Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hungary chưa phê duyệt Thụy Điển vào NATO, trong khi Phần Lan còn cửa ải duy nhất là Thổ Nhĩ Kỳ

ĐNA -

Ngày 27/3/2023, Quốc hội Hungary thông qua dự luật cho phép Phần Lan gia nhập NATO sau nhiều tháng trì hoãn với 182 phiếu thuận và 6 phiếu chống. Trong khi đó, dự luật cho phép Thụy Điển gia nhập NATO chưa được quốc hội Hungary lên kế hoạch bỏ phiếu. Hungary cho biết nỗi bất bình vì những lời chỉ trích từ Thụy Điển đã khiến quốc hội nước này chưa thể phê duyệt quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO.

Phát ngôn viên chính phủ Hungary Zoltan Kovacs trả lời phỏng vấn tại Budapest tháng 3/2022. Ảnh: AFP

“Việc thu hẹp khoảng cách sẽ đòi hỏi những nỗ lực đáng kể từ cả hai phía”, phát ngôn viên chính phủ Hungary Zoltan Kovacs đăng Twitter hôm nay, nêu những nỗi bất bình khiến Budapest chần chừ phê duyệt Stockholm vào NATO.

Ông cáo buộc Thụy Điển liên tục phá hoại mối quan hệ khi nhiều lần muốn vùi dập Hungary qua biện pháp ngoại giao, sử dụng ảnh hưởng chính trị để làm tổn hại lợi ích của Hungary. Kovacs nhắc đến việc quan chức Thụy Điển nhiều lần thúc giục EU gây sức ép với Hungary và ủng hộ phe đối lập ở nước này.

Phát ngôn viên Kovacs cũng chỉ trích “sự sụp đổ về mặt đạo đức” của Thụy Điển vì cho phép biểu tình đốt kinh Koran khi đang đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ. Kinh Koran là văn bản tôn giáo quan trọng nhất của Hồi giáo. Hầu hết người Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi. Ông Kovacs cũng cho rằng Thụy Điển thiếu tôn trọng Hungary, đã thể hiện “lập trường thù địch” trong nhiều năm.

“Vì quan hệ Thụy Điển – Hungary xấu đi những năm gần đây, chính phủ Hungary cho rằng cần có phái đoàn quốc hội đến Thụy Điển để thảo luận và có khả năng giải quyết rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên, chính phủ Thụy Điển dường như không quan tâm. Quan chức Thụy Điển coi nỗ lực hòa giải của Hungary là chiến thuật tống tiền, tuyên bố nhượng bộ những nỗ lực như vậy tương đương trả tiền chuộc”, quan chức này cho hay.

Thụy Điển đã bày tỏ quan ngại rằng Hungary có thể sử dụng việc phê duyệt làm đòn bẩy trong các cuộc tranh cãi với EU. Hồi tháng 12 năm ngoái, Brussels đã đóng băng quỹ hàng tỷ euro cho Hungary để yêu cầu nước này tiến hành những cải cách về chống tham nhũng.

Chy Le/Reuters