Thứ Tư, Tháng Năm 15, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Iran chính thức là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

ĐNA -

Ngày 4/7/2023, khi chủ trì Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo SCO được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố, Iran đã chính thức trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Tuyên bố của những nhà lãnh đạo Hội đồng Nhà nước SCO nêu rõ: “Các quốc gia thành viên nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của việc kết nạp Iran vào SCO với tư cách là một quốc gia thành viên đầy đủ”.

Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo SCO được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 4/7. Ảnh: FNA

Iran chính thức đề nghị gia nhập SCO từ 15 năm trước và đến giữa tháng 9/2022, nước Cộng hòa Hồi giáo đã ký Bản ghi nhớ về nghĩa vụ để trở thành thành viên thường trực của tổ chức này.

Ngày 4/7/2023, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nhấn mạnh việc nước này chính thức trở thành thành viên thứ 9 của SCO sẽ mang tới những lợi ích lịch sử. Nhà lãnh đạo này tin tưởng, tư cách thành viên của Iran trong SCO sẽ đặt nền móng cho việc đảm bảo an ninh tập thể, thúc đẩy phát triển bền vững, tăng tính kết nối, đoàn kết, đảm bảo sự tôn trọng lớn hơn đối với chủ quyền của các quốc gia, đồng thời tăng cường các mối quan hệ hợp tác trong bối cảnh giải quyết các mối đe dọa về môi trường.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nhấn mạnh tư cách thành viên chính thức của Iran trong SCO là bước tiến quan trọng trong việc theo đuổi chính sách ngoại giao toàn diện, mở rộng mối quan hệ với các nước láng giềng, cũng như theo đuổi cách tiếp cận “hướng tới châu Á”.

SCO là một tổ chức chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng Trung Á và cũng là tổ chức khu vực lớn nhất thế giới về phạm vi địa lý và dân số (chiếm tới 40% dân số thế giới và 28% tổng GDP toàn cầu). Tổ chức này được thành lập bởi Trung Quốc, Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan vào năm 2001, và hiện đang tạo thành thị trường khu vực lớn nhất thế giới với 8 thành viên chính thức và 3 quốc gia quan sát viên. Ấn Độ và Pakistan đã trở thành thành viên thường trực của SCO từ năm 2017.

Theo đánh giá của Thủ tướng Modi, trong hai thập kỷ qua, SCO đã nổi lên như một nền tảng quan trọng cho hòa bình, thịnh vượng và phát triển trong toàn bộ khu vực Á-Âu. “Mối quan hệ văn hóa và giao lưu nhân dân được duy trì qua hàng nghìn năm giữa Ấn Độ với khu vực này là minh chứng sống động cho di sản chung mà các bên cùng chia sẻ… Chúng tôi không chỉ xem SCO như một khu vực mở rộng, mà còn là một đại gia đình. Với tư cách là Chủ tịch của SCO, Ấn Độ đã nỗ lực đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt của các nước thành viên lên một tầm cao mới” – ông Modi nói.

Thảo Lê/theo hindustantimes, farsnews