Chủ Nhật, Tháng mười 13, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hơn 112.000 tỷ đồng cam kết đầu tư vào tỉnh Quảng Bình, dự án lớn nhất tới 50.000 tỷ đồng

ĐNA -

Sáng nay, 25/6/2023, tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và Xúc tiến đầu tư năm 2023 với chủ đề “Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư”. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trao Quyết định số 377/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Phát triển Quảng Bình trở thành một trung tâm du lịch lớn của khu vực Đông Nam Á. Ảnh VGP

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết, nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, Quảng Bình là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng trên các hành lang phát triển kinh tế và hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nền kinh tế tổng hợp, đa dạng, đặc biệt là phát triển du lịch. Với phương châm “Thích ứng, đồng hành cùng phát triển”, Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu trên.

“Sự thành công, phát triển của doanh nghiệp cũng là sự thành công và phát triển của tỉnh, tỉnh Quảng Bình luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư. Đồng thời, cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để biến ý tưởng của nhà đầu tư và các mục tiêu trong quy hoạch tỉnh thành hiện thực”, ông Thắng nhấn mạnh.

Quảng Bình có hệ thống giao thông đồng bộ gồm Quốc lộ 1A và cao tốc Bắc – Nam đang thi công; đường Hồ Chí Minh 2 nhánh Đông Tây, đường Quốc lộ 12A – con đường ngắn nhất nối Việt Nam với nước bạn Lào, Thái Lan qua cặp cửa khẩu Quốc tế Cha Lo – Nà Phàu, Quốc lộ 9B nối Việt Nam với Lào qua tỉnh Savan Nakhet, Ga đường sắt Đồng Hới; có sân bay Đồng Hới, Cảng biển Hòn La. Cùng với đó, 2 Khu kinh tế và 10 Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, đáp ứng để phát triển công nghiệp, logistics, năng lượng tái tạo, kinh doanh thương mại dịch vụ.

Theo Quy hoạch tỉnh, mục tiêu là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng những thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động với trọng tâm là ngành dịch vụ và du lịch nổi bật, công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững.

Quy hoạch cũng xác định rõ các định hướng, ưu tiên phát triển gồm: 2 trung tâm động lực tăng trưởng, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 4 trụ cột phát triển kinh tế và 3 đột phá chiến lược; các lĩnh vực, dự án quan trọng nhằm tạo sự đột phá và sức lan tỏa… mở đường cho việc xây dựng và thực hiện hiệu quả chính sách thu hút các nguồn lực, triển khai các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng đô thị, phân bố dân cư, đất đai, tài nguyên, môi trường…

Đến năm 2030, phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung. Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Bình sẽ là nền kinh tế phát triển năng động của miền Trung và cả nước.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Việc xây dựng quy hoạch đã khó, nhưng việc triển khai còn khó hơn, do đó, tỉnh Quảng Bình phải rất khẩn trương, tập trung thực hiện quy hoạch thiết thực, hiệu quả. Ảnh VPG

Biến thách thức thành khát vọng phát triển, xây dựng quê hương “Hai giỏi” Quảng Bình ngày càng giàu đẹp
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và xúc tiến đầu tư năm 2023 do tỉnh Quảng Bình phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND thành phố Hà Nội cùng tổ chức là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với Quảng Bình.

Đây là cơ hội để lan tỏa về tư duy phát triển, về tầm nhìn và thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay, không chỉ riêng cho tỉnh Quảng Bình mà còn cho các tỉnh Bắc Trung Bộ và rộng hơn nữa là các tỉnh duyên hải miền Trung, đặc biệt, trong thời điểm tình hình kinh tế đang chịu tác động nặng nề do hậu quả nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, cũng như tình hình khó khăn bất ổn kinh tế tài chính trên thế giới… đòi hỏi chúng ta phải huy động các nguồn lực lớn cho công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch bệnh.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, quy hoạch có vai trò vô cùng quan trọng, quy hoạch xác định tư duy tầm nhìn, mô hình, kịch bản, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển. Và quy hoạch cũng tạo ra cơ hội mới, năng lực sản xuất và giá trị mới cho từng quốc gia, từng vùng, từng địa phương trong thời kỳ quy hoạch.

Tỉnh Quảng Bình rất quan tâm, tập trung làm tốt, đi đầu trong công tác quy hoạch và là tỉnh thứ chín trong toàn quốc được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh. Đây là cơ sở để Quảng Bình tiếp tục tiển khai các định hướng chiến lược phát triển, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết nêu trên. Đồng thời, gắn kết quy hoạch tỉnh bảo đảm thống nhất với các quy hoạch cấp quốc gia, khắc phục những hạn chế chồng chéo với các quy hoạch trước đây.
Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, Quảng Bình có vị trí chiến lược trọng yếu về an ninh, quốc phòng của cả nước.

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc, thống nhất đất nước, Quảng Bình vừa là hậu phương lớn, vừa là tiền tuyến lớn chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Với khẩu hiệu “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi xóm làng là một pháo đài bất khả xâm phạm”, quân và dân Quảng Bình hiên ngang, vững vàng trong thế trận chiến tranh nhân dân cùng với cả nước đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.

Vượt lên mọi gian khổ, hy sinh và cả sự tàn khốc, ác liệt của chiến tranh, quân và dân Quảng Bình đã làm nên cao trào thi đua “Quảng Bình Hai giỏi” trong kháng chiến. Vừa xây dựng thế trận phòng thủ, quân và dân Quảng Bình vừa tích cực tham gia lao động sản xuất. Ngày ấy, Quảng bình đã xuất hiện hợp tác xã Đại Phong – là lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã Quang Phú – là lá cờ đầu trong sản xuất ngư nghiệp toàn miền Bắc.

Trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tích cực, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, cùng sự nỗ lực, cố gắng của nhân dân, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để khắc phục khó khăn nên tình hình kinh tế – xã hội của Quảng Bình đã có những bước phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, quy hoạch có vai trò vô cùng quan trọng, xác định tư duy tầm nhìn, kịch bản, phương án và tổ chức không gian phát triển. Quy hoạch cũng tạo ra cơ hội mới, năng lực sản xuất và giá trị mới cho từng vùng, địa phương trong thời kỳ quy hoạch.

“Tỉnh Quảng Bình là tỉnh thứ 9 trong toàn quốc được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh. Đây là cơ sở để Quảng Bình tiếp tục triển khai các định hướng chiến lược phát triển, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng. Đồng thời gắn kết quy hoạch tỉnh bảo đảm thống nhất với các quy hoạch cấp quốc gia” – Phó Thủ tướng nói.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Bình tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với các Nghị quyết của Trung ương, tỉnh.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cố gắng của tỉnh Quảng Bình đã đạt được trong thời gian qua.

Tỉnh Quảng Bình cam kết tiếp tục tiết giảm các thủ tục, chi phí để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào Quảng Bình, thu hút doanh nghiệp và phải giữ chân doanh nghiệp; xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển để trở thành một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Trao giấy phép cho các nhà đầu tư.

Khoảng 5 tỷ USD cam kết đầu tư vào tỉnh Quảng Bình
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đã trao Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 29 nhà đầu tư trên 32 dự án và khu vực quan tâm đầu đầu tư với tổng vốn đăng ký 112.165 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD).

Trong đó, có 3 dự án trong lĩnh vực hạ tầng với tổng vốn 11.668 tỷ đồng; 5 dự án trong lĩnh vực thể thao – du lịch với tổng vốn 3.320 tỷ đồng; 6 dự án trong lĩnh vực công nghiệp – năng lượng – khoảng sản với tổng vốn 64.206 tỷ đồng; 1 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn 401 tỷ đồng; 17 khu vực nhà đầu tư quan tâm đầu tư trong lĩnh vực bất động sản với tổng vốn 32.570 tỷ đồng.

Trong số các dự án được trao biên bản ghi nhớ lần này, lớn nhất là dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II, công suất 1.500 MW, sử dụng khí LNG, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 50.000 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả dự kiến đầu tư Tuyến đường du lịch kết nối TP. Đồng Hới – di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, quy mô 2.900 tỷ đồng. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam dự kiến đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay – Càng hàng không Đồng Hới, quy mô vốn dự kiến 1.968 tỷ đồng.

Lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, khoáng sản cũng thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm. Trong đó, Tổng công ty Cơ điện xây dựng – CTCP, dự kiến đầu tư 3 dự án, quy mô vốn hơn 10.000 tỷ đồng. Riêng dự án khai thác điện mặt trời trên mặt kênh, hồ thủy lợi đã có vốn dự kiến 9.000 tỷ đồng.

Liên doanh Công ty cổ phần khoáng sản Hoàng Long và Tập đoàn Iwantani – Nhật Bản dự kiến đầu tư Nhà máy Chế biến sâu xỉ Titan Hoàng Long IWATANI tại KCN Cảng biển Hòn La, vốn đầu tư dự kiến 3.546 tỷ đồng.

Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa dự kiến xây dựng giai đoạn II Nhà máy Điện mặt trời Dohwa Lệ Thủy, 650 tỷ đồng.

Nhiều dự án dự án khu đô thị, bất động sản, với quy mô hàng nghìn tỷ đồng mỗi dự án cũng đã nhận được sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp.

Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O quan tâm Dự án Khu đô thị tại huyện Quảng Ninh, 250 ha, vốn dự kiến 9.000 tỷ đồng; Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư nông nghiệp Sài gòn Thành Đạt và Công ty Licogi 13 muốn thực hiện Dự án Khu đô thị phức hợp du lịch nghỉ dưỡng tại thị xã Ba Đồn, 3.200 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh quan tâm Dự án Khu đô thị tại TP. Đồng Hới, quy mô 45 ha, vốn dự kiến 2.700 tỷ đồng…

Tại hội nghị, Sở Du lịch thành phố Hà Nội và Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cũng trao thoả thuận hợp tác phát triển du lịch giữa 2 địa phương giai đoạn 2023 – 2030; Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Bình và Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội trao thoả thuận hợp tác giữa 02 đơn vị.

Nguyễn Hữu Dánh/HRC