Trong không khí sục sôi của tháng Tư lịch sử, khi cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), một đoàn quân đặc biệt từ cố đô Huế đang lên đường “tiến về Sài Gòn” – không phải bằng súng đạn, mà bằng lời ca, tiếng hát, những giai điệu và sắc màu văn hóa nghệ thuật đặc trưng của vùng đất di sản.
Đoàn nghệ thuật của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Huế gồm gần 30 đạo diễn, ca sĩ, diễn viên, nhạc công và kỹ thuật viên của Nhà hát Ca kịch Huế sẽ tham gia hỗ trợ Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác tổ chức các chương trình nghệ thuật chào mừng đại lễ. Đây không chỉ là sự góp sức chuyên môn, mà còn là nhịp cầu văn hóa gắn kết hai thành phố giàu truyền thống cách mạng và văn hóa, cùng hòa chung nhịp đập tự hào của dân tộc trong ngày hội thống nhất.
Một hành trình của nghĩa tình!
Không chỉ đơn thuần là sự phối hợp về chuyên môn, chuyến đi lần này của đoàn Huế mang một ý nghĩa thiêng liêng: biểu tượng sống động cho tình cảm gắn bó keo sơn giữa ba thành phố đại diện cho ba miền – Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Mối gắn kết này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân khơi nguồn và vun đắp với câu nói đầy cảm hứng: “Hà Nội – Huế – Sài Gòn là cây một cội, là con một nhà.”
65 năm kể từ ngày Người phát động tinh thần hợp tác, đoàn kết giữa ba thành phố trọng yếu của đất nước, Huế hôm nay tiếp tục nối dài sợi dây ân tình đó bằng hành động cụ thể, thiết thực: mang tài năng, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao nhất vào Nam, sát cánh cùng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc, lan tỏa tinh thần đại đoàn kết dân tộc và khí thế hào hùng của ngày non sông sum họp.
Đoàn nghệ thuật do Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Huế trực tiếp dẫn đầu không chỉ gồm những gương mặt kỳ cựu của sân khấu nghệ thuật Huế mà còn có những nghệ sĩ trẻ tài năng, những đại diện tiêu biểu cho sức sống văn hóa mới của Cố đô trong thời kỳ hội nhập. Với họ, chuyến đi lần này không đơn thuần là công tác chuyên môn, mà là một “cuộc hành quân tinh thần”, nơi mỗi tiết mục trình diễn, mỗi âm thanh cất lên đều mang theo niềm tự hào của người con xứ Huế góp sức vào đại lễ của cả nước.
Chuyến đi mang cả tình sâu nghĩa nặng giữa Huế và Thành phố Hồ Chí Minh
Đặc biệt, các tiết mục mà đoàn mang vào Thành phố Hồ Chí Minh có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất liệu truyền thống của dân ca và ca kịch Huế với hơi thở đương đại, nhằm kể lại những câu chuyện hào hùng của dân tộc trong hành trình đấu tranh vì độc lập, thống nhất. Không gian biểu diễn tại sân khấu đường hoa Nguyễn Huệ cũng chính là nơi giao hòa của quá khứ và hiện tại, nơi Huế góp phần dựng nên khúc khải hoàn ca chung của đất nước.
Trong suốt nửa thế kỷ qua, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh luôn là những người bạn, người anh em đồng hành cùng nhau trong mọi chặng đường phát triển văn hóa – nghệ thuật. Hai thành phố đã có vô số cuộc giao lưu, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, từ việc chia sẻ kinh nghiệm tổ chức Festival Huế, Lễ hội áo dài, đến hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hóa, tổ chức trưng bày, triển lãm, biểu diễn lưu động…
Lần này, trong dấu mốc vàng son của 50 năm thống nhất và 65 năm gắn bó, Huế tiếp tục thể hiện vai trò “người bạn thủy chung” đầy trách nhiệm. Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Huế xác định rõ: đây không chỉ là chuyến công tác, mà là sự dấn thân vì tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, vì nghĩa tình ruột thịt giữa các vùng đất từng chia cắt bởi chiến tranh, nay đã trọn vẹn trong một dải đất hình chữ S độc lập – hòa bình – phát triển.
Đó là sự gắn kết hôm nay để tiếp nối ngày mai!
Chuyến “tiến quân” vào Thành phố Hồ Chí Minh lần này của Huế cũng là một dấu ấn mới trong hành trình phát triển văn hóa – nghệ thuật của địa phương trong năm 2025 đầy sôi động: Huế là Thủ phủ Festival, là Thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên lấy văn hóa, di sản là nền tảng để phát triển, là đơn vị đăng cai Năm Du lịch Quốc gia và đại diện Việt Nam tham dự Triển lãm Expo Osaka, Nhật Bản.
Từ một trung tâm văn hóa truyền thống, Huế đang từng bước khẳng định vị thế là điểm sáng của sáng tạo văn hóa, nơi hội tụ của những giá trị dân tộc, hiện đại và hội nhập quốc tế. Và hơn hết, Huế luôn sẵn sàng đồng hành, chia sẻ nguồn lực với các địa phương khác – như một sứ giả văn hóa vì cả nước.
Chuyến đi này chính là để đáp lại lời hẹn trong mùa thống nhất!
Có thể nói, việc Huế “tiến về Sài Gòn” bằng âm nhạc, vũ điệu và ánh sáng chính là cách thể hiện đầy xúc động và cụ thể nhất cho lời hẹn năm xưa của Bác Hồ về mối giao hòa ba miền. Trong âm vang của các bản trường ca cách mạng, giữa sân khấu rực rỡ của lễ hội nghệ thuật, những người nghệ sĩ từ Huế sẽ góp phần thắp lên ánh sáng của niềm tin, niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước.
Ở đó, nghệ thuật không còn là một lĩnh vực chuyên môn khô khan, mà trở thành nhịp cầu nối quá khứ và hiện tại, truyền thống và hiện đại, Huế và Sài Gòn – hai mảnh ghép nghĩa tình trong bản đồ tâm hồn Việt.
Hương Bình