Thứ năm, Tháng mười một 7, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Kế hoạch phi USD hóa của BRICS đã mở rộng sang khối CIS

ĐNA -

Theo Watcher.guru, sau BRICS, khối Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) đã khởi động quá trình phi USD hóa và đang sử dụng các loại tiền tệ địa phương để giao dịch chứ không phải đồng USD.

Chương trình nghị sự phi USD hóa ban đầu được triển khai trong nội bộ BRICS, nhưng hiện nay nó đã mở rộng sang cả khối CIS

Cụ thể, Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) gồm 12 quốc gia đã tiến hành 85% các giao dịch thương mại quốc tế giữa các nước trong khối bằng đồng tiền quốc gia của họ, thay vì sử dụng đồng USD. Diễn biến này đang tạo thêm áp lực lên đồng USD vì cả BRICS và CIS đều đang tham gia vào các sáng kiến phi USD hóa.

Theo trang Watcher.guru, Nga, thành viên BRICS, đã thuyết phục khối CIS bắt đầu sử dụng tiền tệ địa phương để giao dịch chứ không phải đồng USD. Một số thành viên hiện tại đã đồng ý với các chính sách thương mại do Nga đưa ra vì việc sử dụng tiền tệ địa phương sẽ củng cố nền kinh tế bản địa của họ.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh CIS, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ rằng BRICS và Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) đang tăng cường nỗ lực nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào đồng USD mãi mãi.

Theo đó, các quốc gia trong khối cũng đang nỗ lực tự phát triển công nghệ nội địa để giảm thiểu sự phụ thuộc vào hàng hóa và dịch vụ từ các nước khác, đặc biệt là từ phương Tây. Sự phát triển này không chỉ thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực mà còn mang lại sự độc lập tài chính cao hơn cho các nước đang phát triển.

Chương trình nghị sự phi USD hóa ban đầu được triển khai trong nội bộ BRICS, nhưng hiện nay đã mở rộng sang khối CIS, nhằm mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng đồng USD trong các giao dịch thương mại và tài chính. Nếu xu hướng này tiếp tục phát triển, nó có thể là “đòn giáng” mạnh vào đồng bạc xanh, bao gồm việc không còn có người mua trên thị trường quốc tế. Điều này có thể tạo ra thâm hụt lớn và thậm chí siêu lạm phát tại Mỹ, do nhu cầu toàn cầu đối với đồng USD giảm sút.

Hoàng Hạnh