Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hợp tác đưa sinh viên Đại học Đà Nẵng sang thực tập nghề và làm việc tại Úc



ĐNA -

Ngày 12/4/2023, Đại học Đà Nẵng cùng Tập đoàn Xuất khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG), Công ty Tư vấn Giáo dục và Hỗ trợ việc làm Response APAC (Úc) đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Một trong nhiều sự kiện có ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 50 năm Việt Nam và Úc thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).

Nghi thức ký kết có sự chứng kiến của lãnh đạo cấp cao các bên, đại diện Chi nhánh Đà Nẵng Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Úc tại Việt Nam, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư Đà Nẵng, …

Nghi thức ký kết hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng cùng Tập đoàn Xuất khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG), Công ty Tư vấn Giáo dục và Hỗ trợ việc làm Response APAC (Úc). Ảnh: T.N.

Nội dung hợp tác cho biết, các bên đồng ý cùng tham gia vào quy trình đào tạo, cung cấp giáo trình, huấn luyện nâng cao tay nghề, tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ (theo tiêu chuẩn ngành của Việt Nam và Úc), tạo cơ hội đế sinh viên (các cơ sở giáo dục thành viên Đại học Đà Nẵng), có đủ kỹ năng, trình độ phát triển việc làm tại Úc, thông qua hợp tác,

Để bảo đảm lộ trình tiềm năng cho ứng viên, đảm bảo ứng viên đáp ứng được nhu cầu của tổ chức sử dụng lao động; nội dung, chương trình đào tạo kỹ thuật, đào tạo ngành nghề được xác định sẽ sát với công việc và ngành nghề mà nhà tuyển dụng Úc đưa ra, cùng với những yêu cầu (tiêu chuẩn tuyển dụng) đặc thù khác.

Chương trình đào tạo cũng có thể được thực hiện linh hoạt một phần hoặc toàn bộ tại Úc và Việt Nam. Trong đó, chương trình triển khai nâng cao kỹ năng tại Việt Nam sẽ bao gồm: tiếng Anh chuyên ngành – làm quen với quy trình và thuật ngữ, kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng mềm. Công ty sử dụng lao động, có thể bổ sung thêm một số nội dung định hướng cụ thể (của công ty mình), cũng như các hướng dẫn (chương trình tiếp cận an toàn tại Úc) để ứng viên nắm bắt, có sự chuẩn bị tốt nhất.

Về ngành nghề, cụ thể bao gồm: Công nghệ thông tin; Kinh tế phát triển và Kinh doanh; Chế biến thực phẩm; Điều dưỡng; Kỹ sư và Khách sạn – Du lịch. Việc ưu tiên ngành nghề nào, sẽ căn cứ vào thực trạng thiếu hụt lao động (có kỹ năng tại Úc), cũng như điều kiện về thị thực.

Việc lựa chọn ứng viên và chính thức tuyển dụng, có 3 điều kiện mang yếu tố quyết định mà ứng viên phải đáp ứng: Yêu cầu về thị thực của Chính phủ Việt Nam và Úc, yêu cầu và tiêu chuẩn của nhà tuyển dụng.

Là một Đại học vùng trọng điểm quốc gia, trong chiến lược phát triển sẽ trở thành Đại học quốc gia; Đại học Đà Nẵng xác định sẽ tăng cường quốc tế hóa giáo dục tại các trường đại học thành viên, gia tăng hoạt động giao lưu học thuật và văn hóa quốc tế.

Các bạn sinh viên Lào đang học tập tại các trường thành viên Đại học Đà Nẵng cùng biểu diễn một làn điệu múa Lào (trong dịp Lễ hội Tết cổ truyền Bunpimay Lào 2566 vừa diễn ra tại Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng).Ảnh: T.N.

Phát biểu tại buổi ký kết, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học khẳng định: Với bề dày truyền thống hình thành và phát triển của các trường đại học thành viên gần 50 năm, Đại học Đà Nẵng đã đào tạo số lượng lớn đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế, các chuyên ngành xã hội và ngôn ngữ, nhà giáo, doanh nhân cho đất nước ; nhiều cựu sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh từ Đại học Đà Nẵng đã được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh dạo doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Đại học Đà Nẵng rất chú trọng đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, tối ưu hóa các nguồn lực phát triển bền vững. Đại học Đà Nẵng luôn xem Úc là đối tác quan trọng trong chiến lược hợp tác quốc tế. Hệ thống giáo dục và đào tạo Úc được đánh giá rất cao tại Việt Nam và các đại học Úc luôn nằm trong danh sách ưu tiên lựa chọn của nhiều cán bộ và giảng viên Đại học Đà Nẵng.

Cùng với đổi mới chương trình giảng dạy, chúng tôi khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp trong hợp tác nhà trường – doanh nghiệp, bởi đích đến của một đại học, không gì hơn là gắn kết đào tạo với nhu cầu xã hội, nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.

« Thành phố Đà Nẵng đang hướng đến thành lập một Trung tâm tài chính, và IPPG cũng chính là đối tác đang hỗ trợ Đà Nẵng trong việc thành lập Trung tâm với vị trí là một nhà đầu tư chiến lược, có khả năng thu hút nhiều nhà đầu tư khác cùng tham gia. Vấn đề đặt ra, là Đà Nẵng còn ít kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ngoài ra, ngay từ bây giờ cũng phải chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực.

Do vậy, nhân dịp này, tôi đề nghị IPPG tổ chức hoặc phối hợp tổ chức một hội nghị quốc tế bàn về mô hình Trung tâm tài chính Đà Nẵng với sự tham dự của nhiều chuyên gia quốc tế.

Đối với Công ty Tư vấn Giáo dục và Hỗ trợ việc làm Response APAC, mong nhận được hợp tác, giúp chúng tôi nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân công nghệ tài chính, trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng mà thực tiễn hoạt động tài chính rất cần đến.

Bên cạnh đó, giúp Đại học Đà Nẵng tạo môi trường, điều kiện tốt nhất cho sinh viên tìm việc làm sau tốt nghiệp, hoặc được thực tập nghề nghiệp tại Úc, góp phần nâng cao vị thế của học hiệu”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ đề nghị.

“Đại học Đà Nẵng là một trong những đối tác chiến lược mà chúng tôi đã lựa chọn và xác định rõ. Với thế mạnh của mình trong nghiên cứu, tư vấn đào tạo và phát triển; trong đó ưu tiên tập trung là giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát triển hệ thống tổ chức, chúng tôi sẽ chuyển giao những kinh nghiệm mà chúng tôi có được ở 10 quốc gia, trong suốt 30 năm hoạt động.

Thông qua hợp tác lần này, chúng tôi mang đến cho các bạn sinh viên những kiến thức, kỹ năng rất quan trọng, kể cả những kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị để từ làm quen đi đến thích nghi với môi trường làm việc tại Úc.

Dự báo tại Úc trong thời gian đến, nhu cầu về lao động làm việc trong các ngành thực phẩm, xây dựng, y tế, khách sạn, công nghệ thông tin sẽ rất cao. Đây rõ là cơ hội tốt cho lực lượng lao động trẻ Việt Nam”, ông Roderick Glass – Giám đốc Công ty Tư vấn Giáo dục và Hỗ trợ việc làm Response APAC, cho biết.

Phiên làm việc giữa Đại học Đà Nẵng với Tập đoàn Xuất khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) và Công ty Tư vấn Giáo dục và Hỗ trợ việc làm Response APAC (Úc), sáng nay 12/4/2023. Ảnh: T.N.

Ông Philip Nguyễn – Phó Chủ tịch IPPG, cũng đồng tình và cho rằng, đây là một cơ hội rất tốt về việc làm, khi tại Úc đang thiếu hụt lớn nguồn lực lao động, và cũng là cơ hội học hỏi thêm kinh nghiệm trong một môi trường quốc tế rất năng động. Cùng với các kỹ năng, kiến thức được trang bị, các bạn trẻ cần giữ gìn những đức tính rất đáng quý của người lao động Việt Nam, được thế giới thừa nhận, khi làm việc trong môi trường toàn cầu.

Chia sẻ thêm về cộng đồng trách nhiệm trong quan hệ hợp tác với thành phố Đà Nẵng nói chung, Đại học Đà Nẵng nói riêng, ông Philip Nguyễn kỳ vọng Đà Nẵng sẽ trở thành một “Cổng mở”, đón nhận tinh thần tìm đến hợp tác của nhiều doanh nghiệp quốc tế, nhiều chuyên gia quốc tế. Và IPPG sẽ có trách nhiệm kết nối.

Và để Đà Nẵng trở thành một “Cổng mở”, là một Trung tâm tài chính cho khu vực, thì không thể thiếu vai trò của giáo dục, của đào tạo, nhất là vai trò các trường đại học. Đà Nẵng đã và đang hội đủ nhiều yếu tố thuận lợi về tự nhiên, về con người, về điều kiện sống, để nâng cao thêm năng lực, Đà Nẵng cần tham vấn ý kiến các chuyên gia quốc tế, chú ý đầu tư nhiều hơn cho môi trường đào tạo, là hướng đi rất đúng đắn. Hợp tác hôm nay được ký kết, cũng không ngoài mục đích đóng góp cho sự phát triển bền vững của Đà Nẵng.

Nhân dịp này, Tập đoàn Xuất khẩu Liên Thái Bình Dương, Công ty Tư vấn Giáo dục và Hỗ trợ việc làm Response APAC đã tặng 6 học bổng (là học phí tham gia các khóa định hướng nghề nghiệp, ngôn ngữ, thực tập) cho 6 sinh viên đến từ các trường đại học thành viên Đại học Đà Nẵng./.

T.Ngọc