Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hội thảo Dệt may truyền thống ASEAN lần thứ 9: “Thắt chặt mối quan hệ Cộng đồng ASEAN thông qua di sản văn hóa và dệt may”

ĐNA -

(Lào). Từ ngày 3 đến 6/11/2024, tại thủ đô Vientiane, Lào tổ chức Hội thảo Dệt may truyền thống ASEAN lần thứ 9 với chủ đề “Thắt chặt mối quan hệ Cộng đồng ASEAN thông qua di sản văn hóa và dệt may”. Bà Ngô Phương Ly, Phu nhân của Tổng Bí thư Tô Lâm đã thăm Lào và dự Hội thảo theo lời mời của bà Naly Sisoulith, Phu nhân của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.

Bà Ngô Phương Ly, phu nhân Tổng Bí thư Tô Lâm và bà Naly Sisoulith, phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cắt băng khai mạc Hội thảo.

Hội thảo Dệt may truyền thống ASEAN là hoạt động được tổ chức hai năm một lần. Đây là năm đầu tiên Lào đăng cai tổ chức sự kiện này. Tham dự Hội thảo có các doanh nghiệp và đại diện Hiệp hội Dệt may các nước ASEAN, các nhà nghiên cứu, giảng viên tại các Viện nghiên cứu về ngành dệt may của một số nước.

Tham dự hội thảo có bà Ngô Phương Ly, phu nhân Tổng Bí thư Tô Lâm; bà Naly Sisoulith, phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, đại sứ các nước ASEAN…

Tại hội thảo, bà Naly Sisoulith, phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch cố vấn danh dự Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Lào, cho biết: “Hội thảo lần này thể hiện mối quan hệ văn hóa sâu sắc giữa các nước ASEAN, không chỉ góp phần bảo tồn nghệ thuật dệt may truyền thống, mà còn nhằm tôn vinh, phát huy trí tuệ, sự chăm chỉ và sức sáng tạo của những người phụ nữ đã gìn giữ những truyền thống và giá trị tốt đẹp, sâu sắc để tồn tại mãi mãi với xã hội chúng ta”.

Đối với các nước ASEAN, với lợi thế vị trí địa lý gần nhau, tạo cơ hội trao đổi kiến thức, trao đổi nguyên liệu với nhau, nên sản phẩm có mẫu mã tương tự nhau, nhưng hàng dệt may truyền thống của mỗi nước có hoa văn riêng và sự độc đáo, nét đẹp riêng, và điều chúng ta cùng tự hào và phát huy chính là tình yêu, kỹ năng, sự sáng tạo và trí tuệ của phụ nữ ASEAN vào từng tấm vải đẹp.

Theo bà Naly Sisoulith, hiện nay trước sự chuyển đổi từ lối sống truyền thống sang lối sống hiện đại gắn liền với sự phát triển của kinh tế – xã hội, mặc dù chúng ta đang đứng trước những thách thức trong việc bảo tồn văn hóa, sản xuất và trang phục sử dụng hàng dệt may truyền thống, nhưng các nước ASEAN vẫn quan tâm đến việc phát huy và bảo tồn hàng dệt may truyền thống; đặc biệt ở Lào, nghề dệt lụa đã gắn liền với cuộc sống của phụ nữ các bộ tộc Lào từ xa xưa, cho đến nay, nghề dệt may truyền thống ngày càng phát triển và tiếp tục được coi trọng.

Bà Naly Sisoulith cũng bày tỏ hy vọng rằng, mỗi chất liệu nghiên cứu, mỗi câu chuyện được chia sẻ, mỗi ý tưởng, sáng tạo được trao đổi trong hội thảo này sẽ góp phần xây dựng một cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết.

Bà Ngô Phương Ly, Phu nhân của Tổng Bí thư Tô Lâm dự Hội thảo dệt may truyền thống ASEAN lần thứ 9.
Trao đổi với các đại biểu tham dự Hội thảo, bà Ngô Phương Ly đánh giá cao tính chất, ý nghĩa của Hội thảo Dệt may truyền thống ASEAN lần thứ 9 cũng như nét đẹp, sự độc đáo của các sản phẩm được trưng bày tại Hội thảo lần này.

Bà Ngô Phương Ly chúc mừng Lào trên cương vị Chủ tịch ASEAN đã tổ chức thành công các hoạt động, đặc biệt là các Hội nghị cấp cao ASEAN, khẳng định việc tổ chức thành công Hội thảo Dệt may truyền thống sẽ góp phần vào thành công của năm Chủ tịch ASEAN, tạo điều kiện tăng cường giao lưu, hợp tác giữa nhân dân các nước ASEAN, đồng thời phát huy và bảo tồn ngành dệt may truyền thống của các nước.

Bà Ngô Phương Ly đã cùng bà Naly Sisoulith thăm không gian trưng bày sản phẩm lụa truyền thống và một số cơ sở văn hóa, lịch sử của Lào. Tại đây, bà Ngô Phương Ly đã thăm và tặng quà Hội Phụ nữ khuyết tật Lào tại Thủ đô Vientiane.

Tại đây, bà Ngô Phương Ly chia sẻ và bày tỏ xúc động trước những nỗ lực, cố gắng vượt qua hoàn cảnh khó khăn của phụ nữ khuyết tật Lào, đánh giá cao kết quả hoạt động của Hội trong việc đào tạo nghề và tạo sinh kế cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Phu nhân bày tỏ tin tưởng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Lào và toàn xã hội cùng với tâm huyết và nỗ lực vươn lên, Hội Phụ nữ khuyết tật Lào sẽ tiếp tục là “địa chỉ đỏ” giúp những phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và đóng góp cho xã hội.

Thăm làng nghề dệt may truyền thống tại tỉnh Vientiane, nơi phần lớn những người thợ thủ công đồng thời vẫn làm công việc đồng áng, bà Ngô Phương Ly đã chia sẻ thông tin về ngành nghề truyền thống và chính sách của Việt Nam trong việc tạo điều kiện thúc đẩy, phát triển các ngành nghề truyền thống, đặc biệt là chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm” (OCOP) nhằm phát triển khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, bảo tồn những giá trị tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.

Trong chuyến thăm, bà Ngô Phương Ly đã thăm chùa Phật tích, gặp gỡ, động viên con em kiều bào có hoàn cảnh khó khăn và tặng sách, truyện bằng tiếng Việt cho lớp học tiếng Việt miễn phí tại Chùa. Nhân dịp này, nhóm thiện nguyện Từ Phúc đã tặng những phần quà thiết thực, có ý nghĩa cho Hội Phụ nữ khuyết tật Lào và cộng đồng người Việt Nam tại Lào.

Bà Naly Sisoulith dành tình cảm đặc biệt và chân thành cảm ơn bà Ngô Phương Ly đã nhận lời mời thăm Lào và dự các hoạt động của Hội thảo Dệt may truyền thống ASEAN lần thứ 9, khẳng định chuyến thăm đã tăng cường tình cảm gắn bó giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.

Thảo Lê