Sáng 7/9/2024, Sở Văn hóa và Thể thao, đơn vị chủ trì thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh: “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế” đã tổ chức hội nghị khoa học để đánh giá kết quả thực hiện đề tài. Theo quy định, Sở đã mời Hội đồng đánh giá đề tài bao gồm 7 thành viên độc lập, là những chuyên giá trong lĩnh vực cùng các đại biểu, thành viên liên quan.
Hội đồng đánh giá kết quả đề tài bao gồm: PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh, Nguyên Trưởng phòng Đào tạo Sau đại học, Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế (Chủ tịch Hội đồng); NNC. Nguyễn Thế, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Thừa Thiên Huế (Ủy viên phản biện); TS. Nguyễn Hoàng Hà, Trưởng khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế (Ủy viên phản biện); NGƯT. Trần Đại Vinh, Ủy viên BCH Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế ( Ủy viên); TS. Nguyễn Văn Quảng, Phó Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế ( Ủy viên); ThS. NGƯT. Trần Hoàng, Nguyên Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế ( Ủy viên); CN. Nguyễn Ngọc Ngân Hà, Phó Chánh Văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế (ủy viên Thư ký). Hội nghị có sự tham dự của THS Hoàng Hương, Trưởng phòng quản lý khoa học của Sở Khoa học và Công nghệ.
Hệ thống lễ hội của cộng đồng cư dân Thừa Thiên Huế rất đa dạng, với nhiều loại hình: Loại hình lễ hội của cư dân vùng đồng bằng, như lễ hội làng, cầu mùa, cầu mưa, gắn với cư dân có nền kinh tế nông nghiệp lâu đời; lễ hội của cư dân ven biển, như lễ hội nghênh Ông, Tứ vị Thánh nương, cầu an gắn với cư dân có nền kinh tế biển lâu đời; lễ hội của cư dân vùng núi, như lễ hội cúng rừng, cúng cơm mới, cầu mùa gắn với cư dân có nền kinh tế nương rẫy lâu đời,… Trong kho tàng lễ hội đó, có thể dựa vào các tiêu chí khác nhau để phân theo hệ thống các loại hình: Tiêu chí vùng địa lý (lễ hội vùng biển, đồng bằng, miền núi); tiêu chí thời gian (xuân thu nhị kỳ, hay theo thời gian mùa màng,…); tiêu chí lịch sử (lễ hội truyền thống, hiện đại); tiêu chí loại hình (có thể phân lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề, lễ hội truyền thống, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài,….)
Các Đại biểu tại Hội nghị
Việc tiến hành thực hiện đề tài Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế để số hóa, lưu trữ dữ liệu phục vụ công tác quản lý và tổ chức lễ hội; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu tư liệu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của lễ hội. Cùng với đó, nhiệm vụ đề tài nêu trên phù hợp với mục tiêu “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng…” theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Lễ hội điện Huệ Nam
Sau 2 năm triển khai, Đề tài đã hoàn thành với các kết quả chính sau:
– Điều tra, khảo sát và thống kê được 490 lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế, bao gồm cả 4 loại hình: Lễ hội truyền thống, Lễ hội văn hóa, Lễ hội ngành nghề, và Lễ hội du nhập từ nước ngoài (phân loại theo Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội) và đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu cho gần 60 lễ hội tiêu biểu
– Tổ chức thành công 2 Hội thảo khoa học với chủ đề “Xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế”; “Lễ hội ở Thừa Thiên Huế – Nhận diện giá trị và hướng bảo vệ. Hội thảo đã tập hợp nhiều ý kiến hữu ích của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý liên quan đến đề tài.
– Công bố 4 bài báo liên quan đến đề tài trên tạp chí chuyên ngành và bản tin khoa học.
– Phân tích, đánh giá thực trạng, giá trị và đề xuất một số giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế trong bối cảnh xã hội đương đại.
– Thiết kế và xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu về hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế, làm cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu, sưu tầm, số hóa và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể. Trên cơ sở đó, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể nói chung và di sản lễ hội nói riêng. Cụ thể:
+ Quay phim, chụp ảnh và cập nhật các lễ hội tiêu biểu ở Thừa Thiên Huế lên hệ thống phần mềm lễ hội.
+ Hệ thống chi tiết, chuyên sâu về các lễ hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, đáp ứng được yêu cầu quản lý thông tin về lễ hội theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch; tích hợp được trên nền GISHue.
+ Hệ thống phần mềm (Web-based application) phục vụ tạo lập, cập nhật, khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu số về lễ hội của tỉnh Thừa Thiên Huế qua Internet. Hệ thống vận hành ổn định trên các phần mềm duyệt web phổ biến như Google Chrome, Microsoft Edge, Mozila FireFox, …
+ Trang web trình diễn các lễ hội tiêu biểu có gắn với yếu tố địa lý (GIS) và có thể tích hợp được trên GISHue hoặc các hệ thống bản đồ, để quảng bá, phục vụ nhu cầu tìm hiểu về lễ hội của tỉnh Thừa Thiên Huế; vận hành ổn định trên các phần mềm duyệt web phổ biến như Google Chrome, Microsoft Edge, Mozila FireFox, …
+ Ứng dụng (app) phục vụ mục tiêu quảng bá, nhu cầu tìm hiểu của người dân, du độc giả về lễ hội của tỉnh Thừa Thiên Huế; có thể cài đặt được trên các hệ điều hành Android và iOS.
Lễ hội đền Huyền Trân Công chúa và Lễ húy kị chúa Nguyễn Phúc Khoát
Trong những năm qua, công tác quản lý tổ chức lễ hội ở Thừa Thiên Huế đã được quan tâm thực hiện đúng quy định của pháp luật, đáp ứng các tiêu chí bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO; đồng thời, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và tinh thần của người dân. Lễ hội dần trở thành sản phẩm văn hóa du lịch mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế, hướng đến mục tiêu trở thành thành phố Festival theo tinh thần Nghị quyết Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị (gọi tắt là Nghị quyết 54) về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu cụ thể là xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản.
Đề tài “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế” đã thiết kế và xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về lễ hội, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội trong bối cảnh xã hội đương đại. Mục tiêu của đề tài là xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống phần mềm và ứng dụng lễ hội tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm số hóa, ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý về mặt nhà nước các lễ hội của tỉnh hướng hiện đại. Việc xây dựng hệ thống phần mềm và ứng dụng lễ hội tỉnh Thừa Thiên Huế để hình thành cơ sở dữ liệu đa phương tiện, tương tác, chia sẻ dữ liệu trên nền tảng số giữa các cấp quản lý, các nhà nghiên cứu, người yêu thích và muốn tìm hiểu về các lễ hội, các công ty truyền thông; góp phần xây dựng hệ giá trị, phát triển văn hóa Huế, con người Huế mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm một trong những trung tâm văn hóa, đậm bản sắc văn hóa lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á./.
Thanh Hải- Văn Dũng