Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Huy động và sử dụng nguồn lực nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội tại tỉnh Bến Tre

ĐNA -

Hạn hán, xâm nhập mặn và những ảnh hưởng khác từ biến đổi khí hậu là những hệ lụy nghiêm trọng tác động đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bến Tre. Hậu quả của vấn đề xâm nhập mặn ở Bến Tre sớm, sâu và kéo dài đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, thiếu nước ngọt ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Trước tình hình trên, nhiều địa phương trong khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Bến Tre đã và đang đề ra nhiều giải pháp để ứng phó và thích nghi do tác động của biến đổi khí hậu. Bài viết này tập trung vào thực trạng xâm nhập mặn và giải pháp thích ứng của tỉnh bến Tre dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Nông dân trồng nhãn cù lao Tam Hiệp, huyện Bình Đại tích nước phòng, chống hạn mặn.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất thấp ven biển của Việt Nam. Trong thời gian qua, vùng đã chịu những tác động nặng nề do biến đổi khí hậu; đặc biệt vấn đề nước biển dâng và xâm nhập mặn sâu làm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, nhiều khu vực đã thiếu nước ngọt phục vụ sinh họat… Theo dự báo đến năm 2050 khoảng hơn 2,5 triệu ha đất vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn với độ mặn lớn hơn 1 g/l, tăng 9,1% so với kịch bản hiện trạng. Trước tình hình trên, nhiều địa phương trong khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Bến Tre đã và đang đề ra nhiều giải pháp để ứng phó và thích nghi do tác động của biến đổi khí hậu.

Trong đời sống xã hội của loài người chúng ta có hai mối quan hệ cơ bản, đó là: (1) quan hệ giữa con người với nhau; (2) là quan hệ giữa con người với môi trường, với thế giới tự nhiên. Trên thực tế, các xã hội luôn phụ thuộc môi trường, ngược lại, môi trường cũng ảnh hưởng sâu sắc đối với mỗi xã hội. Điều quan trọng là các xã hội nói chung, con người nói riêng phải thích nghi với môi trường để tồn tại, phát triển và tạo dựng sự thịnh vượng. Bởi vì, nhìn một cách tổng thể, việc đề cập đến mối quan hệ giữa con người và môi trường qua các giai đoạn lịch sử khác nhau là thực sự cần thiết để hiểu lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội và nhiều vấn đề nảy sinh trong mối quan hệ giữa con người và môi trường, chẳng hạn như cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu. Những vấn đề này, nhất là biến đổi khí hậu, đang đặt ra nhiều thách thức cho con người trong tiến trình hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ở tầm quốc gia, vùng và trong từng địa phương khác nhau.

Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (United Nations Framework Convention on Climate Change) nhấn mạnh “Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu do hoạt động của con người trực tiếp hoặc gián tiếp làm thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu và sự dao động khí hậu tự nhiên quan sát thấy trong các khoảng thời gian có thể so sánh được” . Công trình “Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam” xác định: Biến đổi khí hậu “là sự thay đổi của khí hậu trong một khoảng thời gian dài do tác động của các điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người. Biến đổi khí hậu hiện nay biểu hiện bởi sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng và gia tăng các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan” .

Như vậy, biến đổi khí hậu hiểu một cách ngắn gọn là “bất kỳ sự thay đổi nào về khí hậu theo thời gian do biến đổi tự nhiên hoặc do tác động của các điều kiện tự nhiên và do hoạt động của con người, có thể được nhận biết qua sự biến đổi về trung bình và sự biến động của các thuộc tính của nó, được duy trì trong một thời gian đủ dài, điển hình là hàng thập kỷ hoặc dài hơn. Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam năm 2020 nhấn mạnh ứng phó với biến đổi khí hậu là “hoạt động của con người nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính”, tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và tận dụng cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại.

Bản đồ dự báo hạn mặn tỉnh Bến Tre. Ảnh: bentre.dcs.vn/

Biến đổi khí hậu biểu hiện qua nhiều đặc điểm khác nhau, bao gồm: nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên, độ che phủ của mây và lượng mưa thay đổi, các chỏm băng và sông băng tan chảy, lượng tuyết phủ giảm, nhiệt độ đại dương và độ axit của đại dương tăng; gây ra nhiều tác động và nhiều mối đe dọa; sự nóng lên toàn cầu nên các hiện tượng cực đoan chẳng hạn như bão, lũ lụt, hạn hán, mưa lớn, nắng nóng sẽ tăng tần suất và cường độ. Hệ quả, nó gây ra những tác động trên phạm vi rộng đối với môi trường, kinh tế – xã hội và các lĩnh vực liên quan, bao gồm tài nguyên nước, nông nghiệp và an ninh lương thực, sức khỏe con người, đa dạng sinh học. Đối mặt với những thách thức do biến đổi khí hậu, nhu cầu quan trọng đặt ra là chúng ta phải thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng, để phát triển bền vững .

Tác động của biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến sức khỏe con người. cụ thể, gây ra những rủi ro mới và làm trầm trọng thêm các tình trạng dễ bị tổn thương hiện có trong các cộng đồng, tạo ra những thách thức ngày càng tăng đối với sức khỏe, sự an toàn của con người. Những thay đổi về thời tiết và khí hậu có thể gây nguy hiểm cho tính mạng. Nhiệt độ ấm hơn làm tăng tần suất, cường độ và thời gian của các đợt nắng nóng, điều này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Hai là, gây ra thiệt hại ngày càng lớn cho cơ sở hạ tầng, tài sản và cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng, quốc gia. Cơ sở hạ tầng thường được thiết kế để sử dụng trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ. Các hiện tượng thời tiết cực đoan mang đến mưa lớn, lũ lụt, gió, tuyết hoặc thay đổi nhiệt độ có thể gây căng thẳng cho các công trình và cơ sở hiện có; nhiệt độ tăng yêu cầu làm mát trong nhà nhiều hơn, điều này có thể gây căng thẳng cho mạng lưới điện và hệ thống cung cấp năng lượng. Hoặc là lượng mưa lớn đột ngột có thể dẫn đến lũ lụt tàn phá đường giao thông;…

Ba là, ảnh hưởng tiêu cực đối với sản xuất nông nghiệp và cung cấp lương thực. Những biểu hiện cụ thể như nhiệt độ tăng, nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán, cháy rừng, mưa lớn tàn phá mùa màng, làm giảm năng suất nông nghiệp. Rõ ràng là nguồn cung cấp thực phẩm của chúng ta phụ thuộc vào điều kiện khí hậu và thời tiết. Bốn là, tác động của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên nước. Những thay đổi đối với tài nguyên nước có thể có tác động lớn đến thế giới, đến cuộc sống của con người. Chất lượng và khối lượng nước sẵn có để sử dụng cho người dân và các hệ sinh thái cũng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Những thay đổi về mô hình và lượng mưa, cũng như những thay đổi về thời gian và lưu lượng dòng chảy, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước và chất lượng nước, tăng rủi ro và chi phí đối với nông nghiệp, sản xuất năng lượng, công nghiệp, giải trí và môi trường.

Cuối cùng, ảnh hưởng đối với hệ sinh thái, ảnh hưởng đến phạm vi địa lý của nhiều loài động thực vật và thời gian của các sự kiện trong vòng đời của chúng, chẳng hạn như di cư và sinh sản. Một số sinh vật có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; một số loài thực vật nở hoa sớm hơn. Nhưng những thay đổi này đang diễn ra quá nhanh đối với nhiều loài động thực vật khác khi nhiệt độ ngày càng tăng và lượng mưa thay đổi gây căng thẳng cho các hệ sinh thái.

Chính vì vậy, thích ứng với biến đổi khí hậu, chống xâm nhập mặn là một vấn đề hết sức quan trọng đối với Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng.Theo đó, các chương trình, dự án liên quan hướng đến giảm tính dễ bị tổn thương hoặc tăng khả năng phục hồi khí hậu; cũng như chứng minh được khả năng đóng góp vào thích ứng dựa trên các thông tin về biến đổi khí hậu của địa phương bao gồm đánh giá tính dễ bị tổn thương và rủi ro do biến đổi khí hậu mang lại .

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre kiểm tra độ mặn tại khu vực cống Sa Kê.

Thực trạng công tác thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Bến Tre
Thực trạng về xâm nhập mặn tại tỉnh Bến Tre
Từ đầu mùa khô năm 2023-2024, dưới tác động của biến đổi khí hậu tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính của tỉnh Bến Tre chủ yếu lên xuống theo triều cường. Độ mặn cao duy trì trong khoảng thời gian ngắn nên lượng nước ngọt dự trữ trong dân cơ bản đáp ứng được, chưa ghi nhận tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ ăn uống. Nước sông hiện mặn hơn 6‰, có ngày lên đến 7‰ nhưng người dân vẫn phải sử dụng, họ đều tắm giặt bằng nước này, vì nước có độ mặn nên ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân cũng như phục vụ cho tưới tiêu.

Trong tình hình đó, công tác đo, kiểm tra, dự báo độ mặn được ngành chức năng và địa phương thực hiện chủ động, thường xuyên để thông tin cho người dân biết và có kế hoạch lấy nước phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn. Từ năm 2022, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre đã xây dựng phương án dự báo xâm nhập mặn bằng mô hình MIKE 11, MIKE 21 và thể hiện bản đồ trên nền ArcGis cho độ tin cậy ổn định áp dụng vào nghiệp vụ dự báo. Phương án dự báo xâm nhập mặn áp dụng công nghệ khoa học tiên tiến này giúp cho các dự báo viên chủ động trong phương án dự báo. Kết hợp với công cụ ArcGis, phương án dự báo đã cho kết quả dự báo với bản đồ trực quan và dễ hiểu hơn so với bảng biểu thông thường, đáp ứng với quy định các mẫu bản tin dự báo của ngành. Tại các huyện, công tác dự báo, cảnh báo, hướng dẫn người dân ứng phó với hạn mặn được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ .

Hạn hán, xâm nhập mặn và những ảnh hưởng khác từ biến đổi khí hậu là những hệ lụy nghiêm trọng tác động đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bến Tre. Hậu quả của vấn đề xâm nhập mặn ở Bến Tre sớm, sâu và kéo dài đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, thiếu nước ngọt ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Mùa khô năm 2019-2020, tỉnh Bến Tre đối mặt với đợt xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong lịch sử. Độ mặn 2‰ hầu như bao phủ toàn tỉnh trong thời gian dài, có thời điểm trên 5‰. Có 5.400ha lúa vụ Đông Xuân bị chết; gần 28.000ha cây ăn trái trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, gần 87.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Ước tính giá trị thiệt hại của riêng ngành nông nghiệp là 1.660 tỷ đồng; trong đó, lĩnh vực trồng trọt khoảng 1.448 tỷ đồng và lĩnh vực thủy sản hơn 211 tỷ đồng .

Cụ thể, theo báo cáo tổng hợp kết quả ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 của công ty cổ phần cấp thoát nước tỉnh Bến Tre cho thấy, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024 tại các vị trí Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre (Bewaco) có thực hiện quan trắc độ mặn online và đo thủ công (bằng bút đo mặn). Tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 bắt đầu từ cuối tháng 12/2023 đến tháng 5/2024, đỉnh điểm của đợt xâm nhập mặn vào tháng 3/2024 thời điểm này mặn xâm nhập lên thượng nguồn sông Ba Lai, Hàm Luông và sông Tiền ảnh hưởng đến hầu hết các trạm nước thô của Bewaco.

Tình hình nhiễm mặn tại sông Ba Lai diễn ra tương đối phức tạp. Sông Ba Lai là con sông chảy trọn trong địa phận tỉnh Bến Tre, có chiều dài 55 km, là ranh giới tự nhiên giữa huyện Bình Đại với Giồng Trôm và Ba Tri, chảy từ ranh giới các xã Tân Phú và Phú Đức, huyện Châu Thành ra đến biển, cửa Ba Lai. Từ ngày 10/3/2024 độ mặn sông Ba Lai bắt đầu tăng nhanh và xâm nhập sâu lên khu vực thượng nguồn sông Ba Lai việc này ảnh hưởng đến nguồn nước lấy vào tại các nhà máy nước của Bewaco. Trong đó, nhà máy nước Phú Tân thường xuyên ngừng bơm nước thô trạm bơm cấp 1 cầu Ba Lai 2; Trạm bơm dã chiến (Thuyền bơm) tại đập tạm Thành Triệu thường xuyên ngưng bơm do nước có độ mặn cao vượt quy định hoặc nước sông Ba Lai bị cạn; Trạm bơm nước thô Cái Cỏ dừng bơm do độ mặn vượt quy định và Độ mặn khu vực trong cống Tân Phú tăng lên 0,5÷0,6‰ do xâm nhập mặn từ sông An Hóa lên. Việc xâm nhập mặn sâu lên thượng nguồn sông Ba Lai là do không còn nguồn nước bổ cập từ các cống dọc sông Tiền, sông Hàm Luông như Bến Rớ, Kinh Điều, Cái Sơn và Tân Phú ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất nước các nhà máy và nước ngọt để phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp khu vực thượng nguồn sông Ba Lai.

Đến ngày 18/3/2024, việc mở và vận hành tổ hợp bơm tại cống Tân Phú có tính hiệu tích cực làm độ mặn giảm đều từ thượng nguồn sông Ba Lai đến tới cầu Sửa xã Thành Triệu, lần lượt là: tại cầu Sửa xã Thành Triệu ngày 17/3/2024 độ mặn cao nhất là 2,8‰ ngày 18/3/2024 sau khi mở cống Tân Phú độ mặn cao nhất là 1,3‰; cầu Đò xã Thành Triệu ngày 17/3/2024 độ mặn cao nhất là 1,3‰ ngày 18/3/2024 sau khi mở cống Tân Phú độ mặn cao nhất là 0,7‰ và ngã 3 sông Ba Lai – Cái Cỏ ngày 17/3/2024 độ mặn cao nhất là 1,1‰ ngày 18/3/2024 sau khi mở cống Tân Phú độ mặn cao nhất là 0,5‰ . Như vậy, qua báo cáo mặn cho thấy, tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 diễn biến phức tạp và gay gắt hơn nhiều so với mùa khô năm 2022-2023.

Nước thô từ thượng nguồn sông Tiền được bơm vào sà lan để đưa vào Nhà máy xử lý nước ở Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Thực tiễn cho thấy, để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn và những thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra đến thời điểm hiện tại tỉnh Bến Tre đã chi hơn 10 tỷ đồng bao gồm chi phí: mua nước sạch của Công ty TNHH MTV giải pháp công nghệ nước và Môi trường Đỗ Hoàn Sinh, bơm nước vào lưu vực trữ nước, thuê xe vận chuyển nước sạch cho người dân các địa bàn nước yếu, mua nước ngọt thô Chợ Lách,…tuy nhiên, những khó khăn trong quá trình ứng phó hạn mặn vẫn diễn biến khó lường. Vì chi phí dành cho công tác ứng phó xâm nhập mặn và những thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra quá cao; Hệ thống kênh rạch bị bồi lắng, dòng chảy bị thu hẹp nên ảnh hưởng đến khối lượng nước tích trữ tại lưu vực trữ nước Thành Triệu – An hiệp – Tường Đa – Sông Mã; Hệ thống cống đập sông Ba Lai chưa khép kín; Một bộ phận người dân chưa có ý thức sử dụng tiết kiệm nước sạch và bảo vệ môi trường trong khu vực ngăn mặn trữ ngọt, nên phải thường xuyên thau rửa để làm giảm mức độ ô nhiễm nguồn nước; Một số trạm bơm cấp 1 chính của Bewaco phải ngưng hoạt động trong thời gian dài, đã ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cấp nước của đơn vị, gây nên tình trạng nước yếu cục bộ tại một số địa bàn huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm…

Dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri với dung tích 2,3 triệu m3 đang được triển khai thi công phục vụ cấp nước sinh hoạt và sản xuất.

Giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn
Trong thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đầu tư xây dựng nhiều dự án, công trình thủy lợi và cấp nước quan trọng góp phần nâng cao năng lực tưới tiêu cho cây trồng, phục vụ nuôi thủy sản và cung cấp nước sinh hoạt cho dân cư nông thôn .

Công ty cổ phần cấp thoát nước Bến Tre (Bewaco) đã chủ động ứng phó kịp thời nhằm đảm bảo đủ lưu lượng áp lực nước cấp ra mạng lưới với chất lượng nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật địa phương QCĐP 01:2022/BTr (độ mặn dưới 300 mg/l) trên các địa bàn thuộc vùng phục vụ của Bewaco. Một số công trình, dự án đầu tư, xây dựng có mục tiêu phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Giai đoạn từ năm 2020 đến nay, tỉnh Bến Tre đã được Trung ương hỗ trợ đầu tư, đưa vào sử dụng 64 công trình cống gồm: Các dự án đầu tư xây dựng công trình ngăn mặn lưu vực cống Thủ Cửu, huyện Giồng Trôm; dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1; dự án hệ thống cống kiểm soát mặn các huyện Ba Tri, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách; dự án hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre và dự án quản lý nước Bến Tre (JICA3) đã hoàn thành đưa vào sử dụng các cống Tân Phú, Bến Rớ, huyện Châu Thành. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh hiện quản lý 32 nhà máy nước, trong đó, có 27 nhà máy nước vận hành cấp nước và 5 nhà máy nước đã thực hiện hòa mạng để đảm bảo hiệu quả cấp nước cho người dân sử dụng. Hiện số hộ dân sử dụng nước từ các nhà máy nước là 98 ngàn hộ. Trong đó, có khoảng 13 ngàn hộ chịu ảnh hưởng mặn có độ mặn trên 1‰, còn lại là dưới 1‰. 15 ngàn hộ độ mặn thấp hơn 0,5‰. Từ đầu mùa khô đến nay, trung tâm vận hành các mạng lưới cấp nước đã kết nối, chuyển nước ngọt từ các nhà máy nước có nước ngọt/độ mặn thấp đến mạng lưới cấp nước của nhà máy nước nơi có độ mặn cao .

Các dự án, công trình thủy lợi sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tốt, cơ bản kiểm soát được nguồn nước ở 2 tiểu vùng Bắc và Nam Bến Tre đảm bảo cấp nước sinh hoạt trong điều kiện mặn gay gắt, ngành nông nghiệp tỉnh đã chuẩn bị phương án cấp nước khu vực nông thôn, thực hiện chở nước thô bằng sà lan về một số nhà máy có độ mặn nước nguồn tại chỗ tăng cao. Đồng thời, vận hành hệ thống RO cấp nước tập trung để đáp ứng nhu cầu nước ăn uống cho người dân. Đối với hoạt động cấp nước khu vực đô thị, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre đã có phương án đảm bảo vận hành Trạm bơm nước thô Cái Cỏ đưa về Nhà máy nước Sơn Đông để tăng lưu lượng phục vụ; phương án vận chuyển nước để cung cấp cho các bệnh viện, trường học, nhà hàng, khách sạn, các khu công nghiệp và vận hành các điểm cấp nước tập trung đã xây dựng để cung cấp cho người dân.

Đầu tiên, tỉnh thực hiện các giái pháp công trình, từ năm 2019, tỉnh đã đầu tư và vận hành các hạng mục công trình ứng phó mặn để phát huy hiệu quả ngăn mặn nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Nhà máy nước Sơn Đông: Thay cát lọc định kỳ để bảo đảm nước, tăng hiệu quả lắng, xử lý nước; vớt rác định kỳ kênh Thanh Bình lưu vực sông Mã; vận hành Tuyến ống cấp nước đường Ngô Quyền vượt sông Bến Tre để phân phối, tăng cường lưu lượng cấp cho các xã Nhơn Thạnh, Phú Nhuận, Sơn Phú, Phước Long. Nhà máy nước An Hiệp: Kiểm tra và sửa chữa định kỳ các máy bơm; Nạo vét miệng lấy nước trạm bơm nước thô Cái Cỏ để đảm bảo lấy nước ngọt thô không bị gián đoạn. Đào hồ chứa nước ngọt thô với dung tích trữ nước 4.000 m3; hút bùn hồ chứa bùn; Lắp đặt trạm bơm dã chiến để bơm nước từ hồ chứa và dây chuyền xử lý nước; thay cát lọc định kỳ cho 03 bể lọc …

Hai là, các giải pháp phi công trình cũng được tỉnh triển khai đồng bộ trong từng huyện. Cụ thể như, thuê 05 thiết bị quan trắc đo độ mặn online để giám sát độ mặn từ xa, lắp tại 05 vị trí (03 trạm trên sông Hàm Luông, 02 trạm trên sông Tiền); Theo dõi bản tin của ngành thủy văn; Mượn hệ thống RO lọc mặn công suất 10 m3/giờ của Công ty cấp nước Hà Lan; Phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi, vận hành hệ thống cống dọc sông Hàm Luông, sông Ba Lai, sông Tiền như: tại cống Tân Phú (tăng cường vận hành hệ thống 6 bơm công suất 12.000 m3/giờ/bơm) để bơm nước vào thượng nguồn sông Ba Lai; Thuê 2 tàu bơm (công suất 2.000 m3/giờ) và mượn thêm 2 thuyền bơm (công suất 4.000 m3/giờ) của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi, tăng cường bơm nước tại Đập tạm Thành Triệu vào lưu vực trữ nước Thành Triệu – An hiệp – Tường Đa – Sông Mã với trữ lượng ước đạt khoảng 1,2 triệu m3 nước; Thuê 2 máy bơm công suất 900 m3/giờ đặt tại cầu Thành Triệu để dự phòng thay cho Trạm bơm nước thô Cái Cỏ khi Đập thép tạm ngăn mặn rạch Cái Cỏ không thi công kịp sẽ tiến hành bơm nước trong lưu vực trữ nước Thành Triệu cấp cho 2 NMN An Hiệp, Sơn Đông (thay thế cho Trạm bơm Cái Cỏ khi mặn tại Cái Cỏ vượt tiêu chuẩn cho phép) .

Tiếp đó, tỉnh huy động lực lượng lấy mẫu nước trên các nhánh sông để giám sát diễn biến xâm nhập mặn (cử cán bộ nhân viên trực tiếp đo mặn xuyên suốt 15-30 phút/1 lần tại các khu vực cống Tân Phú, đập tạm Thành Triệu, cầu kênh Xáng, cầu Sửa, Vàm Giáp Ba Lai, … nhằm để đóng mở cống lấy nước khi đỉnh triều và bơm nước khi chân triều có độ mặn thấp vào lưu vực trữ nước.Vớt lục bình trên kênh Sông Mã kênh, Thầy Năm Dọm và kênh Thương Phế Binh để tạo dòng chảy thông thoáng. Khảo sát giáp nước trên sông Ba Lai từng thời điểm khi đóng các cống Bến Rớ, Kinh Điều, Cái Sơn và khi đóng mở công Tân Phú bằng cách đo độ mặn từng chặn tại cầu Sữa, cầu Phú Thành, cầu Đò, cầu Miễu Trắng, cầu Kênh Xáng, cầu hai Xê, cầu Phú Long, cầu Tường Nguyên, Cầu Ba Lai, trong và ngoài cống Tân Phú, ghi nhận và đánh giá, đồng thời xác định biên độ mặn khi lần lượt đóng các cống. Mua nước ngọt thô từ sà lan bơm vào hệ thống xử lý của nhà máy tại Chi nhánh cấp nước Chợ Lách 14.000 m3 (thời điểm độ mặn nước thô tại Nhà máy Chợ Lách vượt quy định) .

Ba là, cần tuyên truyền người dân chủ động trữ nước trước khi bắt đầu mùa khô, sử dụng nước đúng mục đích và tiết kiệm để ứng phó hạn hán, thiếu nước.Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền địa phương các cấp và các ngành chức năng thì cần có sự chủ động từ người dân, chia sẻ khó khăn chung trong điều kiện nguồn lực của tỉnh còn hạn chế; tích cực, khẩn trương vào cuộc cùng với chính quyền địa phương các cấp thực hiện các giải pháp phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 và những năm tiếp theo theo phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”. Trong đó, tùy vào từng huyện, người dân cần chủ động hơn trong việc dự trữ nước ngọt nhằm đảm bào nước sinh hoạt cũng như tưới tiêu. Chẳng hạn, huyện Mỏ Cày Nam với đặc thù 6 tháng nước mặn, 6 tháng nước ngọt, nơi có đàn heo lớn nhất tỉnh, nước ngọt vào mùa khô là vô cùng quý giá với người và vật.

Người dân Bến Tre được cải thiện cuộc sống nhờ chăm sóc, bảo vệ rừng và từ việc nuôi thủy sản dưới tán rừng.

Vài năm trở lại đây mặn xâm nhập sâu và gay gắt hơn, song song đó, địa bàn Mỏ Cày Nam còn nhiều vùng chịu ảnh hưởng mặn xâm nhập từ Vàm Cái Quao, Vàm Thom và Vàm Nước Trong. Nhằm giúp người dân ứng phó và tích lũy kinh nghiệm ứng phó với xâm nhập mặn, lãnh đạo địa phương đã lập các nhóm zalo thông tin về hạn mặn được lập nên, phạm vi trong ấp, có người tham gia cả nhóm Zalo phòng chống thiên tai của tỉnh để cập nhật tình hình xâm nhập mặn, nhằm kịp thời chia sẻ thông tin với bà con chòm xóm mình. Tại huyện Giồng Trôm, để bảo vệ vườn cây ăn trái, các hộ dân đã nạo vét kênh mương trữ nước, đắp đập quanh vườn trữ nước ngọt, tăng cường bón phân hữu cơ, ủ gốc, tỉa cành, phun thuốc trừ sâu bệnh…

Không chỉ đối với các hộ làm vườn, đối với hộ kinh doanh dịch vụ như du lịch, người dân cũng có các giải pháp chủ động ứng phó với hạn mặn. Những người chủ của các homestay cố gắng cung cấp dịch vụ tốt nhất trong khả năng của mình, nếu khách yêu cầu mua nước lọc đóng chai để sử dụng thì chúng tôi sẽ đáp ứng. Chợ Lách là vùng cây giống, hoa kiểng trọng điểm của tỉnh. Để ứng phó với xâm nhập mặn, các cấp chính quyền và nhân dân đã có sự chủ động từ đầu mùa khô. Người dân thường xuyên cập nhật độ mặn từ nhóm thông tin tình hình thiên tai của huyện, xã, đồng thời mua thiết bị đo để kiểm tra hàng ngày nhằm chủ động trữ nước để phòng mặn xâm nhập sớm. Cùng với chính quyền, khi người dân chủ động trữ nước, ứng phó với mặn đã được khuyến cáo thì sẽ giảm thiểu rất nhiều ảnh hưởng, tác động của thiên tai, đảm bảo đủ nước sinh hoạt, tưới tiêu, nâng cao năng lực của cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung và xâm nhập mặn tại tỉnh Bến Tre nói riêng .

Biến đổi khi hậu nói riêng và xâm nhập mặn nói riêng khiến cho tình trạng cấp nước bị nhiễm mặn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đời sống và sản xuất của người dân.Chính vì vậy, cần phải có sự tính toán, thực hiện những biện pháp cho lâu dài, tập trung phòng, chống thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin liên quan để các cơ quan và nhân dân chủ động bảo đảm nước sinh hoạt, sử dụng nước tiết kiệm, ổn định đời sống và bảo đảm đủ nước dân sinh. Đồng thời, cần có kế hoạch sử dụng nước hợp lý; ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao, nuôi trồng thủy sản và các khu công nghiệp; điều chỉnh cơ cấu sản xuất, theo hướng chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản để phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội cho tỉnh nhằm hạn chế đến mức tối thiểu tác động tiêu cực do xâm nhập mặn, hướng đến phát triển bền vững cho toàn tỉnh Bến Tre.

Ths.Nguyễn Thị Thùy Nhung/ Học viện Chính trị khu vực II

Tài liệu tham khảo
1.Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Thị Thái Lan, 2022, “Thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng”, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
2.Quý Trọng, 2023, “Các biện pháp ứng phó, phòng chống xâm nhập mặn ở Bến Tre”, https://tuyengiao.vn/cac-bien-phap-ung-pho-phong-chong-xam-nhap-man-o-ben-tre-152361#:~:text=M%C3%B9a%20kh%C3%B4%20n%C4%83m%202019%2D2020,b%E1%BB%8B%20thi%E1%BA%BFu%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc%20sinh%20ho%E1%BA%A1t.
3.Bộ Tài nguyên và Môi Trường, 2016, “Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam”, Nxb Tài nguyên Môi Trường và Bản đồ Việt Nam, tr.viii
4.Báo Đồng Khởi, Tiếng nói của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bến Tre, https://baodongkhoi.vn/tich-cuc-chu-dong-ung-pho-xam-nhap-man-08032024-a126988.html
5.Báo cáo tổng hợp kết quả ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024, Công ty cổ phần cấp thoát nước Bến Tre, Bến Tre, tháng 5 năm 2024
6.Báo cáo diễn biến xâm nhập mặn trên sông Ba Lai từ ngày 09/3/2024 đến 18/3/2024 Công ty cổ phần cấp thoát nước Bến Tre, Bến Tre tháng 3 năm 2024.