Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

ĐNA -

(Thừa Thiên Huế). Sáng 6/4/2024, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 theo Quyết định 1745/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Ảnh: VGP

Cùng tham dự hội nghị có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, doanh doanh, các nhà tư trong nước và quốc tế.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược quan trọng, đặc biệt, là cầu nối từ Bắc vào Nam, với truyền thống văn hóa, lịch sử, bản sắc riêng “rất Huế. Việc phát triển Thừa Thiên Huế toàn diện theo định hướng “bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững” là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản.

Tỉnh cũng cung cấp những thông tin cơ bản, tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh; mời gọi thu hút các nguồn lực đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước; trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, văn bản nghiên cứu cho các dự án.

Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế – Ảnh: VGP

Hướng tới thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị di sản đặc trưng
Quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đã được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học; xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của tỉnh.

Các quy hoạch đã đưa ra được quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá phát triển; phương án phát triển, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch thời gian tới; mở ra đường hướng, tầm nhìn và không gian phát triển mới cho Thừa Thiên Huế trong bức tranh chung của các tỉnh, thành trên cả nước.

Theo quy hoạch, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.

Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố festival, trung tâm văn hóa-du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu phát biểu tại hội nghị – Ảnh: VGP.

Về các định hướng, ưu tiên phát triển, quy hoạch xác định 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 3 động lực tăng trưởng, 5 khâu đột phá phát triển.
3 trung tâm đô thị, gồm: (1) Đô thị trung tâm (gồm thành phố Huế, quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà), (2) Đô thị vùng Tây Bắc (gồm thị xã Phong Điền-Quảng Điền-A Lưới), (3) Đô thị vùng Đông Nam (gồm các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông).

3 hành lang kinh tế, gồm: (1) Hành lang kinh tế Bắc-Nam, (2) Hành lang kinh tế Đông-Tây, (3) Hành lang kinh tế đô thị hướng biển.

3 động lực tăng trưởng, gồm: (1) Thành phố Huế, (2) Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, (3) Khu công nghiệp Phong Điền.

5 khâu đột phá phát triển là: (1) Phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh; (2) Hoàn thiện hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng viễn thông, (3) Phát triển kinh tế biển, đầm phá, hệ thống cảng biển nước sâu; (4) Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng; (5) Thúc đẩy dịch vụ – du lịch, công nghiệp văn hóa, bảo tồn di sản Cố đô Huế.

‘Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững’
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ đánh giá cao tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các cơ quan, địa phương, đối tác đã phối hợp chuẩn bị chu đáo hội nghị “3 trong 1”: công bố Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế và xúc tiến đầu tư của tỉnh; thể hiện tầm nhìn phát triển Thừa Thiên Huế được xây dựng một cách bài bản, lớp lang, chiến lược và dài hạn và sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thủ tướng đánh giá tóm tắt Quy hoạch Thừa Thiên Huế trong 13 chữ: Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững. Nhấn mạnh thêm một số nội dung trọng tâm, Thủ tướng trước hết dành thời gian phân tích về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác quy hoạch.

Quy hoạch có vai trò rất quan trọng, tạo ra những cơ hội lớn, tác động lâu dài, là động lực quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng. Tuy nhiên, trước đây do điều kiện, hoàn cảnh, lịch sử của đất nước, công tác quy hoạch chưa làm được nhiều. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII tới nay, công tác này đã được tập trung đầu tư, đẩy mạnh thực hiện; công tác lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng được đẩy nhanh tiến độ (đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt 109/111 quy hoạch). Dự kiến trong năm nay, sẽ hoàn thành tương đối toàn diện, đồng bộ, tổng thể các quy hoạch cấp Trung ương, các ngành, các địa phương.

Theo Thủ tướng, quy hoạch có vai trò dẫn dắt, định hướng, giúp phát triển đúng hướng nhanh, bền vững, toàn diện; giúp khai thác, sử dụng hiệu quả không gian: mặt đất, mặt nước-biển, không gian ngầm; quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, tổng thể và bao trùm; quy hoạch phải đi trước một bước, đồng thời phải đảm bảo tính lớp lang, hệ thống, khoa học và từng bước thực hiện quy hoạch có hiệu quả. Nếu có nhà tư vấn tốt thì sẽ có quy hoạch tốt, từ quy hoạch tốt sẽ dự án tốt, có dự án tốt thì sẽ có nhà đầu tư tốt, góp phần thực hiện quy hoạch hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần chú trọng 3 yếu tố quan trọng về tư tưởng chủ đạo trong công tác quy hoạch. Thứ nhất, luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần. Thứ hai, xác định nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ doanh nghiệp và nhân dân. Thứ ba, quy hoạch phải phù hợp với xu thế phát triển của các ngành, lĩnh vực, vùng, đất nước, thế giới.

Thủ tướng cũng chỉ ra 5 nhiệm vụ của công tác quy hoạch cần tập trung thực hiện. Theo đó, tìm ra và phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh (để khai thác hiệu quả, thu hút nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững). Phát hiện những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, thách thức… để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục. Xây dựng danh mục các dự án, chương trình để thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Huy động nguồn lực thực hiện (Nhà nước, xã hội, hợp tác công tư, bên trong-bên ngoài); nguồn lực của tỉnh phải gắn với nguồn lực của vùng, nguồn lực của vùng phải gắn với nguồn lực quốc gia, nguồn lực quốc gia phải gắn với nguồn lực quốc tế. Tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương báo cáo tại hội nghị – Ảnh: VGP.

Vị trí quan trọng, đặc biệt của Thừa Thiên Huế
Về tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Thủ tướng nêu rõ, Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược quan trọng, đặc biệt, là cầu nối từ Bắc vào Nam. “Việc phát triển Huế toàn diện là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thừa Thiên Huế có tiềm năng to lớn về phát triển kinh tế biển-đầm phá với hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á.

Thừa Thiên Huế là vùng đất địa linh, nhân kiệt, văn hiến, cố đô lịch sử, thành phố di sản của thế giới, với 5 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận (gồm: Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế); đặc biệt là hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Thủ tướng, Huế có thể trở thành một hình mẫu về phát triển công nghiệp văn hóa.

Người Thừa Thiên Huế có bản sắc, nét đẹp văn hóa đặc trưng, “rất Huế”, hiền hòa, tinh tế, chân thành, hiếu khách, chịu thương, chịu khó, yêu lao động, có truyền thống hiếu học lâu đời. Con người là yếu tố quan trọng nhất, quyết định với sự phát triển của Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế có hệ thống giáo dục, y tế phát triển với Đại học Huế, Trường Đại học Phú Xuân, Trường Quốc học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế…

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp vào thành tựu, kết quả chung của cả nước.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của tỉnh đạt 7,03%, xếp thứ 28/63 trong cả nước và 9/14 trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; cao hơn bình quân cả nước (5,05%).

Tỉnh có nhiều tiến bộ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Chỉ số PCI xếp thứ 6, tăng 2 bậc; Chỉ số PAPI tăng 4 bậc, đứng đầu cả nước; Chỉ số ICT xếp thứ 4; Chỉ số đổi mới sáng tạo (PII) xếp thứ 14…

Hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; quốc phòng, an ninh được tăng cường; các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

Bên cạnh đó, tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế, thách thức, do đó phải luôn giữ trạng thái cân bằng tích cực, “thắng không kiêu, bại không nản”. Thừa Thiên Huế có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, ít diện tích đất canh tác; thiên tai, mưa bão, lũ lụt, ngập úng, trượt lở đất, xói mòn… Quy mô của nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ; GRDP bình quân đầu người thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.

Hệ thống kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ. Thu hút đầu tư còn thấp, chưa có được những dự án sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, tác động lan tỏa, kết nối các chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực. Nguồn lực khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao còn hạn chế. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền có mặt còn hạn chế…

Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kim Long Motors Huế Võ Phi Hải, đại diện cho các nhà đầu tư phát biểu tại hội nghị – Ảnh: VGP.

‘1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh’ khi triển khai các quy hoạch
Thủ tướng nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế cần chú trọng, tập trung thực hiện “1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh” khi triển khai các quy hoạch.

“Một trọng tâm” là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, ứng phó biến đổi khí hậu.

“Hai tăng cường”, gồm: (1) Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài; bảo đảm công bằng, tiến bộ, an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); (2) Tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua kết nối văn hóa và du lịch, kết nối giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi, đa dạng hóa thị trường.

“Ba đẩy mạnh”, gồm: (1) Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm (về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, văn hóa, y tế, giáo dục, xã hội…); (2) Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất-cung ứng cho khu vực, thế giới; nhất là những ngành có thế mạnh, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương; (3) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu thứ nhất, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Tỉnh cần tập trung phối hợp với bộ, ngành hoàn thành thủ tục về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội; để năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương nếu đủ điều kiện.

Thứ hai, phải luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, khơi thông mọi nguồn lực; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược.

Thủ tướng lưu ý, cần làm mới văn hóa truyền thống bằng công cụ hiện đại, quốc tế hóa bản sắc, tinh hoa văn hóa dân tộc và dân tộc hóa các giá trị, tinh hoa văn hóa thế giới.

Thứ ba, phát huy hiệu quả 3 trung tâm động lực kinh tế của tỉnh, bố trí nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển. Phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch, kinh tế di sản theo hướng xanh, số, tuần hoàn (nâng cao hiệu quả khai thác Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, Cảng nước sâu Chân Mây, Lăng Cô-Bạch Mã, vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, Quần thể di tích Cố đô Huế…).

Thứ tư, quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, đổi mới giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh như du lịch, tài chính, công nghệ thông tin, y tế chuyên sâu…

Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục nâng cao hơn nữa các chỉ số như PAPI, PCI…; chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng.

Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế – Ảnh: VGP

“Những người làm thủ tục phải có cảm xúc với dự án, với nhà đầu tư, phải đặt mình vào địa vị của họ, phải đắm đuối với công việc thì mới làm có trách nhiệm được, làm hết việc chứ không hết giờ”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị tỉnh phải phổ biến, quán triệt quy hoạch sâu rộng hơn bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần “Dân biết – Dân hiểu – Dân tin – Dân theo – Dân làm – Dân thụ hưởng”.

Về nhiệm vụ của các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đoàn kết, đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính liên tỉnh, thành phố.

Đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị phát huy sứ mệnh của doanh nghiệp trên tinh thần “ba cùng”: “cùng lắng nghe, thấu hiểu”, “cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động”, “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển”.

Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác; đúng định hướng, ưu tiên theo quy hoạch tỉnh… Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, số, chuyển giao công nghệ, tiên phong trong quản trị thông minh, hiện đại; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cùng với đó, đóng góp ý kiến tham vấn cho cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ. Tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, bảo đảm đời sống cho người lao động, an sinh xã hội.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục giám sát, phối hợp thực hiện hiệu quả quy hoạch; tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp; phối hợp, hỗ trợ hiệu quả, đồng bộ với địa phương; cùng địa phương, cùng cả vùng phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện quy hoạch.

Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, văn bản nghiên cứu cho các dự án – Ảnh: VGP.

Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, cùng toàn thể các bộ, ngành và lãnh đạo các cấp của tỉnh Thừa Thiên Huế: Đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân – đong – đo – đếm và lượng hóa được; tạo khí thế, động lực mới cho phát triển.

“Chúng ta mong muốn và tin tưởng rằng, với truyền thống văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng, với đà phát triển những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, với sự ủng hộ, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương khác, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phát triển đúng tầm nhìn, tư duy, sự đổi mới như các quy hoạch đã công bố, Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về Thừa Thiên Huế và Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ”, Thủ tướng phát biểu.

Chy Lê/nguồn VPCP.