tham khảo
TS. Đặng Thị Minh Nguyệt, Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và nâng tầm văn hóa Việt Nam, 2022, Học viện Chính trị Khu vực II
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.3, tr.458.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.1, tr.284.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.10, tr.453.
VietinBank, Chiến lược phát triển Văn hóa doanh nghiệp giai đoạn 2023 – 2025 và kế hoạch triển khai năm 2023.