Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hội thảo khoa học “Bằng chứng lịch sử và vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”



ĐNA -

Sáng 6/6/2023, tại TP. Đông Hà, Tỉnh ủy Quảng Trị phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ “Bằng chứng lịch sử và vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.

Đây cũng là Hội thảo lần đầu tiên về vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được tổ chức ở quy mô cấp Bộ nhằm kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị (6.6.1973 – 6.6.2023) và kỷ niệm 50 năm chuyến thăm lịch sử của lãnh tụ Cuba Fidel Castro đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam (9.1973 – 9.2023).

Hội thảo khoa học “Bằng chứng lịch sử và vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”

Hội thảo nhằm làm rõ vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khẳng định giá trị lịch sử của Khu di tích, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, ý chí kiên cường của dân tộc đối với các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ; đồng thời, cung cấp những cơ sở lý luận và thực tiễn phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; khơi dậy và phát huy sức mạnh nội sinh để xây dựng đất nước và tỉnh Quảng Trị ngày càng giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc.

Cùng chủ trì điều hành Hội thảo có GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Lê Quang Tùng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt; Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang; đại diện các tỉnh Tây Ninh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng, TP.HCM; lãnh đạo Quân khu 4; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị; cùng hơn 200 đại biểu đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Trị, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử, lão thành cách mạng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo,

Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết, cách đây nửa thế kỷ, sau khi tỉnh Quảng Trị được giải phóng (1/5/1972), đặc biệt là sau khi Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27/1/1973), để đáp ứng yêu cầu mới của công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã chọn vùng đất thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị làm nơi đặt Trụ sở. Ngày 6/6/1973, Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động.

Trụ sở làm việc của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đáp ứng yêu cầu về công tác đối nội và đối ngoại, khẳng định vị trí, vai trò của Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chứng tỏ thế và lực ngày càng to lớn của cách mạng miền Nam. Trong thời gian Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam hoạt động tại Quảng Trị, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh đã trực tiếp bảo đảm an ninh, an toàn cho Chính phủ. Lực lượng vũ trang tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc mở rộng và bảo vệ vùng giải phóng, anh dũng chiến đấu chống chính quyền và quân đội Sài Gòn lấn chiếm.

“Khu di tích Trụ sở làm việc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị là biểu tượng sáng ngời về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước như nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Thị Bình đã khẳng định: “Năm tháng và cát bụi có thể làm mờ dấu chân của những người làm nên lịch sử, nhưng những giá trị thiêng liêng của lịch sử nhân văn vì tự do độc lập của dân tộc sẽ trường tồn cùng nhân loại”, ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.

Từ khi đặt trụ sở tại Quảng Trị (6/1973), Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã thể hiện đầy đủ, toàn diện vai trò của một chính quyền thực sự dân chủ, nhân dân dưới sự lãnh đạo của Trung ương cục miền Nam nói riêng, của Đảng Lao động Việt Nam, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung; đã triển khai đồng bộ, chặt chẽ mọi hoạt động trên các mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, góp phần lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, sự kiện Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị khánh thành và đi vào hoạt động vẫn là dấu ấn đậm nét trong hành trình kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam, là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân Quảng Trị.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Trịnh Thị Hồng Hạnh, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, sự ra đời Chính phủ Cách mạng lâm thời Công hòa miền Nam Việt Nam là bước phát triển tất yếu của cách mạng miền Nam trong quá trình giành chính quyền về tay nhân dân, xây dựng chính quyền cách mạng và hoàn chỉnh hệ thống chính quyền, tạo điều kiện cho các tầng lớp yêu nước tham gia chính quyền. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn trong việc động viên, cổ vũ quân và dân hai miền Bắc – Nam quyết tâm chiến đấu, giành thắng lợi hoàn toàn trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Việc thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đáp ứng đòi hỏi cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris phải có một Chính phủ đại diện cho nhân dân miền Nam nhằm nâng cao hơn nữa vị trí, địa vị pháp lý của chính quyền cách mạng tại hội nghị này và trên trường quốc tế.

Các Đại biểu tham luận tại Hội thảo

Sau Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tỉnh Quảng Trị hình thành hai khu vực khác nhau. Đó là vùng giải phóng chiếm 85% diện tích tiếp giáp miền Bắc xã hội chủ nghĩa; vùng tạm thời bị địch kiểm soát chỉ còn 15% diện tích. Quảng Trị lúc này có vai trò chiến lược về chính trị, quân sự và ngoại giao. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã quyết định chọn vùng đất thuộc thôn Tây Hòa (sau này là khu phố Tây Hòa, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) để đặt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và hoạt động tại đây từ năm 1973 – 1975. Ngày 6/6/1973, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tổ chức Lễ ra mắt trước hàng vạn đồng bào và chiến sĩ Quảng Trị.

Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng nhấn mạnh, Hội thảo đã làm rõ bối cảnh lịch sử, những yếu tố địa chính trị, kinh tế, quân sự và giá trị truyền thống của vùng đất và con người Quảng Trị dẫn đến việc thị trấn Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị được lựa chọn đóng Trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam để tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Tiếp tục khẳng định chủ trương đúng đắn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị trong việc quyết định thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và khẳng định vai trò và những hoạt động của Chính phủ lâm thời trên các lĩnh vực chủ yếu. Hội thảo cũng đã nêu bật những đóng góp của quân và dân Quảng Trị trong việc bảo vệ trụ sở của Chính phủ trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng khẳng định, tỉnh Quảng Trị đã và đang có nhiều nỗ lực để phát huy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường; khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.Phát huy truyền thống cách và lịch sử vẻ vang của vùng đất Quảng Trị trung dũng, kiên cường, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh, tận dụng thời cơ, tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, tạo ra những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng – an ninh, mở rộng hoạt động đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng 190 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 10 lần; tổng thu ngân sách địa phương tăng hơn 300 lần so với năm 1989. Đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện; các chính sách an sinh xã hội, chăm lo người có công với cách mạng luôn được thực hiện chu đáo, kịp thời.

Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng nhấn mạnh: “Có nhiều ý kiến tâm huyết đã gợi mở rằng: Quảng Trị là tỉnh có 475 di tích lịch sử, cách mạng, trong đó có di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nếu khơi dậy và phát huy được tiềm năng của các giá trị di tích lịch sử, cách mạng, gắn với du lịch về nguồn, du lịch tâm linh sẽ thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Hiện nay, Quảng Trị đang chuẩn bị các điều kiện hướng tới tổ chức Lễ hội vì Hòa bình, kết nối những giá trị lịch sử truyền thống với những giá trị hiện đại nhằm xây dựng Quảng Trị trở thành thương hiệu riêng của vùng đất thể hiện khát vọng hòa bình, thống nhất của Nhân dân Việt Nam”.

Với hơn 40 tham luận của các nhân chứng lịch sử và các nhà khoa học. Các tham luận tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Khẳng định tính tất yếu về sự ra đời và những đóng góp to lớn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; Làm rõ những dấu ấn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị; Làm rõ những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đối với những hoạt động của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Phát huy truyền thống cách mạng và giá trị Khu du tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, xây dựng Quảng Trị văn minh, giàu đẹp.

Trụ sở tại Quảng Trị (6/1973), Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Thành công của hội thảo sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử; là dịp để củng cố, bồi đắp thêm về lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước, góp phần tiếp thêm sức mạnh, nghị lực và quyết tâm phấn đấu xây dựng, phát triển quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Chy Lê