Chủ Nhật, Tháng 5 25, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Huế cần phát triển hệ thống bảo tàng để tương xứng với vị thế thành phố di sản



ĐNA -

Năm 2025, Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và đăng cai Năm Du lịch Quốc gia với chủ đề “Kinh đô xưa – Vận hội mới”. Trong bối cảnh đó, việc phát triển hệ thống bảo tàng trở nên cấp thiết. Hiện ngành Văn hóa Huế đang quản lý ba bảo tàng công lập: Bảo tàng Hồ Chí Minh Thành phố Huế, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Huế và Bảo tàng Mỹ thuật Huế đều có tính chuyên đề nhưng vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng so với tiềm năng văn hóa của cố đô.

Bảo tàng Hồ Chí Minh Huế.

Sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 về việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, đã có ý kiến đề xuất sáp nhập ba bảo tàng công lập của Huế nhằm giảm đầu mối quản lý, tiết kiệm nhân lực và kinh phí. Đề xuất này thoạt nghe có vẻ hợp lý, nhưng nếu nhìn trong tổng thể chiến lược phát triển văn hóa của Huế, lại bộc lộ nhiều bất cập. Việc gộp các bảo tàng chuyên đề vào một đơn vị hành chính không chỉ dễ làm lu mờ bản sắc riêng của từng bảo tàng, mà còn ảnh hưởng đến chiều sâu chuyên môn và gây khó khăn cho công chúng trong việc tiếp cận, trải nghiệm trưng bày.

Cần có cái nhìn toàn diện hơn để thấy rằng, trong khi một số địa phương nhỏ lựa chọn cắt giảm số lượng bảo tàng, thì các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng vẫn kiên định duy trì, thậm chí mở rộng hệ thống bảo tàng với cách làm chuyên nghiệp, hiện đại. Trong bối cảnh đó, “tinh gọn” không nên bị hiểu là “thu hẹp”, mà phải được xem là “tối ưu hóa” – nhằm phát huy tối đa vai trò của bảo tàng, không chỉ là nơi lưu giữ di sản mà còn là động lực thúc đẩy công nghiệp văn hóa và du lịch trải nghiệm.

Ở Huế, ba bảo tàng công lập hiện tại đều có vai trò không thể thay thế. Bảo tàng Hồ Chí Minh Thành phố Huế không chỉ là thiết chế mang tính chính trị, tư tưởng, mà còn có giá trị đặc biệt bởi gắn liền với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giai đoạn có ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình hình thành tư tưởng của Người. Đáng chú ý, 4 trong gần 20 di tích thuộc hệ thống này đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Bảo tàng Lịch sử thành phố Huế là nơi tái hiện tiến trình lịch sử – văn hóa hàng ngàn năm của vùng đất cố đô, từ thời tiền sử đến hiện đại. Trong khi đó, Bảo tàng Mỹ thuật Huế đóng vai trò cầu nối giữa nghệ thuật cung đình, mỹ thuật dân gian và nghệ thuật đương đại, với tiềm năng phát triển thành trung tâm sáng tạo và nghệ thuật thị giác hàng đầu khu vực miền Trung.

Bảo tàng Lịch sử thành phố hiện tiếp quản cơ sở cũ của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh nhưng chưa được đầu tư, cải tạo để sử dụng.

Sự tồn tại song song của ba bảo tàng này thể hiện một cấu trúc văn hóa đa chiều, trong đó mỗi bảo tàng có trọng tâm riêng, cách tiếp cận riêng và phục vụ những nhóm công chúng khác nhau. Nếu vì mục tiêu hành chính mà gộp chung lại, Huế có nguy cơ đánh mất sự đa dạn vốn là giá trị cốt lõi làm nên bản sắc của một thành phố văn hóa.

Ngược lại, điều Huế cần làm lúc này không phải là thu hẹp, mà là phát triển hệ thống bảo tàng theo hướng mở rộng – chuyên sâu – hội nhập. Với vị thế là “kinh đô di sản”, Huế sở hữu nguồn chất liệu văn hóa đặc biệt phong phú, đủ sức hình thành nên nhiều bảo tàng chuyên đề mới, phản ánh đầy đủ bản sắc đất và người nơi đây.

Trong số đó, có thể kể đến những định hướng giàu tiềm năng như: Bảo tàng Áo dài Huế – nơi tôn vinh quốc phục gắn liền với triều Nguyễn và dấu ấn cung đình; Bảo tàng Ca Huế – góp phần bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng của cố đô; Bảo tàng Tranh dân gian Huế – phục dựng, giới thiệu dòng tranh làng Sình và các loại hình tranh dân gian của Huế; hay Bảo tàng Nông cụ và văn hóa làng Huế – nơi lưu giữ ký ức nông nghiệp và nếp sống làng xã của một vùng đất hiền hòa, sâu lắng.

Không dừng lại ở hệ thống bảo tàng công lập, Huế cũng đang chứng kiến sự hình thành ngày càng rõ nét của hệ sinh thái bảo tàng tư nhân. Dù còn nhiều thách thức, nhưng đây chính là xu thế tất yếu trong thời đại xã hội hóa văn hóa. Nhiều cá nhân, gia đình, nhà sưu tập tâm huyết đã đầu tư xây dựng bảo tàng tư nhân mang dấu ấn riêng, góp phần làm phong phú thêm diện mạo văn hóa cố đô. Có thể kể đến Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương, Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu triều Nguyễn, Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Lê Phạm, hay Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – nơi lưu giữ hiện vật, tài liệu về một danh tướng nổi tiếng trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Sự phát triển của các bảo tàng tư nhân không hề đối lập với hệ thống công lập, mà bổ sung cho nhau, tạo nên một mạng lưới phong phú, đa dạng cả về nội dung lẫn hình thức trưng bày. Điều quan trọng là các cơ quan quản lý văn hóa cần có chính sách phù hợp, khuyến khích xã hội đầu tư vào lĩnh vực bảo tàng, hỗ trợ về đất đai, thuế, đào tạo nhân lực, chuyển đổi số… để các bảo tàng tư nhân phát triển bền vững, có định hướng và chuyên môn.

Một tín hiệu rất tích cực là trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Thành ủy Huế trình Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 – 2030, đã nêu rõ định hướng “đầu tư phát triển hệ thống bảo tàng thành phố, bảo tàng mỹ thuật và các bảo tàng chuyên đề”. Đây là bước khẳng định rõ ràng tầm quan trọng của bảo tàng trong chiến lược phát triển thành phố trên nền tảng văn hóa – di sản.

bảo tàng Mỹ thuật Huế.

Bên cạnh đó, Huế cũng cần mạnh dạn tiếp cận các công nghệ mới trong hoạt động bảo tàng: trưng bày tương tác, thực tế ảo (VR), tích hợp ứng dụng số, triển lãm trực tuyến… Đồng thời, kết nối bảo tàng với du lịch, giáo dục, nghệ thuật đường phố và công nghiệp sáng tạo để bảo tàng trở thành không gian sống động, thân thiện và hấp dẫn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Việc phát triển hệ thống bảo tàng không chỉ là câu chuyện về văn hóa hay giáo dục, mà còn là một phần trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Bảo tàng có thể trở thành điểm đến du lịch độc đáo, là nơi kích hoạt sáng tạo và kết nối cộng đồng. Với Huế, nơi mỗi con đường đều gắn với một di tích, mỗi dòng sông, lũy tre đều mang theo huyền tích, thì bảo tàng không chỉ lưu giữ ký ức mà còn là cách để kể lại câu chuyện của vùng đất bằng những ngôn ngữ hiện đại.

Trong hành trình kiến tạo tương lai, việc giữ gìn bản sắc và phát huy di sản là điều kiện tiên quyết để Huế không bị hòa tan trong dòng chảy phát triển, mà khẳng định vị thế là trung tâm văn hóa – du lịch đặc sắc của khu vực và thế giới. Phát triển hệ thống bảo tàng, xét đến cùng, chính là bước đi mang tính chiến lược, thể hiện tầm nhìn dài hạn và sự đầu tư đúng hướng cho tương lai của một thành phố di sản. /.

Thế Nguyễn