Thứ sáu, Tháng mười 4, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hợp tác với Ấn Độ, Nga đã đi trước phương Tây một bước tránh các lệnh trừng phạt

ĐNA -

Financial Times công bố cho thấy, Nga dường như đã lường trước được các mối nguy hiểm, âm thầm tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng các kế hoạch hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ ngay từ năm 2022. Trong bối cảnh khối BRICS ngày càng lớn mạnh và thúc đẩy phi USD hóa, phóng sự điều tra của FT chỉ ra rằng, hai thành viên lớn nhất của nhóm là Nga và Ấn Độ – đã sớm gây dựng các kênh giao dịch bí mật, như một giải pháp tạm thời né các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Moskva ngày 8/7. Ảnh: ANI

Theo thông tin từ FT, Nga đã bí mật mua hàng hóa nhạy cảm từ Ấn Độ và đã sớm tìm cách xây dựng các cơ sở tại quốc gia châu Á nhằm hỗ trợ cho chiến dịch quân sự. Các tài liệu cho thấy, Bộ Công nghiệp và thương mại Nga – cơ quan chịu trách nhiệm giám sát hoạt động sản xuất quốc phòng, đã lên các kế hoạch bí mật từ tháng 10/2022, chi khoảng 1 tỷ USD để mua các thiết bị điện tử quan trọng, thông qua các kênh không bị các chính phủ phương Tây giám sát.

Trong khi đó, các ngân hàng Nga đã tích được một “kho dự trữ đáng kể” bằng đồng Rupee thông qua việc bán dầu cho Ấn Độ. Bản kế hoạch nêu chi tiết việc sử dụng kho dự trữ này để tài trợ cho các hoạt động thương mại bí mật, nhằm sở hữu các loại hàng hóa quan trọng mà “trước đây vốn được cung cấp từ các quốc gia thù địch”.

Trong các tài liệu của FT, trọng tâm của hoạt động này là các công nghệ sử dụng kép – các mặt hàng có cả ứng dụng quân sự và dân sự – nằm trong danh sách bị kiểm soát trừng phạt. Ngoài ra, Moscow cũng đã có kế hoạch đầu tư vào các cơ sở sản xuất và phát triển thiết bị điện tử liên doanh Nga-Ấn Độ.

Không rõ có bao nhiêu hoạt động bí mật đã được thực hiện, nhưng dữ liệu chi tiết về dòng thương mại cho thấy mối quan hệ thương mại Ấn Độ-Nga đã “sâu sắc” hơn đáng kể, nhất là đối với các loại hàng hóa được nêu ở trên.

Trên trường quốc tế, Ấn Độ duy trì chính thức trạng thái trung lập và chính sách đối ngoại không liên kết, liên quan cuộc xung đột ở Ukraine. Điều này có thể giải thích, mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Nga vẫn được thiết lập, dù New Delhi đồng thời xây dựng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Mỹ và “bỏ qua” cảnh báo từ Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo rằng – “bất kỳ tổ chức tài chính nước ngoài nào làm ăn với cơ sở công nghiệp-quân sự của Nga đều có nguy cơ bị trừng phạt”.

Trên thực tế, Nga cung cấp hơn một nửa thiết bị quân sự của Ấn Độ, bao gồm xe tăng, vũ khí và máy bay chiến đấu với giá hợp lý hơn nhiều so với các loại vũ khí từ các nước phương Tây. Đây là yếu tố đặc biệt phù hợp với nhu cầu cấp bách của Ấn Độ, khi mối quan hệ giữa họ với một số nước láng giềng,  bao gồm cả thành viên BRICS là Trung Quốc vẫn đang làm “nóng” tình hình dọc theo biên giới tranh chấp.

Ấn Độ cũng là nước mua dầu thô lớn của Nga trong những năm gần đây bất chấp các lệnh trừng phạt, với tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt mức cao nhất mọi thời đại là 66 tỷ USD trong năm tài chính 2023-24. Con số này cao gấp 5 lần so với kim ngạch thương mại diễn ra trong năm trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đăck biệt tại Ukraine. Chính thông qua các hoạt động giao dịch này mà các ngân hàng Nga đã có được một lượng dự trữ Rupee rất lớn.

Một quan chức Nga được nhắc đến nhiều trong các tài liệu của FT là Phó giám đốc Bộ phận Điện tử vô tuyến của Bộ Công nghiệp và thương mại Alexander Gaponov. Tháng 10/2022, ông Gaponov được cho là đã liên hệ với Liên đoàn hoạt động Kinh tế đối ngoại và hợp tác liên quốc gia về công nghiệp – một tổ chức có trụ sở tại Moscow có quan hệ với các Cơ quan An ninh Nga – về kế hoạch mua các thành phần thiết bị quan trọng từ Ấn Độ. Do Nga phụ thuộc vào các thiết bị điện tử do nước ngoài sản xuất để sử dụng trong tên lửa, máy bay không người lái và chiến tranh điện tử.

Chy Lê