Từ ngày 21 đến 24/7/2025, Hội nghị Thượng đỉnh Truyền thông châu Á lần thứ 20 (AMS 20) sẽ chính thức diễn ra tại thành phố Siem Reap, Campuchia. Đây là lần thứ hai quốc gia này đăng cai sự kiện thường niên lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương về phát thanh, truyền hình. Năm nay, Campuchia đặc biệt nhấn mạnh vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ số trong việc định hình tương lai ngành truyền thông.

Ngày 21/7, Hội nghị Thượng đỉnh Truyền thông châu Á lần thứ 20 (AMS 20) với chủ đề “Kỷ niệm hai thập kỷ xuất sắc và hơn thế nữa” đã khai mạc tại thành phố Siem Reap (Campuchia), mở đầu bằng chuỗi hội thảo và hoạt động chuyên môn. Sự kiện thu hút hơn 700 đại biểu đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, là diễn đàn để các nhà lãnh đạo phát thanh – truyền hình, chuyên gia và nhà hoạch định chính sách truyền thông quốc tế cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng nội dung, thích ứng với làn sóng chuyển đổi công nghệ.
Phát biểu trong ngày làm việc đầu tiên của hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin Campuchia Neth Pheaktra bày tỏ niềm tự hào khi thành phố Siem Reap nói riêng và Campuchia nói chung lần thứ hai được chọn làm nơi đăng cai một trong những sự kiện truyền thông quan trọng nhất khu vực. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các chủ đề được đưa ra tại hội nghị, đặc biệt là mối liên hệ chặt chẽ giữa những nội dung thảo luận với ưu tiên của Campuchia trong việc đấu tranh chống lại tin giả, thông tin sai lệch trong bối cảnh bùng nổ công nghệ số và sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo.
Phát biểu với báo chí, ông Kem Gunawadh, Quốc vụ khanh Bộ Thông tin và Truyền thông Campuchia, Trưởng ban Thông tin và Phát thanh – Truyền hình của hội nghị cho biết, trong ngày làm việc đầu tiên 21/7, đã diễn ra đồng thời 7 hội thảo chuyên đề, tập trung vào các xu hướng phát triển kỹ thuật số và tác động ngày càng sâu rộng của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với ngành truyền thông.
Các hội thảo trong khuôn khổ Hội nghị AMS 20 đóng vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng kỹ năng cho nhân sự truyền thông các nước thành viên, tập trung vào sản xuất tin tức kỹ thuật số. Thông qua việc giới thiệu các công cụ báo chí số hiện đại, chia sẻ chiến lược thu hút độc giả, cách thức trình bày tác phẩm và thúc đẩy hợp tác trong khu vực, loạt hội thảo góp phần thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật giữa các quốc gia.
Đáng chú ý, các xu hướng công nghệ phát thanh – truyền hình mới cũng được giới thiệu, đặc biệt là phiên thảo luận chuyên sâu với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo trong truyền thông: Những thách thức và cơ hội”. Nội dung thảo luận xoay quanh lợi ích, rủi ro của việc tích hợp AI vào truyền thông, các vấn đề đạo đức nghề nghiệp cũng như sự cần thiết của khung chính sách phù hợp.
Bên cạnh đó, Hội nghị là dịp để lãnh đạo các đài phát thanh, truyền hình, giới hoạch định chính sách truyền thông quốc tế gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của ngành truyền thông trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng.

Dự kiến, phiên họp toàn thể sẽ thảo luận 8 chủ đề lớn nhằm thúc đẩy đối thoại, xác định tiêu chuẩn cho báo chí chính thống, xây dựng chiến lược tích hợp công nghệ, đẩy mạnh hợp tác khu vực trong cuộc chiến chống tin giả và thông tin sai lệch. Ngoài ra, hội nghị cũng nhấn mạnh sự cần thiết của phối hợp giữa chính phủ, truyền thông và xã hội dân sự để hài hòa chính sách và khung pháp lý trong thời đại số.
Hội nghị Thượng đỉnh Truyền thông châu Á lần thứ 20 không chỉ là dịp để nhìn lại chặng đường hai thập kỷ phát triển của ngành truyền thông khu vực, mà còn là nền tảng để các quốc gia thành viên cùng nhau định hình tương lai ngành trong thời đại công nghệ số và trí tuệ nhân tạo. Thông qua các phiên thảo luận chuyên sâu, hoạt động kết nối và chia sẻ kinh nghiệm, hội nghị góp phần thúc đẩy hợp tác khu vực, nâng cao chất lượng báo chí, đồng thời khẳng định vai trò thiết yếu của truyền thông chính thống trong việc xây dựng xã hội thông tin minh bạch, chính xác và nhân văn.
Thế Nguyễn