Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng ra mắt Website tích hợp tổ chức thi, triển lãm ảnh

ĐNA -

(Đà Nẵng). Ngày 2/10/2024, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng (DAPA) đã tổ chức công bố, ra mắt Trang thông tin của Hội (https://dapa.com.vn/). Ngoài các chuyên mục thông tin, đây cũng là Trang tích hợp, tổ chức thi và triển lãm ảnh.

Dịp này, Hội cũng chính thức phát động cuộc thi “Ảnh nghệ thuật Đà Nẵng năm 2024” (Online DAPA24) – cuộc thi trực tuyến đầu tiên trên nền tảng số hóa (ngay trên Trang thông tin vừa ra mắt), từ khâu tiếp nhận, chấm chọn, đến công bố kết quả và triển lãm tác phẩm.

Nhà Nghiên cứu Bùi Văn Tiếng – Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Đà Nẵng (áo caro), thực hiện nghi thức bấm nút ra mắt dapa.com.vn. Ảnh: T.Ngọc

Website chuyên ngành, chuyên đề đầu tiên mang dấu ấn DAPA
“Trang thông tin hiện thực hóa một đầu việc quan trọng, mà nghị quyết Đại hội lần V nhiệm kỳ 2023-2028 của Hội đã đề ra. Nâng cao tính chuyên nghiệp, đưa các nghiệp vụ chuyên môn của Nhiếp ảnh nghệ thuật vào quỹ đạo của xu thế số hóa.

Đây cũng là đóng góp của Hội đối với mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dựa trên những lĩnh vực ưu tiên như nguồn lực phát triển, gắn với chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh hơn, thành phố của đổi mới sáng tạo. Từ chuyển đổi số tạo ra những giá trị mới, thay đổi các phương thức truyền thống”, Nghệ sỹ Nhiếp ảnh (NSNA) Thân Nguyên – Chủ tịch DAPA chia sẻ.

Được biết, trong tương lai gần, với Website chuyên ngành, chuyên đề này, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố Đà Nẵng sẽ phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, phục vụ công chúng yêu thích bộ môn nghệ thuật nhiếp ảnh, đáp ứng những đòi hỏi thụ hưởng của nghệ thuật thị giác, mà không phải chi tiêu nhiều đến nguồn kinh phí từ ngân sách.

Thông thường thời gian qua, các cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật (sau tuyển chọn) phải in (phóng) trên chất liệu chất lượng cao, kích cỡ 50-70 hoặc 60-90 cm. Chi phí này cùng các chi phí liên quan khác, đều từ ngân sách. Nhưng khi triển lãm xong, khâu bảo quản tác phẩm và lưu trữ rất khó đảm bảo, dễ xảy ra hư hỏng. Ngoài ra, do hoàn cảnh khách quan, tác phẩm gần như được lưu trữ trong kho, không thể tổ chức triển lãm nhiều lần. Trở thành lãng phí lớn về tài chính.

Chủ tịch DAPA, NSNA Thân Nguyên giải thích thêm: “Chúng tôi sẽ dần đa dạng hóa nhiều mặt hoạt động nghiệp vụ của Hội theo hướng số hóa. Chẳng hạn, sẽ đưa tác phẩm nhiếp ảnh đến với công chúng nhanh hơn. Qua các phương tiện phổ biến như điện thoại di động thông minh, Ipad… công chúng có thể xem tác phẩm ảnh mọi nơi mọi lúc và cũng dễ dàng chia sẻ, lan tỏa cảm nhận, cảm xúc của mình”.

Chủ tịch DAPA, NSNA Thân Nguyên:Hội nỗ lực nâng cao tính chuyên nghiệp, đưa nghiệp vụ chuyên môn của Nhiếp ảnh nghệ thuật đi theo các xu thế số hóa . Ảnh: T.Ngọc.

Nhà Nghiên cứu Bùi Văn Tiếng – Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Đà Nẵng nhìn nhận: Đây là một trong những sự kiện nổi bật trong năm của Văn học nghệ thuật Đà Nẵng, phù hợp với xu thế chung, nhiếp ảnh đương đại phải với kết gắn hữu cơ với tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới. Đó là một trong những điều kiện hàng đầu, lan tỏa vẻ đẹp của nghệ thuật nhiếp ảnh. Nhanh nhạy hơn nhưng cũng kinh tế hơn rất nhiều.

Tuy nhiên đây mới chỉ là bước đi đầu tiên, hành trình hòa nhập vào không gian mạng đầy hấp dẫn nhưng cũng lắm bất trắc. Công tác quản trị, vận hành Trang thông tin của Hội cần hết sức lưu ý đến an ninh mạng, không chủ quan với tin tặc, và càng đặc biệt lưu tâm đến an toàn thông tin. Phải hết sức thận trọng khi chia sẻ các nội dung lên Trang thông tin của Hội.

Còn theo phân tích của NSNA Ông Văn Sinh – Nguyên Chủ tịch DAPA, nguyên Phó Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng: “Ngoài hình thức trưng bày trực quan, nhiều năm nay, tại các bảo tàng (nói chung), đã chuyển dần sang giới thiệu (song song) tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, trên nhiều nền tảng (sau khi số hóa tác phẩm, dữ liệu), thậm chí đã xuất hiện nhiều Gallery online của cá nhân, nhóm.

Trưng bày, quảng bá trực tuyến đã xóa bỏ rào cản về địa lý, không gian, ngôn ngữ. Giới thiệu tác phẩm, giao lưu với công chúng, thời gian qua đã không còn là việc mới, lạ nữa, mà đã trở thành chuyện phải làm, và phải làm mới thường xuyên để theo kịp với xu thế chung. Công chúng giờ đây rất chuộng trải nghiệm không gian thực tế ảo.

Với website của Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, tôi cho rằng, đây là môi trường quảng bá, giới thiệu rộng rãi, tác phẩm nhiếp ảnh Đà Nẵng, đến với công chúng. Đây cũng là địa chỉ mà nhiếp ảnh Đà Nẵng trao đổi, giao dịch tác phẩm của mình trên không gian mạng.

Tôi có biết một vài webiste cá nhân (ở hai đầu đất nước). Các website này có lượng người theo dõi cao, đặc biệt có số lượng “khách hàng” ở nhiều nước trên thế giới cũng không hề nhỏ. Điều đáng quan tâm, thông qua website, chủ nhân giới thiệu, quảng bá và bán được tác phẩm nhiếp ảnh của mình. Qua đó, sống được với nghề nghiệp mà họ yêu thích và “có cái để đầu tư” vào quá trình lao động nghệ thuật, tiếp tục hành trình, có tác phẩm mới”.

Đại biểu dự sự kiện ra mắt Trang thông tin của Hội và cuộc thi, triển lãm đầu tiên trên nền tảng Trang thông tin (Online DAPA24). Ảnh: T.Ngọc.

“Trang thông tin của Hội (https://dapa.com.vn/) không nhiều chuyên mục, nhưng bảo đảm sẽ rất thiết thực với nhu cầu tìm kiếm thông tin của hội viên nói riêng, độc giả nói chung. Về chuyên môn, nghiệp vụ, Ban Quản trị trang cố gắng chọn lọc, tích hợp nội dung, để hội viên sẽ không mất thời gian tương tác với nhiều website.

Ví dụ như khi đăng nhập vào “Thi ảnh”, thì các cuộc thi nhiếp ảnh đều được giới thiệu, hội viên có thể tham khảo để dự thi, hoặc có thể gửi trực tiếp qua nền tảng web. Một nội dung thiết thực khác là cập nhật, giới thiệu các phần mềm , bài viết liên quan đến chuyên môn sâu, kỹ thuật xử lý ảnh, biên tập ảnh, làm hậu kỳ (đơn cử như: Đồ họa Adobe Photoshop 2024 phiên bản 25.12 đã có hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt), tăng tiện ích, tính hữu dụng cho Trang”, NSNA Quảng Bá Hải – Phó Chủ tịch DAPA, Biên tập nội dung dapa.com.vn, cho biết thêm.

Online DAPA24 – cuộc thi và triển lãm đầu tiên trên nền tảng số
Một nhiệm vụ mà BCH DAPA nhiệm kỳ 2023-2028, cũng rất chú trọng là sẽ đẩy mạnh là xã hội hóa hoạt động chuyên môn. DAPA sẽ phối hợp cùng các Sở, ban, ngành, quận, huyện, đồng tổ chức các cuộc thi và triển lãm theo từng chủ đề, nội dung, cũng có thể là triển lãm chuyên đề, theo từng mục đích, yêu cầu, ý nghĩa riêng, theo thời điểm hay chủ đề sự kiện, hoặc cũng có thể là chủ đề thuần túy mang tính nghệ thuật của nhiếp ảnh.

Trước mắt, đã và đang có ngay 2 hoạt động chuyên ngành, thông qua phối hợp (giữa DAPA và UBND hai Quận), được thực hiện trên chính nền tảng của website là “Chọn ảnh triển lãm quận Cẩm Lệ” và Chọn ảnh triển lãm “Sơn Trà Xưa và Nay”.

Đối với cuộc thi và triển lãm theo chủ đề đầu tiên: “Ảnh nghệ thuật Đà Nẵng năm 2024” (Online DAPA24), do chính Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố Đà Nẵng chủ trì, theo NSNA Thân Nguyên – Chủ tịch DAPA, lần đầu tiên, sẽ có nhiều thử nghiệm và trải nghiệm mới mẻ. Đây cũng là thử thách đối với công tác tổ chức các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn của DAPA.

Với cuộc thi, thông qua Trang thông tin của Hội, nhiều nội dung sẽ “trực tuyến” toàn trình: gửi – nhận tác phẩm, công bố danh mục tác phẩm triển lãm, … . Giải thưởng cuộc thi được công nhận theo bảo trợ của Hội Nghê sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, với các mức huy chương Vàng, Bạc , Đồng, Khuyến khích. Cũng lần đầu tiên, cuộc thi sẽ không có giải thưởng là tiền mặt, ảnh triển lãm trực tuyến sẽ không có chế độ nhuận ảnh.

NSNA Quảng Bá Hải – Phó Chủ tịch DAPA, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Online DAPA24, phổ biến kế hoạch và thể lệ. Ảnh: T.Ngọc.

“Tuy không tiền thưởng, không tổ chức Lễ khai mạc triển lãm, kết hợp trao giải – mở cửa trưng bày, nhưng Hội vẫn đảm bảo tốt nhất mọi quyền lợi của tác giả dự thi. Tác giả đạt giải vẫn được tôn vinh và hưởng các quyền lợi, tham dự xét thưởng Văn học nghệ thuật hằng năm của Hội chuyên ngành Nhiếp ảnh TW, địa phương và của Liên Hiệp các Hội Văn học nghệ thuật địa phương, như các giải thưởng nhiếp ảnh truyền thống khác.

Gắn với mục tiêu chuyển đổi số, ngay ở khâu tổ chức cuộc thi, từ lên kế hoạch, xây dựng thể lệ, thành lập ban giám khảo, thư ký, đề nghị bảo trợ nghệ thuật, chúng tôi sẽ thực hiện số hóa văn bản, thủ tục liên quan và trao đổi thông tin điện tử,. Không tổ chức hội họp, gặp gỡ … chủ yếu liên lạc thông tin, làm việc qua email, tin nhắn. Tiết kiệm được thời gian và tài chính, mà tính hiệu quả, lan tỏa vẫn bảo đảm. Điều này thiết thực góp phần vào hoàn thành các mục tiêu của chương trình quốc gia về chuyển đổi số, tiết giảm hợp lý chi tiêu từ ngân sách”, NSNA Quảng Bá Hải – Phó Chủ tịch DAPA, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Online DAPA24, phân tích.

Cuộc thi ảnh online DAPA24, chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975-29/3/2025); tiến đến kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025); sẽ kết thúc nhận ảnh vào ngày 10/12/2024; công bố kết quả trên website ((https://dapa.com.vn/) vào cuối tháng 12/2024.

Nội dung tác phẩm thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên, vùng đất, con người thành phố Đà Nẵng. Tác phẩm ảnh tham dự đa dạng về thể loại và thể tài nhiếp ảnh: phong cảnh, thể thao, du lịch, thiên nhiên, sinh học môi trường, thực động vật hoang dã, đặc trưng làng nghề văn hóa truyền thống, chân dung, sinh hoạt đời thường, tĩnh vật …. Ảnh được chụp trên địa bàn Đà Nẵng từ ngày 1/1/2019, đến trước ngày đóng cửa nhận ảnh dự thi. Việc gửi, nhận ảnh đều trực tuyến qua một địa chỉ: thianh.dapa.com.vn.

Nhà Nghiên cứu Bùi Văn Tiếng – Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Đà Nẵng đề nghị hội viên, các nhiếp ảnh gia DAPA cần bám sát chủ đề là sự kiện trọng đại , sẽ diễn ra trên quy mô cả nước: 50 năm thống nhất đất nước. Trong đó, đối với Đà Nẵng, đây là cột mốc lớn của 50 năm xây dựng và phát triển, với những dấu ấn lịch sử.

Nhà Nghiên cứu Bùi Văn Tiếng – Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Đà Nẵng.Ảnh: T.Ngọc

Ảnh gửi dự thi là ảnh đơn hoặc ảnh bộ (ảnh bộ có số ảnh từ 6 đến 9 ảnh và 1 ảnh Maket; tổng số ảnh phải nộp tối đa là 10 ảnh). Ảnh đơn đã nằm trong bộ ảnh, thì không gửi dự thi ảnh đơn. Tác giả phải đảm bảo có file gốc của ảnh đã gửi để nộp (đối chiếu) khi cần.

Ban tổ chức không chấp nhận, không xét chọn: ảnh được tạo ra từ các phần mềm trí tuệ nhân tạo; ảnh đã đạt giải thưởng trước đây do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức, phối hợp tổ chức hoặc bảo trợ ở tất cả các cấp quốc gia, khu vực, tỉnh/thành, quận/huyện hoặc tương đương. Kể cả những tác phẩm ảnh (tương tự) giống ảnh đã đạt giải thưởng (như quy định trên), nhưng khó có thể phân biệt được.

Tác phẩm được sáng tác bằng phương pháp hiện thực, truyền thống; không được chắp ghép, chồng ảnh, làm sai lệch hiện thực (trừ ảnh ghép panorama). Tác giả được cắt cúp, tăng giảm màu sắc, độ nét, độ sáng tối trên ảnh nhưng phải đảm bảo tính hiện thực tự nhiên.

Ban Tổ chức sử dụng tác phẩm ảnh chọn trưng bày triển lãm để phục vụ thông tin tuyên truyền, nhiệm vụ chính trị xã hội phi lợi nhuận trong các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975-29/3/2025); kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025); khi sử dụng Ban tổ chức sẽ có email đến tác giả.

Ngoài chức năng thông tin, trao đổi nghiệp vụ; trên dapa.com.vn còn tích hợp nền tảng ứng dụng phục vụ thi và triển lãm ảnh.

Ban Giám khảo và Ban Tổ chức chỉ xét chọn tối đa 2 tác phẩm xuất sắc/1 tác giả để trao giải. Tác giả đạt giải được trao bằng chứng nhận, huy chương, ruy-băng. Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng có giấy chứng nhận tác phẩm được chọn triển lãm cho tác giả.

“Ngày nay, qua không gian mạng, chỉ cần một cái nhấp chuột, người nghệ sỹ có thể gửi – ban tổ chức có thể nhận, tác phẩm dự thi, dự triển lãm. Ngay cả việc chấm chọn trên nền tảng số, giờ đây mọi việc cũng rất dễ dàng. Giám khảo có thể ở bất kỳ nơi đâu, thậm chí nhiều vùng quốc gia, lãnh thổ, vẫn có thể thẩm định, cho ý kiến về tác phẩm.

Trước đây, việc tổ chức một cuộc thi không phải dễ, vì qua rất nhiều công đoạn, tốn nhiều thời gian, chi phí để mời ban giám khảo, đi lại, ăn ở, rồi sang phóng ảnh khá tốn kém… Ngày nay, chỉ với một phần mềm chuyên dùng, khâu tổ chức trở nên gọn nhẹ, rất thuận lợi, nhanh chóng và tiết kiệm thời gian, kinh phí. Tôi cho rằng, DAPA đã bắt kịp xu thế chung.

Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, từ kinh nghiệm vài cuộc thi, hãy mạnh dạn nâng tầm lên, mở rộng các cuộc thi cũng trên nền tảng website này, không chỉ thi trong phạm vi thành phố, khu vực mà nâng tầm lên phạm vi quốc gia và quốc tế.

Qua các cuộc thi như thế, tôi cho rằng nhiếp ảnh Đà Nẵng có dịp tương tác với nhiều nghệ sỹ trong nước và quốc tế, có điều kiện để trao đổi, học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, nhiều hình thức, nhiều thể loại mới về nhiếp ảnh”, NSNA Ông Văn Sinh – Nguyên Chủ tịch DAPA, nguyên Phó Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, gửi gắm và kỳ vọng./.

Trần Ngọc