Thứ Ba, Tháng 7 1, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hội đồng Cấp cao, chìa khóa để ASEAN tự giải quyết tranh chấp



ĐNA -

Ngày 26/6/2025, tờ Asia Times đăng tải bài viết của tác giả Nathaniel Schochet với tiêu đề “Đã đến lúc khôi phục và trao quyền cho Hội đồng cấp cao ASEAN”. Thông qua phân tích về xung đột biên giới giữa Thái Lan và Campuchia, tác giả cho rằng ASEAN đang cần một cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả hơn để duy trì ổn định và đoàn kết khu vực.

Thái Lan và Campuchia đang vướng vào một tranh chấp biên giới khác. Ảnh: X Screengrab.

Nathaniel Schochet là nhà phân tích cộng tác tại CJPA Global Advisors. Trước đây, ông từng làm quản trị viên chương trình cho Chương trình An ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới (CNAS) và là thành viên của Chương trình Lãnh đạo trẻ của Diễn đàn Thái Bình Dương.

Cuối tháng 5/2025, các Bộ trưởng Ngoại giao Đông Nam Á đã nhóm họp tại Kuala Lumpur để công bố kế hoạch Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 (ACV 2045), một lộ trình nhằm thúc đẩy năng suất kinh tế và đảm bảo ổn định khu vực.

Tuy nhiên, hội nghị diễn ra trong bối cảnh căng thẳng biên giới giữa Thái Lan và Campuchia leo thang, sau một vụ đụng độ chết người khiến dư luận khu vực không khỏi lo ngại. Căng thẳng này không phải là trường hợp cá biệt, khi nhiều quốc gia ASEAN vẫn đang tồn tại những bất đồng lãnh thổ kéo dài với các nước láng giềng, từ tranh cãi ngoại giao đến các vụ việc vũ trang.

Trong bối cảnh môi trường địa chính trị khu vực và quốc tế ngày càng phức tạp, cùng với nhu cầu hội nhập sâu rộng hơn, các tranh chấp lãnh thổ liên tiếp trở thành thách thức lớn, đe dọa vị thế trung tâm của ASEAN và cản trở nỗ lực xử lý các vấn đề trọng yếu cũng như triển khai các sáng kiến khu vực.

Việc chỉ dựa vào đàm phán song phương hoặc trông chờ vào các thể chế bên ngoài là chưa đủ. ASEAN cần củng cố các cơ chế hiện có, đặc biệt là Hội đồng cấp cao để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và hiệu quả, đồng thời tăng cường năng lực đối phó với các thách thức từ bên ngoài.

Thực tế đã cho thấy điều này khi vào ngày 28/5/2025, một cuộc đấu súng chết người nổ ra giữa lực lượng biên phòng Thái Lan và Campuchia, liên quan đến tranh chấp quanh khu đền Preah Vihear – di tích thời Angkor, bắt nguồn từ những bất đồng trong quá trình phân định biên giới từ thời thuộc địa.

Bất chấp phán quyết năm 1962 của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) xác định đền Preah Vihear thuộc về Campuchia, khu vực biên giới phía Bắc giữa Thái Lan và Campuchia đến nay vẫn chưa được phân định rõ ràng. Tranh chấp tại đây từng bùng phát thành xung đột vào các năm 2008 và 2011.

Trong diễn biến mới nhất, Thái Lan đã áp đặt các biện pháp hạn chế tại khu vực biên giới, bao gồm cắt điện ở một số khu vực, ngừng nhập khẩu trái cây và rau quả từ Campuchia. Đáp trả, phía Campuchia đã ra lệnh cấm chiếu phim và chương trình truyền hình của Thái Lan.

Các nỗ lực giải quyết song phương, như thông qua Ủy ban Biên giới chung, đến nay vẫn không mang lại kết quả rõ rệt. Việc Campuchia đưa tranh chấp ra ICJ tiếp tục xét xử đã vấp phải sự phản đối từ phía Thái Lan, quốc gia này khẳng định vấn đề cần được giải quyết trên cơ sở đối thoại song phương.

Vụ việc này là một trong nhiều sự cố tiềm ẩn nguy cơ tái diễn và gây bất ổn trong nội bộ ASEAN. Trong khi Biển Đông vẫn là điểm nóng tranh chấp giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á, các bất đồng lãnh thổ giữa chính các nước ASEAN với nhau cũng không ngừng gia tăng, đặt ra thách thức cho nỗ lực duy trì đoàn kết và vai trò trung tâm của khối.

Những sự cố này đi ngược lại tinh thần và mục tiêu lớn mà Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 (ACV 2045) hướng tới, một kế hoạch được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46, kế thừa định hướng từ Kế hoạch ASEAN 2025: Cùng nhau tiến lên.

ACV 2045 đặt ra khung phát triển toàn diện cho ASEAN dựa trên bốn trụ cột: an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, và tăng cường kết nối thể chế. Kế hoạch này không chỉ tiếp nối các ưu tiên từ quá khứ, mà còn nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của ASEAN trong các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh.

Các sáng kiến thuộc ACV 2045 được kỳ vọng sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới và gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Tuy nhiên, nếu các tranh chấp lãnh thổ tiếp tục gây rạn nứt nội bộ, nỗ lực hội nhập sâu rộng hơn sẽ bị cản trở, làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN.

Trên thực tế, nhu cầu tăng cường năng lực xử lý các tranh chấp đã trở thành ưu tiên của một số quốc gia thành viên. Tại Đối thoại An ninh Hàng hải ASEAN tổ chức vào tháng 5/2025, Phó Tổng giám đốc An ninh Quốc gia Malaysia, ông Hamzah bin Ishak, đã đề xuất một khung thời gian năm năm để giải quyết các tranh chấp chủ quyền trong khu vực. Dù đề xuất này bị đánh giá là quá tham vọng, phản ứng tích cực từ các đại biểu cho thấy nhận thức chung về tầm quan trọng sống còn của việc xử lý hiệu quả các tranh chấp lãnh thổ trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN bền vững.

Mặc dù ASEAN đã thiết lập Hội đồng Cấp cao như một cơ chế nhằm giải quyết các tranh chấp khu vực, nhưng thực tế cho thấy cơ chế này chưa từng được kích hoạt để xử lý bất kỳ vụ việc nào. Thay vào đó, các quốc gia thành viên thường lựa chọn giải pháp song phương hoặc tìm đến các tổ chức bên ngoài như Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) để giải quyết xung đột.

Tuy nhiên, những sự kiện gần đây, điển hình là căng thẳng giữa Campuchia và Thái Lan, cho thấy các nỗ lực này là chưa đủ. Việc để các bên ngoài can thiệp vào các vấn đề nội khối không chỉ làm xói mòn vai trò trung tâm của ASEAN mà còn phản ánh sự thiếu đồng thuận trong khu vực và sự vắng bóng của một cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc. Hệ quả là nhiều vấn đề lãnh thổ vẫn tồn tại dai dẳng mà không có giải pháp hiệu quả.

Đã đến lúc ASEAN cần tái khẳng định vai trò của Hội đồng Cấp cao bằng cách cải tổ và vận hành cơ chế này một cách thực chất. Trước hết, quy trình hiện tại với thời gian xử lý quá dài cần được điều chỉnh. Yêu cầu thông báo bằng văn bản ít nhất 14 ngày trước khi áp dụng quy trình giải quyết tranh chấp là không phù hợp với thực tế, trong khi quy định cho phép Chủ tịch triệu tập cuộc họp trong vòng sáu tuần là quá chậm chạp. Trong khi chờ đợi quy trình này vận hành, nguy cơ leo thang xung đột là rất cao.

ASEAN cần thiết lập các khung thời gian phản ứng nhanh hơn để đảm bảo các quốc gia có thể tham gia giải quyết tranh chấp một cách kịp thời, trước khi tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, Hội đồng Cấp cao cũng cần nâng cao năng lực và chuyên môn của các thành viên tham gia. Việc lựa chọn đại diện một cách tùy tiện sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu xử lý các tranh chấp phức tạp đòi hỏi sự hiểu biết chuyên sâu và năng lực phản ứng nhanh.

ASEAN từng thừa nhận sự cần thiết phải bổ nhiệm phái viên thường trực để xử lý nghiêm túc một số vấn đề, như trong trường hợp Myanmar. Cách tiếp cận này nên được mở rộng sang lĩnh vực giải quyết tranh chấp lãnh thổ, nhằm bảo đảm rằng các vấn đề nhạy cảm trong khu vực được xử lý kịp thời, có trọng tâm và mang lại hiệu quả thiết thực.

Việc thành lập một hội đồng hòa giải thường trực, bao gồm các chuyên gia pháp lý, sử gia khu vực và học giả quốc tế, được xem là bước đi cần thiết để nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp của Hội đồng Cấp cao ASEAN. Cơ cấu này sẽ đảm bảo rằng hội đồng có đủ chuyên môn và tính độc lập cần thiết để xử lý các vụ việc một cách kịp thời và hiệu quả.

Bên cạnh đó, chức danh Chủ tịch Hội đồng có thể được luân phiên ba năm một lần, tương tự mô hình phái viên thường trực của ASEAN trong vấn đề Myanmar nhằm tạo sự ổn định và liên tục trong quá trình điều phối các hoạt động hòa giải.

Trong bối cảnh ASEAN đang hướng đến những mục tiêu đầy tham vọng được đề ra trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 (ACV 2045), cùng với việc căng thẳng biên giới giữa Campuchia và Thái Lan có dấu hiệu leo thang, đã đến lúc ASEAN cần khôi phục và kích hoạt vai trò của Hội đồng Cấp cao. Chỉ khi tự mình giải quyết được các tranh chấp nội khối, ASEAN mới có thể duy trì được tính trung tâm và sự gắn kết trong bối cảnh khu vực đầy biến động hiện nay.

Nếu không hành động kịp thời, ASEAN sẽ khó có thể ứng phó hiệu quả với những thách thức cấp bách nhất hiện nay, từ cạnh tranh địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cho đến mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng kinh tế của từng quốc gia thành viên. Trong tay ASEAN đã có sẵn công cụ, Hội đồng Cấp cao nhưng vấn đề đặt ra là khối cần xây dựng lại lòng tin vào cơ chế này. Điều đó đòi hỏi sự cam kết chính trị mạnh mẽ, cùng với những cải tiến thực chất về quy trình và năng lực vận hành. Chỉ khi được trao quyền đúng mức và hoạt động một cách hiệu quả, Hội đồng Cấp cao mới có thể trở thành nền tảng vững chắc cho một ASEAN thống nhất, chủ động và có khả năng định hình tương lai khu vực.

Thế Nguyễn