Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Huế nhìn từ trên cao

ĐNA -

Có rất nhiều cách để tiếp cận và cảm nhận về Huế, nhưng chắc chắn bạn sẽ rất ngạc nhiên và cảm thấy thú vị khi ngắm Huế từ trên cao. Huế, cố đô cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam, di sản văn hóa thế giới thật đẹp, thật duyên dáng và xứng danh là đô thị di sản.

Kinh thành Huế nhìn từ trên cao.

Cổ nhân thật tài tình khi chọn vùng đất nằm ở trung tâm lưu vực sông Hương để kiến tạo nên một đô thị tuyệt vời, cứ như là sự sắp đặt của tạo hóa vậy. Ngắm Huế tổng quan từ trên cao ta sẽ có cảm giác nếu không có đô thị ấy thì sông Hương không thể đẹp và thơ mộng như vậy và dĩ nhiên, nếu không có sông Hương thì cũng không thể có đô thị xinh đẹp này.

Miền lăng tẩm đàn Miếu ở phía tây gắn với núi non trùng điệp và rừng đại ngàn được kết nối vô cùng khéo léo với kinh thành ở phía đông, nơi trung tâm của đồng bằng, các dòng sông, kênh rạch tụ hội về dâng tràn vượng khí. Huế là đô thị duy nhất của Việt Nam có lối quy hoạch cân bằng âm dương, có đô thị dành cho người sống và vùng đất dành cho thế giới tâm linh mà sông Hương là sợi dây kết nối.

Từ đầu nguồn sông Hương, dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ, quần thể lăng tẩm của các vua chúa nhà Nguyễn ẩn hiện trong màu xanh ngút ngàn của cây lá, của sắc nước, mây trời. Lăng Gia Long đơn giản mà hoành tráng với 36 ngọn núi lớn nhỏ vây quanh. Đây là khu lăng tẩm ít ai hình dung được có quy hoạch nguyên thủy rộng đến hơn 2.800ha, là một trong những khu lăng hoàng đế có quy mô lớn nhất trên thế giới. Lăng Minh Mạng nằm bên ngã ba Bằng Lãng, nơi hai nguồn chính của sông Hương là dòng Tả Trạch và Hữu Trạch gặp nhau, thực sự là một tác phẩm kiến trúc tuyệt vời bởi sự cân xứng, hài hòa và vô cùng cuốn hút. Rồi tiếp đến là lăng Thiệu Trị với mênh mang hồ nước, rừng thông và những đồng ruộng, thôn xóm vây quanh. Ở phía bên này đồi Vọng Cảnh, cụm lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh, lăng Kiên Thái Vương tựa như những khu vườn cảnh tuyệt đẹp chỉ có trong truyền thuyết.

Nằm sát bờ sông, điện Hòn Chén, Văn Miếu, chùa Thiên Mụ… là những điểm nhấn tuyệt khéo về kiến trúc mà người xưa đã tinh tế tìm ra và xây dựng nên.

Từ ngã ba Bằng Lãng về đến biển, dòng Hương Giang chậm rãi, nhẹ nhàng uốn lượn giữa những làng mạc, thôn xóm, vườn cây, giữa những đền đài, thành quách cổ kính và cả một đô thị mới đầy sức trẻ. Kinh thành Huế nằm sát bờ bắc sông Hương, bốn bề đều có sông nước bao bọc theo thế “tứ thủy triều quy”, có trục dũng đạo thẳng tắp xuyên suốt từ trung tâm của Hoàng thành đến Kỳ Đài, Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình và núi Ngự Bình ở phía nam.

Huế là thành phố của áo dài, xe đạp và sống chậm.

Trải qua hơn 200 năm với bao biến động lịch sử, thành quách cổ kính, cung điện vàng son, đền miếu trầm mặc vẫn còn được bảo tồn, gìn giữ gần như nguyên vẹn. Xen lẫn trong phố xá, nhà cửa của dân cư xây dựng theo lối mới, khi dày đặc, khi điểm xuyết thấp thoáng là các phủ đệ, dinh thự, nhà vườn của giới quý tộc, thân vương hay những dòng họ giàu có của kinh đô xưa. Đó là những bảo tàng thu nhỏ về kiến trúc, mỹ thuật truyền thống, là nơi gìn giữ, bảo tồn những phong tục tập quán và lối sống rất đặc trưng của người Huế.

Sông Hương chảy vào giữa lòng thành phố. “Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”.

Ngắm Huế từ trên cao mới thấy hết vẻ đẹp hài hòa, tự nhiên của cố đô. Miền lăng tẩm đàn miếu ở phía tây gắn với núi non trùng điệp và rừng đại ngàn được kết nối vô cùng khéo léo với kinh thành ở son, đền miếu trầm mặc vẫn còn được bảo tồn, gìn giữ gần như nguyên vẹn.

Nét Huế xưa.

Xen lẫn trong phố xá, nhà cửa của dân cư xây dựng theo lối mới, khi dày đặc, khi điểm xuyết thấp thoáng là các phủ đệ, dinh thự, nhà vườn của giới quý tộc, thân vương hay những dòng họ giàu có của kinh đô xưa. Đó là những bảo tàng thu nhỏ về kiến trúc, mỹ thuật truyền thống, là nơi gìn giữ, bảo tồn những phong tục tập quán và lối sống rất đặc trưng của người Huế.

Thành phố Huế của những sắc màu. Là vùng đất của sự duyên dáng, hạnh phúc và bình yên.

Ngắm Huế từ trên cao mới thấy hết vẻ đẹp hài hòa, tự nhiên của cố đô. Miền lăng tẩm đàn miếu ở phía tây gắn với núi non trùng điệp và rừng đại ngàn được kết nối vô cùng khéo léo với kinh thành ở nhiều dòng sông. Cửa Thuận An, cửa Tư Hiền là những con đường nối thông từ thủ phủ/kinh đô Phú Xuân- Huế ra biển lớn, gắn bó chặt chẽ với cảng quốc tế Hội An, cảng Đà Nẵng; và đó cũng là những địa danh gắn liền với bao sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc trong hàng trăm năm lịch sử.

Chính trong thời kỳ Huế đóng vai trò là kinh đô, Việt Nam đã khẳng định chủ quyền của mình trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cùng vô số đảo gần bờ suốt từ vịnh Bắc Bộ đến vịnh Thái Lan…

Ngắm Huế từ trên cao mới thực sự hiểu được trọn vẹn lời bài hát “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được…”

Bài: TS. Phan Thanh Hải/Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ảnh: Tư liệu Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Lê Thế Thắng