Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Italy chỉ trích Đức tài trợ cho các nhóm từ thiện người di cư bất hợp pháp ở Địa Trung Hải



ĐNA -

Theo Reuters, ngày 24/9/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto thông tin với báo La Stampa rằng, Đức đã gây khó khăn cho nước này khi tài trợ các tổ chức giúp đỡ người di cư ở Địa Trung Hải. Rome coi động thái của Berlin là “rất nghiêm trọng”. “Berlin giả vờ không nhận ra khi làm như vậy, họ sẽ gây khó khăn cho một quốc gia mà về lý thuyết nên là bạn”, ông cho hay.

Người di cư bất hợp pháp chờ đợi trên đảo Lampedusa, Italy, để được chuyển vào đất liền hôm 14/9. Ảnh: Reuters

Được biết trước đó, khi truyền thông Italy đưa tin về những khó khăn của Rome khi xử lý cuộc khủng hoảng di cư, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức hôm 22/9 cho biết, Berlin đang thực hiện chương trình hỗ trợ tài chính của quốc hội cho cả các dự án cứu hộ dân sự trên biển và trên đất liền. “Chúng tôi đã nhận được một số đơn xin tài trợ. Việc xem xét các đơn đăng ký đã được hoàn thành đối với hai trường hợp”, người phát ngôn nói, thêm rằng số tiền tài trợ lên tới gần 430.000 USD đến hơn 850.000 USD cho mỗi dự án.

Ngày 23/9, tổ chức từ thiện SOS Humanity thông báo họ sẽ nhận được khoảng 840.000 USD tiền tài trợ từ chính phủ Đức. Bộ Ngoại giao Đức trong khi đó giải thích việc cứu người trên biển là “nghĩa vụ hợp pháp, nhân đạo và đạo đức”.

Italy, cùng với Hy Lạp và Tây Ban Nha, là điểm dừng đến của hàng trăm nghìn người từ châu Phi và Trung Đông tìm cách đến châu Âu. Dữ liệu mới nhất của Bộ Nội vụ Italy cho thấy hơn 132.000 người di cư đã đến nước này bằng thuyền trong năm nay so với khoảng 69.000 người cùng kỳ năm ngoái.

Italy, quốc gia có đường lối cứng rắn chống nhập cư bất hợp pháp, tuần qua cho biết họ sẽ tăng số lượng những trung tâm để giam người di cư trước khi họ có thể hồi hương, đồng thời kéo dài thời gian bắt giam. Chính phủ Italy cũng ra phán quyết rằng những người di cư sẽ phải trả tiền để không bị giam trong lúc yêu cầu tị nạn của họ được xử lý, khiến các nhóm nhân quyền chỉ trích mạnh mẽ.

Chy Lê