Thứ năm, Tháng mười một 14, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hội thảo “Phát triển Đại học bền vững: Cơ hội và Thách thức”: Mô hình đại học của nền văn minh tri thức sẽ như thế nào?

ĐNA -

(Đà Nẵng) Ngày 7/11/2024, tại Đại học Đà Nẵng, đã diễn ra hội thảo khoa học quốc tế, chủ đề “Phát triển đại học bền vững: Cơ hội và thách thức”. Hội thảo này là một trong chuỗi hoạt động và sự kiện chào mừng kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển Đại học Đà Nẵng; là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực phát triển giáo dục đại học.

Trong khuôn khổ hội thảo, GS. Nicolas Maïnetti – Giám đốc AUF vùng châu Á – Thái Bình Dương và PGS. TS. Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng đã chính thức ký kết thỏa thuận chiến lược, nâng tầm quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Được biết, từ năm 1995, Đại học Đà Nẵng đã là thành viên chính thức của AUF. Ảnh trong bài: Trần Thanh Nhã – T.Ngọc.

“Trong bối cảnh hiện tại, việc đánh giá lại sứ mệnh, mô hình, cấu trúc và hoạt động của trường đại học là rất quan trọng, đối với sự phát triển bền vững của các trường , các đại học. Ban tổ chức hy vọng đã tạo ra một diễn đàn, để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và nhà giáo dục xem xét, đánh giá, tóm tắt và phản ánh về các vấn đề và tình hình thực tế, trong quá trình phát triển của các trường đại học; cùng chia sẻ những ý tưởng tiên tiến và các hoạt động nổi bật, đồng thời tìm kiếm các giải pháp cơ bản, cho sự phát triển bền vững của trường đại học như chủ đề của hội nghị mà chúng tôi đã gợi ý” – PGS.TS. Lê Quang Sơn Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, nhấn mạnh.

Hơn 200 đại biểu là lãnh đạo cấp cao, nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên đến từ các Đại học, trường đại học, tổ chức: GS. Nicolas Maïnetti, Giám đốc Vùng Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF); GS.TS. Frédérique Vidal, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học, Nghiên cứu và Đổi mới Cộng hòa Pháp, Nguyên Giám đốc Đại học Côte d’Azur (UniCA); các đại diện đến từ Đại học Kyung Hee (Hàn Quốc), các Trường Đại học Babes Bolyai (Roumani), Genoa (Italia), Sevilla (Tây Ban Nha), Trường Zitet Crne Gore (Montenegro – Quốc gia nằm trên bán đảo Balkan thuộc Đông Nam châu Âu); Đại học Côte d’Azur (Cộng hòa Pháp); lãnh đạo hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức: “Trái tim vì trái tim” (CHLB Đức), Văn phòng Đại diện Cơ quan Trao đổi Hàn lâm CHLB Đức (DAAD) tại Hà Nội, Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng ; đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các Đại học (vùng) Huế, Đại học Thái Nguyên; Đại học Bách khoa Hà Nội, các Trường Đại học Cần Thơ, Tôn Đức Thắng; lãnh đạo các trường đại học thành viên, cơ sở giáo dục thuộc Đại học Đà Nẵng… đã tham dự hội thảo.

Hội thảo thu hút rất đông các vị khách quốc tế.

“Phát triển bền vững ngày nay không còn chỉ là một khái niệm nữa mà đã trở thành mục tiêu phát triển của nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới. Việt Nam cũng là một trong 193 quốc gia cam kết thực hiện chiến lược phát triển bền vững. Tháng 8/ 2004, Việt Nam đã ban hành Chương trình nghị sự 21 (Vietnam Agenda 21), còn được gọi là định hướng chiến lược phát triển bền vững tại Việt Nam. Trong chiến lược này, giáo dục vì sự phát triển bền vững, đã được công nhận là bộ phận không thể tách rời của các mục tiêu phát triển bền vững.

Giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng được coi là chìa khóa để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, bằng cách trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng, giá trị và năng lực hành động.

Tuyên bố thế giới về giáo dục đại học cho thế kỷ XXI, được 182 quốc gia, trong đó có Việt Nam, ký kết tại Paris (9/10/1998), nhấn mạnh rằng “Nếu không có các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu phù hợp, để đào tạo ra một số lượng lớn trí thức có trình độ cao, thì không một quốc gia nào có thể tự mình phát triển bền vững.

Để hoàn thành sứ mệnh này, bản thân giáo dục đại học phải phát triển bền vững. Các trường đại học, với tư cách là các tổ chức giáo dục đại học, đang rất cần sự phát triển bền vững”, PGS.TS Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, nhấn mạnh, trong phát biểu của phiên khai mạc và làm việc toàn thể sáng nay.

Các diễn giả cũng gửi gắm và đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp phù hợp với thực tiễn; đặc biệt là cùng tham khảo các tiêu chí, hoàn thiện những trụ cột để phát triển mô hình đại học bền vững (theo kinh nghiệm của mỗi Đại học) trong bối cảnh, tiến trình hội nhập, quốc tế hóa giáo dục đại học.

GS.TS. Frédérique Vidal, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học, Nghiên cứu và Đổi mới Cộng hòa Pháp, Nguyên Giám đốc UniCA phát biểu tại hội thảo.

Tại phiên làm việc toàn thể, GS.TS. Frédérique Vidal, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học, Nghiên cứu và Đổi mới Cộng hòa Pháp, Nguyên Giám đốc UniCA đã có phát biểu quan trọng về cơ hội, thách thức đối với giáo dục đại học và phát triển bền vững trong tương lai ; GS. Nicolas Maïnetti, Giám đốc Vùng Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), đuea ra đề xuất về “Chuyển đổi để phát triển bền vững” và GS.TS. Dan Lazar, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Babes Bolyai; GS.TS. Calin Hintea, Chủ tịch Ủy ban Kiểm định của Hiệp hội Kiểm định Hành chính Công Châu Âu EAPAA, Trường Đại học Babes Bolyai, cũng đã có các chia sẻ về một điển hình trong mối quan hệ đối tác chiến lược giữa “Đại học và Cộng đồng” cho tương lai, đó là “cách làm” của của thành phố Cluj-Napoca, Roumani. Trong khi đó, PGS.TS. Supreedee Rittironk – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thammasat đề cập đến câu chuyện “Đổi mới và hợp tác quốc tế vì sự phát triển bền vững, với điển hình cụ thể là Đại học Thammasat, Thái Lan” của ông.

GS. Nicolas Maïnetti, Giám đốc Vùng Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (ảnh trái) và PGS.TS. Supreedee Rittironk – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thammasat đã có báo cáo tại phiên toàn thể.

Hội thảo Khoa học quốc tế “Phát triển Đại học bền vững: Cơ hội và Thách thức” trở thành diễn đàn, cơ hội tăng cường kết nối và trao đổi học thuật, góp phần mở rộng mạng lưới các nhà lãnh đạo, quản lý và chuyên gia trong các lĩnh vực, chuyên ngành liên quan gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo đối với các đại học, trường đại học, theo định hướng gắn kết tri thức liên ngành, đa ngành, góp phần giải quyết các thách thức của xã hội đương đại.

Trong khuôn khổ Hội thảo, PGS.TS. Lê Quang Sơn Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng đã chủ trì phiên Tọa đàm bàn tròn chủ đề chung “Toàn cầu hóa – xu hướng giáo dục bền vững trong đào tạo, nghiên cứu sáng tạo, vận hành, quản trị và kết nối cộng đồng phục vụ định hướng phát triển đại học bền vững ». Tham gia tọa đàm, thảo luận có các thành viên: GS. Jeanick Brisswalter – Giám đốc Đại học Côte d’Azur, Pháp; Ông Felix Wagenfeld, Giám đốc Văn phòng Đại diện Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức – DAAD – Khu vực Hà Nội; GS Jae Sung Kwak, Giáo sư Đại học Kyung Hee, Giám đốc Tư vấn quản lý dự án PMC, Dự án ODA – phát triển UD -VKU và PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng.

Theo PGS.TS. Lê Quang Sơn- Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, phát triển đại học bền vững không phải là vấn đề mới đối với giáo dục đại học chúng ta nói chung, với Đại học Đà Nẵng nói riêng.

Trong hiện tại, bối cảnh phát triển của các trường đại học đã và đang được xác định với một loạt các thách thức. Các nghiên cứu gần đây về giáo dục đại học, xác định rõ những thách thức cơ bản đối với các trường đại học:

PGS.TS. Lê Quang Sơn Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng phát biểu khai mạc và đồng chủ trì phiên tọa đàm bàn tròn.

Toàn cầu hóa, các vấn đề toàn cầu và bối cảnh sản xuất và đời sống xã hội liên tục thay đổi, đòi hỏi phải đánh giá lại liên tục định hướng của giáo dục đại học. Điều này đòi hỏi các trường đại học phải tập trung vào xác định tầm nhìn và chiến lược của mình, (quan trọng hơn, là ) chuyển tầm nhìn đó vào toàn thể đội ngũ giảng viên, nhân viên hành chính và cả bộ máy của tổ chức.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với những đột phá trong khoa học và công nghệ, đã tác động mạnh mẽ và toàn diện đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nâng cao nhu cầu và thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng thúc đẩy sự xuất hiện của các ngành nghề mới. Các trường đại học được yêu cầu trở thành trung tâm sản xuất, phát triển, phổ biến và ứng dụng tri thức; cung cấp các dịch vụ tri thức và công nghệ cao; và phát triển các giá trị văn hóa, xã hội và cộng đồng.

Nền kinh tế tri thức và xã hội thông tin, kỷ nguyên của mạng lưới và văn hóa công nghệ, với giáo dục phổ biến, máy tính, internet và các công cụ học tập trung gian khác, dẫn đến phương pháp học tập cá nhân hóa hơn, trong khi giảm nhiều tính tương tác (trực tiếp) giữa người học và cộng đồng/xã hội.

(Có xu hướng) nền văn hóa (đã và đang) coi giáo dục là tấm hộ chiếu để đạt được cuộc sống trọn vẹn và lợi ích vật chất, ít quan tâm đến cộng đồng và phúc lợi của quốc gia. Xu hướng cá nhân chủ nghĩa và ích kỷ đặt ra “nhiều thách thức bổ sung” cho các trường đại học.

Cuối cùng, chất lượng giáo dục đại học còn đặt ra một thách thức khác: Đó là có thực sự chuẩn bị cho sinh viên sự nghiệp và quyền công dân của họ trong thế kỷ XXI hay không? Bằng cấp có phản ánh điều gì đó (thực sự) có ý nghĩa về chất lượng và năng lực của người sở hữu nó không? Nó có thể đảm bảo triển vọng việc làm an toàn cho người học không?

Lãnh đạo Tổ chức AUF, UniCA chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, Viện Công nghệ quốc tế DNIIT, Ban Hợp tác quốc tế (Đại học Đà Nẵng).

Tất cả những thách thức này đều đặt ra cho các trường đại học. Đối với các trường đại học nói chung và Đại học Đà Nẵng nói riêng, để phát triển bền vững, chúng ta đều phải đối mặt với một loạt các lựa chọn liên quan đến sứ mệnh, mô hình, cấu trúc và hoạt động của mình.

Về sứ mệnh: Các trường đại học có nên tiếp tục sứ mệnh cổ điển của mình – trở thành “nơi tìm kiếm chân lý”, nơi “nuôi dưỡng đời sống tinh thần”, hay nên chuyển đổi thành các cơ sở đào tạo nghề tiên tiến, siêu thị tri thức hoặc một số sứ mệnh khác? Sứ mệnh của các trường đại học là gì khi giáo dục đại học chuyển từ giai đoạn Đại chúng sang giai đoạn Phổ quát? Sứ mệnh của trường đại học sẽ là gì trong bối cảnh được thúc đẩy hoạt động như một doanh nghiệp, để nâng cao hiệu quả và khả năng phản ứng.

Về Mô hình: Mô hình các trường đại học của nền văn minh tri thức sẽ như thế nào ? Đối với các trường đại học truyền thống của nền văn minh nông nghiệp và các trường đại học hiện tại của nền văn minh công nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh đan xen của 3 nền văn minh này sẽ ra sao ? Các mô hình của các trường đại học tinh hoa, các trường đại học đại chúng, các trường đại học chuyên ngành, các trường đại học khu vực và các trường đại học học tập suốt đời, sẽ cùng tồn tại như thế nào trong bối cảnh mới? Các câu hỏi liên quan đến mô hình sẽ dẫn đến các quyết định về mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo và các điều kiện để hiện thực hóa mô hình.

Và về hoạt động: Các trụ cột chính của một cơ sở giáo dục đại học nên được vận hành như thế nào? Chúng tôi xác định 4 trụ cột hoạt động của một trường đại học, là : Đào tạo, Nghiên cứu khoa học và Đổi mới, Quản lý và Kết nối. Vậy mỗi trụ cột này , nên được định hướng và vận hành như thế nào?

Trong chuỗi nội dung của hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển Đại học bền vững: Cơ hội và Thách thức” còn có các phiên làm việc vào ngày mai (8/11/2024)./.

Trần Ngọc