Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương – Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.



ĐNA -

*Việt Nam là điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu

Sáng 3/1/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Dự Hội nghị tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2022, tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo. Ở trong nước, hậu quả của dịch bệnh cần thời gian để khắc phục; tác động của nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài tạo sức ép lớn đối với điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là về lạm phát, tỷ giá, lãi suất; giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh, chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao; nhiều thị trường lớn, truyền thống của ta suy giảm.

Bên cạnh đó, khi khó khăn, những bất cập, yếu điểm bên trong của nền kinh tế lại bộc lộ rõ nét hơn như tín dụng ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Mặt khác, các loại dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại. Nền kinh tế chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên ngoài và bên trong đến cùng một thời điểm.

Trong bối cảnh đó, cả nước đã đoàn kết, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Theo Thủ tướng, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII, Kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội; dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chính phủ đã cùng các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Tiếp tục triển khai hiệu quả chiến lược vaccine, cả nước đã kiểm soát được đại dịch COVID-19 và từ giữa tháng 3/2022 đã mở cửa toàn bộ nền kinh tế với tinh thần phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Chính phủ tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tham vấn ý kiến, kiểm tra thực tiễn, đánh giá tình hình, phát hiện, giải quyết những hạn chế, bất cập. Đồng thời, đổi mới cách làm, không dàn trải, xác định trình tự ưu tiên, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác để đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, tại các địa phương và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Chính phủ vừa nỗ lực xử lý hiệu quả những nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao, nhân dân chờ mong, đòi hỏi ngày càng lớn; vừa ứng phó kịp thời, hiệu quả các vấn đề cấp bách phát sinh diễn biến nhanh, khó lường, khó dự báo; đồng thời phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng, khó khăn, nhạy cảm kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, nhất là 6 ngân hàng yếu kém, 8/12 doanh nghiệp, dự án thua lỗ, các nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Long Phú I, Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn… Quyết tâm, quyết liệt chấn chỉnh, lành mạnh hóa các thị trường tín dụng, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản…

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế-xã hội đất nước phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; đạt được mục tiêu tổng quát. Trong số 15 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu do Trung ương, Quốc hội giao, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt và 1 chỉ tiêu chưa đạt. Có nhiều điểm sáng đáng mừng về quy mô GDP, thu nhập bình quân đầu người, kim ngạch xuất, nhập khẩu; xuất khẩu nông sản; thu ngân sách Nhà nước; vốn FDI thực hiện; số doanh nghiệp thành lập mới…

Trong đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng phục hồi nhanh, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,15%. GDP tăng 8,02%, nâng quy mô nền kinh tế lên 409 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 4.110 USD. Thu ngân sách nhà nước vượt 27,8% dự toán (tăng 392 nghìn tỷ đồng). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD; xuất siêu 11,2 tỷ USD. Trên 208 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng 30,3% và gấp 1,45 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín duy trì, nâng bậc xếp hạng tín nhiệm, đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.
Cũng theo Thủ tướng, công tác xây dựng pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tinh giản bộ máy, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được quan tâm; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chú trọng hơn; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường…

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ, bên cạnh kết quả đạt được các yếu tố cơ bản, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức như: sức ép lạm phát cả bên trong và bên ngoài còn lớn; giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và công tác lập quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương còn chậm; các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; thanh khoản của một số tổ chức tín dụng yếu kém gặp khó khăn…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; những khó khăn, thách thức, yếu tố bất lợi kép từ bên ngoài và bên trong cùng những vấn đề mới phát sinh chưa dự báo được tiếp tục tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân, an ninh, quốc phòng của đất nước ta.

Thủ tướng cho biết, thực hiện Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 với phương châm: “Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”; Tinh thần đã nói là làm; đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả, sản phẩm lượng hóa được cụ thể, rõ ràng; Tranh thủ thời cơ, vận hội, “biến nguy thành cơ”; vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao; vừa giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập, tồn đọng kéo dài; vừa kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh, đồng thời tạo nền tảng mang tính căn cơ, lâu dài cho phát triển bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hội nghị tập trung thảo luận, làm rõ, thống nhất nhận thức và triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong năm 2023: Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tạo nền tảng cho nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh, góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ, hội nhập thực chất, toàn diện, sâu rộng; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, công tác quy hoạch và phát triển kinh tế vùng; đào tạo nguồn nhân lực gắn với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội; thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại để gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi chưa có nguy cơ…

Theo chương trình, Hội nghị sẽ đánh giá tình hình kinh tế – xã hội năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2022; tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, năm 2022; tình hình thực hiện chuyển đổi số, cải cách hành chính của Chính phủ.

Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển Kinh tế- xã hội và Dự toán Ngân sách nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã trình bày tóm tắt một số nội dung chính của dự thảo Nghị quyết của Chính phủ

Quyết tâm hành động “biến nguy thành cơ”
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các Nghị quyết chuyên đề, các Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2021 – 2030 được tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả cùng với Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, trong đó chú trọng 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu.

Đặc biệt, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động; luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành “giật cục”. Đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình để “biến nguy thành cơ”, khắc phục khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Chính phủ nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án thích ứng hiệu quả; tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác; điều hành kịp thời, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa lãi suất với lạm phát; giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Chính phủ đồng bộ, thống nhất và quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, các vấn đề tồn đọng kéo dài, vừa kịp thời ứng phó hiệu quả với những vấn đề cấp bách, bất ngờ phát sinh trong ngắn hạn, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ trong trung và dài hạn; tăng cường hoàn thiện thể chế, tập trung tháo gỡ khó khăn, có các giải pháp chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho sản xuất kinh doanh; bảo đảm đồng bộ các mục tiêu trước mắt và lâu dài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững.

Phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường bền vững, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nói chung, nhất là người có công, hộ nghèo, các đối tượng yếu thế ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đồng bào dân tộc; tiếp tục củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế; đảm bảo môi trường ổn định, hòa bình, hợp tác để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững…

Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, với bối cảnh, ý nghĩa của năm 2023, trên cơ sở các quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành nêu trên, dự thảo Nghị quyết xác định 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu.

Chính phủ tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác…

Chính phủ xác định, tiếp tục tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, không để dịch chồng dịch. Chủ động phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh mới có thể xảy ra; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài về tài chính, chuyên môn kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Chính phủ tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; chú trọng và phát huy hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư, tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tăng cường theo dõi, đánh giá, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên phạm vi cả nước và từng bộ, ngành, địa phương.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng Chính phủ số tiếp tục được đẩy mạnh; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức; đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và các quy định liên quan cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thành hệ thống thể chế, chính sách để thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng công; sớm hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo tinh thần năm 2023 là “Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”…

Chính phủ đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế; có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội; triển khai quyết liệt giải ngân vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng đối tượng, tránh trục lợi.

Chính phủ tiếp tục cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ gắn với đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt khoảng 15,5%; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất; tập trung thực hiện hiệu quả các chiến lược, quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống; chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ mới, ứng dụng công nghệ cao. Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối vùng miền, kết nối cả nước và kết nối với khu vực; đẩy mạnh xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới, góp phần định vị thương hiệu du lịch quốc gia; tiếp tục hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh và đi lại cho khách du lịch quốc tế.

Chính phủ tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn; bảo đảm tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm; tập trung tháo gỡ khó khăn để đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định từ năm 2023.

Việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ Chính phủ chú trọng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục; giải quyết hiệu quả, cơ bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai tự chủ đại học hiệu quả, đi vào thực chất; gắn kết công tác đào tạo nghề với thị trường lao động, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng nghiên cứu khoa học; tăng cường năng lực nghiên cứu công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xác định, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; triển khai hiệu quả chương trình đối ngoại cấp cao năm 2023; nâng tầm đối ngoại đa phương và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả gắn với củng cố, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính trị, góp phần truyền cảm hứng, tạo niềm tin, đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội đã đề ra.

Ban Biên tập/tổng hợp