Thứ Ba, Tháng Chín 10, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

ICOAF sẽ là một trong những hội thảo chuyên ngành Tài chính – Kế toán lớn nhất khu vực Đông Nam Á

ĐNA -

Sáng nay (10/6/2022), Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), phối hợp cùng Viện nghiên cứu tài chính toàn cầu (tại Đại học New South Wales, Úc) và Đại học Aston (Anh quốc), chính thức khai mạc hội thảo quốc tế về Kế toán và Tài chính (ICOAF 2022).

Do tác động của giai đoạn “hậu COVID-19”, ICOAF 2022 được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến, hội thảo có góp mặt của 70 chuyên gia, nhà khoa học đến từ các đại học uy tín trong nước và quốc tế.

PGS.TS Võ Thị Thúy Anh – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đã có phát biểu chào mừng và đề dẫn cho sự kiện ICOAF 2022. -Ảnh trong tin: T.Ngọc.

Năm nay, hội thảo nhận được 65 bài báo của các nhà khoa học, giảng viên trong và ngoài nước, trong đó có nhiều học giả có uy tín lớn. Ban Nội dung của sự kiện với sự góp mặt của các chuyên gia (trong và ngoài nước) tên tuổi, nổi tiếng ở lĩnh vực Tài chính – Kế toán, quyết định chọn 35 công trình nghiên cứu trình bày tại Hội thảo.

Hội thảo ICOAF 2022 là cơ hội lớn để các nhà khoa học, các giảng viên ở các trường đại học trong nước và quốc tế cùng chia sẻ các ý tưởng học thuật, sau đó, nhận được các góp ý/phản biện khoa học, từ đó gia tăng cơ hội để các bài báo được chấp nhận đăng tại các tạp chí thuộc danh mục ISI và SCOPUS.

“Hội thảo ICOAF 2022 cũng mang ý nghĩa sâu xa là hình thành và nuôi dưỡng một mạng lưới toàn cầu của các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Tài chính – Kế toán ở Việt Nam, đồng thời củng cố và đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu về Tài chính – Kế toán Việt Nam.

Ngoài ra, với tầm nhìn sớm trở thành một đại học định hướng nghiên cứu, trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng và các đối tác đồng tổ chức cũng nhấn mạnh quyết tầm sẽ “phấn đấu đưa hội thảo thường niên ICOAF trở thành một trong những hội thảo chuyên ngành về Tài chính – Kế toán lớn nhất khu vực Đông Nam Á”, trong tương lai gần.” – đại diện BTC chia sẻ.

Với các mục tiêu nêu trên, ICOAF 2022 nhận được sự đồng hành bảo trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF).

Đại biểu quốc tế, đại diện lãnh đạo Sở Khoa học – Công nghệ, lãnh đạo Đại học Đà Nẵng và trường Đại học Kinh tế có mặt ngay phiên khai mạc.

Được biết, khởi đầu của ICOAF là sự kiện học thuật ICOA (Hội thảo quốc tế về Kế toán), lần đầu được tổ chức vào năm 2015 , do 3 Đại học giữ vai trò chủ trì – đồng phối hợp là Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) – Đại học Aston (Anh quốc) và Đại học Yokohama (Nhật Bản).

Ngay ở lần diễn ra đầu tiên, sự kiện học thuật này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng học giả, giới quản lý doanh nghiệp, kể cá các nhà hoạch định chính sách. Đây chính là nền tảng quan trọng để hội thảo từng bước trở thành một diễn đàn khoa học uy tín, bàn sâu về các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Tài chính-Kế toán. Vào năm 2016, lĩnh vực Tài chính, chính thức trở thành chủ đề của hội thảo. Từ cột mốc này, hội thảo có tên đầy đủ mới là ICOAF (cho đến hôm nay).

ICOAF 2016 quy tụ các Giáo sư, Tiến sỹ, các Chuyên gia đầu ngành, các Học giả và giới nghiên cứu chuyên ngành và thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của nhiều kênh truyền thông. Uy tín của ICOAF được khẳng định và có sức lan tỏa trong giới chuyên môn, chỉ sau 2 kỳ tổ chức.
Trong các năm sau đó, sự kiện ICOAF trở thành tâm điểm của giới nghiên cứu chuyên ngành (Anh, Pháp, Úc, Nhật Bản, Việt Nam, …). Chất lượng các bài báo gửi về Ban Nội dung và Hội đồng phản biện ICOAF tăng rõ rệt.

Qua các nghiên cứu mới với góc nhìn đa chiều, hàm lượng khoa học cao được công bố, giới khoa học – đội ngũ Giảng viên nắm bắt được các hàm ý chính sách mới, những phát hiện đầy thú vị cũng như những định hướng cho các nghiên cứu trong tương lai về Kế toán và tài chính.

Năm 2018, ICOAF được phối hợp tổ chức từ 4 trường: Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) – Đại học New South Wales, Đại học Massey và Đại học Aston. Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh, ICOAF vẫn được duy trì với hình thức trực tuyến.

Nhiều tên tuổi đã đến với sự kiện: Giáo sư (chuyên ngành kế toán) Mingyi Hung – Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Koong; Giáo sư Avanidhar (Subra) Subrahmanyam; …
Năm 2022, phiên ICOAF thứ VII, có 70 nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực Tài chính – Kế toán, chính thức tham dự.

ICOAF 2022 có sự xuất hiện của hai diễn giả chính là:
Giáo sư (chuyên ngành Tài chính) Talis Putnins. Ông còn được biết đến trong vai trò cố vấn chính sách cho Chính phủ, cố vấn các sở giao dịch chứng khoán, tổ chức tài chính.

Giáo sư Talis Putnins là diễn giả chính của phiên khai mạc.

Giáo sư Putnins tập trung nghiên cứu nhiều khía cạnh của thị trường tài chính – các thiết kế và cấu trúc vi mô của thị trường, vấn đề tài chính phi tập trung và các chuỗi khối liên quan. Các lĩnh vực khoa học pháp y tài chính bao gồm cả thao túng thị trường, giao dịch nội gián và tài trợ tội phạm, cũng là đối tượng nghiên cứu của Nhà khoa học đến từ Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác Tài chính Kỹ thuật số tại Đại học Công nghệ Sydney.

Phó Giáo sư (chuyên ngành Tài chính) Peter Kien Pham hiện giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Ngân hàng và Tài chính (thuộc Đại học New South Wales), ông cũng là Chủ tịch Hiệp hội Tài chính Quốc tế Việt Nam.

Phó Giáo sư Phạm cho biết, các lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm tài chính doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp và phân bổ vốn, trong đó, đặc biệt tập trung vào các tập đoàn kinh doanh, các công ty đa quốc gia …

Nhiều chủ đề về tình hình tài chính – kế toán của thế giới nói chung và Châu Á nói riêng đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu có mặt ICOAF 2022

ICOAF 2022 có nhiều chủ đề đáng quan tâm về tình hình tài chính – kế toán của thế giới nói chung và Châu Á nói riêng. Điểm nhấn được nhiều học giả quan tâm chính là tình hình tài chính toàn cầu hậu COVID-19.

Là trường đại học khởi xướng và đã chủ trì, đồng chủ trì tổ chức liên tục 7 phiên ICOA và ICOAF; Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng đã ghi tên mình trong danh sách những đại học có đóng góp tiêu biểu trong nghiên cứu Tài chính – Kế toán

Nhiều giảng viên của Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng được mời tham dự và trình bày, chia sẻ các báo cáo chuyên đề của mình ở những hội thảo khoa học hay sinh hoạt học thuật khác, liên quan đến lĩnh vực Tài chính – Kế toán. Đây là những cơ hội tốt để các Giảng viên của trường khẳng định chính mình, góp phần khẳng định uy tín học hiệu ở tầm vóc quốc gia và quốc tế. Qua đó cũng nâng cao rõ rệt năng lực giảng dạy và nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Bên cạnh đó, nhiều bài báo khoa học, đề tài nghiên cứu của Giảng viên Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng cũng được chọn công bố ở một số hội thảo nổi tiếng như: hội thảo quốc tế về Tài chính (VICIF); hội thảo quốc tế về Quản trị và Kinh doanh (COMB); hội thảo Marketing trong kỷ nguyên kết nối (MICA), …
T.Ngọc