Chủ Nhật, Tháng 5 25, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Huế và bài toán thiết chế văn hóa – thể thao: Đánh thức nguồn lực tiềm ẩn của một đô thị di sản



ĐNA -

Là vùng đất kết tinh hài hòa giữa chiều sâu lịch sử, bản sắc văn hóa và giá trị nhân văn đặc sắc, thành phố Huế từ lâu đã khẳng định vị thế là một trong những trung tâm văn hóa – du lịch hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, để hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững, sáng tạo và hội nhập, Huế đang đứng trước yêu cầu cấp thiết về một hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao hiện đại, đồng bộ, đủ năng lực phục vụ cả cộng đồng dân cư và du khách. Việc thiếu hụt nghiêm trọng các công trình quy mô lớn tại trung tâm cũng như cơ sở hạ tầng văn hóa cấp cơ sở đang trở thành “điểm nghẽn”, kìm hãm quá trình chuyển hóa các giá trị văn hóa – di sản thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh khánh thành ngày 7/4/2012. Nhà văn hóa được xây dựng tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bức tranh hiện tại: Những khoảng trống đáng lo ngại
Mặc dù là vùng đất có chiều sâu về văn hóa, hiện nay hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao tại thành phố Huế vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cả về số lượng lẫn chất lượng. Thành phố chưa có nhà hát, trung tâm triển lãm, trung tâm hội nghị quốc tế hay bảo tàng hiện đại tương xứng với vai trò là đô thị di sản, kinh đô văn hóa của quốc gia hay “một trong những trung tâm văn hoá lớn và đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á như mục tiêu của Nghị quyết 04-NQ/TU (ngày 24/5/2021). Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh và một số bảo tàng hiện hữu chỉ mang tính chất cơ bản, quy mô nhỏ, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Ở cấp cơ sở, tình hình càng đáng lo ngại hơn. Nhiều phường, xã thiếu nhà văn hóa, trung tâm thể thao hoặc có nhưng cơ sở vật chất xuống cấp, hoạt động mờ nhạt, không thu hút được người dân. Đặc biệt, tại các khu dân cư mới hoặc vùng ven, tình trạng “trắng thiết chế” vẫn còn tồn tại. Các thiết chế thể thao như sân vận động, nhà thi đấu, bể bơi công cộng… không nhiều, lại phân bố không đều, gây khó khăn cho việc phát triển thể chất, nâng cao đời sống tinh thần người dân.

Những nguyên nhân mang tính hệ thống
Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan, trong đó những nguyên nhân chủ quan mang tính hệ thống và lâu dài cần được phân tích sâu sắc.

Trước hết là nhận thức chưa đầy đủ và thiếu nhất quán về vai trò của thiết chế văn hóa – thể thao trong chiến lược phát triển. Trong một thời gian dài, nhiều cấp quản lý địa phương vẫn xem việc đầu tư vào thiết chế văn hóa – thể thao là “gánh nặng ngân sách” hoặc “hạng mục phụ trợ”, thay vì nhìn nhận đây là nền tảng thiết yếu để nuôi dưỡng bản sắc đô thị, kích hoạt tiềm năng sáng tạo, tạo lập môi trường sống chất lượng và phát triển kinh tế dựa trên văn hóa. Quan niệm cũ kỹ và khuôn mẫu đã khiến không ít quy hoạch đô thị thiếu sự ưu tiên cho các không gian văn hóa cộng đồng, thiết chế công cộng, dẫn đến “thiếu đất – thiếu tiền – thiếu chính sách” để đầu tư một cách bài bản.

Tiếp theo là chưa có cơ chế hiệu quả để huy động nguồn lực xã hội hóa. Trong khi ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, việc kêu gọi doanh nghiệp, cộng đồng và người dân tham gia xây dựng thiết chế văn hóa – thể thao lại chưa thành công, do thiếu chính sách khuyến khích, thiếu mô hình hợp tác công – tư hiệu quả, và đặc biệt là thiếu niềm tin rằng đầu tư vào văn hóa sẽ mang lại lợi ích kinh tế bền vững.

Một nguyên nhân quan trọng khác là tư duy phát triển chưa coi văn hóa và thể thao là ngành kinh tế. Ở nhiều nơi, du lịch vẫn bị tách rời khỏi văn hóa; thể thao chỉ được xem như phong trào rèn luyện sức khỏe, chưa phải là lĩnh vực có thể đóng góp vào tăng trưởng kinh tế hoặc tạo ra sản phẩm – dịch vụ chuyên nghiệp, thu hút nguồn thu lớn. Hệ quả là những thiết chế gắn với sáng tạo, biểu diễn, trình diễn, giải trí, thể thao cộng đồng… không được quan tâm đầu tư đúng mức.

Bảo tàng Lịch sử thành phố hiện tiếp quản cơ sở cũ của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh nhưng chưa được đầu tư, cải tạo để sử dụng.

Những ảnh hưởng mang tính cản trở phát triển
Sự thiếu hụt thiết chế văn hóa – thể thao đã và đang tác động tiêu cực đến cả ba lĩnh vực: văn hóa – giáo dục, phát triển du lịch, và chất lượng sống đô thị.

Trước hết, việc thiếu không gian văn hóa – sáng tạo, thể thao cộng đồng đã hạn chế khả năng giáo dục thẩm mỹ, nuôi dưỡng bản sắc, thúc đẩy phong trào văn hóa – thể thao tại chỗ. Không gian cho các hoạt động nghệ thuật đương đại, trình diễn dân gian, giao lưu quốc tế hay các cuộc thi, sự kiện thể thao quy mô lớn đều không nhiều, khiến Huế – dù là một thương hiệu mạnh về văn hoá và di sản – lại trở nên rất “khiêm tốn” khi so sánh với các thành phố năng động khác như Đà Nẵng, Bà Rịa- Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Đối với du lịch, thiếu thiết chế văn hóa – thể thao khiến sản phẩm du lịch Huế chưa đa dạng, trải nghiệm của du khách chưa đủ chiều sâu và chiều rộng. Các tour chủ yếu xoay quanh tham quan di tích, chùa chiền, thiếu các chương trình biểu diễn chuyên nghiệp, hoạt động giải trí ban đêm, sự kiện thể thao – văn hóa kết nối cộng đồng. Du khách đến Huế vì hoài niệm, nhưng rời đi trong tĩnh lặng, thiếu dấu ấn văn hóa sống động.

Mặt khác, đời sống tinh thần và thể chất của người dân bị ảnh hưởng rõ nét. Thanh thiếu niên thiếu sân chơi, người cao tuổi thiếu không gian sinh hoạt văn hoá- thể thao cộng đồng, người dân ít có điều kiện tiếp cận các loại hình văn hóa mới, dẫn đến nguy cơ “già hóa văn hóa”, thiếu năng lượng sáng tạo trong cộng đồng.

Giải pháp: Đánh thức tiềm năng, chuyển hóa nguồn lực
Để khắc phục những hạn chế trên, trước hết cần thay đổi tư duy phát triển, nhìn nhận văn hóa – thể thao như những ngành kinh tế mềm, có khả năng tạo ra giá trị gia tăng, việc làm, thu nhập, hình ảnh đô thị và bản sắc địa phương. Huế cần mạnh dạn xác lập chiến lược “đầu tư vào thiết chế là đầu tư vào tương lai” và đưa nội dung này trở thành một trụ cột trong quy hoạch đô thị và chương trình phát triển bền vững.

Thứ hai, xây dựng quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao đồng bộ, phân bố hợp lý từ trung tâm đến cơ sở. Cần ưu tiên các công trình trọng điểm như Nhà hát trung tâm, Bảo tàng di sản đương đại, Trung tâm sáng tạo văn hóa, Khu thể thao đa năng… tại trung tâm thành phố, đồng thời củng cố mạng lưới nhà văn hóa, thư viện, sân vận động nhỏ tại cấp phường, xã.

Thứ ba, huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa, thông qua chính sách ưu đãi đầu tư, quỹ phát triển văn hóa – thể thao, các mô hình hợp tác công – tư, các cuộc thi thiết kế và vận hành không gian văn hóa – thể thao do cộng đồng khởi xướng.

Cuối cùng, cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực văn hóa – thể thao chuyên nghiệp, gắn kết với giáo dục nghệ thuật và phát triển khán giả. Một thành phố di sản không chỉ cần những công trình đẹp, mà còn cần con người đủ tri thức, kỹ năng và tình yêu để vận hành, sáng tạo và lan tỏa giá trị văn hóa.

Huế đang đứng trước những cơ hội bứt phá khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là địa phương chủ trì Năm Du lịch Quốc gia 2025 và đại diện Việt Nam tham gia các sự kiện quốc tế như Expo Osaka 2025. Tuy nhiên, nếu không kịp thời đầu tư xây dựng một hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao hiện đại, đồng bộ và tương xứng với tiềm năng, những lợi thế quý giá ấy có thể bị bỏ lỡ. Đã đến lúc Huế cần mạnh dạn chuyển hóa các giá trị di sản thành nguồn lực phát triển mới, tạo đà khẳng định vai trò là trung tâm văn hóa – sáng tạo – thể thao – du lịch mang tầm khu vực và quốc tế.

Thế Nguyễn