Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Huyền Trân công chúa trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân xứ Huế

ĐNA -

Huyền Trân công chúa là một nhân vật lịch sử nổi tiếng, cùng với vua cha Trần Nhân Tông, là những danh nhân gắn liền với sự hình thành của vùng đất Thuận Hóa- Phú Xuân- Thừa Thiên Huế.  Trong tâm thức cộng đồng, Bà là một người phụ nữ hiếu nghĩa vẹn toàn, yêu nước thương dân. Vâng lệnh vua cha, và sau đó là anh trai – Hoàng đế Trần Anh Tông, Huyền Trân đã gác tình riêng, gạt lệ xuống thuyền theo chồng là quốc vương Champa, nhằm lập mối hòa hiếu với lân bang và mở mang bờ cõi của đất nước về phương Nam vào đầu thế kỷ XIV. Từ món quà cưới của Bà, Đại Việt có thêm “Hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm”, trong đó có vùng đất Huế (Thuận Hóa). Vì vậy, Huyền Trân công chúa đã được nhân dân tôn vinh, dựng đền để thờ phụng, truyền tụng nhiều giai thoại nhằm tri ân và ghi nhớ công lao của Bà.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đánh trống khai hội Lễ hội Đền Huyền Trân công chúa hàng năm và TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế phát biểu khai mạc Lễ hội.

Lịch sử và huyền thoại
Cuối thế kỷ XIII, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, hai nước Đại Việt và Chiêm Thành cùng có kẻ thù chung, vì vậy đã liên kết, giúp đỡ nhau để bảo vệ độc lập chủ quyền của mỗi nước. Thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến và sự liên minh khăng khít của hai quốc gia đã làm cho thượng hoàng Trần Nhân Tông trong chuyến viếng thăm Chiêm Thành năm 1301 đã hứa gả Huyền Trân công chúa cho quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân (Jaya Shimhavarman III). Đến lúc Huyền Trân công chúa trưởng thành, sứ bộ Champa đã đến kinh đô Đại Việt xin định hôn. Sứ bộ đã dâng sính lễ trọng hậu là đất hai châu Ô, Lý. Vua Trần Anh Tông đã thực hiện lời hứa của thượng hoàng, và công chúa Huyền Trân đã hy sinh tình riêng, vì dân tộc chấp nhận kết hôn cùng với vua Chế Mân và trở thành Hoàng hậu Paramesvari.

Năm 1307, vua Chế Mân qua đời, theo tục lệ của đất nước Chiêm Thành, hoàng hậu phải lên giàn hỏa thiêu để tuẫn tang theo chồng. Vua Trần Anh Tông biết được tin liền sai tướng Trần Khắc Chung vờ sang viếng để cứu công chúa trở về. Tháng 8 năm Mậu Thân (1308) sau khi về đến đất Thăng Long, Huyền Trân công chúa đã xuất gia tu hành. Tương truyền Huyền Trân công chúa đã đến làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản (nay thuộc tỉnh Nam Định) lập am tranh tu tập và viên tịch tại đây. Am tranh sau này được người dân trong vùng xây dựng thành chùa Hổ Sơn (tức Quảng Nghiêm Tự).

Mối nhân duyên giữa vị Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân và công chúa Huyền Trân vào năm Bính Ngọ (1306) được xem là dấu mốc rất quan trọng trong tiến trình di dân tụ cư ở vùng đất Thuận Hóa. Từ món quà sính lễ này, một dải đất kéo dài từ Quảng Trị đến bờ bắc sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam hiện nay được sáp nhập vào bản đồ Đại Việt. Một năm sau (1307), Đoàn Nhữ Hài vâng mệnh vua Trần vào phủ dụ dân chúng ở vùng đất mới, đổi tên Ô, Lý thành hai châu Thuận Hóa. Có thể nói, đất Thuận Hóa ra đời trong sự hội nhập vào lãnh thổ Đại Việt không bằng chiến tranh xâm lấn mà là sản phẩm của quan hệ đồng minh, của sự hoà hiếu và của một cuộc hôn nhân Việt – Chiêm mang ý nghĩa lịch sử của hai dân tộc. Cũng từ đây, công cuộc di dân của người Việt vào Thuận Hóa được đẩy mạnh, bước chân của đoàn người Nam tiến từng bước tiếp cận vùng đất mới, họ cùng nhau khẩn trưng đất đai, khai hoang mở cõi, thiết lập xã hiệu. Trong diễn trình đó, làng xã vùng Huế dần hình thành và phát triển rộng khắp. Đó là những nền móng đầu tiên cho sự phát triển và thăng hoa của văn minh Đại Việt trên vùng đất mới, để sau đó vài trăm năm, từ vùng đất phên dậu của Tổ Quốc ở phía Nam, Huế đã trở thành một trung tâm mới của nước Việt, đóng vai trò quyết định trong quá trình Nam tiến, mở rộng lãnh thổ, hoàn chỉnh bờ cõi như hiện nay.

Bên trong Đền thờ Huyền Trân công chúa

Trên vùng đất Huế hiện nay vẫn còn không ít các dấu tích và di sản liên quan đến Huyền Trân Công Chúa.
Làng Phụ An (nay thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc) có cửa biển Tư Hiền xưa kia đã từng giữ một vai trò trọng yếu của Chiêm Thành ở phía bắc vương quốc. Cũng giống như cửa Thuận An, cửa Tư Hiền từ lâu đã trở thành hải khẩu quân sự quan trọng trong lịch sử, đầu mối giao dịch hàng hải nội thương cũng như ngoại thương. Theo Quốc Sử Quán triều Nguyễn trong Đại Nam nhất thống chí- bộ địa chí quan trọng nhất của triều đại viết:

Cửa Tư Hiền “ở phía đông bắc huyện Phú Lộc, cửa biển rộng 8 trượng, thuỷ triều lên sâu 3 thước, thủy triều xuống sâu 2 thước, nước nông, thuyền lớn không thể đi qua. Trước kia có đặt Thủ sở đóng quân tuần phòng ngoài biển” (1).

Sách Đại Nam nhất thống chí còn cho biết thêm, cửa Tư Hiền từ đời Lý có tên là cửa Ô Long, đời Trần đổi là Tư Dung, thời Mạc đổi là Tư Khách, đời Lê lại gọi là Tư Dung. Năm 1841, vua Thiệu Trị đổi tên Tư Hiền.

Một góc cửa biển Tư Hiền.

Còn tên gọi cửa Tư Dung bắt nguồn từ câu chuyện Huyền Trân công chúa đã quỳ bái biệt cố quốc. Năm 1306, đoàn hải thuyền vượt biển về Nam. Đến cửa Ô Long, đoàn thuyền ghé nghỉ lại. Xúc động vì sự xuất giá của em gái, vua Trần Anh Tông đã cho đổi tên cửa biển này là Tư Dung hải môn (2), để bày tỏ nỗi niềm của mình và nhắc nhở cho đời sau mãi mãi nhớ đến sự hi sinh vì nghĩa lớn của nàng công chúa nước Việt.

Ngọn núi Rùa (Quy Sơn), còn có tên gọi khác là Hãn Môn, sau được vua Minh Mạng đổi tên thành Linh Thái, ngọn núi linh thiêng đứng bên trái cửa Tư Dung như một người lính ngày đêm canh giữ để trời yên biển lặng cho quốc thái dân an. Trên đỉnh núi Linh Thái có phế tích tháp Champa. Vị trí của kiến trúc này cao 86m so với mặt biển. Đường lên tháp rất khó khăn, vì cây cối chằng chịt. Phải nói rằng, đây là ngôi tháp được đề cập sớm nhất (từ thế kỷ XVI) và trong tác phẩm Ô Châu cận lục (viết năm 1555), mục Núi sông, Dương Văn An đã cho biết:

“Núi ở huyện Tư Vinh, gần xã Hoài Vinh. Mé ngoài có biển cả bao bọc mặt Đông, bên trong có biển cạn ôm ấp mặt Tây. Phía Nam là nơi đổ ra cửa biển Tư Khách. Giữa núi có khe nước chảy quanh co, trên núi có tháp cổ chót vót…” (3).

Năm 1837, vua Minh Mạng cũng đã cho trùng tu tháp cổ Champa và thưởng 300 xâu tiền, đều giao cho quan Kinh doãn phụng lãnh để lo dùng vào hương khói hàng năm. Giai thoại của dân gian quanh vùng cho biết, lễ đón Huyền Trân công chúa được Chiêm Thành tổ chức rất long trọng ở đỉnh núi Quy Sơn. Vì vậy, Quy Sơn còn có tên gọi khác là đảo Huyền Trân.

Một số hình ảnh về lễ hội đền Huyền Trân công chúa

Toàn cảnh núi Linh Thái
Nghệ thuật Ca Huế đã tiếp thu, kế thừa và ảnh hưởng nhiều dòng âm nhạc cổ truyền dân tộc để trở thành một trong những loại hình âm nhạc truyền thống đặc sắc của Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu, thời điểm hình thành Ca Huế vào khoảng thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII, đây là giai đoạn phát triển dưới thời chúa Nguyễn. Thời kỳ thịnh đạt nhất của nghệ thuật Ca Huế vào khoảng thế kỷ XIX, nhiều phủ đệ, dinh thự ở Kinh đô Huế thường có một đội nhạc để phục vụ riêng cho tầng lớp hoàng thân quốc thích, danh gia vọng tộc. Người đời sau đã cảm thông nỗi niềm của Huyền Trân công chúa vì nước quên mình, hy sinh hạnh phúc riêng tư cho việc mở mang bờ cõi, nên đã sáng tác bài bản Ca Huế với tiêu đề “Nước non ngàn dặm”, theo điệu Nam Bình:

“Nước non ngàn dặm ra đi.
Mối tình chi !
Mượn màu son phấn,
Đền nợ Ô, Ly.
Xót thay vì,
Đương độ xuân thì.
Số lao đao hay là nợ duyên gì ?
Má hồng da tuyết,|
Cũng như liều hoa tàn trăng khuyết,
Vàng lộn theo chì.
Khúc ly ca, sao còn mường tượng nghe gì.
Thấy chim lồng nhạn ra đi.
Tình lai láng,
Hướng dương hoa Quỳ.
Dặn một lời Mân Quân:
Như chuyện mà như nguyện.|
Đặng vài phân,
Vì lợi cho dân,
Tình đem lại mà cân,
Đắng cay muôn phần” (4).

TS. Trần Văn Khê đã từng đưa ra một nhận xét rất thú vị về âm nhạc cổ xứ Huế. Đó là nhờ mối nhân duyên của Huyền Trân công chúa mà sự gặp gỡ giữa nhạc Việt và nhạc Chăm được thể hiện đầy đủ. Nhờ đó mà ngày nay chúng ta có được một ngôn ngữ âm nhạc độc đáo của miền Trung nói chung và vùng đất sông Hương núi Ngự nói riêng, một sắc thái dịu dàng, thơ mộng trong ca nhạc Huế.

Toàn cảnh núi Linh Thái

Tri ân và tôn vinh Huyền Trân Công Chúa
Nhân dịp kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế và trong kế hoạch xây dựng Trung tâm Văn hóa Huyền Trân tại Huế nhằm tỏ lòng biết ơn của người dân xứ Huế đối với Huyền Trân công chúa, một vị anh hùng liệt nữ đã có công mở mang bờ cõi đất nước.

Từ đầu năm 2006, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức khởi công xây dựng Trung tâm Văn hóa Huyền Trân ngay dưới chân núi Ngũ Phong (nay thuộc phường An Tây, thành phố Huế) và công trình được khánh thành vào ngày 26/03/2007.

Đền Huyền Trân công chúa có tổng diện tích rộng khoảng 28,5ha. Địa hình thoai thoải kéo dài từ chân núi lên đến đỉnh, có rừng thông xung quanh, bốn mặt là đồi núi trùng điệp. Từ phía ngoài đi vào là bốn trụ biểu lớn, dưới chân có đặt nghê đá phục chầu, tiếp đó là 3 bậc sân khá rộng được lát bằng gạch Bát tràng, có hồ nước và cây cầu nhỏ; tiếp đến nữa là khu vực tam quan và tiếp đó là đền thờ Huyền Trân công chúa. Phía bên trong đền thờ có thiết trí pho tượng mô phỏng Huyền Trân công chúa ngồi trên ngai được đúc bằng đồng. Tượng cao 2.37m, được đúc bởi các nghệ nhân nổi tiếng của phường Đúc. Hậu điện còn thiết trí án thờ Đoàn Nhữ Hài – vị quan của người Việt đầu tiên theo lệnh vua vào trấn giữ 2 châu Ô, Lý khi 2 châu này được từ Chiêm Thành sát nhập vào Đại Việt. Phía sau điện thờ là ngôi đình nhỏ, thiết trí bức tượng đứng của bà khi đã xuất gia tu hành, pháp hiệu là Hương Tràng.

Ngoài ra trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa Huyền Trân còn có nhiều công trình kiến trúc khác, như tháp chuông Hòa Bình có chiều cao 7m và được dựng trên đỉnh Ngũ Phong cùng với một chuông đồng khác nặng 1.6 tấn và cao 2.16m, tượng Đức Phật Di Lặc, miếu thổ thần…

Sơ đồ bố trí các công trình ở đền thờ Huyền Trân công chúa

Đền Huyền Trân công chúa
Năm 2008, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục xây dựng bổ sung và đã tổ chức đại lễ khánh thành đền thờ Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhân kỷ niệm 750 năm ngày sinh của ngài (7/12/1258 – 7/12/2008). Đền thờ vua Trần Nhân Tông được xây dựng ở phía sau, trong khuôn viên của Trung tâm Văn hóa Huyền Trân. Đây là công trình tưởng nhớ công đức vị hoàng đế anh minh, lỗi lạc, không chỉ trực tiếp lãnh đạo dân tộc 2 lần đánh bại đế quốc Nguyên Mông, làm nên những kỳ tích lịch sử, mà còn là vị hoàng đế đặt dấu ấn quan trọng trong công cuộc mở đất về phương Nam, tạo tiền đề để các triều đại sau mở rộng cương vực đất nước đến Mũi Cà Mau.

Điện tọa lạc ở lưng chừng núi, sau một khoảng sân rất dài với hàng trăm bậc cấp, hai bên có đôi rồng chầu hai bên được công nhận đạt kỷ lục Việt Nam (mỗi con rồng chầu dài 105m, đầu cao 3,5m, thân cao 2,5m, vòng bụng nơi lớn nhất 2,6m). Bên trong chính điện của đền thờ đặt tượng đồng vua Trần Nhân Tông cao 3 mét, rộng 1,6 mét được lấy từ phiên bản tượng tại đền thờ các vua Trần ở Nam Định và tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông lấy phiên bản từ chùa Trúc Lâm Yên Tử.

Một số hình ảnh về lễ hội đền Huyền Trân công chúa

Lễ hội đền Huyền Trân được Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức chức định kỳ hàng năm vào ngày mùng 9 tháng Giêng – ngày giỗ của Huyền Trân công chúa. Điều này thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước trong việc mở mang bờ cõi. Trong khuôn khổ lễ hội có nhiều hoạt động mang tính tâm linh, như cầu nguyện “Quốc thái dân an”, dâng hương tại điện Huyền Trân công chúa, đền thờ vua Trần Nhân Tông. Ngoài ra, còn tổ chức biểu diễn nghệ thuật Ca Huế, các trò chơi dân gian, triển lãm tranh ảnh, thư pháp… Vì vậy, lễ hội đền Huyền Trân đã thu hút hàng ngàn lượt người là du khách trong nước, quốc tế và người dân địa phương đến tham quan, chiêm bái. Đồng thời, đây là dịp góp phần quảng bá đến du khách thập phương và quần chúng nhân dân những hình ảnh văn hóa, giá trị di sản văn hóa, một vùng đất mang đậm giá trị bản sắc văn hóa của cả nước, thành phố Văn hóa ASEAN, thành phố Festival của Việt Nam.

Hậu thế đã tôn thờ Bà làm Người Mẹ Xứ Sở và tôn phong làm vị Phúc Thần – vị nữ Thần Anh thư nước Việt.

Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đặt tên Huyền Trân công chúa cho một con đường ở thành phố Huế. Đồng thời trong Quyết định số 3050/QĐ-UBND ngày 27/12/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng, tượng, biểu tượng kiến trúc và vườn tượng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, có nội dung quy hoạch khu vực Cồn Hến (phường Vỹ Dạ) sẽ có xây dựng tượng đài Huyền Trân công chúa.

Cán bộ ngành Văn hóa tham dự lễ hội Đền Huyền Trân.

Có thể nói, Huyền Trân công chúa là một nhân vật lịch sử đã được nhân dân kính ngưỡng, thác hiển linh phò trợ giúp dân. Sự nghiệp và “công lao của Huyền Trân công chúa đối với đất nước, đặc biệt là vùng đất Thuận Hóa xưa thật là vô lượng, không gì sánh được. Chính vì vậy hậu thế đã tôn thờ Bà làm Người Mẹ Xứ Sở và tôn phong làm vị Phúc Thần – vị nữ Thần Anh thư nước Việt” (5). Vì vậy từ xưa cho đến nay, mỗi người dân xứ Huế luôn luôn trân trọng và ghi nhớ những tình cảm, công lao to lớn của Huyền Trân công chúa trong việc mở mang bờ cõi về phương Nam. Hình ảnh cao đẹp của Bà sẽ mãi mãi in dấu sâu đậm trong tâm thức của người dân Cố đô Huế.

TS. Phan Thanh Hải và TS. Trần Văn Dũng/Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế

Chú thích:
1.Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 175-176.
2.Tư là tưởng nhớ, dung là dung nhan mỹ nhân nước Việt.
3.Dương Văn An nhuận sắc, tập thành (1961), Ô châu cận lục, Bản dịch của Bùi Lương, Hội Việt Nam Nghiên cứu liên bộ Văn hóa Á Châu phát hành, tr.13.
4.Thái Văn Kiểm (1950), Huyền Trân công chúa và ảnh hương Chàm, Trung hoa trong nền ca nhạc cổ điển Việt Nam, Sài Gòn, tr. 37.
5.Dương Phước Thu (2011) “Huyền Trân công chúa: Gia thế, sự nghiệp và di sản”, in trong cuốn Phụ nữ Việt Nam trong di sản văn hóa dân tộc, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 47.