Thứ Bảy, Tháng 5 17, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hội thảo 200 năm Đặng Huy Trứ: Tôn vinh di sản nhiếp ảnh Việt



ĐNA -

Sáng 17/5/2025, tại thành phố Huế, hội thảo khoa học “Kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân văn hóa, người khai lập nghề ảnh Việt Nam: Đặng Huy Trứ (1825–2025)” đã diễn ra trang trọng, do Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật thành phố Huế phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức. Đây là sự kiện tiêu biểu trong chuỗi hoạt động kỷ niệm hai thế kỷ ngày sinh của Đặng Huy Trứ – nhà văn hóa lớn của thế kỷ XIX, người tiên phong đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam, đặt nền móng cho một ngành nghệ thuật mang đậm dấu ấn thời đại và bản sắc dân tộc.

Hội thảo thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo học giả, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ nhiếp ảnh và văn nghệ sĩ trên cả nước.

Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, TS.Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế khẳng định, Đặng Huy Trứ để lại di sản to lớn cả về vật thể lẫn phi vật thể, không chỉ ở vai trò người khai sáng nghề ảnh Việt Nam, mà còn qua trước tác văn chương, tư tưởng cải cách, đạo đức hành chính và nhân cách vượt thời đại. Ông nhấn mạnh quyết tâm của địa phương trong việc phát huy giá trị di sản, lan tỏa tư tưởng và hình ảnh Đặng Huy Trứ tới cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. TS Hải cũng cho biết Huế đang nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề xuất UNESCO vinh danh Đặng Huy Trứ là Danh nhân văn hóa thế giới – một mục tiêu khả thi, cần sự chung tay của các cấp, ngành và giới học thuật.

Bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đánh giá cao vai trò tiên phong của Huế trong việc tổ chức hội thảo tôn vinh người khai sáng nghề ảnh nước nhà. Bà chia sẻ: “Không thể viết lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam mà không nhắc đến Đặng Huy Trứ – người đã mang chiếc máy ảnh đầu tiên về nước năm 1869 và mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường tại kinh thành Huế. Đây là dấu mốc mở ra sự hình thành và phát triển của ngành nhiếp ảnh Việt Nam – một ngành nghệ thuật gắn liền với lịch sử, văn hóa và đời sống xã hội.”

Hội thảo cũng ra mắt Kỷ yếu hội thảo khoa học, tập hợp 24 bài viết công phu của các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, học giả trong và ngoài tỉnh. Kỷ yếu được chia làm hai phần:

Phần I: “Danh nhân Đặng Huy Trứ và các giá trị di sản”, khảo cứu cuộc đời, hành trạng và tư tưởng của ông trên các lĩnh vực hành chính, văn học, giáo dục, đạo đức và canh tân.

Phần II: “Tiếp nối truyền thống nhiếp ảnh Việt Nam”, phản ánh hành trình phát triển của nhiếp ảnh từ những bước khởi đầu cùng Đặng Huy Trứ đến thời kỳ hiện đại, với những đóng góp của giới nhiếp ảnh Việt Nam trong việc bảo tồn, phản ánh và làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc.

TS.Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ ở Huế
Hoàng Trung Đặng Huy Trứ là một vị quan thanh liêm, danh nhân văn hóa tiêu biểu thế kỷ XIX, được tôn vinh là ông tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở nhiếp ảnh, ông còn để lại dấu ấn sâu đậm trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, kinh tế, quân sự, ngoại giao… với tư duy canh tân vượt thời đại. Nhân 200 năm ngày sinh của ông (16/5/1825 – 16/5/2025), tiếng thơm và di sản mà ông để lại trên đất cố đô Huế vẫn vẹn nguyên giá trị, góp phần làm rạng danh văn hóa dân tộc.

Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Đặng Huy Trứ, bài viết này góp phần phác thảo về cuộc đời, hành trạng và di sản của Đặng Huy Trứ; đồng thời đề ra những giải pháp thiết thực để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ ở Huế trong bối cảnh đương đại.

ThS. NSNA Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Danh nhân Đặng Huy Trứ, gốc rễ từ một dòng họ khoa bảng xứ Huế
Danh nhân văn hóa Đặng Huy Trứ (tự Hoàng Trung, hiệu Võng Tân, Tĩnh Trai) sinh ngày 16/5/1825 tại làng Thanh Lương, nay thuộc thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng danh giá. Ông nội là nhà nho Đặng Quang Tuấn, cha là Đặng Văn Trọng – người thanh liêm, trọng đạo lý, chọn nghiệp dạy học thay vì làm quan. Mẹ ông, bà Trần Thị Minh, là người phụ nữ hiền hậu, đảm đang, giữ gìn nền nếp gia phong và chăm lo chu đáo cho gia đình.

Vợ của Đặng Huy Trứ, bà Nguyễn Thị Bảo (1826–1895), là người phụ nữ đức hạnh, thông minh và giàu nghị lực, được đương thời kính trọng. Bà là hậu phương vững chắc, thay chồng quán xuyến việc nhà khi ông bận việc nước. Gia tộc ông cũng ghi dấu với nhiều tên tuổi lớn như bác cả Đặng Văn Hòa – Thượng thư các Bộ Hộ, Lễ, Binh, Công; bác Đặng Văn Chức – Ngự y triều Nguyễn; anh họ là Phò mã Đặng Huy Cát – phu quân Tĩnh Hòa Công chúa, con gái vua Minh Mạng. Từ nền tảng gia đình ấy, Đặng Huy Trứ sớm định hình tư tưởng lớn và nhân cách sáng, trở thành một gương mặt kiệt xuất của văn hóa Việt Nam thế kỷ XIX.

 Từ nhỏ, Đặng Huy Trứ đã bộc lộ tư chất thông minh, được giáo dục chu đáo trong môi trường gia đình nho học, yêu nước. Thời thơ ấu, Đặng Huy Trứ sống ở làng Thanh Lương được cha dạy học, sau đó ông theo học nhiều thầy giỏi như Nguyễn Ngọc Đình, Trương Quốc Dụng và sớm tiếp cận kho tàng tri thức từ tủ sách hơn 2.000 cuốn của bác ruột, Thượng thư Đặng Văn Hòa. Nhờ đó, năm 15 tuổi, ông đã thông thạo kinh sử, sớm thể hiện chí khí mạnh mẽ và lòng nhân ái, đặt nền móng cho những đóng góp lớn sau này trên nhiều lĩnh vực của đất nước.

Năm 1843, Đặng Huy Trứ thi đỗ Cử nhân, đến năm 1847 dự thi Hội xếp hạng thứ 7 nhưng bị truất học vị do phạm huý trong kỳ thi Đình. Sau đó, ông thi lại Hương và đỗ Giải nguyên cùng khóa với Ông Ích Khiêm. Năm 1855, ông chọn nghiệp dạy học với quan điểm tiến bộ “Sư hữu tương trưởng” – thầy và trò cùng học, cùng trưởng thành.

Năm 1856, trong bối cảnh đất nước lâm nguy vì thực dân Pháp xâm lược, Đặng Huy Trứ bước vào con đường quan trường, với tinh thần trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc. Giai đoạn 1856–1864, ông lần lượt đảm nhiệm nhiều chức vụ như Thông phán Ty Bố chính Thanh Hóa, Tri huyện Quảng Xương, Tri phủ Thiên Trường, Hàn lâm viện Trước tác, Ngự sử… Ông nổi bật với những việc làm thiết thực cho dân như bênh vực Hoàng Diệu, chỉnh đốn đồn lũy, dẹp loạn biên cương, cứu trợ dân nghèo, phát triển thủ công nghiệp, phòng chống thiên tai và cứu đói kịp thời, thể hiện tấm lòng vì dân vì nước sâu sắc.

Khi đảm nhận chức Biện lý Bộ Hộ năm 1866, ông được giao trọng trách cải thiện tài chính Nhà nước trong bối cảnh ngân sách đang thiếu hụt và tài chính kiệt quệ. Đặng Huy Trứ đã có những biện pháp phát triển kinh tế như mở nhiều hiệu buôn ở Hà Nội, cụ thể là các hiệu Lạc Sinh điếm, Lạc Đức điếm, Lạc Thanh điếm tại phố Thanh Hà gần Ô Quan Chưởng. Đặc biệt, ông cũng là người khai lập hiệu ảnh “Cảm Hiếu Đường” năm 1869 – hiệu ảnh đầu tiên của người Việt tại Hà Nội.

Đặng Huy Trứ trong sự nghiệp quan chức có hai lần được triều đình cử đi công cán tại Trung Quốc, lần đầu từ tháng 5 đến tháng 11 năm 1865 và lần hai từ tháng 5 năm 1867 đến tháng 11 năm 1868. Ông mất vào ngày 7 tháng 8 năm 1874 vì bạo bệnh, khi mới 49 tuổi, để lại nhiều tiếc thương cho người đời.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ
Huế là một trong những địa phương may mắn còn lưu giữ nhiều di sản liên quan đến nhiều danh nhân văn hóa Việt Nam, trong đó có Hoàng Trung Đặng Huy Trứ. Trong định hướng tương lai, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị, dưới góc độ của những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa, cần một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiến hành kiểm kê khảo sát các di tích, địa điểm liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ làm cơ sở nghiên cứu đánh giá giá trị của mỗi di tích, địa điểm từ đó có cơ sở xây dựng kế hoạch trùng tu, bảo tồn, lập hồ sơ khoa học phù hợp với từng giai đoạn. Tại mỗi di tích, địa điểm cần nghiên cứu lắp đặt bảng chỉ dẫn đường vào di tích và dựng tấm bia ở vị trí thích hợp để ghi dấu và cung cấp thông tin về di tích. Đối với những di tích còn nguyên vẹn cần lập kế hoạch, ưu tiên trùng tu nhằm giữ lại tính nguyên gốc để đưa vào phát triển du lịch. Đối với những di tích chỉ còn là dấu tích cần nghiên cứu xây dựng hồ sơ lưu trữ phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phục hồi khi có điều kiện. Ngoài ra cần có giải pháp bảo vệ diện tích đất xung quanh di tích nhà thờ và lăng mộ danh nhân Đặng Huy Trứ một cách phù hợp nhằm tránh sự xâm lấn, vi phạm, tranh giành sở hữu quyền đất đai trong khu vực gần di tích.

Thứ hai, phát huy vai trò giám sát của xã hội, của cộng đồng. Hệ thống di sản liên quan danh nhân Đặng Huy Trứ tồn tại trong đời sống cộng đồng và chỉ có thể được bảo vệ, gìn giữ bởi cộng đồng. Nhân dân là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản về danh nhân Đặng Huy Trứ một cách bền vững. Bởi vậy, điều quan trọng là phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ, qua đó nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; nâng cao niềm tự hào, vinh dự của người dân, để cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ hệ thống di sản liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ.

Thứ ba, chính quyền địa phương cần phối hợp cùng nhà trường để lựa chọn những di tích liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ mang nhiều ý nghĩa lịch sử văn hóa để đưa vào thực hiện Chương trình “Phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực” hoặc tổ chức các chuyến tham quan thực tế đến các di tích này để tạo môi trường cho học sinh, sinh viên tham gia bảo vệ di tích, đây là một trong những giải pháp mang tính lâu dài và bền vững. Từ việc tìm hiểu, chăm sóc các di tích liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ sẽ giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay biết yêu lịch sử quê hương, có tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc.

Thứ tư, cần xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ. Tạo điều kiện cho các công ty lữ hành du lịch khảo sát xây dựng các tour du lịch di sản liên quan đến hệ thống di tích liên quan danh nhân Đặng Huy Trứ. Kết nối các di tích này với Quần thể di tích Cố đô Huế để thu hút du khách và các nhà khoa học quan tâm tham quan nghiên cứu. Đồng thời chú trọng tôn tạo cảnh quan, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ du lịch để di tích trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách. Tổ chức tốt sản phẩm du lịch không chỉ nhằm tăng doanh thu cho ngành du lịch mà còn quay trở lại đầu tư một phần cho di sản như việc bảo vệ, tôn tạo, tu bổ, gìn giữ và phát huy những giá trị di sản về danh nhân Đặng Huy Trứ.

Thứ năm, thị xã Hương Trà, Phong Điền là một vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, và giàu truyền thống khoa bảng, đây cũng là nơi sản sinh rất nhiều nhân vật lịch sử kiệt xuất. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, mảnh đất này chính là quê hương của các phong trào cách mạng. Với bề dày lịch sử văn hóa, Hương Trà, Phong Điền hiện đang là địa phương lưu giữ nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, lưu niệm danh nhân. Việc kết nối di tích nhà thờ và lăng mộ danh nhân Đặng Huy Trứ trong chuỗi các di tích văn hóa, lịch sử ở các vùng lân cận thuộc thị xã Hương Trà, Phong Điền trong tương lai hứa hẹn sẽ trở thành tour du lịch đặc thù, hấp dẫn và thu hút du khách thập phương.

Thứ sáu, các cơ quan ban ngành cần phối hợp các công ty du lịch, lữ hành thực hiện ý tưởng xây dựng tour du lịch “Hành trình theo bước chân danh nhân Đặng Huy Trứ” nhằm đưa du khách trong và ngoài nước đến tham quan, dâng hương tưởng niệm tại các địa điểm thờ tự, lăng mộ, nơi đặt bia/tượng có liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ, các địa điểm lưu dấu cụ Đặng Huy Trứ tại Huế, Hội An (Quảng Nam). Qua đó nhằm tôn vinh và tuyên truyền các giá trị nhân văn tốt đẹp của di sản danh nhân Đặng Huy Trứ trên các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, giáo dục,… Điều này cũng tạo ra cơ hội phát huy có hiệu quả công tác hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương. Đồng thời, ngành Văn hóa, Du lịch tại Huế, Quảng Nam cần xem xét ký kết hợp tác trên lĩnh vực nghiên cứu, quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ, cụ thể phối hợp nghiên cứu khảo sát sưu tầm tư liệu, trưng bày triển lãm, sáng tác văn học nghệ thuật, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn di sản, khai thác phát triển du lịch bền vững.

Có thể khẳng định rằng, sự nghiệp đa diện và tài năng xuất chúng của danh nhân Đặng Huy Trứ đã để lại dấu ấn sâu đậm trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, kinh tế, quân sự và nghệ thuật. Những đóng góp độc đáo của ông không chỉ làm phong phú thêm di sản văn hóa Việt Nam mà còn khẳng định vị thế ông như người khai sáng nghề Nhiếp ảnh ở nước ta. Do đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản liên quan đến Đặng Huy Trứ không chỉ là trách nhiệm của từng cá nhân mà còn là nghĩa vụ chung của toàn xã hội, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển Huế – thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam.

TS.Phan Thanh Hải

Tài liệu tham khảo
1.Nhóm Trà Lĩnh (1990), Đặng Huy Trứ, Con người và tác phẩm, Nxb Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh.
2.Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế (2023), Di tích Lịch sử – Văn hóa đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế.