(Đà Nẵng). Ngày hội việc làm ngành Công nghệ thông tin (IT Jobfair) diễn ra tại trường Đại học Bách khoa (DUT), Đại học Đà Nẵng (vừa kết thúc trưa nay, 2/12/2023), thể hiện rất rõ những điểm chung giữa Nhà trường và Doanh nghiệp, tất cả đều vì nguồn nhân lực có trình độ cao.
Hợp tác Nhà trường và Doanh nghiệp luôn rất cần thiết và có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Tuyển dụng nguồn nhân lực có trình độ cao là điều kiện tiên quyết, duy trì và phát triển sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều nhà trường cũng đặt mục tiêu, đưa lao động Việt Nam hội nhập vào thị trường lao động cạnh tranh, trước mắt là khu vực Đông Nam Á.
Về phía nhà trường, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực có trình độ cao thể hiện năng lực đào tạo vượt trội của Học hiệu. Và muốn vậy, nhà trường phải luôn chú trọng nhiều hơn, đến nhu cầu của thị trường, nhu cầu của doanh nghiệp. Từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo sinh viên đáp ứng được với vị trí công việc được tuyển dụng.
Các bạn sinh viên nhận được sự hỗ trợ tối đa của đại diện doanh nghiệp tại các gian hàng. Ảnh trong bài: T.Ngọc
IT Jobfair DUT – điểm hội tụ
PGS.TS Nguyễn Tấn Khôi – Trưởng khoa, khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng nhìn nhận: Mỗi lần tổ chức IT JobFair, cũng là dịp để Khoa gặp gỡ với nhiều với doanh nghiệp. Trước hết thông tin về tình hình và kết quả đào tạo trong một năm vừa qua, cũng như chương trình đào tạo, kết quả tuyển sinh, … Đồng thời, Khoa lại được ghi nhận các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp. Đây là những ý kiến góp ý rất thẳng thắn, tích cực để Khoa và Nhà trường ghi nhận, tiếp tục cải tiến chương trình đào tạo, nội dung giảng dạy để bám sát yêu cầu thực tiễn của ngành”.
Trong nhiều năm qua, chương trình đào tạo công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Trong thiết kế môn học, Khoa rất chú trọng kiến thức nền tảng toán, kiến thức cơ sở ngành, kiến thức chuyên ngành đáp ứng lĩnh vực AI, IoT, …
Các chương trình đào tạo của Khoa đã được công nhận theo các chuẩn quốc tế: Chuẩn AUN(mạng lưới các trường đại học hàng đầu của khu vực Đông Nam Á)-QA; và trong năm nay đã được kiểm định bởi tổ chức ASIIN (Accreditation Agency for Study Programs in Engineering, Informatics, Natural Sciences and Mathematics) là tổ chức kiểm định uy tín trong hệ thống của Hiệp hội kiểm định chất lượng đại học châu u (ENQA).
Nhà trường – Doanh nghiệp – Sinh viên có dịp lắng nghe “kỳ vọng” của nhau.
Không chỉ là quảng bá hình ảnh …
Nguồn nhân lực luôn có ý nghĩa quyết định quan trọng số 1, trong duy trì các ưu thế nội lực, đưa đến khả năng phát triển mạnh năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp tham gia IT Jobfair DUT 2023, nhấn mạnh rằng, sự xuất hiện của thương hiệu tại ngày hội, không chỉ để ra mắt hay giới thiệu hình ảnh.
“Mỗi lần có Ngày hội việc làm, là Paradox chúng tôi tham gia. Đây là cơ hội, chúng tôi được gặp trực tiếp nguồn nhân lực trong tương lai của mình. Các cuộc trò chuyện sẽ tập trung cho nội dung như giới thiệu những điểm rất đặc trưng về công ty, về quy trình sản xuất và cả về môi trường làm việc. Các em sinh viên qua đó sẽ biết rằng, để trở thành nhân viên của Paradox, các em phải chuẩn bị những gì ?
Tại IT Jobfair DUT 2023, khi các em đăng nhập vào website tuyển dụng của Paradox, các em sẽ làm việc với “Trợ lý (ảo) tuyển dụng”. Đây là một sản phẩm (Chatbot) được công ty phát triển vào năm 2016, và đến nay, được nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới rất ưa thích. Với trợ lý ảo này, một phần các em được làm quen với sản phẩm trí tuệ nhân tạo, phần lớn hơn, các em sẽ phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe, do chính trợ lý tuyển dụng này đưa ra, thông qua hình thức quen thuộc là câu hỏi và đề nghị.
Sau đó cũng trợ lý này sẽ sàng lọc hồ sơ, lên lịch hẹn phỏng vấn. Từ các phiên làm việc cùng trợ lý ảo này, các em cũng sẽ hiểu thêm về Paradox với tinh thần ““Growing is fun”, về yêu cầu sáng tạo, về sản phẩm chính là AI Assistant trong lĩnh vực nhân sự và tuyển dụng. Nếu các em có thắc mắc gì, thì các anh chị đi trước, sẽ trao đổi ngay và rất cụ thể, sao cho các em hiểu chắc vấn đề”, chị Nguyễn Hà Thanh Nhàn – Trưởng phòng Nhân sự và Truyền thông Công ty Paradox Việt Nam chia sẻ.
“Thực tế thì phần lớn các công ty đều ít có thời gian để gặp gỡ các bạn sinh viên – nguồn nhân lực ngày mai, sẽ làm việc cho tổ chức của chính mình. Nên nghe tin có Ngày hội việc làm, lại là việc làm cho chuyên ngành IT, thì anh em rất háo hức chuẩn bị và tham gia. Được gặp gỡ các bạn, chúng tôi có điều kiện trao đổi trực tiếp về các yêu cầu chung, yêu cầu riêng đối với mỗi vị trí tuyển dụng. KMS Technology cũng hết lòng hỗ trợ các bạn sinh viên qua chương trình ‘Phòng khám CV”. CV ở đây bao hàm nhiều nội dung, chứ không chỉ là “bản tự khai về năng lực” cá nhân. Nhất định, nếu tham gia “Phòng khám CV”, các bạn được “điều trị” rất tích cực, trở nên khỏe mạnh và tự tin hơn”, anh Trần Đức Duy – Giám đốc truyền thông, KMS Technology – Chi nhánh Đà Nẵng cho biết.
Cũng như đồng nghiệp Paradox, KMS Technology cũng có một trợ lý Chatbot sẽ tương tác với các bạn sinh viên về kiến thức kỹ thuật chuyên ngành (căn bản về lập trình) đầy thú vị. Tại không gian của mình, KMS Technology còn khuyến khích các bạn sinh viên thử tài khả năng lập trình (trên điện thoại thông minh), xem ai lập trình nhanh và đúng nhất.
Lồng vào các hoạt động trên, KMS Technology chia sẻ về văn hóa công ty, hiểu được mục tiêu mà cả tập thể đang theo đuổi “gia tăng sự tín nhiệm của khách hàng toàn cầu về chất lượng dịch vụ vượt trội và trình độ chuyên môn cao của kỹ sư người Việt”. Từ một công ty hàng đầu về lĩnh vực phát triển phần mềm, đến nay, KMS Technology đã mở rộng hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi số (digital transformation), phân tích dữ liệu (Data Analytics); giải pháp quản lý chuỗi cung ứng được hỗ trợ bởi công nghệ AI (AI-powered Supply Chain).
“Trong khi đó với Monstar Lab Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng, Ngày hội việc làm chuyên ngành (mà IT Jobfair DUT, là một ví dụ), thì đây là cơ hội để “trao đổi nhiều hơn và kỹ hơn với các bạn sinh quan tâm đến quy trình sản xuất, xu hướng công nghệ, đặc biệt là văn hóa doanh nghiệp và ứng xử của lao động trẻ. Chúng tôi cũng lưu lại họ và tên sinh viên đã đến với Monstar Lab Việt Nam vào cơ sở dữ liệu. Chúng tôi mong gặp lại các bạn”, anh Hà Phước Việt – cựu sinh viên (ngành Kỹ sư phần mềm) khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, thay mặt Công ty chân thành chia sẻ.
Trò chuyện cùng ASEAN News, anh Hà Phước Việt bày tỏ: Với thế hệ đàn em ngày hôm nay, những người đi trước như Việt, rất muốn gửi một lời khuyên. Đó là bằng năng lực chuyên môn, bằng tâm huyết, các bạn trẻ hãy cống hiến hết khả năng mình có được, chứng minh rõ nét những giá trị bản thân mình. Nhiều khi cơ hội thăng tiến đang ở trước mắt, các em không nhìn thấy, mà lại “đứng núi này, trông sang núi nọ”, chạy theo các xu hướng “nhảy việc” có tính nhất thời đang phổ biến. Đến lúc các bạn nghĩ lại, hoặc nhận ra, cơ hội đã từng “để dành” cho các bạn, đã không còn nữa. Văn hóa nhiều công ty đề cập đến vấn đề “cùng đồng hành, gắn bó dài lâu, cùng vun đắp các giá trị, trong đó có bạn, …” chính là hàm ý những nội dung Việt vừa trao đổi.
Nhà trường luôn lắng nghe – Sinh viên sẵn sàng cầu thị
Với mục đích tạo điều kiện cho sinh viên chuyên ngành được tìm hiểu môi trường thực tiễn, giúp doanh nghiệp tiếp cận với nguồn nhân lực, cùng nhau gắn kết mối quan hệ giữa Sinh viên – Nhà trường – Doanh nghiệp, Khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, bắt đầu tổ chức Tuần lễ giao lưu Doanh nghiệp từ năm 2010, cho đến nay đã được hơn 14 lần. Đáp ứng cơ bản nhu cầu tìm kiếm cơ hội thực tập và nhất là tìm kiếm môi trường lẫn cơ hội việc làm cho rất nhiều sinh viên.
“Với em, Ngày hội IT JobFair có ý nghĩa rất đặc biệt. Sinh viên chúng em đã không dễ gì gặp được doanh nghiệp, nay lại được gặp cùng lúc nhiều doanh nghiệp như thế này. Có nhiều vấn đề rất thiết thực với chúng em, đó là tìm hiểu, nắm bắt các cơ hội việc làm, tìm hiểu môi trường làm việc mà chúng em sẽ dấn thân, các yêu cầu của quy trình sản xuất bao gồm những gì. Đặc biệt nhất, hiểu về văn hóa doanh nghiệp và sớm có sự chuẩn bị.
Theo em, các bạn sinh viên nên tận dụng cơ hội này một cách tốt nhất. Ví dụ, đầu tư thực hiện thật tốt hồ sơ CV, trước nhà tuyển dụng nên tự tin, biết thể hiện giá trị, năng lực bản thân đúng lúc. Các cô chú doanh nghiệp luôn cởi mở, hết lòng, nhưng trong tuyển dụng rất nghiêm túc – nghiêm khắc. Em nghĩ rằng, mỗi sinh viên cần biết tranh thủ cơ hội và cũng biết cách tạo cơ hội cho bản thân mình trước nhà tuyển dụng” – bạn Nguyễn Trần Mỹ Duyên, sinh viên năm thứ tư, chuyên ngành Công nghệ thông tin , chương trình chất lượng cao hợp tác Doanh nghiệp, khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, bày tỏ.
Đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia lĩnh vực phần mềm làm việc tại Đà Nẵng nhiệ tình tham gia ngày hội.
“Quy mô ngày hội năm 2023, có 17 doanh nghiệp chuyên ngành tham gia. Trong số các em sinh viên năm cuối, ngoài sinh viên năm thứ tư của các chương trình chất lượng cao hợp tác Doanh nghiệp, chương trình chất lượng cao Việt – Nhật, đặc biệt, có 48 sinh viên của chương trình đào tạo Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo. Năm 2020, Khoa chúng tôi đã mở ngành đào tạo này, và đây chính là khóa đầu tiên, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo”, PGS.TS Nguyễn Tấn Khôi – Trưởng khoa, cho biết thêm.
Rõ ràng, Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học bách khoa, Đại học Đà Nẵng, đã có những ngành/chuyên ngành mới, hoặc tích hợp nội dung mới vào chương trình đào tạo trong nhiều năm qua; những đổi mới này có xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động. Vấn đề quan trọng là Khoa, là Nhà trường đã thường xuyên tìm hiểu và ghi nhận kịp thời cả yêu cầu lẫn nhu cầu về nguồn nhân lực.Nhiều doanh nghiệp khi trao đổi cùng chúng tôi, cũng đã thừa nhận sinh viên từ “lò đào tạo Bách khoa” có kiến thức nền tảng rất vững, với một quy trình đào tạo đảm bảo chất lượng, các em tiếp cận nhanh, nhạy với nắm bắt công nghệ và thích nghi chuyển đổi nhanh xu hướng”./.
Trung Đức