Thứ năm, Tháng mười một 7, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Huế vị thế, vai trò của một trung tâm lớn trong lịch sử dân tộc và trong thời đại mới

ĐNA -

Trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, Huế đã đóng góp một phần rất quan trọng và luôn giữ vị thế là một trong những trung tâm lớn của Việt Nam. Đánh giá đúng điều này sẽ giúp cho việc nhìn nhận lịch sử phát triển của dân tộc khách quan và công bằng hơn, từ đó sẽ có những chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho các trung tâm phát triển và phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình.

Bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ vẽ thời Minh Mạng cho thấy lãnh thổ nước Đại Nam rộng lớn bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là thời kỳ Huế là kinh đô đất nước.

Từ cái nôi đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Nghệ, trong suốt 1.000 năm qua văn minh Việt đã không ngừng được chuyển tải mạnh mẽ về phương Nam thông qua trung tâm Phú Xuân-Huế để rồi sau đó hình thành một trung tâm khác ở Nam Bộ, đó là Sài Gòn-Gia Định. Bởi vậy, trong nghìn năm phát triển của Thăng Long-Hà Nội và của đất nước, Huế đã đóng góp một phần rất quan trọng và luôn giữ vị thế rất đặc biệt. Từ một vùng đất biên viễn nổi danh là chốn “Ô châu ác địa” (trong các thế kỷ XIV-XV), Huế đã trở thành một trung tâm mới trong quá trình Nam tiến và chuyển tải văn hóa Việt về phương Nam (các thế kỷ XVI-XVIII), rồi trở thành kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới hai triều đại Tây Sơn và triều Nguyễn (Từ 1788 – 1945).

Chính trong quá trình ấy, Huế đã góp phần rất quan trọng trong việc phát triển đất nước về mọi mặt; tạo ra một trung tâm mới ở phía nam: Sài Gòn-Gia Định; đưa Việt Nam hội nhập vào Đông Nam Á và thế giới; nâng cao vị thế của dân tộc, đưa Thăng Long-Hà Nội lên một vị thế mới sau khi trao chuyển vai trò kinh đô. Đó cũng là quá trình quốc gia Đại Việt thực sự trở thành nước Việt Nam, Đại Nam, rồi nước Việt Nam mới với những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bởi vậy, có thể khẳng định Huế là một phần rất quan trọng trong lịch sử dân tộc, và cũng là phần không thể thiếu trong mối tương quan giữa ba trung tâm lớn của đất nước: Hà Nội – Huế – Sài Gòn.

Ngày nay, Huế vẫn đang giữ vị thế một trung tâm văn hóa, di sản hàng đầu đất nước với 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận và vinh danh. Huế đã hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành Thành phố trực thuộc trung ương nhưng theo một mô hình rất khác các thành phố lớn của Việt Nam. Mô hình đó đang thể hiện sự kế thừa xuất sắc các di sản lịch sử và phù hợp nhất để thực hiện trọng trách bảo tồn, phát huy những di sản vô giá mà đất nước đã giao phó.

Kinh thành Huế thời Nguyễn và Đô thành Phú Xuân thời chúa Nguyễn đều tọa lạc ở vị trí đắc địa, hội tụ đầy đủ các yếu tố phong thủy theo quan niệm phương Đông.

Huế với vị thế một trung tâm lớn của đất nước trong lịch sử
Từ vùng biên viễn đến thủ phủ đầu não của Đàng Trong
Huế là trung tâm của vùng đất Thuận Hóa (tên cũ là hai châu Ô-Lý/Rí) trở về với người Việt từ năm 1306, sau cuộc hôn nhân chính trị giữa công chúa Huyền Trân nhà Trần với vua Chế Mân của Champa. Nhưng hàng thế kỷ sau Thuận Hóa vẫn là vùng biên viễn, nơi thường xuyên diễn ra các cuộc tranh chấp ác liệt giữa hai quốc gia Champa- Đại Việt, tranh chấp giữa nhà Hậu Trần với quân Minh, giữa quân khởi nghĩa Lê Lợi với quân Minh… Chính vì vậy, trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi vẫn xem đất Thuận Hóa là “bức phên dậu thứ 4” của Đại Việt (1) với hàm nghĩa là vùng đất biên thùy hiểm yếu cần trấn giữ.

Sau cuộc Nam chinh quyết định của Lê Thánh Tông năm 1471, biên giới Đại Việt đã được đẩy tới chân núi Đá Bia (Thạch Bi sơn). Toàn bộ vùng đất từ đây ra đến bờ nam sông Thu Bồn đều thuộc về trấn Quảng Nam. Thêm gần một trăm năm nữa trôi qua tính đến khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, năm 1558, miền Thuận-Quảng dù đã được khai phá nhiều nhưng vẫn là vùng đất mới đầy biến động phức tạp. Tuy đã thuộc về Đại Việt hơn 250 năm nhưng đây vẫn được xem là vùng đất xa xôi, nổi tiếng là xứ “Ô châu ác địa”, nền kinh tế lạc hậu và trì trệ, chủ yếu dựa vào nông nghiệp và khai thác lâm thổ sản tự nhiên.

Vì vậy, xứ Thuận Hóa, dù đã trở về với người Việt từ năm 1306 mà đến giữa thế kỷ XVI, Dương Văn An vẫn gọi đây là đất Ô Châu (vốn mang hàm nghĩa là chốn ác địa). Vùng đất mới còn hết sức phức tạp bởi sự khác biệt có khi đến mức đối lập giữa các yếu tố văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt và các dân tộc bản địa. Thêm nữa, vùng đất này mới được thu phục lại từ tay nhà Mạc, nên lòng người vẫn chưa quy phục. Còn ở bên kia đèo Hải Vân, đất Quảng Nam lại càng là vùng đất mới, sự quản lý của chính quyền nhà Lê đối với vùng đất này vốn đã khá lơi lỏng, đến thời Lê Trung Hưng, sau khi giành lại từ tay họ Mạc, việc quản lý lại càng lơi lỏng hơn (2). Mọi chuyện chỉ thay đổi sau khi xuất hiện chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Từ một vùng biên viễn, Huế đã trở thành một trung tâm mới ở phía Nam đất nước, và việc xuất hiện trung tâm Phú Xuân- Huế gắn liền với sự phát triển của dòng họ Nguyễn.

Tháng 10 năm Mậu Ngọ (1558), Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, khởi đầu đóng dinh ở xã Ái Tử, huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong (nay là thị trấn Ái Tử, Quảng Trị). Cùng đi với ông có cả đoàn tùy tùng hơn ngàn người đều là nghĩa dũng hai xứ Thanh-Nghệ . Uy tín và tài đức đã giúp ông quy tập về dưới trướng nhiều tướng giỏi, xuất thân đa dạng, họ đã hết lòng cùng nhau mưu tính để xây dựng cơ nghiệp trên miền đất mới (3).

Để thuần hóa đất dữ Ô Châu trong buổi ban đầu vô cùng gian nan, Nguyễn Hoàng đã sử dụng chính sách “vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng..” . Chính quyền được xây dựng theo kiểu thể chế quân sự của ông có kỷ luật rất nghiêm minh, chưa từng xâm hại đến lợi ích dân chúng. Đường lối chính sự khoan hòa, rộng rãi đó đã khiến các tầng lớp dân chúng đều tin yêu, khâm phục và thường gọi (ông) là chúa Tiên. Đạt được “nhân hòa” thì mọi chuyện trở nên thuận lợi. Nguyễn Hoàng đã lần lượt dẹp yên các cuộc chống đối trong xứ và đánh tan các lần tấn công xâm nhập của các thế lực thù địch (4). Nội bộ thống nhất, bên ngoài yên tĩnh, Thuận Hóa mới sau hơn 10 năm kể từ ngày có Tiên chúa thì “nhân dân đều an cư lạc nghiệp. Chợ không bán hai giá, không có trộm cướp, thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở nên một nơi đô hội lớn” (5) .

Những Bảo vật quốc gia Việt Nam- Kim bảo ngọc tỷ của triều Nguyễn

Từ năm 1570, Nguyễn Hoàng kiêm quản thêm đất Quảng Nam, với chiếc ấn Tổng trấn nhị trấn Thuận-Quảng, uy tín, quyền lực của ông càng tăng lên gấp bội. Từ đây, ý đồ lánh nạn ở đất Thuận Hóa ban đầu của Nguyễn Hoàng đã chuyển thành mưu đồ cát cứ cả miền Thuận Quảng phương Nam. Ông càng chăm lo xây dựng phát triển đất Thuận Quảng để thực hiện giấc mộng bá vương. Lực lượng quân đội được củng cố, quân lệnh thêm nghiêm minh; kinh tế Thuận Quảng ngày càng phồn thịnh nhờ các chính sách khoan hòa rộng mở, đặc biệt là các chính sách phát triển ngoại thương; đời sống văn hóa, tư tưởng trong xứ cũng rất ổn định nhờ chính sách hòa nhập văn hóa và phát triển đạo Phật (6). Mặt khác, công cuộc Nam tiến để mở rộng bờ cõi lại được đẩy mạnh, đến năm 1611, bằng một cuộc tấn công quân sự, đất Quảng Nam đã bao gồm toàn bộ phần đất tỉnh Phú Yên ngày nay (7).

Với hơn nửa thế kỷ cai trị đất Thuận Quảng (1558-1613), Nguyễn Hoàng đã đạt được những thành công rực rỡ. Rõ ràng là: “đất Thuận Quảng đã mang lại cho Nguyễn Hoàng một thế đứng chính trị, một chỗ dựa xã hội vững chắc, một khả năng kinh tế dồi dào và những võ công oanh liệt. Đó là những điều kiện đủ để “xây dựng cơ nghiệp muôn đời” (8).

Điện Kiến Trung, một công trình kiến trúc quy mô lớn bị tàn phá trong chiến tranh đã được Huế phục hồi thành công đầu năm 2024

Kế thừa di sản chính trị cùng những tâm nguyện của cha, Nguyễn Phúc Nguyên, người trước đó đã có quá trình hơn 10 năm thực tập chính trị xuất sắc trên cương vị Trấn thủ dinh Quảng Nam đã quyết tâm biến ý đồ trên thành hiện thực. Những cải cách mạnh mẽ của ông như sửa sang thành lũy, đặt quan ải, bãi bỏ hệ thống quan chức cũ theo thể chế nhà Lê và thực hiện cải tổ chính quyền các cấp, khuyến khích phát triển ngoại thương, vỗ về quân dân… đã đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội vùng Thuận Quảng. Thế đất Thuận Quảng ngày càng mạnh, kinh tế phồn thịnh, xã hội bình ổn (9).

Thế nhưng mâu thuẩn giữa hai họ Trịnh-Nguyễn lại càng trở nên gay gắt theo thời gian. Năm 1627, đại chiến lần thứ nhất giữa hai bên bùng nổ, rồi cuộc chiến tranh ấy kéo dài đến năm 1672 mới kết thúc. Cuộc chiến tranh kéo dài 45 năm giữa hai dòng họ, hai tập đoàn phong kiến này đã gây ra những hậu quả vô cùng to lớn. Chiến tranh đã làm hàng vạn người chết và bị thương, vắt kiệt sức người sức của đông đảo nhân dân, lôi kéo cả nước vào chiến tranh, tàn phá rất nhiều đồng ruộng xóm làng, làm phân chia đất nước thành hai miền Nam Bắc trong hàng thế kỷ (10).

Nhưng cuộc chiến tranh trên cũng có những hệ quả tích cực của nó, mà tiêu biểu nhất là sự ra đời của Đàng Trong, một miền đất mới mang dáng dấp của một vương quốc độc lập với một lãnh thổ rộng lớn, một nền văn hóa phong phú và đầy mới lạ. Lãnh thổ Đàng Trong vốn được hình thành trên cơ sở vùng đất Thuận- Quảng, đã lớn lên rất nhanh theo đà Nam tiến mạnh mẽ dưới thời các chúa Nguyễn. Nhìn chung, đến cuối thế kỷ XVII, những chàng trai Việt muốn thể hiện bản lĩnh của mình thì đã có thể dọc ngang khắp miền Nam, từ chốn kinh đô (Phú Xuân) đến miền biên thùy (lúc đó là đất Đồng Nai):

Làm trai cho đáng nên trai,
Phú Xuân đã trải Đồng Nai cũng từng.  (ca dao)                                                                          

Như vậy, từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa đến các thế hệ con cháu của ông, do nhu cầu tồn tại đồng thời do bị thúc đẩy bởi các động cơ về chính trị và kinh tế, quá trình Nam tiến nhằm mở rộng lãnh thổ đất nước đã diễn ra mạnh mẽ gấp bội phần so với các thế kỷ trước. Hệ quả là chỉ 200 năm, nước ta đã có lãnh thổ hoàn chỉnh cơ bản như hiện nay (11).

Trên một góc độ nào đó có thể cho rằng, Đàng Trong đã hình thành và phát triển như một vương quốc độc lập, tạo nên hình ảnh một nước Việt Nam khác ở phía nam với những bản sắc văn hóa mới, phong phú và đa dạng. Chính sự đối đầu với Đàng Ngoài của vua Lê-chúa Trịnh đã làm Đàng Trong của chúa Nguyễn phát triển nhanh chóng, mà đầu não của sự phát triển ấy là các thủ phủ với trung tâm là Phú Xuân-Huế (12).

Điện Cần Chánh, công trình kiến trúc gỗ to lớn và quan trọng nhất trong Tử Cấm thành sau hơn 20 năm nghiên cứu bài bản công phu cũng đang được chuẩn bị khởi công trùng tu phục hồi.

Từ năm 1623-1698, các chúa Nguyễn đã có những chính sách mở rộng lãnh thổ về phía nam và phát triển kinh tế hàng hóa mạnh mẽ. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh được phái vào kinh dinh đất Nam bộ và lập nên phủ Gia Định và hai huyện Phước Long, Tân Bình, đưa vùng đông Nam bộ sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Vùng Sài Gòn- Gia Định ngày càng phát triển phồn thịnh, sầm uất, và cuối thế kỷ XVIII đã trở thành căn cứ địa vững chắc, thành “Gia Định kinh” của họ Nguyễn trong quá trình phục quốc. Thành Gia Định hồi đó- thành Bát Quái (được xây dựng từ năm 1790) là một trong những thành trì quân sự kiên cố và có quy mô rất lớn. Sau khi thống nhất đất nước và xây dựng kinh đô Huế, vua Gia Long vẫn chú trọng phát triển Sài Gòn- Gia Định và xem đó là trung tâm quan trọng nhất của đất nước ở phía nam. Năm 1811, Gia Định trấn được nâng lên thành Gia Định thành, là nơi đặt trụ sở của Tổng trấn Gia Định thành, cai quản toàn bộ đất miền nam với thành Gia Định và 5 trấn:  Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh (sau tách ra làm Vĩnh Long và An Giang) và Hà Tiên. Vì thế trung tâm Sài Gòn- Gia Định ngày càng phát triển. Đó cũng là cơ sở để sau khi chiếm được Nam bộ, người Pháp đã xây dựng và biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông”. Bất chấp chiến tranh và những biến động của lịch sử, Sài Gòn vẫn tiếp tục phát triển và luôn giữ vai trò là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn của Việt Nam trong các thời kỳ tiếp theo. Ngày nay, Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố có quy mô dân số lớn nhất nước ta, không chỉ là trung tâm lớn nhất mà còn là đầu tàu về kinh tế của đất nước.

Dù trải qua chiến tranh và bị thiên nhiên tàn phá, cố đô Huế vẫn là nơi bảo tồn, gìn giữ được tổng thể kiến trúc một kinh đô thời quân chủ to lớn hoành tráng, là Di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh (1993)

Huế với vị thế kinh đô đất nước
Sau hơn 10 năm rơi vào tay chính quyền Lê-Trịnh (1775-1786), Phú Xuân Huế lại trở thành đầu não của quân đội Tây Sơn, rồi trở thành kinh đô của triều đại này trong hơn 12 năm tiếp theo (1788-1801). Mặc dù dưới thời Tây Sơn, kinh đô Huế hầu như ít được quy hoạch và xây dựng thêm, nhưng vị thế của đô thị này đã được nâng lên một bậc, là kinh đô của nước Đại Việt cơ bản thống nhất từ Bắc chí Nam. Đây cũng là thời kỳ Phú Xuân- Huế gắn liền với những chiến công hiển hách trong đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Cuối năm 1788, tại núi Bân, Nguyễn (Văn) Huệ lên ngôi, lấy niên hiệu là Quang Trung, rồi kéo quân ra Bắc, đánh tan hàng chục vạn quân xâm lược Thanh, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc và cơ bản tái lập sự thống nhất cho đất nước sau gần 200 năm chia cắt. Phú Xuân Huế cũng là nơi gắn liền với các di tích của vương triều Tây Sơn như đàn Nam Giao, lăng mộ Hoàng đế Quang Trung và các đại thần của vương triều này (14)…

Tuy nhiên, triều Tây Sơn sớm sụp đổ sau khi vua Quang Trung đột ngột băng hà năm 1792. Năm 1802, sau những nỗ lực bền bỉ, Nguyễn Phúc Ánh đã tái dựng lại được cơ nghiệp của họ Nguyễn, thống nhất toàn vẹn đất nước. Huế được chọn làm kinh đô của một đất nước thống nhất với lãnh thổ rộng lớn hơn bao giờ hết.

Trong 143 năm giữ vị thế kinh đô kinh đô của nước Việt Nam (từ năm 1839 là Đại Nam) mà đặc biệt là trong giai đoạn còn giữ được độc lập (1802-1885), Huế gắn liền với vương triều Nguyễn đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển đất nước về nhiều mặt: Hoàn thiện việc thống nhất bờ cõi quốc gia, bao gồm cả đất liền và biển đảo; xây dựng bộ máy chính quyền thống nhất từ trung ương đến cơ sở; phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi; thống nhất về văn hóa trong toàn quốc, phát triển giáo dục, y tế và xã hội, để lại những di sản văn hóa đồ sộ, mang tầm vóc thế giới.

Điều đáng chú ý là họ Nguyễn, từ chúa Nguyễn Phúc Khoát đến các đời vua Gia Long, Minh Mạng đều khẳng định rằng, họ là người kế tục truyền thống văn hóa Việt xuất phát trên đất Bắc nhưng tạo dựng cơ nghiệp ở phương Nam (cụ thể là đất Thuận Hóa). Chính vì vậy họ Nguyễn đã chọn Huế để xây dựng cơ nghiệp muôn đời:

“Kinh sư là nơi miền núi, miền biển đều họp về, đứng giữa miền Nam, miền Bắc, đất đai cao ráo, non sông phẳng lặng; đường thủy thì có cửa Thuận An, cửa Tư Hiền sâu hiểm; đường bộ thì có Hoành Sơn, ải Hải Vân chặn ngăn; sông lớn giăng phía trước; núi cao giữ phía sau, rồng cuốn hổ ngồi, hình thế vững chãi, ấy là do trời đất xếp đặt, thật là thượng đô của nhà vua ”(15).

Cùng với quá trình Huế trở thành trung tâm của Đàng Trong, rồi kinh đô của đất nước thống nhất, nước Đại Việt đã chuyển hóa thành một nước Việt Nam (từ 1804), rồi Đại Nam (gọi tắt của Đại Việt Nam Quốc, từ 1838), đa nguyên hơn về văn hóa và gần gũi hơn với Đông Nam Á.

Tuy nhiên, Huế đã mất dần vị thế khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Nam kỳ, Bắc kỳ lần lượt rơi vào tay người Pháp; đất nước bị chia cắt; nền độc lập dân tộc cũng mất hẳn sau cuộc phản kháng cuối cùng của triều Nguyễn vào năm 1885. Vị thế kinh đô đất nước chỉ còn trên danh nghĩa. Chỉ với thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta mới dành lại được nền độc lập. Huế thực sự chấm dứt vai trò kinh đô của chế độ quân chủ cuối cùng.

Kinh thành và các di sản kiến trúc cung đình được bảo tồn trùng tu phục hồi với chất lượng cao, trở thành nơi thu hút hàng triệu du khách đến với Huế mỗi năm.

Trao chuyển và kết nối
Từ ngày 02-9-1945, Huế chính thức trở thành cố đô. Hà Nội trở thành thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Kinh đô ngàn năm Thăng Long-Hà Nội không chỉ được tiếp tục mạch phát triển mà còn thực sự được nâng lên một tầm vóc mới. Huế vẫn giữ một vị thế quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, là một trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học và y tế của cả nước tại miền Trung, là cầu nối về văn hóa giữa hai miền Nam Bắc và giữa Việt Nam với thế giới. Dù trải qua hai cuộc chiến tranh với nhiều tổn thất nghiêm trọng, di sản văn hóa cố đô Huế vẫn được xem là đại diện tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam, được tổ chức Khoa học, Văn hóa và Giáo dục của Liên Hiệp quốc (UNESCO) nhiều lần tôn vinh là Di sản văn hóa thế giới. Đánh giá về phương diện này, GS.Phan Huy Lê đã viết:

“Cố đô Huế là nơi hội tụ và kết tinh các giá trị văn hóa dân tộc trong một thời kỳ lịch sử khi mà kinh đô này lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc trở thành trung tâm chính trị, văn hóa của một quốc gia với lãnh thổ xác lập của lãnh thổ Việt Nam hiện đại trải dài từ bắc chí nam, từ đất liền đến hải đảo. Quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới ngày 11-12-1993 và ngày 7-11-2003 Nhã nhạc cung đình lại được công nhận  là Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Trong các đô thị hình thành và phát đạt trong thời kỳ này, Hội An là cảng thị tiêu biểu nhất và Khu di tích phố cổ Hội An cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới ngày 4-12-1999.

Chưa có một thời kỳ lịch sử nào để lại cho dân tộc ba di sản văn hóa được thế giới công nhận và tôn vinh với những giá trị mang ý nghĩa toàn cầu như vậy” (16)

Điều đặc biệt là tiếp theo Huế, di sản Hoàng thành Thăng Long cũng đã được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa thế giới vào ngày 31-7-2010. Như vậy, một phần  thành tựu quan trọng của người Việt Nam trong suốt chặng đường 1.000 năm dựng nước và giữ nước kết tinh ở hai kinh đô Thăng Long- Hà Nội và Phú Xuân-Huế đã được cả thế giới thừa nhận và tôn vinh.

Lễ hội cung đình được cố đô Huế nghiên cứu phục dựng để bảo tồn và phát huy giá trị một cách hiệu quả.

Vị thế của Cố đô Huế trong thời đại mới
Sau khi trở thành cố đô, mặc dù không còn giữ vị thế là trung tâm chính trị của cả nước nhưng Huế vẫn luôn giữ vững vị thế của một trung tâm văn hóa, di sản, khoa học, giáo dục và y tế hàng đầu của miền Trung Việt Nam.

Về mặt di sản và văn hóa truyền thống, từ hơn 700 năm trước, Thừa Thiên Huế đã là vùng đất tích tụ nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Với vị trí trọng yếu, là địa bàn mang tính chiến lược nên Huế luôn được lựa chọn để xây dựng trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa…, tương ứng với thời kỳ Thừa Thiên Huế đóng vai trò là thủ phủ Đàng Trong (1636-1775), rồi kinh đô của 2 triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn (1788-1945). Chính điều này đã tạo tiền đề làm cho Huế có mật độ di sản dày đặc, nhiều loại hình phong phú. Ngày nay, Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu…; cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật đặc biệt quý hiếm.

Huế cũng là nơi có di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, hệ thống di tích lịch sử cách mạng vô cùng quý giá. Di sản Huế là nơi hội tụ trí tuệ của cả dân tộc mà đỉnh cao là 8 di sản đã được UNESCO vinh danh: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993); Âm nhạc cung đình Việt Nam – Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016), Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017), Các bản đúc nổi trên Cửu đỉnh (2024). Toàn tỉnh có gần 1000 công trình, địa điểm được kiểm kê, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia và 97 di tích cấp tỉnh; 205 công trình, địa điểm nằm trong danh mục Kiểm kê của UBND tỉnh đã phê duyệt, công bố. Hệ thống di tích này đã được UBND tỉnh phân công quản lý nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị.

Ca Huế, Ca kịch Huế, Tuồng, lễ hội, làng nghề thủ công truyền thống thể hiện đời sống tinh thần của cư dân xứ Huế qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.

Sự hội tụ, kết tinh của di sản Huế còn được thể hiện qua nhiều loại hình độc đáo như: Ca Huế, Ca kịch Huế, Tuồng, lễ hội, làng nghề thủ công truyền thống thể hiện đời sống tinh thần của cư dân xứ Huế qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Trên địa bàn tỉnh, có 3 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Ca Huế (2015), Nghề dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi (2016) và Lễ hội truyền thống ADa Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô. Trong đó, di sản nghệ thuật Ca Huế đang tiếp tục thực hiện các thủ tục để xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Huế – xứ sở được mệnh danh là Kinh đô Phật giáo, nổi bật nhất là nơi tập trung nhiều chùa chiền có giá trị kiến trúc độc đáo, luôn hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Những ngôi danh lam cổ tự như Thiên Mụ, Thánh Duyên, Diệu Đế, Quốc Ân, Bảo Quốc, Thiền Tôn, Từ Hiếu, Từ Đàm… ra đời từ rất sớm cùng một số trung tâm văn hóa được hình thành trong giai đoạn hiện nay như Trung tâm văn hóa Huyền Trân, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, tượng đài Quán Thế Âm là những địa điểm văn hóa tâm linh đang ngày càng thu hút du khách hành hương chiêm bái và thưởng lãm.

Sự ra đời của 5 bảo tàng công lập (Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ Thuật, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Bảo tàng Thiên nhiên khu vực miền Trung tại Huế) và 5 Bảo tàng ngoài công lập (Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, Bảo tàng nghệ thuật thêu XQ, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bảo tàng gốm Sông Hương và Bảo tàng mỹ thuật Cecile Lê Phạm) cho thấy Huế là một trong những trung tâm có hệ thống bảo tàng độc đáo. Các bảo tàng là nơi lưu giữ nhiều cổ vật, hiện vật gắn liền với văn hóa cung đình, văn hóa dân gian, về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử cách mạng, các anh hùng, danh nhân tiêu biểu, nghệ sỹ tài hoa của quê hương đất nước, trong đó có nhiều hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đến nay, Huế có 9 nhóm hiện vật và hiện vật (gồm 35 hiện vật) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia: Bộ Cửu vị thần công, Bộ Cửu đỉnh, Đại hồng chung chùa Thiên Mụ, Bia Ngự kiến Thiên Mụ Tự, Bia Khiêm Cung Ký, Bộ sưu tập vạc đồng thời Chúa Nguyễn, Ngai vua triều Nguyễn, Áo Tế giao (do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý) và Bệ thờ Vân Trạch Hòa, Bộ Chóp tháp Champa Linh Thái (do Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế quản lý).

Điện Kiến Trung rực rỡ trong đêm khai Hội.

Có thể khẳng định, Cố đô Huế được đánh giá là địa phương bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường, lối sống, phong tục tập quán… Đồng thời, biến di sản thành các lợi thế cho sự phát triển và đạt nhiều thành tựu từ bảo tồn di sản, đến nay đã sở hữu các thương hiệu: “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”… Khai thác du lịch, dịch vụ từ di sản đã đóng vai trò chủ đạo của kinh tế địa phương (kinh tế dịch vụ chiếm từ 51-53% GDP, trong đó dịch vụ, du lịch từ di sản chiếm tỷ trọng chính), doanh thu toàn xã hội từ du lịch, dịch vụ dựa trên nền tảng khai thác di sản văn hóa chiếm tỷ trọng cao. Nhiều năm liền, Thừa Thiên Huế luôn được bình chọn là điểm đến an toàn thân thiện của du lịch Việt Nam.

Trên cơ sở đó, ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trong đó nhấn mạnh mục tiêu: “Đến năm 2025, Thừa thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”.

Có thể nói, đến nay, với các tiêu chí, tiêu chuẩn đã đạt được, đặc biệt là với những thành tựu xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên, Thừa Thiên Huế đã hội tụ đầy đủ các điều kiện để trở thành Thành phố trực thuộc trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW.

Di sản văn hóa phong phú, cảnh đẹp thiên nhiên, môi trường xanh sạch đẹp và cuộc sống yên bình đã biến Huế trở thành vùng đất đáng đến, đáng sống đối với hầu hết ai từng biết đến Huế.

Nhìn lại cả quá trình lịch sử cho đến thời điểm hiện tại, Thừa Thiên Huế luôn giữ một vai trò và vị thế đặc biệt đối với đất nước và dân tộc, đó là vị thế của một trong những trung tâm lớn của đất nước và khu vực miền Trung- Tây Nguyên.

“Hà Nội-Huế-Sài Gòn, là cây một cội là con một nhà” (Hồ Chí Minh).

Đó không chỉ là một khẩu hiệu chính trị, mà là một thực tế lịch sử. Từ cái nôi đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Nghệ, trong suốt 1.000 năm qua văn minh Việt đã không ngừng được chuyển tải mạnh mẽ về phương Nam thông qua trung tâm Phú Xuân-Huế để rồi sau đó hình thành một trung tâm khác ở Nam Bộ, đó là Sài Gòn-Gia Định. Bởi vậy, trong nghìn năm phát triển của Thăng Long-Hà Nội và của đất nước, Huế đã đóng góp một phần rất quan trọng và luôn giữ vị thế là một trung tâm lớn của Việt Nam. Đánh giá đúng điều này sẽ giúp cho việc nhìn nhận lịch sử phát triển của dân tộc khách quan và công bằng hơn, từ đó sẽ có những chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho các trung tâm phát triển và phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình./.

TS. Phan Thanh Hải

Chú thích
1. Nguyễn Trãi (2019), Dư địa chí, bản dịch Phan Duy Tiếp, Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tr53
2. Năm 1527, sau khi lật đổ nhà Lê, Mạc Đăng Dung sai em là Tín vương Mạc Quyết vào trông coi đất Thuận Hóa. Năm 1552, vua Lê Trang Tông kéo quân vào đánh Thuận Hóa, quân Mạc thua phải chạy ra bắc, có rất nhiều cống sĩ trí thức đã chạy theo cùng họ Mạc, tuy nhiên đa số nhân dân chưa tin tưởng vào nhà Lê Trung Hưng nên tình hình chính trị xã hội ở Thuận Hóa lúc bấy giờ rất phức tạp.
4. Xem: Lê Qúy Đôn (1964), Phủ biên tạp lục, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Khoa học, Hà Nội, tr.37.
5. Với uy tín và tài đức của mình, Nguyễn Hoàng đã tập hợp được quanh ông nhiều nhân vật kiệt xuất, xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau. Nổi bật trong số này là Nguyễn Ư Dĩ, Thái phó Uy quốc công của triều Lê, người đã nuôi nấng, dạy dỗ Nguyễn Hoàng trưởng thành; Thống binh Mạc Cảnh Huống, vốn là tôn thất nhà Mạc, em ruột của Khiêm vương Mạc Kính Điển; Luân quận công Tống Phước Trị, quan trấn thủ Thuận Hóa tiền nhiệm đã tình nguyện ở lại phục vụ dưới trướng Nguyễn Hoàng; Thiện vũ vệ Đô chỉ huy sứ Lương Văn Chánh; Lương quận công Trương Công Gia..vv. Đây chính là những nhân tố quan trọng giúp chính quyền của Nguyễn Hoàng vững vàng và đạt được nhiều thành công trên vùng đất mới. Mặt khác, Nguyễn Hoàng lại có quan hệ tốt và sự hợp tác chặt chẽ với Trấn quận công Bùi Tá Hán, Trấn thủ Quảng Nam lúc bấy giờ nên giữ yên được mặt Nam, có thể toàn tâm xây dựng, phát triển xứ Thuận Hóa.
6. Với tiềm lực quân sự ngày càng mạnh mẽ cùng sự ủng hộ của quân dân Thuận Quảng, Nguyễn Hoàng đã lần lượt đánh bại các thế lực chống đối thù địch bên trong và bên ngoài. Năm Tân Mùi (1571), ông đánh tan cuộc tấn công của Mỹ Lương và Văn Lan. Cũng trong năm này, Nguyễn Hoàng dẹp yên cuộc nổi loạn của các thổ tù ở Quảng Nam, sai thuộc tướng Mai Đình Dũng sau khi hoàn thành nhiệm vụ quân sự ở lại thu phục và vỗ yên dân chúng. Năm Nhâm Thân (1572), Nguyễn Hoàng đánh bại tướng nhà Mạc Lập Bạo, bắt sống hàng ngàn tù binh. Năm Mậu Dần (1578), Nguyễn Hoàng sai Lương Văn Chánh đánh đuổi quân Chămpa xâm nhập biên giới phía Nam, lấy Hồ thành, sau đó chiêu tập dân cư, lập chia thôn ấp, khai phá mở rộng vùng đất mới. Năm Ất Dậu (1585), Nguyễn Hoàng sai con trai thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên chỉ huy đội thuyền chiến đánh tan đội quân cướp biển của Bạch Tân Hiển Qúy, từ đó dẹp yên nạn hải phỉ ở các cửa biển Đàng Trong.
7. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Giáo dục, t.1, tr.31.
8. Từ đầu thế kỷ XVII, với quyết tâm xây dựng cơ nghiệp riêng cho dòng họ, Nguyễn Hoàng đã áp dụng các chính sách mới để làm cho Thuận Quảng dần dần trở nên khác biệt và tách ra khỏi Đàng Ngoài về mọi mặt. Li Tana cho rằng, sự khác biệt lớn nhất chính là việc sử dụng Phật giáo Đại Thừa làm hệ tư tưởng chính để cố kết nhân tâm, ổn định xã hội chứ không phải là tư tưởng Nho giáo như ở Đàng Ngoài và như ở các triều đại Việt Nam truyền thống, tạo nên “một miền Nam theo đạo Phật, không theo đạo Khổng. Xem: Li Tana (2001), Xứ Đàng Trong thế kỷ XVII và XVIII, một mô hình khác của Việt Nam, in trong Những vấn đề lịch sử Việt Nam, Nguyệt san Xưa & Nay-Nxb. Trẻ, Hà Nội, tr.186.
9. Năm Tân Hợi (1611), quân Champa xâm phạm biên giới, Nguyễn Hoàng sai Chủ sự là Văn Phong đem quân đi đánh dẹp. Văn Phong đánh bại quân Champa do vua Po Nit (1603-1613) chỉ huy, tiến vào chiếm trọn lãnh thổ của tiểu quốc Hoa Anh vốn trước đó đã có cư dân Việt đến định cư, lập làng xã. Vùng đất mới được đổi tên thành phủ Phú Yên, gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Văn Phong được bổ chức Lưu thủ Phú Yên. Xem: Quốc Sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, t.1, Sđd, tr.36.
10. Đỗ Bang (1996 ), Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII, Nxb Thuận Hóa- Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hà Nội.
11. Nguyễn Phúc Nguyên, con trai thứ sáu của Nguyễn Hoàng, sinh năm 1563, kế vị chúa Nguyễn Hoàng từ năm 1613 đến lúc ông mất năm 1635. Với 22 năm trị vì, ông đã xây dựng Đàng Trong thành một chính thể độc lập, từng bước ly khai hẳn với chính quyền Lê Trịnh ở Đàng Ngoài. Nguyễn Phúc Nguyên được đánh giá là một vị chúa xuất sắc với nhiều công lao lớn trong việc mở mang lãnh thổ, cải cách bộ máy hành chính, mở rộng giao lưu buôn bán với nước ngoài, nhất là với Nhật Bản… Ông được dân chúng tôn xưng là Chúa Sãi hay Chúa Phật.
12. Chiến tranh giữa họ Trịnh (chính quyền Lê-Trịnh) ở Đàng Ngoài và họ Nguyễn ở Đàng Trong kéo dài từ năm 1627-1672 với 7 cuộc đại chiến vào các năm 1627, 1633, 1643, 1648, 1655-1660, 1661-1662, 1672. Do không bên nào giành được thắng lợi nên hai bên đã lấy sông Gianh (Quảng Bình) làm giới tuyến, chia cắt đất nước thành hai phần. Đây là một trong những cuộc nội chiến ác liệt, kéo dài và gây nên nhiều tổn thất nhất trong lịch sử dân tộc.
13. Từ năm 1558 đến năm 1757, trong khoảng 200 năm, các đời chúa Nguyễn, từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Khoát đã tiến hành công cuộc Nam tiến rất mạnh mẽ và cơ bản đã hình thành lãnh thổ, lãnh hải của vùng đất Đàng Trong có quy mô, diện tích gần tương đương như miền Nam nước ta hiện nay, đặc biệt, đây cũng chính là thời kỳ chúng ta khai chiếm và xác lập chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
14. Tham khảo: Phan Thanh Hải (2008), Các thủ phủ thời chúa Nguyễn (1558-1775) trên đất Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, Luận án tiến sỹ lịch sử, Viện Sử học.
Trần Quốc Vượng (1987), “Vài suy nghĩ về Xứ Huế và vị thế lịch sử của nó”, Tạp chí Sông Hương, số 25 (tháng 5 & 6).
15. Ngoài các di tích trên, hiện nay tại cố đô Huế vẫn còn bảo tồn một hệ thống di tích di vật về thời kỳ Tây Sơn khá phong phúTại các chùa Từ Đàm, Báo Quốc, chùa La Chử, chùa Hạ Lang, chùa Giác Thế, chùa Trúc Lâm… hiện còn bảo lưu nhiều hiện vật quý như: Chuông đồng, hoành phi, đồ bản, kinh Kim Cương, mộc bản… liên quan đến triều đại Tây Sơn cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Một trong những pháp bảo quý, độc bản dưới thời Tây Sơn hiện đang được chùa Trúc Lâm bảo quản rất tốt là bản kinh Kim Cương. Bản kinh có khoảng 7.000 chữ Hán được thêu bằng chỉ ngũ sắc: đỏ, vàng, xanh, trắng, lục cách đều và liên tục, trên nền gấm vàng có viền và lớp lót bằng vải nhiễu điều, chiều dài khoảng 1,5m, chiều rộng 23,5cm. Xem thêm: Phan Thanh Hải (2020), “Bảo tồn bền vững di sản thời chúa Nguyễn và Tây Sơn góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Đô thị di sản đặc thù của Việt Nam” in trong đặc san Văn hóa Huế, số 40 (2020), Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, tr34-43.
16. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1992) Đại Nam nhất thống chí, bản dịch của Phạm Trọng Điềm (Viện Sử học), tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr13.

Tài liệu tham khảo
1. Đỗ Bang (1996 ), Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII, Nxb Thuận Hóa- Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hà Nội.

2. Lê Qúy Đôn (1964), Phủ biên tạp lục, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Khoa học, Hà Nội.
3. Li Tana (2001), Xứ Đàng Trong thế kỷ XVII và XVIII, một mô hình khác của Việt Nam, in trong Những vấn đề lịch sử Việt Nam, Nguyệt san Xưa & Nay-Nxb. Trẻ, Hà Nội.
4. Li Tana (1999), Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Bản dịch của Nguyễn Nghị, Nxb Trẻ, TP HCM.
5. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1992) Đại Nam nhất thống chí, bản dịch của Phạm Trọng Điềm (Viện Sử học), tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế.
6. Nguyễn Trãi (2019), Dư địa chí, bản dịch Phan Duy Tiếp, Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
7. Phan Khoang (2001), Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb. Văn học, Hà Nội.
8. Phan Thanh Hải (2020), “Bảo tồn bền vững di sản thời chúa Nguyễn và Tây Sơn góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Đô thị di sản đặc thù của Việt Nam” in trong đặc san Văn hóa Huế, số 40 (2020), Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế.
9. Phan Thanh Hải (2008), Các thủ phủ thời chúa Nguyễn (1558-1775) trên đất Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, Luận án tiến sỹ sử học, Viện Sử học.
10. Trần Quốc Vượng (1987), “Vài suy nghĩ về Xứ Huế và vị thế lịch sử của nó”, Tạp chí Sông Hương, số 25 (tháng 5 & 6).