Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hợp tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, là điểm nhấn quan trọng trong hợp tác Nhật Bản – Việt Nam



ĐNA -

(Đà Nẵng). Ngày 23/12/2024, đã diễn ra các phiên hội thảo, đánh giá kết quả triển khai “Dự án thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải (3R) tại thành phố Đà Nẵng” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ (giai đoạn 2).

3R là mô hình quản lý và xử lý rác thải với tầm nhìn: Rác là tài nguyên – Tài nguyên làm nên Kinh tế tuần hoàn được nhiều quốc gia tiên tiến áp dụng. 3R viết tắt từ Reduce (Tiết giảm) – Tái sử dụng (Reuse) và Recycle (Tái chế).

TS.Yasuhiko Hotta, đại diện Viện Chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES), Trưởng dự án, chia sẻ về thành tựu và hoạt động của dự án. Ảnh: T.Ngọc .

“Trong quá trình triển khai dự án, gắn với các mục tiêu xây dựng Thành phố Môi trường; Đà Nẵng vinh dự là 1 trong 5 địa phương được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, công nhận về công tác bảo vệ môi trường ở mức tốt năm 2020 và đứng đầu cả nước năm 2021, 2022; trong 3 năm (2021, 2023, 2024), Đà Nẵng liên tiếp giành Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam trong lĩnh vực “Thành phố môi trường thông minh Xanh – Sạch”.

Trong 3 năm (2021-2024), dự án “Quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy phân loại và tái chế tại Đà Nẵng (Giai đoạn 2)” đã đạt nhiều kết quả nhất định, từ hợp tác hiệu quả giữa hai thành phố, sự hỗ trợ kỹ thuật của IGES (Viện Chiến lược Môi trường toàn cầu của Nhật Bản). Nhiều mô hình quản lý, xử lý chất thải rắn được xây dựng triển khai, đã lan toả trong cộng đồng ở 2 quận Hải Châu, Thanh Khê.

Chương trình hợp tác kỹ thuật về phát triển bền vững giữa thành phố Yokohama và thành phố Đà Nẵng, là một trong những chương trình hợp tác song phương thành công của Đà Nẵng”, ông Đặng Quang Vinh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Đà Nẵng

Ông Terado Hirotsugu, Lãnh sự phụ trách kinh tế – văn hóa, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng: dự án này trở thành một hình mẫu, một điểm sáng trong hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng và thành phố Yokohama. Ảnh: T.Ngọc.

Hợp tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, là điểm nhấn quan trọng trong hợp tác Nhật Bản – Việt Nam
“Khởi đầu từ năm 2017 (giai đoạn 1) và kế tiếp sau đó, là từ năm 2022 (giai đoạn 2), dự án này trở thành một hình mẫu, một điểm sáng trong hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng và thành phố Yokohama, đóng góp cho quan hệ hợp tác, được nâng lên ở tầm “chiến lược toàn diện” giữa hai quốc gia chúng ta. Cũng có thể nói, hợp tác trong vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, là điểm nhấn quan trọng trong hợp tác Nhật bản – Việt Nam” – ông Terado Hirotsugu, Lãnh sự phụ trách kinh tế – văn hóa, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng nhấn mạnh.

Với tư cách là Trưởng dự án, trong chia sẻ về thành tựu và hoạt động của dự án, TS.Yasuhiko Hotta, đại diện Viện Chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES) cho hay, dự án đã đạt được những kết quả quan trong trong Quản lý dữ liệu, bao gồm thu thập thông tin liên quan đến quy trình tái chế, xem xét lại hệ thống quản lý chất thải rắn đô thị, đặc biệt là lập bản đồ chất thải, trong đó có bản đồ điểm nóng (xả thải). Từ năm 2023 đến nay, đã có nhiều cán bộ, chuyên viên của Đà Nẵng được đào tạo trong (Trạm phân ủ Hải Phòng) và ngoài nước (sang Yokohama học tập).

Quá trình đào tạo gắn với thực tế, đã trang bị cho học viên phương pháp luận về “hệ thống bền vững” để thúc đẩy quản lý chất thải hữu cơ và dầu thải phù hợp với bối cảnh địa phương. Nâng cao năng lực tác động và thúc đẩy sự gắn kết của khu vực tư nhân, cũng như hoạt động thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng

Thành quả tiếp theo là ứng dụng vào thực tế thông qua hoạt động thí điểm (tại 2 Quận của Đà Nẵng là Hải Châu và Thanh Khê), với 3 đầu việc gồm phân loại rác tại nguồn, thu gom rác thực phẩm và thu gom / tái chế dầu thải.

Thành quả thứ ba là xây dựng chính sách liên quan đến thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, tái chế rác thải, và đã có nhiều diễn đàn tham vấn chính sách được tổ chức (trong khuôn khổ Thành phố châu Á thông minh lần thứ 10, 11 và 120, thu hoạch được nhiều ý kiến hay.

“Các hoạt động thí điểm đã giúp chúng ta tăng cường hệ thống giám sát, đánh giá đúng tác động của chất thải rắn đô thị khi chúng không được kiểm soát chặt chẽ. Các dữ liệu có được, cho phép hướng tới việc sửa đổi kế hoạch chất thải rắn, và điều đó làm cho kế hoạch tổng thể về 3R được sửa đổi (so với phác thảo ban đầu).Với mục tiêu cải thiện các khâu của quản lý chất thải rắn đô thị, bắt đầu từ phân loại rác tại nguồn, chúng ta đã tăng lượng thu gom rác hữu cơ và dầu thải, thay đổi được hành vi xả thải thiếu trách nhiệm.

Không chỉ cải thiện tình trạng ô nhiễm nhựa tại thành phố Đà Nẵng, dự án đã góp phần cải thiện cả kế hoạch thu gom chất thải rắn đô thị theo hướng chú trọng hơn an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.

Toàn cảnh hội thảo, đánh giá kết quả triển khai “Dự án thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải (3R) tại thành phố Đà Nẵng” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ (giai đoạn 2).Ảnh: T.Ngọc.

Dự án đã hướng đến một hệ thống xử lý và tuần hoàn tài nguyên bền vững tại thành phố Đà Nẵng.Với những chỉ số quản lý chất thải rắn đô thị sát với thực tế được xây dựng, phục vụ cho kế hoạch, chương trình hành động của Đà Nẵng – Thành phố môi trường trong 10 năm, giai đoạn 2021-2030. Từ cách chúng ta triển khai hợp tác, những hiệu quả bước đầu, không chỉ Đà Nẵng, mà nhiều địa phương khác như Hội An, Huế, Hà Nội, Hải Phòng, cũng đang tham khảo với mong muốn giải quyết tốt hơn các vấn đề về môi trường”, TS.Yasuhiko Hotta phân tích.

Tại hội thảo diễn ra hôm nay (23/12/2024), đại diện của Hội An cũng đã trình bày bài học từ mô hình thử ngiệm “Thu phí thu gom dựa theo lượng phát sinh tại Phường Cẩm Nam, Thành phố Hội An”.

TS.Yasuhiko Hotta cũng cho rằng, thông qua các diễn đàn phát triển đô thị Đà Nẵng, có cả chuỗi cơ hội để lắng nghe, học hỏi, tìm kiếm giải pháp để hoạch định ngay chính sách, dựa trên hệ cơ sở dữ liệu (đã được kiểm chứng).

Với mục tiêu cải thiện quản lý chất thải rắn đô thị, chính quyền và ngành hữu quan thành phố cần nêu ra những vấn đề chính và đưa ra thảo luận ở các diễn đàn phát triển đô thị Đà Nẵng. Chẳng hạn, làm thế nào để thúc đẩy sự gắn kết/tham gia của cộng đồng và nhóm ngành kinh doanh theo cách bền vững hơn? Chính sách và lựa chọn công nghệ bền vững nào cho thành phố Đà Nẵng để đẩy nhanh 3R và kinh tế tuần hoàn?

Tầm nhìn 2025-2030
Theo TS.Yasuhiko Hotta – Trưởng dự án, thành quả chính của dự án “Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải (3R) tại thành phố Đà Nẵng” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ (giai đoạn 2), là kế hoạch tổng thể 3R, tầm nhìn (2025 – 2030) đã được sửa đổi. Mục tiêu chính của giai đoạn 5 năm sắp đến, là thực sự nâng cao được nhận thức, cũng như tinh thần cùng can thiệp của cộng đồng rộng rãi, nhất là nhóm ngành kinh doanh.

Cùng với các ưu tiên thúc đẩy, trong xây dựng chính sách, với những giải pháp lựa chọn (mang tính khuyến khích, ủng hộ) để việc tái chế diễn ra mạnh mẽ hơn. Ví dụ người dân sẵn sàng sử dụng túi đựng rác thải tính phí; chính quyền tổ chức dich vụ thu gom và vận chuyển rác thải theo phương thức riêng biệt và ưu việt hơn. Kế hoạch tổng thể 3R (2025 – 2030), cũng đặt ra sự lựa chọn công nghệ có tính bền vững cao hơn để áp dụng vào các lĩnh vực (xử lý, tuần hoàn): Phân ủ tập trung; Tái chế dầu thải, chuyển hóa rác thành năng lượng, làm đẹp cho thành phố thông qua ứng dụng công nghệ phát hiện rác thải, bản đồ điểm nóng, …

Ông Đặng Quang Vinh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Đà Nẵng: Chương trình hợp tác kỹ thuật về phát triển bền vững giữa thành phố Yokohama và thành phố Đà Nẵng, là một trong những chương trình hợp tác song phương thành công của Đà Nẵng”. Ảnh: T.Ngọc.

Một vấn đề có tính cấp bách, theo phân tích của ông Đặng Quang Vinh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Đà Nẵng, đó là, từ thành công của dự án (Quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy phân loại và tái chế tại Đà Nẵng – Giai đoạn 2), thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục có các giải pháp, triển khai hiệu quả yêu cầu phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn với các mô hình điểm, mà dự án (cả hai giai đoạn 1 và 2 đã xây dựng được), Đà Nẵng theo kinh nghiệm có được, sẽ tập trung triển khai thí điểm Là một trong những loại chất thải được quy định phải phân loại và được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024 theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (theo Luật, đến ngày 1/1/2025 cả nước bắt đầu thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt).

Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện UBND quận (Hải Châu và Thanh Khê), bà Nguyễn Thị Thu Hồng – Trưởng ban công tác mặt trận Định Thọ 2, phường Nam Dương (quận Hải Châu), đại diện Trường Tiểu học Lý Công Uẩn và đại diện Nhà hàng cơm niêu Nhà Đỏ, đã chia sẻ kết quả triển khai dự án trên địa bàn, với những thuận lợi, khó khăn nhất định và nhìn nhận về khả năng.Chiia sẻ về vai trò của khu dân cư trong phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thu gom chất thải thực phẩm trên địa bàn phường. Chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình thu gom dầu ăn đã qua sử dụng, tại trường học trên địa bàn phường Hoà Thuận Tây. Và chia sẻ kinh nghiệm thu gom thức ăn thừa và dầu ăn đã qua sử dụng tại cơ sở kinh doanh ẩm thực tại phường Chính Gián.

Đây là những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn các mô hình đã triển khai, có ý nghĩa tiền đề, là nền tảng (về mức độ, khả năng) để nhân rộng cho yêu cầu phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, như quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020 trên toàn thành phố, một cách hiệu quả.

Mô hình thu gom dầu ăn đã qua sử dụng và tái chế (đã triển khai thí điểm tại Đà Nẵng).

Nhất là phân loại chất thải thực phẩm. Chất thải thực phẩm nằm trong Nhóm 2, gồm thức ăn thừa; thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn; các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản… Và đây là loại chất thải không dễ dàng trong phân loại, thu gom, tập kết, xử lý.

Đà Nẵng học hỏi được gì từ “hình mẫu Yokohama trong bảo vệ môi trường”
Yokohama là “thành phố kiểu mẫu về bảo vệ môi trường” ở Nhật Bản, với nhiều kinh nghiệm trong triển khai thực tế qua hệ thống giải pháp hiệu quả, trong thực tế, Yokohama cũng là hình mẫu về sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và duy trì môi trường sinh thái. Yokohama có tên trong danh sách những đô thị toàn cầu, nỗ lực góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính (Greenhouse Effect).

Giai đoạn 2010, tầm nhìn 2025, có một kế hoạch ra đời, đó là “Giấc mơ Yokohama 3R”, đặt mục tiêu đô thị bền vững lên hàng đầu, trong đó trọng tâm là giảm thiểu đáng kể lượng rác thải.

Vào tháng 3/2002, Trung tâm phân loại tài nguyên Kanazawa được khởi công xây dựng và nhanh chóng đi vào hoạt động, công suất xử lý ban đầu đạt 30 tấn/ngày. Trước đó, một nhà máy xử lý rác thải tiên tiến nhất của Yokohama (Nhà máy Kanazawa) đã đi vào hoạt động (năm 2001). Khi Trung tâm phân loại tài nguyên cùng Nhà máy xử lý rác thải hoạt động đồng bộ, một kế hoạch có tên gọi là “Yokohama G30”, chính thức ra đời. Và từ năm 2002 đến 2010, hai cơ sở này đã hoàn thành nhiệm vụ giảm thiểu 30% lượng rác thải (ứ đọng, chậm được xử lý) cho toàn thành phố Yokohama.

Từ Nhật, qua cầu truyền hình, chia sẻ kinh nghiệm của địa phương mình, ông Naganawa Shogo, Giám đốc, Bộ phận chương trình hợp tác, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA tại Tp.Yokohama nhấn mạnh rằng: Kinh nghiệm của vấn đề 3R, cũng như quản lý môi trường đô thị, quản lý chất thải, trong thực tế, không nằm chính quyền thành phố Yokohama. Mà nằm ở cấp chính quyền địa phương, ở các doanh nghiệp {dịch vụ} tư nhân và ở mô hình hợp tác Công – Tư.

Thành quả “Giấc mơ Yokohama 3R”, là bài học cho Đà Nẵng và các đô thị Việt Nam.

Ở những địa chỉ này, luôn có những bài học thực tế, những mô hình rất phù hợp trong thu gom, phân loại, tái chế để chia sẻ cho mọi cộng đồng khác. Đây là vấn đề mà cơ quan hữu trách Đà Nẵng cần hết sức lưu ý để xây dựng chính sách, hoạch định chiến lược bảo vệ môi trường cho địa phương mình.

Các chuyên gia Nhật cũng lưu ý “không thừa” rằng, các thách thức sức ép gia tăng dân số, tiến trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh, sẽ gia tăng sức ép về rác thải, chất thải, dẫn đến những vấn đề hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, làm cho thiên tai và các hiện tượng bất thường của thời tiết ngày một cực đoan hơn, chạm đến ngưỡng thảm họa.

Ngài Tanaka Akihisa, Phó Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, từng tổng kết trong một phiên tham vấn cho dự án này, rằng: “Kinh tế càng phát triển ở mức độ cao bao nhiêu, ô nhiễm môi trường cầng trầm trọng bấy nhiêu. Đây là lý do vì sao chúng ta phải kiểm soát, quản lý các nguồn thải.

Thực tế những năm qua đã cho thấy rất rõ: Thiên tai càng tàn phá nghiêm trọng, sự ổn định và tính bền vững càng bị đe dọa. Vì thế, quản lý chất thải rắn sinh hoạt tốt hơn, thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải, là cách để Đà Nẵng nói riêng – Việt Nam nói chung, phát triển bền vững, đóng góp cho những mục tiêu lớn toàn cầu, như không xả thải nhựa ra biển, không có điểm nóng ô nhiễm hủy hoại môi trường, không gây hiệu ứng xấu, làm trái đất nóng lên, hiện tượng nước biển dâng…

Đại diện Thành phố Yokohama và Ông Đặng Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, đã tặng quà cho nhau, kỷ niệm phiên hội thảo, đánh giá kết quả triển khai dự án (23/12/2024). Ảnh: T.Ngọc.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động doanh nghiệp Nhật Bản, nhất là doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải, tiếp tục đồng hành, giúp đỡ ở mức cao nhất cho Đà Nẵng.

Bởi Đà Nẵng là một đô thị điểm đến hấp dẫn về du lịch, thành phố cũng đặt lên hàng đầu mục tiêu xây dựng Thành phố Môi trường. Sắp tới, thành phố sẽ phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn …

Chúng tôi sẽ tăng cường mạng lưới đa bên giữa Đà Nẵng và Yokohama, cũng như cả Nhật Bản, để cùng nhau thực hiện thành công dự án bảo vệ môi trường. Coi đây là một chương trình hợp tác trọng điểm cấp địa phương rất, có ý nghĩa đống góp cho trong quan hệ hợp tác Việt Nam và Nhật Bản” – ông Terado Hirotsugu, Lãnh sự phụ trách kinh tế – văn hóa, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng, chia sẻ thêm.

Được biết, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của Việt Nam triển khai dự án “Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải – 3R” thông qua chương trình hợp tác chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất thải rắn đô thị của thành phố Yokohama (D-3RYM). /.
Trần Ngọc