Thứ ba, Tháng mười 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO): Xu hướng hình thành thế giới đa cực ngày càng rõ nét

ĐNA -

Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã được tổ chức từ ngày 3 đến ngày 4/7/2024 tại Thủ đô Astana dưới sự chủ trì của Kazakhstan với khẩu hiệu “Tăng cường đối thoại đa phương – Phấn đấu vì hòa bình và phát triển bền vững”. Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) năm nay đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, hướng đến việc củng cố hợp tác kinh tế, chiến lược an ninh và kết nạp thành viên mới cho nhóm. 

Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hướng đến xây dựng một thế giới đa cực. Ảnh: RT

Tham gia hội nghị có các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên gồm Kazakhstan, Iran, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Pakistan, Nga, Tajikistan, Uzbekistan và Ngoại trưởng Ấn Độ (Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vắng mặt vì thăm Liên bang Nga).

Belarus, Mông Cổ, Azerbaijan, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Turkmenistan, Tiểu vương Ras Al-Khaimah (UAE) , Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres là khách mời của Hội nghị. Đây là Hội nghị thượng đỉnh SCO đầu tiên được tổ chức theo hình thức “cuộc họp của Hội đồng Nguyên thủ các nước thành viên SCO” và cuộc họp “SCO Plus”.

Xu hướng hình thành thế giới đa cực ngày càng rõ nét
Trong tuyên bố chung đưa ra sau hai ngày làm việc, lãnh đạo các nước thành viên SCO nhấn mạnh, những rủi ro và thách thức an ninh hiện tại có tính chất toàn cầu chỉ có thể giải quyết thông qua việc xây dựng một thế giới đa cực, thúc đẩy hợp tác đa phương, cải thiện quản trị kinh tế toàn cầu và các nỗ lực phối hợp giải quyết mối đe dọa an ninh truyền thống cũng như phi truyền thống.Quan điểm nói trên đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh trong phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng nguyên thủ các quốc gia SCO, trong đó khẳng định: “một thế giới đa cực đã trở thành hiện thực”. Về vấn đề này, ông chủ Điện Kremlin đã nêu bật thực tế là có nhiều trung tâm quyền lực và phát triển kinh tế mới đang nổi lên và ngày càng mạnh mẽ hơn, đồng thời nhấn mạnh nhiều quốc gia đã kêu gọi hướng tới một trật tự thế giới công bằng hơn, cũng như bày tỏ quyết tâm bảo vệ các quyền hợp pháp và các giá trị truyền thống của họ.

Đáng chú ý, Tổng thống Vladimir Putin cũng nêu cao vai trò của SCO cùng với Nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn (BRICS), cho rằng đây sẽ là những trụ cột của trật tự thế giới đa cực đang nổi lên và sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy quá trình phát triển toàn cầu. Theo nhà lãnh đạo Nga, sáng kiến “Về sự thống nhất toàn cầu vì một thế giới công bằng và hòa hợp” của SCO chính là dấu mốc quan trọng tiến tới đa cực, khi có mục đích phát triển các biện pháp xây dựng niềm tin. Nhiều nhà phân tích cũng nhận định, những biện pháp như vậy sẽ bảo đảm các điều kiện bình đẳng để phát triển cho tất cả mọi người, bất kể hệ thống chính trị, kinh tế, tôn giáo và văn hóa của các quốc gia.

Những tín hiệu về một trật tự thế giới đa cực đang hình thành còn thể hiện qua nhiều khía cạnh của hội nghị lần này. Tổng thống nước chủ nhà Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev trong các phát biểu đã đề xuất một số chiến lược quan trọng, nhằm thúc đẩy xu hướng này thông qua tăng cường hợp tác đa phương giữa các quốc gia thành viên nhóm, với một số mục tiêu chính, như: Tạo điều kiện tập thể cho hòa bình và phát triển với vai trò trọng tâm của Liên hợp quốc; tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế với trọng tâm trước mắt là cải thiện hạ tầng giao thông xuyên quốc gia; hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và cuối cùng là hợp tác văn hóa – nhân đạo – giáo dục…

Quan điểm đa cực nhận được sự ủng hộ từ nhiều đại biểu. Đơn cử, tái khẳng định cam kết của Pakistan trong việc củng cố các thể chế đa phương, thúc đẩy hợp tác toàn cầu để đạt được một trật tự thế giới công bằng và hòa bình dựa trên các nguyên tắc tự quyết, chủ quyền và không can thiệp, Thủ tướng nước này Shehbaz Sharif nhất trí về xu hướng và tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và thế giới đa cực, đặc biệt trong giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh sự “cần thiết phải thống nhất trong suy nghĩ và hành động, thúc đẩy chung sống hòa bình, giải quyết tranh chấp và đặt niềm tin vào chủ nghĩa đa phương”.

Bên cạnh việc ủng hộ thiết lập trật tự thế giới mới, tuyên bố hội nghị cũng chỉ trích các biện pháp trừng phạt đơn phương đã vi phạm các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và gây bất lợi cho quan hệ kinh tế quốc tế. Các nhà lãnh đạo SCO cũng ủng hộ việc duy trì không gian vũ trụ không có vũ khí, nhấn mạnh sự cần thiết phải ký kết một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế nhằm tăng cường tính minh bạch và cung cấp những bảo đảm đáng tin cậy cho việc ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang trên vũ trụ. Các đại diện SCO cũng ký kết chương trình hợp tác chống khủng bố, chống ly khai và thông qua chiến lược chống ma túy đến năm 2029…

Tổng thống Nga Vladimir Putin hội đàm với Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev bên lề Hội nghị thượng đỉnh SCO tại Astana, ngày 3/7 (Ảnh: AFP)

140 sự kiện, 25 văn bản được ký kết
Các cuộc thảo luận của hội nghị không chỉ có sự tham gia của nguyên thủ các quốc gia thành viên mà còn có Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tiểu vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani, Người đứng đầu Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) Sergei Lebedev và Tổng thư ký Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) Imangali Tasmagambetov. Khách mời danh dự là Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev.

Hội nghị đã thành công tốt đẹp với hơn 140 sự kiện thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau được tổ chức. Một trong những sự kiện quan trọng của hội nghị thượng đỉnh Astana là lễ ký kết các văn kiện liên quan đến việc Belarus gia nhập SCO, trở thành thành viên chính thức thứ 10 của tổ chức này.

Nguyên thủ các nước thành viên SCO đã ký 25 văn kiện. Đặc biệt, hội nghị đã thông qua sáng kiến “Thống nhất toàn cầu vì công bằng, hòa hợp và phát triển”, Chiến lược phát triển SCO đến năm 2035, Chiến lược chống ma túy giai đoạn 2024 – 2029, Chương trình hợp tác chống khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan giai đoạn 2025 – 2027 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế SCO đến năm 2030.

Ngoài ra, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Astana, chiến lược phát triển hợp tác năng lượng đến năm 2030 do người đứng đầu các cơ quan năng lượng nhất trí tại cuộc họp SCO ở thủ đô Kazakhstan vào tháng 6, đã được phê duyệt. Theo quyết định của Hội đồng Nguyên thủ các nước thành viên SCO, thành phố Thanh Đảo của Trung Quốc được tuyên bố là Thủ đô du lịch và văn hóa của Tổ chức trong giai đoạn 2024 – 2025.Kết thúc hội nghị, các bên tham gia đã ký Tuyên bố Astana về các nguyên tắc láng giềng tốt đẹp, tin cậy và hợp tác, Tuyên bố về nước uống An toàn và vệ sinh, Tuyên bố về quản lý chất thải hiệu quả, Thỏa thuận giữa Chính phủ các nước SCO về hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và các lĩnh vực khác.

Tuyên bố nhấn mạnh cam kết của tất cả các bên tham gia SCO trong việc hình thành một trật tự thế giới đa cực công bằng dựa trên vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và mong muốn của các quốc gia có chủ quyền về quan hệ đối tác cùng có lợi.

Tuyên bố cuối cùng của hội nghị Astana kêu gọi phi quân sự hóa không gian, tuân thủ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, tuân thủ nghiêm ngặt Công ước cấm phát triển và sản xuất vũ khí sinh học và độc hại, đồng thời cải cách toàn diện cơ chế hệ thống Liên hợp quốc nhằm tăng cường quyền lực của tổ chức này.

Một phần quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh lần này là việc Belarus chính thức gia nhập SCO, nâng tổng số thành viên lên 10. Điều này được cho là không chỉ làm tăng sự đa dạng về mặt địa chính trị mà còn củng cố chiều sâu chiến lược của tổ chức này. Đây được xem là một bước tiến quan trọng của khối hướng tới một trật tự quốc tế mới mà Nga đang ủng hộ.

SCO bao gồm 4 cường quốc hạt nhân là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan. Sau hơn 20 năm phát triển, SCO đã trở thành tổ chức quốc tế toàn diện lớn nhất. Kể từ khi thành lập ngày 15/6/2001, đến nay SCO đã trở thành một tổ chức toàn diện.

Tổ chức SCO được thành lập với tư cách là một tổ chức chính trị, an ninh và kinh tế, ngày nay bao gồm các nước chiếm khoảng 60% diện tích Á – Âu và khoảng 3,4 tỷ người, một nửa dân số thế giới và chiếm hơn 20% thu nhập GDP toàn cầu.

Thế Cương/tổng hợp